Tin tức - pháp luật 2012-11-09 15:31:18

'Người xuất gia chỉ chắp tay, chứ không khóa môi'


“Tôi khẳng định, người xuất gia tu hành theo đức Phật khi thể hiện tình cảm với nhau chỉ có chắp tay hình búp sen để bày tỏ. Còn việc hôn nhau ở người tu hành là không hề có”.

Hòa thượng Thích Giác Quang, Phó Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Tỉnh hội Phật giáo Đồng Nai chia sẻ.


Người xuất gia tu hành theo đức Phật khi thể hiện tình cảm với nhau chỉ có chắp tay hình búp sen để bày tỏ

Cần lấy sự Từ Bi để giáo hóa

- Thưa Hòa thượng, thầy có ý kiến gì về việc các sư, thầy đến phòng trà, xem ca hát nhạc để gây quỹ từ thiện?

- Tôi cho rằng đây có thể là những ý tưởng mới của quý sư, thầy trẻ. Các vị này có thể trong quá trình tu học có chút ít học vấn dẫn tới tâm hồn khá phóng khoáng, từ đó mà đi quá xa giới hạnh, đi ngược với giới luật của nhà Phật.

Từ đó họ làm trái quy định của đức Phật định ra về tính kỷ cương, giới luật…

- Không chỉ có thế, việc các sư thầy này còn được ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi”. Hòa thượng có biết không?

- Tôi có biết. Quả thật, tôi lâu nay luôn quý các sư. Họ là những hình ảnh còn lại để nhắc nhở về bóng dáng của đức Phật khi còn sinh thời. Chính vì thế giới luật của quý sư được chú ý rất nghiêm.

Có ai ngờ… Bản thân thầy sau khi xem những hình ảnh này quả thật thấy các vị sư này có vẻ như quên giới luật. Vì thế hình ảnh này rất dễ khiến cho người khác xem thường các nhà sư tu chân chính.

- Với tư cách là một trong các lãnh đạo cao nhất của Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Đồng Nai, Hòa thượng có ý kiến xử lý như thế nào đối với quý sư, thầy này?

- Tôi đã đề nghị Thượng tọa Thích Bửu Chánh, nếu các vị sư này thuộc về Tăng sự ở Đồng Nai thì cần kiết giới tác pháp Yết Ma để cử tội. Các tội này tuy không phải là trọng tội để tới mức phải tấn xuất nhưng cũng thuộc về thô tội (tội lộ ra bên ngoài), vì thế cần cấm túc để sửa đổi, sám hối.

Nếu khuyên 3 lần mà không được thì các vị cứ giải quyết theo giới luật của nhà Phật và có ý kiến báo cáo về Ban Trị sự để Giáo hội có hướng xử lý.


Việc xử phạt trong Phật giáo luôn lấy Trí tuệ và sự Từ bi của nhà Phật để xử lý

- Theo Hòa thượng, Thiền viện Phước Sơn xử phạt như vậy có quá nhẹ không?

- Dù làm việc gì Phật giáo cũng luôn lấy Trí tuệ và Từ bi đưa vào, giống như việc một khúc gỗ mít nếu đưa vào lửa đốt thì nó sẽ thành tro, than nhưng nếu được người chủ đem đi đục đẽo thành hình tượng đức Phật, chắc chắn những người con Phật sẽ quỳ lạy.

Nói như vậy để hiểu, các sư thầy ở đây tuy phạm lỗi nhưng còn có thể sám hối, sửa lỗi, nếu chúng ta biết cách uốn nắn, chỉ dẫn thì các sư có thể trở thành những vị tăng tốt.

Trong đời sống cũng nên có sự khoan dung để người biết lỗi cố gắng tu. Không nên quá nặng nề mà cần hỷ xả, hoan hỷ tha thứ cho những lỗi lầm của họ.

