[size=1]Những kẻ lừa đảo ‘nổi danh’ khắp thế giới[/size] Một số nhà đầu cơ nổi tiếng khắp thế giới không phải vì sự thành công mà vì khả năng lừa đảo tài tình, vì sự thất bại của họ làm khuynh gia bại sản cả một tổ chức tài chính lớn.
Jerome Kerviel
Jérôme Kerviel sinh năm 1977, là một cựu giao dịch viên chứng khoán làm cho Societe Generale - ngân hàng thương mại lớn thứ 2 ở Pháp. Anh ta là nhân vật chính trong vụ mua bán khống làm Societe Generale thất thoát 7,16 tỉ USD.
Jérôme Kerviel lớn lên ở Pont-l'Abbé, Bretagne (Pháp), trong gia đình có mẹ là một thợ làm tóc, cha là một giáo viên trường dạy nghề. Anh ta được tuyển dụng vào ngân hàng Societe Generale từ năm 2000 với mức lương khoảng 100.000 euro/năm. Nhiệm vụ chính của anh ta tại ngân hàng là phát hiện những giao dịch đáng ngờ. Nhờ tích lũy được những mánh khóe trong công việc, Kerviel đã thực hiện các hoạt động gian lận và làm thất thoát của ngân hàng Societe Generale hơn 7 tỉ USD. Anh ta bị bỏ tù vào tháng 10/2010 với mức án 3 năm.
Nick Leeson
Nick Leeson sinh năm 1967, là một nhà đầu cơ làm rung chuyển cả ngành tài chính nước Anh. Người đàn ông này nổi tiếng vì thất bại, chứ không phải vì thành công.
Leeson là nhân viên của Ngân hàng Barings, một ngân hàng lâu đời tồn tại từ năm 1762 của Anh. Sự thăng tiến của Leeson tại Barings Bank nhanh chóng đến bất ngờ, cũng bất ngờ như chính việc Leeson phá hoại Barings Bank sau này. Ông ta thăng chức đến chóng mặt rồi được cử sang làm việc ở Jakarta (Indonesia), tiếp đó sang Singapore làm Tổng giám đốc điều hành của chi nhánh tại nước này.
Leeson không phải là người có tiền để đầu cơ theo kiểu được ăn, mất chịu nên đã tỏ ra vô cùng mẫu cán trong công việc để vươn lên những vị trí cao hơn ở Barings Bank, lấy lòng cấp trên. Ở Singapore, ông ta chuyên phụ trách việc tuyển dụng chuyên gia kinh doanh chứng khoán, thủ tục thanh toán và kiểm soát mọi hoạt động kinh doanh, trở thành nhà kinh doanh chứng khoán tại Singapore Monetary Exchange (SIMEX). Mục đích của ông ta là kiếm tiền nhanh nhưng không phải cho bản thân mà là cho ngân hàng, để được ghi nhận tại nơi làm việc. Với quyền lực trong tay, khi đầu cơ được, ông ta báo cấp trên, còn khi thua lỗ thì hạch toán vào các khoản đen. Tuy nhiên, cách đầu tư mạo hiểm, liều lĩnh của Leeson khiến ông ta ngày càng thua lỗ nặng. Tổng số thiệt hại mà Barings Bank phải hứng chịu là khoảng 1,3 tỉ USD.
Leeson bị bắt sau đó và bị tù ở Singapore từ năm 2005. Sau 4 năm, Leeson được tha vì bệnh ung thư, trong tình cảnh đã bị vợ bỏ.
Yang Yanming
Yang Yanming là một cựu lãnh đạo của công ty chứng khoán thuộc Tập đoàn đầu tư và tín nhiệm Trường Thành, Trung Quốc. Tháng 12/2005, ông này bị thi hành án tử hình và là trường hợp đầu tiên bị xử tử trong lĩnh vực chứng khoán do lừa đảo. Ông này bị kết tội biển thủ 13,84 triệu USD từ công quỹ công ty, từ năm 1998 đến năm 2003. Tuy nhiên, đến lúc bị tử hình, ông Yang vẫn yên lặng về tung tích khoản tiền 9,5 triệu USD biển thủ công quỹ.
Ông Yang bị xử tử do lợi dụng chức quyền, dùng công quỹ để thành lập công ty riêng, mua bán và đầu tư bất động sản.
John Rusnack
John Rusnak sinh năm 1971, là nhân viên của ngân hàng Allfirst Financial Inc., một ngân hàng thuộc tập đoàn Allied Irish Bank (Ireland), có 250 chi nhánh ở nước Mỹ. Rusnak nổi danh trong thế giới đầu cơ không phải nhờ thành công, mà là bởi những thất bại và làm thua lỗ của Allfirst Financial Inc. 691 triệu USD. Với phương châm lấy đầu cơ nuôi đầu cơ, Rusnak đầu cơ không phải vì làm giàu cho bản thân mà chỉ để thể hiện mình, gây dựng hình ảnh của mình trong công ty mà thôi.
Rusnak lựa chọn cách kinh doanh đầu cơ vào biến động của tỷ giá hối đoái giữa đồng USD và đồng Yên của Nhật Bản. Sau một thời gian “xuôi chèo mát mái”, đến đầu năm 2001, đồng Yên mất giá so với USD. Đầu năm 2002, hàng loạt các khoản nợ đến hạn trả và Rusnak biết không còn cách nào khác là phải ra đầu thú. Ngày 6/2/2002, ông này ra đầu thú tại Cục điều tra liên bang (FBI) với tổng số tiền thiệt hại gây ra cho công ty ông đang làm là 691 triệu USD.
Ông này phải chịu mức hình phạt là ngồi tù bảy năm rưỡi, và sau khi ra tù phải bồi thường mỗi tháng 1.000 USD trong 5 năm.
Yasuo Hamanaka
Ông Yasuo Hamanaka là một chuyên gia về kinh doanh chứng khoán của Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản. Đây là một tập đoàn kinh doanh nhiều mặt hàng khác nhau trong đó có đồng. Năm 1985, ông này được tuyển dụng vào Sumitomo.
Ban đầu, Hamanaka mua cổ phiếu của các tập đoàn và các công ty khai thác, chế biến đồng. Để có vốn, ông này thuyết phục lãnh đạo tập đoàn cho sử dụng vốn của tập đoàn. Nếu không có tiền, Hamanaka giả mạo chữ ký để lấy tiền. Bằng cách này, Hamanaka kiếm được rất nhiều tiền cho cả công ty và bỏ túi riêng. Có lúc, ông này đã kiểm soát 5% lượng đồng trên thế giới, và vì thế được gọi với cái tên “ông năm phần trăm”.
Suốt 11 năm, Hamanaka đã thành công theo cách đầu tư ấy. Để rồi đến một ngày, ông tìm đến Trung Quốc làm đối tượng đầu cơ đồng năm 1993. Chính phủ Trung Quốc đã sớm đoán biết được ý đồ của Hamanaka và tìm cách chặn đứng. Đến năm 1996, mọi chuyện làm ăn của Hamanaka bị đổ bể. Thiệt hại vật chất thống kê được mà ông gây cho Tập đoàn Sumimoto là 2,6 tỉ USD. Sau đó, ông này bị kết án 8 năm tù về tội lừa đảo và gian dối.