Trên chuyến bay đêm từ Hồng Kông đến TP.HCM, ánh mắt trầm ngâm hiện rõ trên gương mặt của ông Terance V., giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của một ngân hàng nước ngoài. Vài năm gần đây, chi nhánh ngân hàng của ông tại TP.HCM đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân sự cấp cao; cá biệt một bộ phận có 5 trong số 7 chuyên viên, dù hưởng mức lương 4.000 USD/tháng, vẫn lần lượt xin nghỉ việc vì cùng một lý do: định cư ở nước ngoài. Giải pháp trong ngắn hạn, sau khi được ông thảo luận kỹ với bộ phận nhân sự, là thay đổi ưu tiên tuyển dụng: thay vì đặt ra yêu cầu chuyên môn cao như những năm trước, nay sẽ tìm kiếm những ứng viên có cam kết lâu dài.
Trong một diễn biến khác, lễ hội Trung thu vừa qua tại các gia đình ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh chỉ có người già và trẻ em. Bởi vì, hơn 30% trong tổng số gần 15.000 cư dân tại đây đang làm việc tại hơn 22 quốc gia trên thế giới. Người đi mới nhất khoảng 3 năm, người đi lâu là hơn 15 năm, nhiều gia đình có cả ba thế hệ với hơn 10 người đều xuất khẩu lao động. Họ lần lượt gia hạn hợp đồng lao động nhiều năm, tạo nên làn sóng ngầm “di cư có thời hạn”. Thậm chí, do quá nhiều lao động bỏ trốn tại Hàn Quốc khiến 5 huyện của Hà Tĩnh bị cấm không được tham gia chương trình hợp tác lao động với Hàn Quốc (chương trình EPS) trong năm 2016.
Theo thống kê mới nhất của Tổ chức Di dân Quốc tế (IOM), mỗi năm, Việt Nam có trung bình hơn 100.000 người di cư và Việt Nam đang nằm trong tốp 10 quốc gia có số du học sinh nhiều nhất thế giới. Hằng năm, không chỉ nhóm người trí thức xin định cư và kiếm tìm công việc tại những quốc gia phát triển, mà xu hướng di cư còn lan rộng sang tầng lớp khác. Từ nhóm doanh nhân định cư dạng đầu tư tại Mỹ, châu Âu hay Úc, nhóm lao động phổ thông cũng đang tìm đến các thị trường cần nguồn nhân lực giá rẻ như Đài Loan, Nhật, Malaysia, Hàn Quốc và Trung Đông. Sự thiếu hụt lực lượng lao động, đặc biệt là lao động chất xám, đang tạo ra những khoảng trống mất cân đối không chỉ trên thị trường lao động mà còn trên cả bình diện kinh tế. Cùng với dòng tiền chạy ra khỏi biên giới còn có hệ lụy xã hội khi nhiều đứa trẻ phải rời xa vòng tay cha mẹ…
Ba trục di cư
“Chưa có thời kỳ nào mà nhân loại lại chứng kiến kỷ nguyên di cư khổng lồ và trải rộng trên phạm vi toàn thế giới như hiện nay”, Tổng Thư ký Liên hiệp Quốc Ban Ki-moon từng phát biểu trong cuộc họp khẩn sau cái chết thương tâm của một em bé 3 tuổi người Syria trên đường trốn sang Thổ Nhĩ Kỳ vào năm ngoái. Cùng chung trong vòng xoáy thời đại, sự tăng trưởng về số lượng người di cư của Việt Nam thời gian qua diễn ra đồng loạt ở cả 3 trục chính gồm: di cư du học, di cư lao động (gồm di cư xoay vòng - di cư ngắn hạn và gia hạn theo hợp đồng lao động) và di cư hôn nhân gia đình. Làn sóng ngầm di cư đã lên đến gần 2,6 triệu người (tính lũy kế từ năm 1990 đến nay) trong tổng số hơn 4,5 triệu người Việt, tương đương khoảng 4,7% công dân đang sinh sống tại nước ngoài. Đặc điểm dễ nhận thấy ở các quốc gia đích đến của người Việt thường có môi trường trong lành, cơ hội việc làm tốt và dịch vụ y tế tiên tiến. Trong Báo cáo Di cư và kiều hối thế giới, World Bank đánh giá Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia di cư nước ngoài nhiều nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương tính đến năm 2013.
