Những lời phán láo toét của một thằng sếp láo toét |
(Đây chỉ là một sáng tác văn học thuần túy, nhá) Tôi dẫn mấy thằng đàn em Ấn Độ ra quán Tàu ăn trưa. Kể ra nếu chúng nó mà không sợ cá sống, thì tôi đã dẫn chúng nó ra quán Nhật ăn sushi, nhưng như thế thì đã không có chuyện mà kể. Ở một số quán Tàu, khi ăn xong, mỗi khách sẽ được tặng một fortune cookie, trong đó có tờ giấy có một câu phán gì đó, đôi khi cũng khá buồn cười. Lần này, sau khi mở fortune cookie của mình, tôi cất tiếng cười rất nhạt và đưa cho mấy thằng đàn em xem: "Your great plan will beautifully success." Như thường lệ, mấy thằng đàn em thi nhau tán tụng "Tinh tú lão quái": - It's great. - Wow, it's amazing. - Awesome. You will make it to another level. (What level?) Để cho chúng tán tụng một lúc, khi nghe đã chán tai, tôi phán: "The only thing wrong with it is that I don't have any plan. Never. Ever." Mấy thằng đàn em Ấn Độ mắt tròn mắt dẹt: - Đại ca không bao giờ có plan gì thật à? - Ừ. Tao theo thuyết Vô vi của Đạo giáo, cứ để mọi việc xảy ra theo tự nhiên, không việc gì phải loi choi, phấn đấu, cố gắng làm gì cho mệt người. - Thế thì hồi còn bé đại ca đi học ở trường thế nào? - À, tao có học hành đếch gì. Hồi tao 6 tuổi, ông bà già bảo tao đi học vỡ lòng, thế là tao đi học vỡ lòng. Cuối năm vỡ lòng thì cô giáo bảo tao được lên lớp 1, thế là tao đi học lớp 1. Rồi cuối năm lớp 1, thầy giáo bảo tao được lên học lớp 2, thế là tao đi học lớp 2 … cứ thế … cứ thế … mười mấy năm liền thì tao tốt nghiệp phổ thông. Ngoài việc đi học ở trường ra, về nhà tao chỉ có đánh đáo, đánh khăng, bắt cào cào, châu chấu, câu cá, đá cầu, chứ chả học hành đếch gì. Hồi đấy giữa thủ đô vĩ đại nước tao còn có ruộng rau, áo cá, người Hà nội quý tộc chính gốc, chứ không phải toàn nhà cao, ô tô với nhung nhúc bọn nhà quê , trọc phú như bây giờ. - Đại ca giỏi nhỉ. Ở bên Ấn Độ bọn em, khi đi học ở trường, giáo viên có cho bài tập về nhà, rồi còn bắt học thuộc lòng. Vào đầu mỗi môn học, giáo viên sẽ dành khoảng 10 - 15 phút gọi học sinh lên kiểm tra bài. Bên nước đại ca không phải học thuộc lòng hay sao, mà đại ca không phải học hành, cố gắng gì mà cũng lên lớp dễ thế? (Chả nhẽ lại thú thật với bọn nó là mặc dù học mười phút thì bằng người khác học mười năm thật, nhưng thỉnh thoảng đại ca của chúng nó cũng phải học bỏ mẹ ra mới lên được 11 lớp?) - Ờ, tao cần gì học. Ngày xưa mỗi lần bị gọi lên bảng đọc bài, tao chỉ cần vừa đi vừa đọc vở hay sách giáo khoa, từ chỗ tao ngồi lên đến bảng là tao thuộc bài. Về sau, giáo viên thấy tao đi lên bảng mà có vở trên tay là cho 10 điểm về chỗ, chả cần đọc con mẹ gì. Hôm nào tao quên vở, thấy tao đi lên tay không thì giáo viên mới bắt đọc bài. Nhưng lớn lên một tí, tao đẹp trai, nên hôm nào tao lên bảng mà quên vở, là các em gái trong lớp đua nhau dúi vở vào tay tao trên đường lên bảng, tao ôm không hết, cứ như ca sĩ được tặng hoa trên sân khấu ấy. (Tất nhiên ở trên là tôi toàn