Chuyện lạ 2012-08-05 04:11:46

Nhạc Trịnh Công Sơn có ảnh hưởng xấu đến thần kinh người nghe?


[justify]Hơn nửa thế kỷ qua, nhạc Trịnh luôn tồn tại trong lòng người mộ điệu như một lẽ hiển nhiên “Hay, đẹp, chân thiện mỹ, triết lý, sâu xa…”.

Gần như, tất cả các cụm từ hoa mỹ, cao siêu đều được các nhà “văn sĩ” của chúng ta gắn vào khi nói đến âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Các tầng lớp già, trung, thanh, ấu niên… hay tự phong cho mình là “giới trí thức” khi bàn về nhạc Trịnh, thì họ luôn nheo mắt đăm đắm nhìn về xa xăm, thi thoảng rít một hơi thuốc lá rồi nhả khói mù trời, hoặc hớp một ngụm cà phê đắng hay trà (Lipton dâu) chắc lưỡi, trề môi… Ồi, Tuyệt! …Còn về con người Ông - Trịnh Công Sơn đã được giới ái mộ trao tặng danh hiệu là kẻ du ca về tình yêu, quê hương và thân phận.[/justify]

[justify]Nói về cái hay, cái đẹp, cái cao siêu ngất ngưỡng trong nhạc Trịnh thì không cần phải luận bàn nữa. Bởi, với một lượng người hâm mộ (fan – a dzua) đông hơn quân Nguyên, sùng bái Ông như một thiên tài âm nhạc hay một triết gia (do tài năng thiên bẩm hoặc cố ý cao siêu), đã tạo nên một tượng đài Trịnh Công Sơn nửa hư, nửa thực, nửa có, nửa không như bút pháp lấp lửng của chính Ông - Trịnh Công Sơn - \"người khôn ăn nói nửa chừng, để cho kẻ dại nửa mừng nửa lo”… Vì lẽ đó, người viết không cần phải nói nhiều về sự \"siêu phàm” trong nhạc Trịnh, mà chỉ muốn nói về những cái không tới, cái nửa vời… cái tư tưởng hẹp hòi đã êm đềm gặm nhấm, làm rụng rơi nhuệ khí sống của biết bao nhiêu thế hệ… trong cái biển khổ đầy bi ải này.

Tôi chỉ muốn đưa ra chính kiến, cảm xúc thật của mình và trao đổi một vài góc nhìn với những con người \"…những ngày ngồi rủ tóc âm u. Nghe tiền thân về chào bóng lạ…” bên tách trà nóng bốc khói, chứ không có ý bôi nhọ hay hạ bệ một tượng đài âm nhạc của rất nhiều thế hệ… và tôi chỉ muốn trả lại sự công bằng sùng bái, giá trị thực về âm nhạc của Trịnh Công Sơn mà thôi. Đành rằng, những trang viết này sẽ làm phẫn nộ đám quần thần trong triều đại âm nhạc của Trịnh Công Sơn và chắc chắn họ sẽ đưa tôi lên dàn thiêu hay tùng xẻo gì đó… Nhưng người viết vẫn phải viết, vì âu cũng là số phận \"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi, để một mai tôi về làm cát bụi…” (triết lý này nghe có vẻ quen quen)

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn là một \"đại lý” sầu, buồn, than vãn, bi lụy… nghe là muốn nhảy lầu (nếu không có lầu thì nhảy sông) tự tử chết quách cho xong… Như trong bài \"Cỏ xót xa đưa” Ông viết: \"Trên đời người trổ nhánh hoang vu. Trên ngày đi mọc cành lá mù. Những tim đời đập lời hoang phế. Dưới mặt trời ngồi hát hôn mê… Dưới vòng nôi mọc từng nấm mộ. Dưới chân ngày cỏ xót xa đưa… Những ngày ngồi rủ tóc âm u. Nghe tiền thân về chào bóng lạ…” Với giai điệu rền trãi, cao độ trầm buồn, nhịp phách đều đặn như tiếng cầu kinh, nghe mà buồn thúi ruột đi được.