Trong một thế giới phẳng, quy luật cung cầu về sức lao động, dịch vụ, chênh lệch về mức sống và thu nhập, các điều kiện an sinh xã hội đã thúc đẩy mạnh mẽ các luồng di cư từ Việt Nam ra nước ngoài. Luật sư Phùng Anh Tuấn, Tổng Lãnh sự danh dự Phần Lan tại TP.HCM, chia sẻ: “Các hình thái di cư của công dân Việt Nam ngày càng đa dạng và phức tạp, quy mô di cư ngày càng gia tăng”. Quan sát trong một thời gian dài, những lợi ích tích cực từ làn sóng di cư đã bắt đầu có những gam màu tối.
Nhìn sang nước láng giềng luôn có lượng người di cư lớn nhất thế giới là Trung Quốc, có thể thấy “cơn bão” thật sự nằm ở hiện tượng Smurfing “di cư vốn” ra khỏi quốc gia. Chỉ tính riêng trong năm 2015, vốn đầu tư mới của Trung Quốc vào châu Âu đạt đến 30 tỉ USD so với 18 tỉ USD của năm 2014. Cũng trong năm ngoái, gần 1.000 tỉ USD đã được các cá nhân và công ty chuyển ra khỏi lãnh thổ Trung Quốc (theo số liệu của Ngân hàng J.P. Morgan Chase). Cùng lúc đó, số người Hoa được cấp thẻ cư trú trên lãnh thổ các nước châu Âu là gần 77.000. Chuyên gia di trú Rebecca Nguyễn, người có hơn 10 năm tư vấn di trú tại New Zealand, nhận xét: “Những người Trung Quốc giàu có thường chọn định cư tại Mỹ và châu Âu. Còn New Zealand hay Úc là điểm đến của tầng lớp trung lưu. Trung bình một người Hoa di cư diện đầu tư thường chuyển khoảng 7-10 triệu USD ra khỏi đại lục”.
Tại Việt Nam, xu hướng tương tự cũng diễn ra. Đơn cử, chiều dòng tiền chảy ra khỏi biên giới thường tập trung ở nhóm doanh nhân Việt di cư diện đầu tư và di cư du học. Ngược lại, chiều hút tiền thông qua kiều hối hiện tập trung ở nhóm di cư lao động thuộc đối tượng trí thức hoặc di cư tay nghề thuộc nhóm lao động phổ thông. Theo ông Chris Lộc Đào, Tổng Giám đốc Công ty Tư vấn định cư USIS, trung bình một doanh nhân Việt Nam di cư diện EB5 (định cư thông qua đầu tư dự án) vào Mỹ thường bỏ ra chi phí đầu tư 3-7 triệu USD. Trong gần 1 thập niên tư vấn định cư, USIS đã tư vấn thành công cho hơn 100 doanh nhân Việt, đồng nghĩa với lượng tiền ra khỏi Việt Nam qua công ty này là hơn 1 tỉ USD. Nhìn rộng ra, theo thống kê sơ bộ, trên cả nước có khoảng hơn 2.500 công ty đang cung cấp dịch vụ tư vấn du học và định cư. Còn theo ước tính chưa đầy đủ của những chuyên gia tư vấn định cư, mỗi năm chỉ riêng nhóm doanh nhân thông qua các suất đầu tư nhà đất và dự án nhằm hợp thức việc đổi màu hộ chiếu đã mang ra khỏi lãnh thổ Việt Nam 10-12 tỉ USD.
Theo Nhóm Công tác giáo dục và đào tạo thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp thường niên (VBF) 2015, Việt Nam hiện có hơn 110.000 học sinh du học tại hơn 50 quốc gia với mức học phí 40.000 USD mỗi năm, 90% số này là du học tự túc. Nghĩa là du học sinh Việt mỗi năm đang bỏ ra khoảng gần 3 tỉ USD để có được nền giáo dục quốc tế. Sự tăng trưởng số lượng du học sinh Việt tại Mỹ được nhận xét “chóng mặt”, trung bình tăng trên 15% mỗi năm, qua đó nâng tổng số học viên, sinh viên người Việt ở Mỹ lên gần 29.000, xếp thứ 6 trong thống kê về số học viên, sinh viên nước ngoài tại Mỹ. Tại Úc, tính đến cuối năm ngoái, có khoảng 28.500 sinh viên Việt Nam đang học tập và nguồn tiền mà gia đình Việt chi trả cho các khoản chi phí tại Úc trung bình khoảng 25.000 USD mỗi năm. Như vậy, với lượng du học sinh gia tăng mỗi năm thêm 5-7%, ngoại hối chảy ra khỏi Việt Nam chỉ tính riêng cho diện di cư du học sẽ gia tăng trung bình khoảng 250 triệu USD.
