Cách đây 68 năm, ngày 6/8/1945, chiếc máy bay ném bom B-29 mang tên Enola Gay của không quân Mỹ đã thả một quả bom nguyên tử xuống Hiroshima khiến khoảng 140.000 người thiệt mạng tính đến thời điểm tháng 12 năm đó.
Lễ tưởng niệm tổ chức tại công viên Hiroshima
Những người sống sót, họ hàng các nạn nhân, các quan chức chính phủ và các đoàn đại biểu nước ngoài tụ họp tại một công viên tưởng niệm hòa bình trong thành phố và dành một phút mặc niệm vào 8:15 phút, thời điểm xảy ra vụ nổ làm thay đổi vận mệnh không chỉ của rất nhiều người ở thành phố này mà còn của toàn thể đất nước Nhật Bản.
Trong số những người tham gia lễ tưởng niệm năm ngoái có Clifton Truman Daniel, cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman, người đã ra lệnh ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Daniel là người nhà Truman đầu tiên tham dự lễ tưởng niệm ở Nhật Bản.
Người tưởng niệm cầu nguyện cho các nạn nhân của thảm họa Hiroshima
Ngày 6/8 cũng là ngày chính phủ Nhật Bản hạ thủy chiếc tàu chiến lớn nhất trong thời bình, đó là một tàu chiến mang theo máy bay trực thăng dài 247 mét, nhằm tăng cường sức mạnh cho lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, mặc dù Hiến pháp Nhật Bản cấm lực lượng này thực hiện bất cứ cuộc tấn công nào để giải quyết tranh chấp quốc tế.
Chính phủ Nhật Bản cho rằng thời điểm hạ thủy chiếc tàu chiến này đúng vào dịp kỷ niệm vụ ném bom Hiroshima chỉ là sự tình cờ vì việc hạ thủy con tàu phụ thuộc vào thời điểm thủy triều thuận lợi.
Nhiều người sống sót sau thảm họa Hiroshima đã phản đối mạnh mẽ việc sử dụng hạt nhân vào mục đích quân sự và dân sự. Có vẻ như chính quyền của Thủ tướng Abe đang quyết tâm tái khởi động các lò phản ứng hạt nhận của Nhật Bản bị đóng cửa sau vụ tai nạn hạt nhân ở lò phản ứng Fukushima năm 2011 bất chấp làn sóng chống hạt nhân trên đất nước này.