Nhiều người tự hỏi, không biết những cô gái điếm, sau năm tháng bươn bải nghề bán hoa, khi nhan sắc lụi tàn, các cô sẽ làm gì để sống?
Rất nhiều người trong số đó đã cố gắng quay lại cuộc sống lương thiện, họ làm lại cuộc đời mình sau quãng đời lầm lạc bằng sự vươn lên, vượt qua những định kiến, những lời dè bỉu và thói khinh bỉ của đời.
Ảnh minh họa. |
Sau mùa giông tố
Thời gian dài làm nhà nghỉ, nên tôi được chứng kiến nhiều điều tưởng như rất khó xảy ra: Một nhóm làm nhân viên - gái gọi cho nhà nghỉ AD (Tại khu Đồng Quán - Cổ Loa - Đông Anh) đã lấy… được chồng. Mà có người lấy được chồng “ngon”. Lại còn tổ chức liên hoan gặp mặt những “đồng nghiệp” cũ tại nhà nghỉ AD.
Vui hơn là các cô đã có con, tuy tất cả đều đẻ con gái, những niềm vui không vì thế mà giảm bớt. Phương châm “Con nào cũng là con” được các cô nghĩ thấu đáo. Chúng đều khoẻ mạnh. Buổi đó tôi cũng có mặt, vui lắm. Khương Thị Thơm, cô gái trẻ nhất trong bọn nói, giọng trong trẻo, mang đậm phong cách của người vùng dân tộc:
- Gặp các anh chị, vui quá. Mọi người trông vẫn thế nhỉ, chẳng khác tẹo nào. Chỉ mấy bác con trai là khác.
Thơm sinh năm 1983 xã Tả Bu - Lập Thạch - Vĩnh Phúc. Đi làm từ năm 16 tuổi, lúc đó cô còn rất ngơ ngác, một cô gái dân tộc hiền lành, lại ít tuổi nên nhiều khách thích và bo rất hậu. Vì hoàn cảnh nên phải theo các chị (cùng xóm) xuống làm. Ban đầu chỉ ý định đi giúp việc, rửa bát quét nhà. Tiền công dù ít ỏi nhưng vẫn còn hơn ở quê, vất vả, bố mẹ đông con, đâu được học hành.
Các chị lớn tuổi hơn đưa vào nhà nghỉ. Thấy nói đi khách được nhiều tiền. Bà chủ cũng bảo thế, bà xúi Thơm đi. Vậy là đi, tiếp thì tiếp. Lúc đó, cô không biết rằng tiếp khách có nghĩa là làm tất cả những gì người ta yêu cầu, sau này mới biết. Cô “nhắm mắt đưa chân” từ đấy.
Trung sang bên Đông Anh chơi, gặp Thơm, cũng làm theo kiểu bóc bánh trả tiền, đến rồi đi. Thế mà chẳng hiểu sao yêu được nhau, rồi cưới. Thơm thổ lộ : “Em cũng không biết anh ấy yêu em ở điểm gì, nhưng anh ấy tốt với em lắm. Lúc đó đã làm được hai năm rồi. Một đứa con gái như em mà vẫn còn được người quý người yêu, vui lắm chứ, em chấp nhận luôn”.
Trung quê Thường Tín Hà Tây, lấy Thơm về, hai vợ chồng thầu ruộng, ao đầm làm trang trại, thả cá, nuôi lợn gà, phát triển kinh tế gia đình, khiến nhiều người nể phục. Chị em cùng làm độ đó, giờ gặp lại cũng thấy kinh ngạc “Hai vợ chồng trẻ mà làm ăn tài quá”.
Thơm tâm sự:
- May mà những người hàng xóm không biết chuyện quá khứ nên em không bị áp lực nhiều, chứ không thì khó sống lắm đấy. Mẹ anh ấy là biết, nhưng bỏ qua cho em tất cả. Ba mẹ con sống với nhau, có thêm con bé nữa là bốn.
Trong số mười bốn cô gái làm ở nhà nghỉ AD đợt đó, Hoan là người nhiều tuổi thứ hai, có thâm niên hơn mười năm hành nghề. Hoan ở một vùng quê nghèo huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc. Ban đầu làm gái “chạy xô” ở Phủ Lỗ, qua tay mấy đời chủ. Một lần Hoan được cử xuống nhà nghỉ AD tiếp khách khi dưới này thiếu nhân viên. Thấy ở nhà nghỉ AD nhiều chị em đông vui, cuộc sống cũng thoáng đãng hơn, ông bà chủ lại “tử tế” với nhân viên, Hoan xin về đây làm.
Nhờ làn da trắng, sự nhiệt tình và cái “mẹo” nhà nghề nên Hoan đã có được nhiều khách quen, họ thường gọi và được bo rất hậu, nên có tiền gửi tiết kiệm.
Lấy anh chàng Tuấn ở quê sau khi cô ý thức được mình. Đời con gái đã sắp tàn, phải làm lại, làm gì đó cho mình, không thể bám mãi vào cái nghề bán chôn nuôi miệng. Khi đó, số tiền tiết kiệm Hoan giử đã được kha khá, cô cưới Tuấn. Chị em khen: “Hoan thế mà hay, lấy được chàng trai sạch…”
Tuấn không biết Hoan làm Nhà nghỉ, anh chưa bao giờ xuống thăm người yêu ở Đông Anh, chỉ có Hoan chủ động về. Hoan nói đi làm công ty.