Theo ước tính của IOM, thế giới hiện có khoảng 214 triệu người di cư và con số này sẽ tăng lên 405 triệu người vào năm 2050. Di cư lao động của Việt Nam cũng đang nằm trong xu thế toàn cầu này. Hầu hết người Việt Nam di cư đến các nước phát triển, trong đó tập trung đông nhất là ở Mỹ (hơn 1,3 triệu người), Pháp (125.700 người), Đức (gần 113.000 người), Canada (182.800 người), Úc (227.300 người), Hàn Quốc (114.000 người). Tại các nước Đông Âu và một số nước châu Á như Lào, Campuchia, Malaysia mỗi nước có khoảng trên 10.000 người Việt di cư đến đây.
Dòng tiền đảo chiều
Hãy quay trở lại trường hợp của ông Terance V. Trong tổng số 5 chuyên viên của ông đi định cư, có 2 người đến Canada, 1 đến Mỹ, 1 trở về Pháp và 1 đến Úc. Điều doanh nhân này thắc mắc chính là tại sao họ sẵn sàng bỏ hợp đồng vô thời hạn tại ngân hàng thuộc tốp 5 thị trường với mức lương đáng mơ ước để chấp nhận trở thành bà nội trợ tại nước ngoài hoặc một vị trí thụt lùi trong sự nghiệp với mức lương thấp hơn nhiều. “Tôi nghiệm ra rằng, giới trí thức trẻ người Việt bắt đầu có xu hướng coi trọng một môi trường trong lành và phúc lợi về y tế, giáo dục chất lượng cao cho con cái trong tương lai”, ông Terance V. tâm sự.
Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về kiều hối trong năm ngoái xét trên quy mô toàn cầu. Ảnh: Sơn Phạm |
Ở luồng vào của dòng tiền, kiều hối của Việt Nam chủ yếu dựa trên nguồn lực của 0,5 triệu lao động Việt tại hơn 40 quốc gia tập trung tại hơn 30 ngành nghề khác nhau từ lao động phổ thông đến mức chuyên gia cao cấp. Mỗi năm, các doanh nghiệp xuất khẩu mới khoảng 90.000 lao động sang các nước, tương đương gần 5% tổng lao động có việc làm. Điều đáng nói là số lao động này thường tìm cách gia hạn hợp đồng để được tiếp tục xuất ngoại. Anh Nguyễn Văn Hoàng, quê tại Thái Nguyên, 32 tuổi, có gần 9 năm làm việc tại Hàn Quốc. Anh quyết tâm thực hiện mục tiêu được nhập quốc tịch xứ Hàn. “Mỗi tháng tôi tiết kiệm được khoảng 1.000 USD để gửi về cho gia đình. Nếu tôi ở Việt Nam với tấm bằng phổ thông, chuyện này là không tưởng”, anh Hoàng tâm sự khi về Thái Nguyên thăm nhà và hỗ trợ cho đứa em họ, người thứ 7 trong dòng họ của anh, cùng sang Hàn Quốc vào mùa xuân tới. Suy nghĩ của anh Hoàng là điển hình đối với nhóm “di cư xoay vòng” đang tăng mạnh. Chẳng hạn, theo thống kê cập nhật tháng 9.2016 của Tổ chức Di trú New Zealand (INZ), có 421 bộ hồ sơ Việt Nam đã định cư diện tay nghề và con số này tăng đều qua các năm.
Báo cáo của World Bank cho biết, lượng kiều hối gửi về Việt Nam trong năm 2015 đạt gần 13 tỉ USD và Việt Nam đứng thứ 11 thế giới về kiều hối trong năm ngoái xét trên quy mô toàn cầu. Còn xét ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Việt Nam đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Philippines. Kiều hối tỉ lệ thuận với số người Việt định cư tại nước ngoài. Chẳng hạn, riêng kiều hối từ Mỹ chuyển về Việt Nam đã đạt khoảng 7 tỉ USD trong năm ngoái và dự kiến sẽ tăng thêm 1 tỉ USD trong năm 2016.
Diễn biến thực tế cho thấy chênh lệch giữa dòng tiền ra - vào Việt Nam đang ngày càng thu hẹp, thậm chí có xu hướng đảo chiều. Hiện trạng di dân đang đặt nền kinh tế Việt Nam trước nhiều thách thức mới về sự thiếu hụt và chuyển dịch sắc xanh (ngoại tệ) và sắc xám (trí thức trẻ) trong bối cảnh quốc gia đang cần cải tổ và tập trung nguồn lực mạnh mẽ để nâng cao vị thế cạnh tranh. Giai đoạn 1993-2014, Việt Nam nhận lũy kế tổng cộng gần 97 tỉ USD kiều hối, tương đương 6,8% GDP, nhưng cũng có một lượng ngoại tệ tương đương chảy ra khỏi lãnh thổ qua con đường chính thức và phi chính thức.
