Người đàn bà ấy yêu và đáp lại tình yêu của anh không giống chị, người đàn bà phong kiến trong hôn nhân bây giờ đã lỗi thời. Tình yêu hiện đại là sống thử với nhau và sinh con đẻ cái.
Ngôi nhà nhỏ ở cạnh nhà tôi, đó là căn hộ của một người phụ nữ ngoài 30, sống độc thân. Thời buổi tấc đất tấc vàng, giá đất đắt sắt ra miếng, làm công ăn lương mà tìm được một căn hộ khép kín đã là mơ ước của bao nhiêu người. Tôi gặp chị khi đang mải mê chạy theo con cún nhỏ bố tôi mới mua của một người bạn đi nước ngoài về. Con cún sủa ăng ẳng khi nghe tiếng còi xe máy nổ, nó chồm lên gặm lấy ống quần của chị. Chiếc xe Dream tàu cua một vòng rồi đổ xịch trước mắt tôi đầy thiểu não.
Kìa! Mày thấy chưa? Khôn hồn thì ra góc sân mà nằm, nếu không tao sẽ đem mày bán cho mấy tay buôn chó, đời mày phiêu bạt cho biết thân. Vừa mắng con cún tôi vừa quay sang chị hàng xóm đầy ái ngại. Lúc này tôi mới có dịp nhìn kĩ chị, không thể nhầm được, chị là cô gái tỉnh lẻ. Vì con gái thành phố bây giờ ít ai để mái tóc dài đen óng ả như chị nữa. Gương mặt chị thanh thoát nhưng đượm buồn. Tôi rối rít xin lỗi chị rồi cùng chị đỡ chiếc Dream tàu đứng dậy một cách hết sức khó nhọc. Ơ kìa! Em cũng ở trong ngõ này à? Sao hôm nay chị mới gặp nhỉ? Chị vừa hỏi vừa nhìn tôi đầy thân thiện.
Dạ! - Tôi đáp - Em vừa tốt nghiệp đại học, đang chờ xin việc chị ạ. Em ở trong nhà suốt ngày nên có lẽ chị không gặp. Nhà em số 90, đối diện với hàng bún ốc đằng kia. Vừa nói, tôi vừa đưa tay ra hiệu cho chị biết. Mà quên tên em là gì nhỉ? Lan ạ. Còn chị? Chị tên Thảo. Nhà chị ở gần đối diện với nhà em. Là hàng xóm rồi nhé! Vừa nói chị vừa hướng ánh mắt về phía chiếc cổng sát màu hoen rỉ, tróc sơn. Chị dọn đến đây được một năm rồi - thuê đấy. Cũng may điện nước giá gốc em ạ. Tôi mỉm cười nhìn chị vẻ cảm thông. Có lẽ từ ngày bảo vệ luận văn tốt nghiệp, chị là người đầu tiên tôi tiếp xúc. Đám bạn thân của tôi thì bổ đi tứ xứ, đứa vào Nam, đứa về quê. Chỉ còn tôi bám lấy mảnh đất nội thành và chờ hồi âm của mấy tập hồ sơ xin việc được gửi gần hai tháng nay rồi. Chế độ bây giờ cũng lắm tiêu cực. Ai cũng nghĩ tôi sẽ được gọi đi làm ngay khi họ xem hồ sơ của tôi. Bằng tốt nghiệp loại giỏi, bằng C tiếng Anh, tiếng Trung. Rồi bằng vi tính nữa. Đám bạn tôi bảo: Mày là con mọt sách, đời sinh viên mà không biết đến tình yêu thì phí thật, không có tối thứ 7…
Nghĩ đến việc học bây giờ cũng oái oăm thật, nhiều đứa bạn lớp tôi học cực kì bát nháo, nhưng chỉ tại được là con ông nọ bà kia nên ra trường trông vẫn vi vu và lên tiên. Còn đám con nhà bình dân như bọn tôi thì có mài rách mấy cái đũng quần trên thư viện mà trong tập hồ sơ xin việc không có phong bì thì cứ nghển cổ ra mà chờ. Đấy là tôi thanh minh cho cái sự ăn không ngồi rồi mấy tháng nay ở nhà. Bố tôi bảo: Tốn vào mày mất 6 năm lương hưu của bố rồi. Gắng cho mày bằng chị bằng em mà lấy chồng. 25 tuổi rồi đấy, không còn trẻ đâu mà đọc sách nữa. Tôi cười nhìn sang bố: Bố ơi! Con đọc sách xem người xưa họ thi cử đỗ đạt như thế nào mà học tập. Ngẫm lại cuộc đời bố tôi cũng khổ, suốt mấy chục năm phục vụ trong quân đội về hưu thì vợ mất, con trai lớn đi nước ngoài, trước khi đi anh trai tôi còn nhắn lại như đinh đóng cột: Con sẽ không để bố và con Lan phải thiếu thốn thứ gì. Bố thích gì con cũng chiều nhưng con không chấp nhận người đàn bà nào thay thế mẹ con đâu. Bố tôi vốn ít nói và ông chỉ im lặng trước sự ích kỉ của người con trai lớn. Không phải ông nhu nhược vì sống nhờ vào đồng tiền thằng con kiếm được. Vì mức lương trung tá về hưu cũng đủ cho bố tôi có một cuộc sống gọi là tạm ổn. Chỉ có điều bố tôi vốn rất kín tiếng trước những vấn đề tế nhị.