Cái dã man là, bài hát chỉ vỏn vẹn trên dưới một trăm từ, nhưng đã chiếm hơn nửa bài là các từ, hoặc cụm từ nghe xong là muốn \"sụi”… Đúng là \"…Mệt quá đôi chân này, tìm đến chiếc ghế nghỉ ngơi. Mệt quá thân ta này, nằm xuống với đất muôn đời…” (Ngẫu nhiên). Với bút pháp sử dụng liên hoàn cước - điệp nghĩa, như \"…trổ nhánh hoang vu, mọc cành lá mù, đập lời hoang phế, ngồi hát hôn mê, mọc từng nấm mộ, xót xa đưa… rủ tóc âm u…” Trịnh Công Sơn đã nhanh chóng hạ knockout những người nghe có thần kinh yếu, bất tài vô tướng, nếu không chống chọi được với đời thì về nhà tự ngồi và gặm nhấm nỗi buồn một mình, chứ \"…Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…” (Một cõi đi về).

Buồn hay sầu thì cũng vừa phải thôi… có đâu mà buồn sầu triền miên. Buồn và sợ đến độ trong lúc tỉnh hay say đều thấy mấy \"đồng chí tiền bối” về gọi hồn liễu rủ lê thê \"…nghe tiền thân về chào bóng lạ…” nghe mà sởn cả gai óc. Sống làm sao vui được, khi ngay cả trong giấc mơ mà cũng muốn chết hay do bị ám ảnh bởi cái chết?! \"…Một lần nằm mơ, tôi thấy tôi qua đời…” (Bên đời hiu quạnh), hoặc cho một thí dụ thì anh Sơn cũng sẽ \"…Thí dụ bây giờ tôi phải đi. Tôi phải đi, tay chia ly cùng đời sống…”.

Ngày ngày, tháng tháng, năm năm… biết bao nhiêu con người \"dìu dặt tới quanh đây”, tới cái biển sầu, lụy… của Trịnh đây?! Thử mà xem, không có một thứ âm nhạc nào trên thế giới mà cứ sầu, bại, sụi… như ở ta đây. Mà cây cổ thụ trong khoảnh vườn âm nhạc buồn bã này không ai khác chính là Trịnh Công Sơn – thiên tài âm nhạc của biết bao nhiêu con người yếu đuối. Với tư tưởng hẹp hòi ích kỷ, không biết yêu cuộc sống, nên luôn cổ súy cho những lời ca do Ông viết ra \"…Đường đời (í a) không xa, sao chồn (í a) gối chân…” (Cũng sẽ chìm trôi) hay là \"…Đêm nghe trời như hú như than… Ta nghe đời như có như không, còn lại mình đời bồng bềnh, đời buồn tênh… một ngày tăm tối khép nhìn sớm mai…” Nghe những ca từ của Trịnh là muốn đi ngủ rồi còn tinh thần đâu nữa mà sống \"…Trẻ thơ ơi, trẻ thơ ơi tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người” (Gọi tên bốn mùa). Còn trong bài (Như chim ưu phiền) Ông viết \"…Tôi như con chim bệnh. Thiếu hạnh phúc trần gian. Có những tháng mùa đông ngồi khóc rất âm thầm…”.

Bệnh không? chắc chưa đủ thậm chí còn \"hoạn” nữa là đằng khác \"Chúa đã bỏ loài người, Phật đã bỏ loài người, này em xin cứu một người…” (Này em có nhớ). Chúa và Phật là hai đấng siêu quần, siêu hạng. Nhưng Trịnh Công Sơn vẫn không thấy được sự vĩ đại ấy, ông chỉ cầu xin rủ lòng thương từ một cô gái \"…này em xin cứu một người…”! cứu ai đây??? Nếu là một thiên tài thì có nên mở miệng đem Phật và Chúa so sánh với một cô gái hay không? Khi lòng tin đã mất thì con người thường thốt lên \"…Đời sẽ buồn như một vết thương. Tình sẽ buồn như là nấm hoang. Ôi hiu quạnh với nến tàn. Bên nỗi lòng vắng lặng…Tình bỗng là bể dâu. Tay vẩy chào lạnh lẽo. Đời sẽ buồn như một vết thương…”