Người tu không có chuyện hôn nhau

- Có một số quý thầy cho rằng, việc ca sỹ Đàm Vĩnh Hưng “khóa môi” nhà sư là chuyện bình thường. Đó không phải là nụ hôn dung tục, phàm trần mà là lòng biết ơn, thầy nghĩ sao về điều này?

- Sự thật đối với thế gian, cái hôn có nhiều nghĩa. Người dân có việc đi bên ngoài khi về gặp lại có thể ôm hôn để bày tỏ tình cảm nhớ mong, vui mừng… thì xem như bình thường.

Nhưng đối với người tu đạo thì lại khác. Người tu để thể hiện tình cảm, sự vui mừng khi gặp nhau… thì chỉ chắp tay hình búp sen, cúi đầu chào. Nếu trái điều này là trật cái hướng của người tu, không đúng với giới luật của nhà Phật.


Người xuất gia không thể coi nụ hôn là một chuyện bình thường

Những người xuất gia trong đạo Phật chỉ có cách bày tỏ tình cảm ở mức độ như vậy. Còn đối với thầy nào nói việc thể hiện tình cảm, lòng biết ơn… bằng cách hôn nhau là bình thường thì xa lạ đối với giới luật hàng thiên lý (không có giới hạn).

Người ở thế gian sống bằng vật dục thì thấy chuyện này là bình thường. Còn người xuất gia xa lìa phàm tục sống đời phạm hạnh tránh việc tiếp xúc xác thịt thì làm sao có thể bày tỏ tình cảm bằng cách đó được.

- Nhiều người cho rằng, người tu sao có thể đi đấu giá để mua rượu, Hòa thượng có thể chia sẻ về điều này?

- Tôi cho rằng dù có làm bất cứ cái gì cũng phải thể hiện đúng oai nghi, tác phong của một người tu hành. Người tu cần nói những gì đúng chánh pháp, làm đúng việc và ở đúng nơi.

Vì thế đối với vấn đề các sư, thầy tham gia đấu giá mua chai rượu mà các báo nêu có thể dễ khiến người xem, nghe đặt vấn đề: Nhà sư mua rượu để làm gì? Lấy tiền đâu mà mua?… Có thể trong trường hợp này tôi cho rằng các sư, thầy này chưa có tế nhị lắm trong cách làm từ thiện.

Sao quý thầy khi mua chai rượu đó không nói ra là chúng tôi không có tiền mà dùng tiền của các Phật tử đóng góp để giúp cho anh gì đó có tiền chữa bệnh, còn chai rượu này chúng tôi gửi lại để quý vị làm những việc khác… Hay có những cách nói khác cho phù hợp mà không mất lòng.

- Hòa thượng có thể cho lời khuyên đối với các vị Tăng sĩ hiện nay được không?

- Sau sự việc này tôi cho rằng các thầy bên Thiền viện Phước Sơn hay những thầy liên quan nên nhìn lại chính mình, ăn năn sám hối, nỗ lực tu học.

Các sư trụ trì nên xem đây là bài học kinh nghiệm trong việc quản lý, giáo hóa chư tăng khi tiếp xúc với công chúng, cần phải chấn chỉnh oai nghi tu học của các tăng sĩ trẻ và xử lý đúng người đúng tội, làm sao thể hiện được lòng từ bi đúng với tinh thần của nhà Phật.

Tôi không phê phán ai hết. Tuy nhiên với người tu hành thì cần phải xem lại tư cách, oai nghi, đạo hạnh… Ngoài ra các Chư Tôn đức cũng nên thường xuyên sách tấn, khuyến cáo, cổ xúy giới luật của tăng già.

Nếu vị nào làm trái giới luật thì tự làm mất giới thể, uy tín, tư cách của mình. Còn nếu các vị làm được như vậy, thì chắc chắn những sự cố đáng tiếc vừa qua sẽ khó có thể xảy ra.

- Xin cảm ơn Hòa thượng!

Theo Kiến Thức



Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)