“Phòng nhì” của hoàng đế Louis 15
Điện Elysee được xây dựng trong 4 năm, từ 1718 tới 1722, do kiến trúc sư Armand-Claude Mollet thiết kế và giám sát xây dựng trên mảnh đất mà ông bán cho Henri-Louis de la Tour d'Auvergne, bá tước Évreux. Công trình nằm không xa hoàng cung của vua Pháp này cực kỳ lộng lẫy và tráng lệ với diện tích xây dựng 11.000 m2 và khuôn viên gần 2 ha, có 300 phòng. Tòa cung điện, mang tên chủ nhân của nó là tòa nhà Évreux, được thán phục đến nỗi, vào năm 1753, hoàng đế Louis 15 đã mua nó để tặng cho người đàn bà được ngài sủng ái nhất: nữ hầu tước Pompadour.
Cung điện Elysee
Dưới tay người phụ nữ mê làm đẹp, trang trí và có gu thẩm mỹ tinh tế này, cung điện càng được sửa sang, bài trí để trở thành một biểu tượng của cái đẹp và sự xa hoa của cuộc sống cung đình, và thấm đẫm thi vị. Phải nói là cả núi tiền của từ ngân khố Pháp đã được đổ vào cuộc tân trang này để làm đẹp lòng “ái phi”, để chốn hoan lạc của hoàng đế trở nên cực kỳ mời gọi. Tại cung điện này, bà Pompadour đã tổ chức rất nhiều cuộc vui mới lạ và hấp dẫn, khiến nó trở thành nơi mà đức vua muốn đến nhất. Tòa nhà Évreux, chứ không phải hoàng cung, mới thực sự là hậu cung của vua Pháp .
Sau khi nữ hầu tước mất, tòa nhà về tay một nhà tư bản và được sửa sang lần nữa. Sau đó, vào cuối thế kỷ 18, nó lại tiếp tục trở thành sở hữu của một phụ nữ đại quý tộc nữ công tước Bourbon - và được đổi theo tên bà, sau đó bà lại đổi thành Elysee, đặt theo tên đại lộ phía trước mặt. Tòa nhà được trang trí theo phong cách “đồng bóng” của bà chủ với ánh đèn mờ ảo với những quả cầu chiêm tinh bí ẩn…
Hầu tước Pompadour, nữ chủ nhân nổi tiếng nhất của điện Elysee
Nơi “giải sầu” của Napoleon
Khi cách mạng tư sản Pháp nổ ra vào năm 1793, điện Elysee được nữ công tước Bourbon hiến cho chính phủ cộng hòa trước khi bà bị tống ngục. Công trình xa hoa này được dùng làm nơi đặt nhà in, và khi bà chủ được tha về trong cảnh khánh kiệt, nó được cho thuê tầng trệt để kinh doanh các dịch vụ giải trí, từ cà phê, hòa nhạc đến kịch, diễn thuyết và… nhà nghỉ, dành cho những cặp đôi muốn hưởng cảm giác hoan lạc giữa không khí cung đình.
Năm 1805, điện Elysee thoát khỏi cảnh rẻ rúng đó khi ông Murat, em rể Napoleon, mua lại và sửa sang. Một lần nữa, cung điện này lại trở thành địa chỉ ngọt ngào cho những cuộc hẹn ái tình của chính Napoleon và các người tình để tiêu mối sầu từ cuộc hôn nhân nặng nề với hoàng hậu Josephine, đồng thời để kiếm con nối dõi. Và khi Murat về Naples nơi ông ta được phong vương, cung điện Elysee trở thành chỗ ở chính thức của Napoleon. Khi ly dị Josephine, hoàng đế Pháp tặng bà cung điện này như một sự bù đắp, nhưng bà không ở, mà chính Napoleon đã ở đây trong những năm trị vì cuối cùng.
Sau đó, điện Elysée tiếp tục là nơi ở của các hoàng đế và tổng thống của nước Pháp. Nó vẫn luôn là một trong những công trình được ngưỡng mộ nhất thế giới. Hằng năm, nó được mở cửa vài ngày để đón khách tham quan.
Những sự cố bất ngờ
Là nơi được bảo vệ nghiêm ngặt nhưng điện Elysee cũng xảy ra nhiều sự cố khó tin. Chẳng hạn, một đêm tháng 11 năm 1974, cung điện bị một người đàn ông đột nhập vào để… ngủ. Anh ta leo qua hàng rào sắt, lẻn vào nằm trên ghế tràng kỷ tại phòng khách bạc. Sau đó hơn nửa năm, sự cố tương tự lại xảy ra: vào lúc sáng sớm có hai người trẻ tuổi lẻn vào và khi bị cảnh sát bắt giữ thì họ khai là vào gặp tổng thống. Một buổi tối cuối năm 1982, một nam sinh viên lại nhảy qua hàng rào sắt để vào cung điện, nhưng anh này thất bại trong việc đột nhập khi bị bắt ngay trong khuôn viên.
Một sự cố gây chấn động khác xảy ra năm 1994, khi ông François de Grossouvre, một người bạn chiến đấu lâu năm của tổng thống Mitterrand, lúc đó đã bị thất sủng, tự sát bằng súng ngay trong cung điện Elysee.
Chính vì thế mà càng ngày, công tác bảo vệ ở điện Elysee càng được hoàn thiện. Và để phòng các sự cố, kế hoạch bảo vệ được thay đổi sau mỗi nửa năm. Những khu nhà gần kề pháo đài được liệt vào dạng cấm khách bộ hành đi qua. Ô tô cũng không được phép đi vào một vài đường phố lân cận.