Thêm một ngày nữa trong chuỗi thời gian 35 năm sống nhờ đường phố của chị Trần Thị Bích Nga. Không biết chữ, thân mang tật nguyền nhưng khát vọng sống vẫn âm ỉ cháy bên trong người đàn bà bất hạnh.
Đã từ rất lâu, những du khách, đặc biệt là các bạn trẻ, đã quen thuộc với hình ảnh một người phụ nữ tàn tật trên xe lăn bán dạo trên đường phố Sài Gòn. Nhưng chẳng mấy người biết những năm tháng sống với một nửa sự công bằng của số phận, người phụ nữ ấy đã vượt qua biết bao nhiêu bi đát và đau khổ.
Chân yếu trên đường gập ghềnh
5h30 sáng, người phụ nữ 45 tuổi khập khiễng đẩy chiếc xe lăn ra khỏi gầm cầu thang khu chung Hồ Con Rùa, quận 1, nơi chị sống tá túc hằng đêm, trả lại không gian cho những quán cà phê dọn hàng. Đường phố Sài Gòn vẫn còn vắng người qua lại.
Chị Nga đã 35 năm xa miền quê Nga Sơn, Thanh Hóa, vào sống trên đường phố Sài Gòn. Không nhà cửa, không người thân, 35 năm là những tháng ngày chị đi về cô độc và lặng lẽ.
35 năm qua, Trần Thị Bích Nga đã làm bạn với đường phố Sài Gòn |
10 tuổi, khập khiễng nửa thân người do bị sốt bại liệt từ lúc mới sinh, Nga đã có một chuyến đi lớn của cuộc đời, một chuyến đi suốt 35 năm sau chưa một lần trở lại. Cũng từ đó, người phụ nữ chỉ còn một nửa sức khỏe, một nửa công bằng về thể chất bắt đầu cuộc sống đơn độc giữa Sài Gòn xa lạ đông đúc chỉ với một thông tin duy nhất khi “nghe người ta nói rằng Sài Gòn dễ sống, dễ kiếm việc làm”.
Giờ nghỉ trưa và đêm của chị Nga |
Người phụ nữ 35 năm của đường phố Sài Gòn
Tuổi ngày càng lớn, nửa thân người bên phải mỗi lúc một đau và yếu dần, chị Nga không thể tiếp tục làm những việc nặng được nữa. Ngồi trên chiếc xe lăn, tay trái xoa xoa vào chân phải, chị nói: “Cái chân càng ngày càng yếu dần thấy rõ, đi lại rất khó khăn, đau nhức. Tay phải cũng không bưng bê nổi gì nữa. Mình chậm chạp chủ cũng không cho làm”.
Du khách ở khu vực nhà thờ Đức Bà, quận 1, đã quen với hình ảnh người phụ nữ trên xe lăn đi bán dạo |
Chị Nga không biết chữ. Nhiều khi, sự thiệt thòi đó cũng làm khổ chị. Đôi lúc khách mua kẹo đưa tờ tiền lớn, chị cứ nhẩm đi nhẩm lại mà vẫn trả tiền cho khách bị nhầm. Vài người khách thương chị tàn tật, lúc chị lăn xe lại để xin cũng chịu hoàn lại tiền, nhưng cũng có vài kẻ thì bỏ đi mất dạng.
Suốt hơn nửa đời người sống chung với sự náo nhiệt của các con phố Sài thành, mang thân phận không nhà chỉ có gầm cầu thang khu chung cư để che mưa, che sương mỗi đêm nhưng chị cũng phải đợi đến khuya khi các quán cà phê đã dọn mới về được. Người bạn duy nhất với chị là chiếc radio luôn mang theo bên mình. Lấy chiếc radio ra dò đài, chị nói: “7h tối là mệt lắm rồi không đi nổi nữa chỉ mong về sớm ngủ thôi nhưng đâu có về được. Phải đợi đúng 10h30 từ từ đi về thì mới có chỗ để ngủ, nhưng có ngày khách cà phê ngồi tới 12h đêm thì tới giờ đó mình mới về được “nhà””.
"Nhà" của chị Nga cũng chỉ là một gầm cầu thang của một chung cư |
Đêm Sài Gòn tháng 6 bất chợt đổ mưa, chị Nga vội đẩy nhanh bánh lái tấp vào bên hông Bưu điện Thành phố trú mưa. Tay ôm cái chân bại liệt, lúi húi xem lại chiếc xe lăn cũ kỹ đã mòn vẹt lốp, cổ xe đã chai cứng đến nỗi không thể bẻ lái, chị vừa cười vừa nói: “thấy mưa là lo chạy nhanh chứ không kịp ướt hết hàng. Có những ngày trời mưa suốt mình cũng ngồi suốt ở đây, không đi bán được mà cũng không về chung cư được. Có khi cả đêm cứ ngồi nhìn mưa đợi tới sáng đi bán tiếp là chuyện bình thường”.
Đêm về khuya, người phụ nữ của 35 năm đường phố Sài Gòn kết thúc một ngày làm việc. Chị ngồi lại một góc đường, lau mồ hôi và lăn xe trở về gầm cầu thang tạm bợ. Chẳng bao giờ có người nghe thấy chị than thở, 35 năm qua, những vòng xe lăn cũ kỹ của chị đã chứng kiến biết bao đổi thay của Sài Gòn và chị cũng gửi lại đó hơn một nửa đời người với biết bao sóng gió.