nói láo. Nhất là đoạn bọn con gái thích tôi thì lại càng láo. Hồi tôi đi học, bọn gái học cùng lớp ghét tôi như hủi. Hồi đó tôi tuy có hơi đẹp trai thật, nhưng mặt lúc nào cũng lạnh như tiền, lại còn khinh gái vì cho rằng chúng nó ngu). Nhưng bọn Ấn Độ thì làm sao mà biết được là tôi đang nói láo, thế là lại một tràng Great, Awesome, Amazing lại vang lên. Một chú lại rón rén hỏi: - Thế hồi học Đại học đại ca cũng thế à? - Ừ, tao đã bảo là tao không cần phải cố gắng, phấn đấu, kế hoạch chó gì bao giờ. Hồi tao đi học còn bao cấp, học bổng sinh viên bao gồm cả việc nhà nước cấp cho tao 13 kg gạo một tháng, chả đủ cho tao ăn hai bữa. Vì thế nên tao đi chơi nhiều hơn đi học. Sáng đi uống cà phê, chiều đi uống rượu, tối thì đi vũ trường hoặc đua xe ra Vũng Tàu tắm biển. Nếu không thì cũng đua xe ngoài xa lộ Đại Hàn, chui qua gầm xe reo chở gỗ. - Thế đại ca lấy đâu ra tiền để ăn chơi? (Chả nhẽ lại thú thật với bọn nó là thỉnh thoảng tao cũng đi lập trình thuê hay viết báo cho một số tạp chí lập trình để kiếm tiền? ) - Tiền á? Tao cần gì tiền, mà chỉ cần rất nhiều tiền. Nhưng chỉ cần tiền độ đua xe, tiền cờ bạc và tiền thi uống rượu là đủ cho tao tiêu không cần đếm rồi. - Thế khi thi cử thì đại ca làm thế nào mà qua được? (Chả nhẽ lại thú thật với bọn nó là đại ca của chúng mày, cũng như những thằng sinh viên ngu xuẩn khác, đến gần kỳ thi cũng cầm quyển sách lên đọc dăm câu ba điều?) - À, tao cần gì học. Hôm nào thi tao cũng không biết. Có hôm đang ngủ ở nhà, có thằng bạn gọi điện đến bảo hôm nay có môn thi, tao mới lật đật đến trường. Cứ đến nơi là khắc có thằng cho tao chép bài, vì ngày thường tao hay đãi bia, đãi rượu bọn nó. Còn thi vấn đáp á? Thông minh sáng suốt như tao, bọn giáo sư biết gì mà hỏi. Bọn đàn em Ấn Độ nghe thế thì lại càng khâm phục ra mặt. Một chú khác lại hỏi: - Thế đại ca làm thế nào mà sang được Mỹ? - À, hồi xưa, lâu rồi, tao thất nghiệp, ở nhà chả có việc gì làm. Hồi đó, hộ khẩu của tao ở Hà nội, còn tao sống ở Sài gòn. Đi xin việc làm thì các công ty đòi phải có hộ khẩu thành phố, còn lên chính quyền thành phố xin hộ khẩu thì chúng nó bảo là phải có việc làm. Mà chúng mày có biết hộ khẩu là cái gì không? Thế là tao viết một cái resume, quẳng vào Internet, rồi ngày ngày lại sáng uống cà phê, chiều uống rượu, tối đi vũ trường …etc… Bỗng một hôm có một công ty cò người ở Mỹ gọi điện sang nhà tao ở Sài gòn, hỏi tao có muốn sang Mỹ lau bàn phím không? Tao bảo "Why the hell not". Thế là chúng nó lo toàn bộ thủ tục, giấy tờ, chi phí, gửi vé máy bay sang cho tao. Thế là tao leo lên máy bay, tay hai vali, lên đường qua châu Mỹ. Nghe đến đây, dù có hồn nhiên ngây thơ đến mấy thì các chú đàn em Ấn Độ cũng lộ vẻ bất phục. Bất phục ở đây không phải là chúng nó dám nghi ngờ tôi, ông sếp "mặt trời chân lý chói qua tim", "ánh sáng soi đường đưa ta về chiến thắng" của bọn chúng nói láo. Chúng lộ vẻ bất phục vì những gì tôi nói hoàn toàn trái với những điều