Hệ lụy đa chiều
Dọc theo vùng biển miền Trung trải dài từ Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi là những địa phương có số dân xuất khẩu lao động cao nhưng cũng đang phát sinh những hệ lụy mới. Tại huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bỏ lại sau những chuyến bay xa xứ của 90% hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động là một thế hệ trẻ em phải sống xa cha mẹ. Sống trong những ngôi nhà cao tầng, đầy đủ tiện nghi nhưng những đứa trẻ quanh quẩn với ông bà thường có xu hướng sống khép kín và mê mệt với trò chơi điện tử. Trong khi đó, trẻ em của các tỉnh thành có nhiều người xuất khẩu lao động đang đối mặt với cám dỗ tệ nạn xã hội khi thiếu sự giám sát của cha mẹ.
Mặt khác, việc nhiều năm liên tiếp Việt Nam có mặt trong danh sách những nước “xuất khẩu cô dâu” sang Hàn Quốc hay Đài Loan, tức hệ di cư hôn nhân gia đình, đã hình thành nên thế hệ trẻ em lai mới. Khi các cuộc hôn nhân sụp đổ là lúc trẻ em theo mẹ trở về quê nhà và gặp khó khăn trong việc kê khai lý lịch để hưởng các dịch vụ y tế, giáo dục. Cùng với đó là hoàn cảnh đau lòng của nhiều cô gái bị hành hạ ở xứ người…
Mỗi năm, Việt Nam có hơn 100.000 người di cư. Ảnh: dreamstime.com |
Theo Hãng Thông tấn Đài Loan CNA, trong gần 4.400 người được nhập quốc tịch Đài Loan năm 2014, hơn 95% là phụ nữ và 77,2% là công dân Việt Nam. Số cô dâu Việt luôn đứng đầu tại xứ Đài trong cả thập niên gần đây. Ghi nhận của Viện Y tế và Các Vấn đề xã hội Hàn Quốc cho thấy, số lượng cô dâu đến từ Việt Nam dẫn đầu với gần 500 người năm 2002, đã tăng 18 lần lên hơn 9.000 người vào năm 2015, vượt qua nước đứng thứ hai là Trung Quốc.
Một hệ lụy khác xảy ra ở các tỉnh ven biển miền Trung, nơi có nghề truyền thống là đánh bắt hải sản nhưng phải tuyển thuyền viên ngoại. Di cư không chỉ để lại lỗ hổng lớn về lực lượng lao động có trình độ cao, mà còn gây xáo trộn đối với cả những ngành nghề không đòi hỏi nhiều kỹ năng. Thời gian gần đây, có rất nhiều đơn xin việc của thuyền viên đến từ các nước Ấn Độ, Myanmar, Bangladesh, Indonesia và Philippines gửi đến các chủ tàu, doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển ở Việt Nam. Họ thậm chí đề nghị mức lương chỉ khoảng 200 USD, bằng mức lương của sinh viên mới ra trường. Không chỉ nghề thuyền viên mà các nghề như thợ hàn bậc cao, thợ giàn khoan dầu khí, thợ cơ khí… đều chứng kiến sự thiếu hụt nhân sự lành nghề khi rất nhiều lao động theo làn sóng “xuất khẩu lao động” sang các nước khác.
Hiện tượng này kéo theo một hệ lụy khác có tên “tái hòa nhập môi trường bản xứ”. Du học sinh sau thời gian học tập và sinh sống ở nước ngoài thường không tìm thấy tiếng nói chung trong môi trường làm việc tại quê hương. “Họ thường đưa ra những yêu cầu về mức lương cao hơn mặt bằng chung, bất chấp những hạn chế về kinh nghiệm làm việc tại thị trường nội địa”, bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc Công ty Talentnet, chia sẻ. Mặt khác, do thị trường lao động Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của các chuyên gia quốc tế, xếp thứ 2 trong khu vực ASEAN, khiến các trí thức Việt Nam khi muốn quay làm việc tại quê hương, phải cạnh tranh quyết liệt để tìm việc làm.
Đối với dòng kiều hối, so sánh với Trung Quốc hoặc Philippines, sau một chu kỳ tăng trưởng từ 5-7 năm sẽ có xu hướng đi ngang và giảm dần. Trung Quốc năm ngoái đã chứng kiến sự sụt giảm kiều hối và những năm gần đây luôn chững lại sau một thời gian dài tăng phi mã. Nguyên nhân chủ yếu là do những người di cư sau thời gian gửi tiền lo cho gia đình tại quê hương, nay bắt đầu đầu tư tại quốc gia mà họ đang sinh sống. Các thế hệ F1, F2 của người di cư sẽ dần dần ít gắn kết với quê hương và đây cũng là một phần nguyên nhân khiến dòng kiều hối giảm.