Hãy tưởng tượng, một thanh niên 20 tuổi mà nghe và yêu cái kho nhạc với những tư tưởng kiểu Trịnh, thì thanh niên đó sẽ hình thành nhân cách như thế nào?! Thế giới quan và nhân sinh quan của thanh niên đó ra làm sao? Trước khi đi học hay đi làm mà được nghe \"…Người nằm co như loài thú khi mùa đông về. Người nằm yên không kêu than buốt xương da mình… Còn bao lâu cho thân thôi lưu đày chốn đây. Còn bao lâu cho thiên thu xuống trên thân này…? (Phúc âm buồn) thì còn nhuệ khí đâu nữa mà đi làm, mà đi học?! Khi Trịnh Công Sơn đặt tựa cho bài hát là \"Phúc âm buồn”…thì ngụ ý của Ông muốn nói là, những ca từ mà Ông viết ra chẳng khác gì kinh thánh, mà xin thưa rằng kinh thánh thì đâu có rên rỉ như vậy… Còn trong bài \"Tình xa” một trong những ca khúc được nghe rất phổ biến ở các quán cà phê \"…Nghe sóng âm u dội vào đời buốt giá. Hồn ta gió cát phù du bay về… Sầu réo sầu bên bờ vực sâu… Ôi! Tiếng buồn rơi đều, nhìn lại mình đời đã xanh rêu…”.[/justify]
[justify]Sống mà, đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt thì chẳng thể nào mà không mọc rêu. Tư tưởng của Trịnh thì chỉ muốn \"nằm” \"…Thân đau muốn nằm…” và muốn \"ngủ” thôi! (ngày ngủ 8 tiếng chưa kể ban đêm) đó là kiểu sống rất phổ biến của một số thành phần giới trẻ bây giờ. Việc gì phải dậy sớm để ngắm bình minh (có tâm hồn đâu mà ngắm). Sống về đêm và ăn sáng vào lúc 2 giờ chiều tại cà phê Window, Chợt nhớ - chợt quên hay cà phê Sao, Trăng gì đó, để \"show off” và ngắm gái cho thỏa mãn \"cái đĩ tính và đực tính” là được rồi, chứ \"…Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt…”. Không cần phải đi đâu cho mệt! Phấn đấu, lao động làm chi? Ngu hay sao mà phải sống cho lẽ phải, cho chính kiến? Những \"ngày ngồi rủ tóc âm u”… rồi nhập khẩu điện thoại Vertu, hàng xa xỉ phẩm và những phát minh của nhân loại về mà xài cho nó sướng, việc gì mà phải nghiên cứu cho mệt (mà nghiên cứu thì chưa chắc đã làm được). Vậy hy sinh làm gì? Cứ \"thải”, cứ bày ra đó thì chắc cú cũng có người hốt, mà cùng lắm thì con cháu nó hốt. Rồi con cháu mình lại được nghe nhạc Trịnh, thứ thuốc phiện mà khi đêm về nằm ngủ lại tiêm vào màng nhĩ cho êm dây thần kinh, ngày sau lại tiếp tục \"…Một ngày còn sống góp tiếng mong manh. Bạn bè ngồi quanh tuốt sáng giáo gươm. Từng ngày đảo điên giết chết linh hồn. Một ngày cầu xin thong dong con đường… Tình vừa ngủ quên dưới bóng tối tăm. Một đời về không hai tay qui hàng. Giọng người buồn tênh cơn đau nung hồng” (Vẫn nhớ cuộc đời). Nếu không đủ thuốc thì tiêm thêm một mũi nữa cho phê rồi \"…Ngủ đời yên đi con, che dấu thân đau rả mòn. Ngủ đời yên đi con, như vết thương đau ngủ buồn, như trùng dương đêm mắt thâm…Từ cơn đau ấy lưu thân mỏi mòn, ôi mắt thầm van xin lời thánh đêm… Rồi một hôm chợt thấy hoang vu quanh mình” (Vết lăn trầm)[/justify]

