Nhạc 2009-06-08 18:04:00

Nhớ nhạc sĩ Bảo Phúc qua ảnh


Vẫn còn nhiều luyến tiếc cho người nhạc sĩ tài hoa bạc mệnh, hơn 1 tuần sau ngày ông mất, người thân, bạn bè và cả khán giả hâm mộ vẫn chưa nguôi được cú sốc này.
>>Tiễn nhạc sĩ Bảo Phúc về nơi an nghỉ cuối cùng
>>Các nghệ sĩ tiễn đưa nhạc sĩ Bảo Phúc
>>Nhạc sĩ Nhất Huy và kỷ niệm với người anh Bảo Phúc
>>Sao Việt và những kỷ niệm về Bảo Phúc
>>Nhạc sĩ Bảo Phúc qua đời
>>Nhạc sĩ Bảo Phúc đột quỵ

Nhiều độc giả gửi thư về bày tỏ sự thương tiếc nhạc sĩ Bảo Phúc. Ngoài tài năng trong âm nhạc, anh còn được nhắc đến như một người anh, người bạn hiền lành, thật thà trong cuộc sống.

Độc giả Trần Phúc, nữ phật tử ở chùa Phật Quang (Rạch Giá, Kiên Giang), chia sẻ: "Nhạc sĩ Bảo Phúc từng tổ chức đêm nhạc tại chùa. Tôi, với tư cách là nhiếp ảnh nghiệp dư, đã chụp một số hình ảnh để lưu khi cần dùng. Có lần, anh Phúc bảo tôi, chụp xong thì nhớ gửi cho anh vì anh vốn không có nhiều ảnh. Nhưng tôi nghĩ, anh là người của công chúng nên chắc chắn có nhiều người chuyên nghiệp chụp ảnh đẹp cho anh. Tôi đã không gửi".

Quyết định này trở thành điều tiếc nuối cho chị Phúc, bởi nhạc sĩ không có cơ hội xem qua ảnh của mình do chị chụp. Khi hay tin anh qua đời, chị Phúc bàng hoàng. Hình ảnh người nhạc sĩ dù gặp lần đầu mà trò chuyện cùng chị như quen thân "từ lâu lắm" trở về. "Sự bình dị lạ thường ở anh là điều tôi cảm nhận được và thấy quý anh vô cùng", chị Phúc nói.

Chị Phúc gửi đến tòa soạn bộ ảnh Bảo Phúc do chị chụp, xem như nén hương lòng thắp muộn, kính viếng người nhạc sĩ chị quý mến.



Nhạc sĩ Bảo Phúc sinh ngày 31/10/1957 tại Thừa Thiên - Huế. Ngay từ nhỏ, trong anh đã hình thành niềm say mê âm nhạc. Anh từng theo học trường Âm nhạc và Kịch nghệ Huế năm 1968, tốt nghiệp Đại học Âm nhạc dân tộc thể nghiệm do Viện nghiên cứu Âm nhạc và Múa tổ chức. Anh cũng công tác ở đây 2 năm (1983-1985).

Năm 2003, nhạc sĩ Bảo Phúc đạt giải Nhất nhạc phim "Rặng trâm bầu", giải Ba tác phẩm khí nhạc "Gánh lúa" viết cho đàn nguyệt và dàn nhã nhạc Cung đình Huế.

Học về nhạc dân tộc, nhưng khả năng chơi piano theo lối phương Tây của anh cũng được nhiều đồng nghiệp khen ngợi. Chính nhờ khả năng này mà anh phụ trách hòa âm khá nhiều băng đĩa nhạc trong thời kỳ hưng thịnh của nhạc Việt thập niên 1990. Ca sĩ Cẩm Vân cho rằng, nhạc sĩ Bảo Phúc là người hòa âm nhạc Trịnh gần với tinh thần chủ đạo của dòng nhạc này.

Thập niên 90 cũng đánh dấu tài năng sáng tác của Bảo Phúc. Một loạt ca khúc mà anh viết chung với nhạc sĩ Anh Thoa: Bay đi ôi cô đơn, Mê khúc, Nỗi buồn mực tím, Cõi hoa… được thể hiện qua nhiều tên tuổi lúc bấy giờ: Cẩm Vân, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Lam Trường… Khi phong trào viết nhạc phim trở nên rầm rộ, nhạc sĩ Bảo Phúc cũng được ghi nhận qua thành công của ca khúc Những nẻo đường phù sa.

Trong đời sống, bạn bè luôn nói về Bảo Phúc như một người chồng, người cha biết quan tâm đến gia đình. Từ khi biết vợ mắc bệnh cao huyết áp, anh tự mày mò, tìm hiểu căn bệnh này cũng như cách chữa trị. Gặp bạn bè, anh cũng chia sẻ kinh nghiệm có được để phòng chống bệnh tật.

Ca sĩ Phương Thanh xem anh như "sư phụ" bởi anh chính là người tạo công ăn việc làm cho cô. Cô Chanh kể: "Khi chưa ai biết đến tên Phương Thanh, 'sư phụ' đã mạnh dạn tiến cử tôi hát trong nhiều chương trình. Rồi mấy hợp đồng quảng cáo, anh cũng giới thiệu cho tôi. Nói nôm na, tôi mang ơn anh không kể hết".

Ca sĩ Cẩm Vân kể: "Có chuyện xảy ra, Phúc cũng ngồi im không phản ứng lại. Anh quả thật là người hiền lành".

Bạn bè, khán giả tiếc cho nhạc sĩ không chỉ vì tài năng trong âm nhạc mà còn một tính cách chân thật, một tấm lòng nhân ái trong đời sống.

Theo VnExpress
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)