Chiều mùa đông xào xạc gió, cái lạnh buốt da buốt thịt, bố tôi đi họp mặt đồng đội cũ. Tôi ở nhà một mình cùng con cún nghịch ngợm. Nó đang cào cào cái chổi lau nhà. Tôi gầm gừ quát: Cún! Mày có muốn chết không? Khôn hồn thì biến ngay! Nghe tiếng quát của tôi con cún lao vào xó nhà nằm im thin thít ra chiều rất ngoan ngoãn. Tôi vén rèm cửa sổ, ngóng nhìn trời. Rét thật! Chiều nay bố tôi không mang áo mưa. Có lẽ ông sẽ trú tạm ở quán nước ven đường. Đang mải mê suy nghĩ tôi chợt nhìn thấy chị. Chị đang ngồi ướt dưới hiên nhà, run rẩy. Chị đang khóc? Linh tính mách bảo tôi rằng chị đang rất buồn, tôi rón rén bước sang nhà chị như vị khách bất đắc dĩ, cánh cửa sắt hoen rỉ mở hờ hững. Tôi cầm chiếc ô rất to mà những đợt nước trút xuống đường như làm chiếc ô cong mình lên chống đỡ cái sức nặng có vẻ khủng khiếp. Tôi chợt mường tượng ra chị và chiếc ô của tôi cũng đang cùng nhau chịu những đợt sóng ngầm đầy trắc ẩn. Tự dưng tôi muốn lao vào ôm chị để che chở cho chị, ước gì tôi là một người đàn ông và bàn tay tôi có đủ độ săn chắc để tôi có thể vít cơ thể sắp quỵ ngã kia vào lòng mình mà sưởi ấm và che chở.
Chị Thảo! Tôi khẽ bật lên tiếng gọi nho nhỏ. Đó là điều duy nhất tôi biết về chị hàng xóm kể từ lần gặp chị trong ngõ tuần trước. Làm sao vậy? Vào nhà em rồi chúng ta cùng nói chuyện. Lúc ấy tôi nhìn sang cánh cửa nhà chị im lìm khoá .Sang nhà tôi, chị ngồi thu lu một góc như con mèo, đôi mắt ngân ngấn nước. Lấy chiếc khăn khô cho chị lau đầu, bộ quần áo khô cho chị mặc. Chị ngạc nhiên nhìn tôi rồi chị lại ngồi im như thóc. Tôi biết lúc này không nên phá vỡ tâm trạng mang hình khối cố định trong lòng chị. Có nhiều lí do khiến người ta buồn nhưng việc chị dầm mình chịu đựng cơn mưa như trút nước khiến tôi thấy ớn lạnh.