Hiện tại, cuộc sống của hai vợ chồng rất hạnh phúc, trong nhà có đầy đủ tiện nghi. Hoan không có ý lừa chồng, chuyện quá khứ đã qua đi rồi thì không muốn nhắc lại nữa. Bỏ qua để còn sống cho tốt.
Các chị em từng làm ở nhà nghỉ AD thi thoảng vẫn liên lạc, thăm hỏi tình hình cuộc sống của nhau, giúp đỡ nhau lúc khó khăn. Buổi gặp nhau vừa rồi, chị Lành mời tất cả chị em về nhà mình tụ tập, liên hoan. Niềm vui không kể xiết. Có bia, có rượu, ai cũng uống được, mặt đỏ bừng bừng.
Hoan báo cáo con cô được 3 tuổi, còn Lệ có đứa con lên 4, đỏm dáng không khác mẹ một tí nào. Hoàn lại có một cuộc sống độc đáo với ông chồng gần 50 tuổi, thú vị với nghề trông dâu nuôi tằm. Biên trồng hoa lan cho một ông chủ tốt bụng… Những số phận đã đổi thay, khởi sắc, vượt lên bao cùng cực, khó khăn.
Chị em nâng cốc chúc mừng nhau, cố gắng đạt những thành quả mới. Tôi thấy rằng, dù đã làm cái nghề bị coi dưới đáy xã hội ấy, nhưng chị em tốt với nhau, thương yêu nhau. Ai nói rằng họ chỉ biết có tiền bạc, không có tình cảm. Họ cũng là con người, họ đáng thương…
Những khó khăn đời thường
Các cô đã quay lại cuộc sống lương thiện, giũ bỏ được quá khứ. Điều các cô cần là sự thông cảm và chia sẻ. Nhiều cô gái may mắn lấy được chồng, nhưng không phải ai cũng lấy được chồng tử tế. Nhiều cô lấy chồng rồi, cuộc sống với chồng còn cơ cực hơn. Vũng bùn đã bước qua, lại phải vũng bùn khác sâu hơn.
Tôi biết Hằng, trước đây làm ở nhà nghỉ ĐQ, trở về xây dựng gia đình, không may vớ phải anh chồng vũ phu. Lúc đầu cô không nhận ra, sau khi cưới được dăm ngày thì bộ mặt thật mới lộ ra. Cô bị chồng đánh đập, đuổi đi, làm lành với nhau, lại đánh nhau, lại bị đuổi đi. Cuộc sống tiếp diễn như thế. Gặp chị em cũ, cô tâm sự:
- Khốn thân em quá các chị ơi, anh ơi. Biết thế này em chả cưới chồng làm gì, các chị còn được yên thân. Còn em cứ khổ mãi.
Điều các cô cần sau khi trở về là những bàn tay nhân ái đứa ra với mình, sự thông cảm chứ không phải sự hắt hủi của xã hội. Người ta đã nghĩ và làm khác đi chưa, hay vẫn là con mắt cũ, không còn lối thoát nào cho các cô?.
Một gương sáng làm ăn kinh tế giỏi của đôi vợ chồng Oanh - Giỏi mới đáng nể. Oanh nói rõ với Giỏi cô từng làm gái nhà nghỉ. Lúc đó vì quá yêu nên Giỏi bỏ qua, chấp nhận cưới, hai vợ chồng có trục trặc nhỏ sau khi có một số người nói chen vào rằng “Giỏi là thằng ngu mới lấy nó”. Giỏi đã hắt hủi vợ. Sau này, nhờ lời khuyên của hai bên gia đình, sự giỏi giang của Oanh, Giỏi đã chấp nhận hàn gắn lại cho người yêu những vết thương.
Bây giờ hai vợ chồng rời huyện Sông Thao, Phú Thọ xuống thuê nhà ở Hà Nội, buôn bán, chợ búa. Có khi về quê lấy hàng, mang xuống Hà Nội xuất. Chẳng bao lâu, họ đã tích cóp được tiền, sắm sửa vật liệu xây dựng để chuẩn bị xây nhà ở quê, sắm sửa đồ dùng gia đình.
Giỏi nhỏ thó, ngồi trên xe hàng chẳng thấy người đâu, nhưng được cái nhanh nhẹn tháo vát, mồm mép. Tiếp tôi khi vừa đi lấy hàng, mồ hôi còn rịn trên trán:
- Anh chịu khó quá nhỉ?
- Thường thôi, buôn thúng bán mẹt ý mà. U nó vẫn ngoài chợ. Hôm nay ở lại uống rượu với vợ chồng tôi.
Tôi đồng ý. Bữa đó, ở nhà Oanh - Giỏi, nói chuyện rôm rả đến khuya.
Lời cuối
Không phải cô gái nào, sau này cũng ngã được vào một cái bến bình yên. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, khó khăn vẫn bay về vùng trời, bao phủ lên màu u ám của cuộc đời biết bao cô gái lầm lỗi. Không ít cô gái tâm sự với tôi rằng: Sau này, họ có được những bàn tay đồng loại đưa ra với mình, có được hưởng tình yêu của người sẵn sàng quên đi tất cả quá khứ? Không ai nói trước được, đó là một điều rất khó. Vậy, họ sẽ tìm cuộc sống ở đâu?