Trận đấu tối thứ 7 ngày 3 tháng 11, giữa Manchester United và Arsenal, trận đấu mà M.U đã thắng toàn diện, “thắng như điều tất yếu” và Robin van Persie là tâm điểm từ trước khi trận đấu diến ra rất lâu cho đến khi kết thúc rồi thì vẫn còn rất nhiều điều cần phải nhắc đến.
Cựu đội trưởng của Arsenal vẫn ra sân trong trang phục là chiếc áo đỏ nhưng giờ thì không còn chút gam trắng nào nữa, vì thế, những người đã từng yêu mến anh và câu lạc bộ anh rời bỏ đã bị đụng chạm đến “lõi” trái tim.
Quan sát một chút, chúng ta có thể nhận thấy Persie đã có một thái độ rất tích cực là từ khi bước vào sân anh đã rất hứng khởi, chuẩn bị tinh thần rất kỹ lưỡng. Anh bắt tay những đồng đội MU của mình như nhắn với họ rằng “hãy tin tưởng ở tôi”; anh thắt lại dây giày, sửa soạn lại bộ áo đấu như để tăng thêm sự tự tin. Có thể nói, Giáo sư đã đúng khi luôn nói Persie là cầu thủ “chuyên nghiệp”.
Đẳng cấp của anh được thể hiện rõ ràng khi sớm tận dụng cơ hội trong tình huống mà Thomas Vermaelen mắc sai lầm phá hỏng bóng; sau đó, là khi anh sáp sát, chạy chỗ, di chuyển không bóng cực kỳ hợp lý, vô cùng thông minh. Bạn chỉ có thể nhận diện được một tiền đạo “đỉnh” đích thực khi nhìn ra sự di chuyển không bóng biến hóa của họ trước khi ghi bàn. Olivier Giroud được xem như sự thay thế cho Persie khi Giáo sư mang anh về nhưng thực tế thì anh mới cho thấy được khả năng không chiến tốt mà thôi, bàn thắng trong trận gặp Reading là một ví dụ, nó là một cú lắc đầu điệu nghệ.
Sự thích nghi luôn là điều kiện cầu thủ cần nhất khi chơi bóng, Persie chuyển từ Arsenal sang M.U khi anh đã có 8 năm thi đấu tại giải Ngoại hạng này, anh cũng đang gặt hái được nhiều thành công nhất khi vừa giành vua phá lưới mùa trước. Còn Olivier Giroud cũng là vua phá lưới nhưng là ở giải đấu cao nhất nước Pháp và khi mà hai giải đấu là những môi trường rất khác nhau cộng thêm điều mà ai cũng rõ là Premier League vô cùng khắc nghiệt thì anh sẽ mất không ít thời gian để “sống” được.
Từ những sự so sánh trên chúng ta cũng thấy được cách chiêu mộ và sử dụng con người của Sr. Alex Ferguson và Giáo sư Arsène Wenger. Ở Sir Alex luôn “tận dụng” mua những cầu thủ đã được công nhận, đang tỏa sáng nhiều hơn hay có cả những chiến binh “vang bóng một thời” như Paul Scholes, Ryan Giggs. Còn Giáo sư thì vẫn ưu tiên nhưng cầu thủ tiềm năng và tin tưởng họ sẽ thành tài, những lão tướng có chăng chỉ là phương án chữa cháy khi gặp nguy như là Sol Campbell, Thierry Henry; công bằng mà nói, đang có sự thay đổi khi những Santi Cazorla, Olivier Giroud, Lukas Podolski,… đã đến nhưng sự thay đổi đó “chưa tới” mà mới chỉ là “quá độ” thôi!
Lời kết
Hình ảnh Van Persie ôm HLV Wenger nói lên rất nhiều điều nhưng rõ ràng, Giáo sư đang hạnh phúc vì đã “dạy” được trò giỏi, Giáo sư đang hạnh phúc vì họ vẫn kính trọng ông dù không còn cùng chung đường, nhưng Giáo sư đang “ngậm ngùi” vì thực tại vì bài toán mang tên Arsenal.