Em này! Chị nói chuyện như người mất hồn, như đang độc thoại với người chết, gương mặt chị phờ phạc như mất ngủ cả tháng vậy. Chị đã đánh mất hạnh phúc của mình, Lan ạ. Lỗi là tại chị. Nhưng vì sao? Tôi hỏi chị đầy ái ngại. Chị phân trần trong nước mắt: Chị và anh ấy yêu nhau khi còn đang là sinh viên năm thứ ba đại học. Anh ấy rất hiền từ, ít nói và biết cảm thông. Nhưng vì công việc của anh ấy liên tục phải đi xa và tiếp khách về muộn nên càng ngày vợ chồng chị càng ít có dịp trò chuyện cùng nhau. Nói đến đây người chị đổ sụp xuống như bức tường sau trận bão. Chị đã yêu anh ấy theo cách của người đàn bà thời phong kiến. Đàn ông là trụ cột trong nhà, dù có đa thê đa thiếp thì cuối cùng vẫn trở về với người vợ được cha mẹ cưới hỏi đàng hoàng và hơn thế nữa anh chị lại đến với nhau bằng tình yêu tự nguyện. Nhiều lần chị nghe thấy tiếng những người phụ nữ lạ gọi điện cho anh ấy nhưng cái thói quen tôn trọng quan hệ xã hội cuả chồng đã ngấm vào máu chị. Chị rút ra được nhiều kinh nghiệm xương máu rằng nhiều cặp vợ chồng ly hôn đều do thói ghen tuông của người đàn bà. Đã có lúc chị rủa thầm những người sống quá khắt khe ích kỉ rằng họ như ếch ngồi đáy giếng. Yêu chồng và giữ được chồng cũng là một nghệ thuật, chẳng thế mà chị ở cái tuổi 30 rồi, lại muộn con mà vẫn được tiếng là chồng yêu chiều hết mực. Hàng xóm ai cũng lấy chị làm gương để răn dạy con dâu và vợ.
Cuộc sống viên mãn ấy như những tình huống trong tiểu thuyết. Và anh ấy đã nằm ngoài tầm kiểm soát của chị cũng bắt đầu từ sự vẹn tròn viên mãn ấy. Chỉ đến một hôm anh trở về trong cơn say tuý luý, chị dìu chồng vào nhà, miệng run rẩy sợ hãi: “Ơ kìa! Mưa gió này mình đi đâu mà uống nhiều rượu thế? Nhỡ mà cảm thì làm khổ em. Cả đời em hi sinh cho mình, nhìn thấy mình được mở mày mở mặt là em mừng rồi”. Đỡ anh nằm xuống, chị chợt thấy bức ảnh rơi ra rừ phong bì thư, linh tính mách bảo, chị giơ bức ảnh lên ngắm, trực quan đầu tiên làm chị sắp ngất lịm trong bàng hoàng và thất vọng. Bức ảnh 3 người chụp với nhau hoàn toàn tự nhiên và hạnh phúc, chị cảm thấy như mình len vào cuộc sống riêng của anh. Bây giờ chị mới ngộ ra một điều, những chuyến công tác xa và những vụ đàm phán của anh vì công việc thì ra cũng nằm gọn trong bức ảnh ấm cúng này, mắt chị mờ hẳn đi khi nhìn kĩ đứa trẻ khoảng 3 tuổi, chao ôi! Nó giống anh như đúc, bên cạnh là người phụ nữ trẻ trung và nhan sắc có phần ưa nhìn hơn chị. Họ đang cười rạng ngời hạnh phúc mà chị thấy ớn lạnh, người phụ nữa này chị đã gặp nhiều lần ở cơ quan anh và trong những chuyến đi nghỉ mát cùng mọi người.
Vẫn nụ cười tự tin và đầy khiêu khích. Chị ta đang mỉa mai chị? Ừ, cũng phải. Chị là người đàn bà bù nhìn đáng thương. Chỉ người vợ quá tin vào tình yêu nên khi chồng có đứa con gần 3 tuổi mới vô tình biết được. Kể cũng khôi hài thật. Câu chuyện của chị mà chuyển thể thành phim thì khối kẻ ôm bụng mà cười. Chị lặng lẽ lang thang đi dưới mưa, cho đến khi nước mưa thấm ướt cơ thể, chiếc áo mỏng tang làm đôi nhũ hoa cương lên như muốn đẩy miếng vải chắn ra ngoài. Chị vẫn thèm khát tình yêu và hơn hết là một đứa con nhưng không hiểu sao ông trời lại tước đi cái quyền ấy của chị? Chị tự ôm lấy thân thể mình để tiếp thêm sức mà bước đi. Chị chỉ biết là mình phải đi. Vì trong lòng người đàn ông chị yêu thương ấy đã trót lãng quên chị, thay vào đó là gương mặt người đàn bà khác. Người đàn bà ấy yêu