"Chúng ta là những gì chúng ta ăn (We are what we eat). Gần như, chúng ta đang bị đầu độc hàng ngày hàng giờ với dư lượng thuốc trừ sâu, dư lượng các loại hóa chất trong rau củ quả; dư lượng chất kháng sinh trong tôm, cá; dư lượng chất tăng trọng, chất tạo nạc trong thịt. Ung thư tăng, béo phì tăng… như là một hệ quả tất yếu có thể nhìn thấy được từ thực phẩm chúng ta ăn. Còn những hệ quả nào khác thế nữa, mức độ nghiêm trọng tới đâu thì rất cần một nghiên cứu sâu và khoa học…" - TS Nguyễn Sĩ Dũng.
Chưa khi nào người dân Việt Nam lại phải “đương đầu” với nhiều loại thực phẩm bẩn như hiện nay. Từ các món ăn khô đến ướt, từ món mặn đến món ngọt, từ đồ dầm cho đến đồ chín, từ bữa sáng đến bữa đêm… nguy cơ bị đầu độc từ thực phẩm luôn rình rập.
Cái sự bẩn của thực phẩm dường như không còn giới hạn ở mức đau bụng, tiêu chảy mà đã có người cho rằng, tình trạng bệnh ung thư gia tăng cũng liên quan đến thực phẩm bẩn, thực phẩm nhiễm hóa chất….
Theo báo cáo của Cục Chăn nuôi (Bộ NN - PTNN) cuối tháng 10/2012 vừa qua, vào những ngày cao điểm, lượng gà thải loại nhập qua các cửa khẩu Quảng Ninh, Lạng Sơn có thể lên đến vài trăm tấn/ngày. Theo đó, ước tính bình quân mỗi năm, có thể nhập 70.000 – 100.000 tấn gà đẻ thải loại vào Việt Nam.
Không những thế, công nghệ đầu độc cũng vô cùng phong phú. Cách đây chưa lâu, ngày 18/9/2012, Phòng Cảnh sát môi trường và Chi cục quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ hơn nửa tấn mang sợi khô đã hấp qua lưu huỳnh và 118 kg lưu huỳnh không rõ nguồn gốc xuất xứ để dùng sản xuất măng ở một số cơ sở chế biến tại huyện Thọ Xuân.
Ngày 23/9, cơ quan chức năng cũng thu giữ được 25 tấn măng tươi có ướp lưu huỳnh. Sự việc làm chấn động dư luận khi hết quả xét nghiệm cho thấy lượng lưu huỳnh trong sản phẩm này vượt ngưỡng cho phép 130 lần.
Chủ cơ sở khai nhận chuyện gom mua các loại măng khô bị ẩm mốc về rửa qua nước rồi dùng lưu huỳnh để sấy khô và tung ra bán trên thị trường cho người tiêu dùng.
Trước vụ măng khô, tươi bị phát hiện có tẩm ướp chất lưu huỳnh, ngày 12/6, Phòng cảnh sát môi trường Công an Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra và phát hiện cơ sở chuyên thu mua lợn chết để bán cho các cơ sở chế biến thành ruốc, thành thịt chưng mắm tép… Ngay sau đó, các vụ buôn bán lợn chết tiếp tục bị phát hiện và bắt giữ. Chủ hộ thừa nhận rằng, số lợn trên là lợn dịch tai xanh được thu gom trong nhiều ngày qua.
Lực lượng chức năng cũng tiến hành kiểm tra cơ sở chế biến thực phẩm tại số 209 đường Nguyễn Khoái, phát hiện cơ sở này chứa một lượng lớn thịt lợn, chờ sao tẩm làm ruốc, chế biến món thịt chưng mắm tép. Chủ cơ sở thừa nhận, thịt lợn chết được mua khi đã thịt bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bâu đầy, mắc bệnh tai xanh
Ruốc làm từ thịt lợn chết được bán với giá từ 100.000 – 120.000 đồng/kg còn mắm tép bán giá 10.000 – 30.000 đồng/lọ tùy loại.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan, người tiêu dùng không hoang mang, lo lắng, ĐB Trần Thị Quốc Khánh nhận định, mặt trái của công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế thị trường là ô nhiễm môi trường, làm ăn gian dối. Người sản xuất thì lạm dụng hóa chất, phụ gia, công nghệ mới, miễn là giảm giá thành sản phẩm tới mức tối đa; người tham gia lưu thông hàng hóa cũng lạm dụng hóa chất, công nghệ để bảo quản, làm hàng bắt mắt hơn, miễn làm sao thu lợi nhuận tối đa.