[justify]Trịnh Công Sơn có một khả năng ru ngủ rất tốt. Với sức viết trên 500 ca khúc (trong đó có trên 300 ca khúc chuyên nói về \"sầu, lụy”… nhằm truyền dạy học thuyết sống làm chi chết quách cho xong \"…Đứng giữa thiên nhiên, thân ta nằng nặng thân chim nhẹ nhàng. Muốn nói đôi câu, giữa chốn thương đau, chim xanh bạc đầu, cây xanh bạc đầu. Vội vàng tôi theo”… Anh Sơn luôn muốn kết liễu cuộc đời càng sớm càng tốt. Chính vì vậy, Trịnh luôn buồn bã và nhìn đời bằng con mắt sầu bi \"…Nghe trăm tiếng ngậm ngùi, nghe lăng miếu trùng vây, nghe xa cách cuộc đời, nghe hoang phế cạnh đây… Đêm nghe gió than hoài, đêm nghe lá đưa lời hàm oan, đêm thân xác mịt mùng, đêm nghe tiếng muôn trùng đẩy đưa…” (Nghe tiếng muôn trùng). Hay như trong bài Phôi pha ông viết \"…Chén rượu cay một đời tôi uống hoài… Thôi về đi, đường trần đâu có gì? Tóc xanh mấy mùa…”. Trịnh là thế, chúng ta phải tự hào vì đã có một \"thánh nhân Trịnh” không bao giờ biết vui \"…Trên quê hương còn lại, ta đi qua nửa đời chưa thấy được niềm vui”…. Những tư tưởng kiểu này rồi sẽ ăn sâu, mọc rễ vào tiềm thức của bá tánh, bá bệnh và tạo thành gen đặc biệt của người Việt là chết!!!… Nên tôi thà chịu chết trước để nói lên chính kiến của mình!. Chứ kẻo rồi \"…Một chiều kia có em nhẹ nhàng, đi không nhanh chân không vội vàng, về nguồn xưa gối tay nằm bệnh…” (Níu tay nghìn trùng). Ôi, Em tôi! nay nghe xong nhạc Trịnh cũng về nhà \"gối tay nằm bệnh” luôn hả? Căng thiệt!

Trịnh là một thiên tài âm nhạc hay là do \"fan trí thức rởm”, với sự học nông cạn không bao giờ nhìn ra thế giới, hoặc có nhìn ra vẫn không thấy gì và cũng chẳng thấy bác Trịnh nhà ta ở đâu. Bèn tối ngày ngồi dưới đáy giếng mà ca tụng ầm ỉ, nghe muốn bệnh cả tai. Thẳng thừng mà nói, Trịnh Công Sơn có quyền viết, có quyền than vãn hay rên rỉ là chuyện của Ông. Còn chúng ta, thì phải luôn chuẩn bị cho mình, cũng như cho con em mình một lượng kiến thức, một bộ lọc não thật tốt để kháng nhiễm lại căn bệnh \"sầu, lụy”… Theo như tôi thấy, bên cạnh âm nhạc của Trịnh đã sinh ra bộ phận \"trí thức rởm” chuyên nghe nhạc Trịnh và bắt mọi người không được hiểu nghĩa đen, nghĩa tầm thường… mà hễ Trịnh Công Sơn nói gì thì cũng phải chuyển hóa thành sự cao siêu tất (nó như một điều mặc định, nghe Trịnh là người trí thức hay là trức thí gì đó? Nếu có ai đó mà hiểu nhạc Trịnh theo nghĩa bình thường hoặc nói là không hiểu, thì bị bộ phận trí thức \"rởm” cười ngay.

Ôi dzời, cuộc sống đôi khi cũng căng thiệt! Một lần, có bác (cũng rất thành đạt trong nghề kiến trúc) đã từng quen biết với Ông Trịnh nói với tôi trong bàn cà phê rằng, \"Anh Trịnh nói bốn mùa là chỉ có một mùa thôi đó em! Càng ngẫm càng thấy anh Sơn nói quá sâu”… hay là \"anh Trịnh nói hoa Hồng thì chưa chắc đã là hoa Hồng đâu à”… Hoa Hồng mà không phải là hoa Hồng vậy là cái gì?… Cả một đám quần thần, sống mà cứ lấp lơ lấp lửng, mù mờ về thế giới xung quanh vậy mà vẫn sống được, hay thiệt?! Ừ… mà chưa biết chừng sống hay là tồn tại, cứ trôi dạt lửng thửng vậy cho khỏe. Sống mà chính kiến làm gì, cứ a dzua là xong, có phong trào là vui rồi (văn hóa đám đông mà).[/justify]