và đáp lại tình yêu của anh không giống chị, người đàn bà phong kiến trong hôn nhân bây giờ đã lỗi thời. Tình yêu hiện đại là sống thử với nhau và sinh con đẻ cái. Chị chợt giật mình khi nhận ra mình đã cũ trong mắt anh từ rất lâu rồi, anh va chạm cuộc sống nhiều và anh thích du nhập cái mới. Gương mặt chị từ từ ngẩng lên nhìn ra ngoài trời. Trời vẫn mưa cộng thêm cái rét mướt như sói vào lòng người khác. Chị quả là người hiền từ phúc hậu. Vì người đàn bà nanh nọc sẽ không bao giờ để mất hạnh phúc dễ dàng như thế. Chị đã lang thang đến xóm nhỏ này một năm trước vào một buổi chiều mưa tầm tã…
Bố tôi về nhà rất muộn. Tôi nhìn bố tôi tò mò từ đầu đến chân. Mấy bộ quân phục cũ kĩ bố tôi vẫn mang ra mặc mỗi khi có dịp gặp lại đồng đội cũ. Chỉ có điều hơi khác là gương mặt của bố tôi không được vui vẻ như nhiều lần trước. Bố ngả phịch xuống ghế, mắt chau lại như đang suy nghĩ. Bố tôi vốn rất dị ứng với mưa, nó làm bố tôi hay ngồi trầm tư và sống bằng hoài niệm nhiều hơn. Ngày xưa bố mẹ tôi quen nhau cũng trong đợt hành quân giữa mùa mưa. Mẹ làm y tá ở hậu phương. Bố tôi bị thương được đưa về hầm chữa trị. Tôi không nhớ rõ lắm về cái chết của mẹ tôi, chỉ biết rằng hôm đó trời mưa tầm tã, sấm sét ầm ầm. Hai anh em tôi được các dì ẵm bế, đó là một đám tang ám ảnh nhất đối với người dân khu phố.
Cho nên bây giờ cứ mỗi lần ai đó khuyên bảo bố tôi đi bước nữa để có người bầu bạn, bố tôi đều lảng tránh vì sợ làm tổn thương đến anh em chúng tôi. Bất chợt bố quay sang tôi, giọng buồn buồn: Con biết không? Cuộc đời này kể cũng thật kì lạ, vào sinh ra tử nơi hòn tên mũi đạn chẳng làm sao. Thế mà trở về với cuộc sống thanh bình thì lại chịu đựng bao đau khổ cay nghiệt. Người bạn cũ của bố mẹ đã qua đời do vết thương chiến tranh để lại. Chú ấy không lập gia đình, suốt mấy chục năm trời cứ vò võ một mình. Chuyện kể về chú ấy cảm động lắm. Ngày chú ấy trở về quê hương với mảnh đạn còn găm trong đầu, với một bàn tay vĩnh viễn bỏ lại nơi chiến trường. Nhưng điều day dứt nhất là người con gái mà chú ấy yêu thương nơi hậu phương đã bỏ đi lấy chồng vì nhận được tin chú ấy đã hi sinh. Tôi nhìn thấy thắm sâu trong ánh mắt của bố tôi là sự cảm động, là nước mắt, là sự độ lượng.
Và con biết không? Giọng bố tôi nghẹn lại. Hàng tháng trời có một người phụ nữ cứ đứng tầm tã dưới mưa. Người phụ nữ ấy đã cầu xin chú tha thứ để được trở về chăm sóc và sống với nhau như hai người bạn. Người phụ nữ ấy. Bố tôi khẽ ngước lên bàn thờ còn đang nghi ngút khói, giọng trầm lại, người ấy … chính là mẹ con. Suốt mấy chục năm qua bố luôn thấy ân hận day dứt vì không làm cho mẹ con được hạnh phúc. Con có biết không? Hôm mẹ con trốn viện là để đi gặp và chào chú ấy lần cuối. Bố biết, nên bố bảo anh trai con không phải đi tìm nữa. Bố không ghen à? Tôi nhìn bố tôi thương xót. Đó là chút nghĩa tình của người sắp chết, ghen làm sao được hả con. Bố đã đứng ở một khoảng xa nhìn mẹ con trong tuyệt vọng. Lúc ấy bố rất muốn chạy đến ôm chặt lấy mẹ con nhưng đôi mắt mẹ con, cơ thể ướt sũng nước mưa của mẹ đã nằm trong vòng tay của chú ấy. Đêm ấy, con biết không? đó là đêm duy nhất trong cuộc đời mẹ con được sống trong tình yêu. Bố cảm thấy mình được an ủi vì đã nhìn thấy mẹ con được hạnh phúc trước khi nhắm mắt. Tôi chỉ muốn oà lên nức nở. Tôi ko hiểu vì sao mà bố tôi buồn thế. Bố rất yêu mẹ nhưng cả cuộc đời của bố không có được trái tim của mẹ.