Ở nhiều miền quê bây giờ, trong mảnh vườn của không ít người nông dân chia thành hai luống, một luống trồng rau để gia đình sử dụng, một luống rau khác để bán. Luống rau để ăn thì chăm bón sạch, không hóa chất, thuốc kích thích, còn luống để bán thì phun đủ thứ, miễn sao lá xanh mướt, bóng bẩy, bắt mắt người mua. Tuy nhiên không phải ai cũng làm thế.
"Hôm rồi tôi về thăm gia đình một chị là Chi hội trưởng phụ nữ của một thôn, món quà quý nhất chị dành cho khách là túi rau quả sạch, tự tay gia đình chị trồng, hái. Trông mảnh vườn tươi tốt, xanh mướt rau và quả trĩu cành, tôi biết chị đã phải bỏ rất nhiều công chăm bón, để thực sự là rau sạch, quả lành.
Chưa bao giờ món quà quê trở nên quý giá đối với người thành phố lại chính là rau quả sạch như bây giờ. Vì vậy, tôi không dám dùng hết mà chia cho các gia đình khác, “hoa thơm mỗi người hưởng một tí”, ai cũng rất vui mừng vì món quà ý nghĩa này". - Bà Khánh nói.
Còn theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, người Việt đang bị đầu độc hàng ngày. TS Dũng phân tích, một đất nước 70% là nông nghiệp mà ăn cái gì cũng nơm nớp lo chất độc là một rủi ro nếu không muốn nói là một bất hạnh lớn. Người giàu đang đối phó bằng cách lập trang trại, tự trồng rau củ, quả, nuôi con gà, con lợn, con cá…
Người giàu hơn nữa thì chỉ ăn những nông sản ngoại nhập có thương hiệu. Tiếc thay, đấy chỉ là thiểu số. Phần còn lại vẫn phải chấp nhận, sử dụng mà không tin tưởng bởi họ không có lựa chọn nào khác.
Hệ quả của tất cả những phản ứng trên cuối cùng đều trút xuống người nông dân. Người giàu không tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trong nước thì những nhà đầu tư hẳn sẽ lựa chọn nhập khẩu nông sản hơn là đầu tư một mô hình sản xuất khoa học và an toàn giúp nông dân nâng cao chất lượng rau, củ, quả…
"Người tiêu dùng trong nước còn không tin vào sản phẩm của nước mình thì khả năng thuyết phục người nước ngoài là không dễ, nông sản không xuất khẩu chỉ loanh quanh phục vụ những người có thu nhập thấp (vì người giàu đã có lựa chọn cho họ) thì việc làm giàu nhờ nông nghiệp sẽ như một cái gì đó nhìn thấy được nhưng lại quá xa tầm với.
Việc cần làm ngay là vận hành đồng bộ những giải pháp ngăn cản mọi hành vi sai trái trong sản xuất, kinh doanh nông sản nhằm tối đa hóa lợi nhuận gây ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng" - TS Dũng cảnh báo.
Còn theo TS Đặng Kim Chung thì hiện nay, tư duy phổ biến sẽ là "các cơ quan chức năng vào cuộc". Người ta trông chờ vào trách nhiệm của Nhà nước.
Nhưng ngay trong trường hợp Nhà nước chưa hiệu quả, xã hội vẫn đứng lên được.
Nói về tình trạng thực phẩm bẩn đang diễn ra, TS Chung cho rằng về khía cạnh thị trường, đây thực sự là cơ hội làm ăn hiếm có. Thị trường của chúng ta đi quá nhanh, phân cấp thị trường đi quá nhanh, cần có sự tổ chức ở cả đầu cung và đầu cầu. Ví dụ đầu cung, nông dân tổ chức thành những tổ nhóm. Trong tổ kiểm soát lẫn nhau, chia sẻ quyền lợi chung. Đầu người bán cũng thế. Có chuỗi cửa hàng, cùng chung tiêu chuẩn, nguồn gốc sản phẩm, giá cả, có mối liên hệ khăng khít về mặt lợi ích… Khi đó, bên ngoài càng mắc lỗi, chuỗi cung cầu khép kín đó càng có nhiều khách hàng, càng có lợi nhuận cao.
"Người ta vẫn nhắc đi nhắc lại câu chuyện 5 Bộ không lo được một mâm cơm như minh chứng về sự chồng chéo, không hiệu năng của quản lý Nhà nước.
Câu chuyện sẽ đơn giản hơn nhiều nếu có Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đủ mạnh và được toàn quyền. Họ không cần có chuyên môn, mà điều phối, thuê người có chuyên môn tới kiểm tra thực phẩm. Họ sẽ có tiếng nói khách quan độc lập, thực sự vì người tiêu dùng và được người tiêu dùng ủng hộ, vì đó là những người do họ bầu ra. Khi đó, sức mạnh của thị trường sẽ vận hành, loại trừ những hành vi sai trái, vi phạm đạo đức". - TS Chung phân tích.
Khánh Trung
theo PNTD