Đoàn Quang Anh Khanh

[justify]Thật tình mà nói, Trịnh Công Sơn thần thánh hay thiên tài âm nhạc kiểu gì, mà từ ngày tôi có trí khôn đến nay, tôi chẳng thấy nước nào trên thế giới mà tôn vinh âm nhạc của Ông cả! Nếu không tin cứ thử vào google sợt tên Trịnh Công Sơn mà xem, chẳng có trang nước ngoài nào nói về Trịnh cả, chỉ một album Da Vàng bán khá chạy ở Nhật trước năm 75 (đây là một ghi nhận). Nhưng theo tôi, Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ tài năng thì đúng hơn (chỉ của riêng Việt Nam mà thôi)… Chứ chẳng phải triết gia hay thánh nhân gì cả, những tư tưởng của Ông viết ra trong âm nhạc là những tư tưởng góp nhặt nửa vời trong các tôn giáo mà có… Trên thực tế, ở nước ta không thiếu những nhạc sĩ tài hoa mà phải sùng bái cá nhân như vậy?! Thử lược lại, mổ xẻ mà xem, chúng ta đáng tự hào vì có rất nhiều nhạc sĩ viết tốt về cả giai điệu lẫn ca từ, và chắc chắn tư tưởng thì thoáng đãng và trượng phu hơn bác Trịnh nhiều…

Những người ăn theo thương hiệu Trịnh đã pr quá tốt?… Không biết điều này họa hay là phúc nữa, chỉ biết ngày càng có nhiều người ăn không ngồi rồi, rít thuốc lá, say xỉn tối ngày… Còn làm ăn thì đa phần móc ngoặc, gian lận, ủ mưu tính kế là giỏi. Nhưng miệng thì luôn đem chữ \"Tâm” ra luận và nhạc \"Trịnh” ra nghe, nhằm tự nâng cao đẳng cấp của mình mà không biết là đang đu \"dây điện cao thế”. Họ rất thích ngủ và sống trong những chiếc áo khoác mang thương hiệu \"Trịnh – Tâm”. Tôi có cảm giác, nhiều bài hát và đặc biệt là ca từ của Trịnh Công Sơn có rất nhiều thế hệ đưa vào áp dụng trong cuộc sống như một kim chỉ nam sống. Họ luôn có xu hướng \"ba phải – thôi kệ”. Nó như một căn bệnh trầm kha, lười suy nghĩ, việc gì đấu tranh cho lẽ phải (dĩ hòa vi quý) là hay, miễn yên thân là được, cả nhà cùng vui, đây là đặc tính rõ nét nhất của văn hóa đám đông.

Những gì tôi nói ra đây không có ý hạ bệ Ông Trịnh Công Sơn, mà chỉ đánh giá lại giá trị thực của sự sùng bái về ông và chia sẻ một góc nhìn khác mà thôi! Trịnh là một tài năng, một triết gia, một thiên tài âm nhạc hay một nhân vật quảng cáo miễn phí cho các hãng thuốc lá???… điều này rốt cuộc cũng không quan trọng lắm. Nhưng thiết nghĩ, những tư tưởng và giai điệu ủy mị kiểu Trịnh có đáng để \"thờ” hay không? Sự sùng bái thiếu tư duy của một bộ phận, đôi khi là một áp đặt vô hình cho con em chúng ta, đám trẻ như bị dẫn đường về những gì mà ông Trịnh viết ra là chân lý, là đỉnh cao của âm nhạc Việt Nam?… Tính hệ lụy của nó làm góp phần tạo nên thói quen lười tư duy, không dám phản biện trong giới trẻ… và dần dần hình thành một thói quen đặc trưng, ăn sâu vào con em chúng ta là chết… Bởi vì thói quen này sẽ tạo ra một kiểu người an phận, hèn, nhu nhược…! Tôi cũng chỉ muốn nói lên chính kiến của mình để mong có nhiều góc nhìn cho mọi người, cho xã hội ngày càng có nhiều người dám nói lên chính kiến của mình, để xây dựng xã hội của chúng ta ngày một tốt đẹp hơn…

Chúng ta nên nghe những gu âm nhạc hoan hỉ, giai điệu tươi sáng hơn… và mong lắm đất nước ta ngày một đẹp hơn, giới trẻ luôn tư duy và hiểu biết thật sự… sự thật về chân thiện mỹ, chứ đừng để ba đám mồm mép, ba hoa, ba phải mị mãi, và mong lắm sớm không còn thấy cảnh \"…Những mặt đường nằm câm, những mặt người buồn tênh. Sóng đong đưa linh hồn, đám rong rêu xếp hàng… (như những dòng người đang bị kẹt xe)…”[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)