Chị đang ngồi ở hiên nhà, đôi mắt thất thần đăm đắm nhìn mưa. Tôi nhìn chị, nhìn căn nhà trọ bé nhỏ tội nghiệp đang run lên dưới mưa, đang co mình chống trả sự cô đơn. Chị đang nghĩ gì vậy? Tôi hỏi chị giọng buồn buồn. Em ạ, chị đang như người chết khát gặp sa mạc ấy. Chị không biết nên giận hay thương người ta, dẫu sao anh ấy cũng là chồng cũ của chị. Hôm qua chị đã gặp anh ấy. Trông tội nghiệp lắm. Anh ấy bị phá sản rồi. Anh ấy cứ đi lang thang ở những bãi rác lớn, luôn miệng gọi tên chị. Em gái chị kể lại rằng từ bận chị bỏ nhà đi anh ta thấy day dứt và đi tìm chị khắp nơi. Nhưng không thấy tin tức gì cả, rồi công việc làm ăn đổ bể. Chán đời và hụt hẫng tột độ anh ấy hoá điên, gặp ai cũng nhận lầm là chị. Cuộc đời ai cũng có một lần phạm sai lầm. Nhưng trong hôn nhân họ không cho người ta được lựa chọn nhiều đâu em ạ. Em còn trẻ, Em hãy nhìn sự đổ vỡ của chị mà rút kinh nghiệm nhé. Tôi cười méo miệng vì sợ hãi. Tôi sợ sự bắt đầu mà dẫn đến đổ vỡ. Vì có ai chọn cho mình cuộc sống lí tưởng được đâu. Khi đau khổ họ đổ cho tại số phận. Cuộc đời người đàn bà làm tôi liên tưởng đến số phận người hát rong, hát đến khản cổ mới được người ta ném cho mấy đồng bạc lẻ, có người ác ý họ còn tặng cho một nụ cười mỉa mai hiểm hóc.
Bố tôi tóc đã điểm bạc, cái thú vui lớn nhất của bố tôi bây giờ là gặp lại người đồng đội cũ để ôn lại kỉ niệm xưa. Tôi cứ thương bố vì cả đời cứ mải chạy theo một tình yêu mà sự đáp lại chỉ là miễn cưỡng. Giá như người ấy không đột ngột trở về thì biết đâu bố tôi đã được sống hạnh phúc trọn vẹn? Mẹ tôi đã nhiều lần xin bố tôi li hôn để không phải lừa dối tình cảm thật của mình và cũng để không làm tổn thương đến bố. Nhưng tình yêu và lòng ích kỉ đã khiến bố tôi chấp nhận sống với phần xác, cái phần mà đã sinh ra anh em chúng tôi. Nhiều lúc tôi cứ ước bố tôi còn đủ thời gian để làm lại sai lầm thời trai trẻ, để bố không phải vò võ đau khổ cho đến bây giờ.
Tôi nghiêng mình bên cửa sổ ngắm dòng người đổ về nhà sau một ngày bôn ba tứ xứ mưu sinh. Chợt thấy mình thật yên ả. Cơn mưa lại đổ về, ùn ùn, đen kịt ở góc trời đàng đông. Mưa như một thói quen, thói quen ấy làm bố tôi thường cảm thấy khó chịu ngột ngạt. Ông bảo: Mưa làm bố thấy nhớ mẹ con nhiều hơn, nó đóng đinh bố tôi vào một tình yêu không lối thoát. Trời sầm sập mưa, mưa như trút nước. Tôi luống cuống buông rèm cửa trên lan can tầng ba và cài chốt mấy cửa sổ cho khỏi ướt. Tôi chợt nghe tiếng bước chân của bố xen lẫn tiếng mưa, Bố đang ở ngoài cổng, tay cầm ô che mưa nhưng bên cạnh bố là chị,sao bố lại đi cùng chị nhỉ? Tôi làm sao mà biết được. Chị bị ướt sũng, từ trên này tôi nhìn rõ đôi nhũ hoa của chị đang cương lên, nó như muốn đâm thẳng ra ngoài qua làn áo mỏng. Chẳng biết bố tôi có hiểu ngôn ngữ của bộ ngực chị không nhưng tôi thấy bố tôi nhìn theo chị khuất sau cánh cửa sắt hoen rỉ, cái nhìn dường như rất trẻ…
Theo: nhimlongxanh.com