mà ông bà, cha mẹ, nhà trường, xã hội, tôn giáo ở Ấn Độ, ở Úc, ở Mỹ, ở những nơi chúng đã đi qua dạy cho chúng. Một chú Ấn Độ Thiên chúa giáo cải đạo, sau khi hắng giọng 20 lần, thu thập hết can đảm, rụt rè hỏi: - Nhưng chắc đại ca cũng phải cố gắng một tí chứ? Hay cũng phải có kế hoạch, mục đích gì chứ? Chúa dạy bọn em, người ta sống trên đời này phải chăm chỉ, cố gắng, làm ăn lương thiện, phấn đấu làm việc tốt …etc… - Mày thấy đấy, Jesus là một bậc vĩ đại. Người đã hy sinh bản thân mình để cứu chuộc tội lỗi cho chúng sinh. Nhưng Jesus làm cái gì hay dạy cái gì thì mày cũng làm theo à? Bây giờ tao bảo mày dơ chân dơ tay ra cho tao đóng đinh mày lên cái dashboard trong phòng làm việc, thì mày có dơ không? Thằng con câm như hến. Sự im lặng kéo dài được một lúc, thì một chú theo đạo Hindu rụt rè lên tiếng: - Đại ca ạ, đạo của em cũng dạy người ta phải sống tốt đẹp, cố gắng học tập, lao động. Tôi giả vờ đưa tay lên xoa cằm, trầm ngâm suy nghĩ một lúc, rồi phán: - Chắc là mày có sự nhầm lẫn gì ở đây, chứ kinh Vệ Đà với cả Bhagavad Gita thì tao còn thuộc hơn cả mày. Có phải đấng Krishna dạy chúng mày là phải không được tham lam, ham muốn những thứ vượt quá khả năng và không phải sở hữu của mình không? Thế không phải là lời dạy đừng có cố gắng, phấn đấu, thì là cái đếch gì? Mặc dù không phản biện được gì về mặt logic, nhưng do được thấm nhuần giáo dục tốt của gia đình, nhà trường và tôn giáo, nên các chú có vẻ vẫn không phục cái lý luận "Người ta sống trên đời này cứ lè phè theo tự nhiên mà sống, không cần cố gắng, kế hoạch, phấn đấu". Nhìn những khuôn mặt thầm lặng mang vẻ cam chịu miễn cưỡng của bọn chúng, tôi bắt đầu thấy cáu, mặc dù đúng là mình đang nói láo thật. - Thôi được rồi, tao sẽ cho chúng mày một conclusive example, beyond any doubt, là con người ta chả cần cố gắng chó gì, mà cứ việc sống theo lẽ tự nhiên là được. Tôi chỉ tay vào thằng cu second-in-command của mình: - Mày, có phải mày tốt nghiệp MIT không? Tao nghe nói MIT là một trong những trường có khoa Computer Science tốt nhất thế giới, vào được còn khó, mà tốt nghiệp được còn khó hơn. Chắc mày phải lập kế hoạch và cố gắng ghê lắm phải không? Như chơi đàn gặp được kẻ tri âm, trò chuyện gặp được người tri kỷ, thằng cu tuôn ra ầm ầm về những khó khăn, gian khổ, cố gắng đổ mồ hôi sôi nước mắt của mình, để có thể từ một cái thành phố đầy mùi càri bên Ấn Độ mà sang tới Cambridge, MA và sờ tay vào cái cột ở cổng trường MIT. Rồi còn những năm tháng đêm quên ăn, ngày quên ngủ, sờ bàn phím đến mất cả vân tay để ra khỏi trường. Rồi gửi đơn xin việc, phỏng vấn, thử việc … Rồi thằng cu kết luận: - Em phải cố gắng ghê lắm chứ đại ca tưởng à? Mất cả một thời trẻ trai của em. Ra khỏi trường MIT rồi mà vẫn không biết gái Mỹ hình gì. Tôi lại chỉ tay sang một thằng khác: - Còn mày, có phải mày tốt nghiệp thủ khoa một cái trường nào tốt nhất Sydney bên Úc phải không? Cũng như chú kia, chú này lại tuôn ra như thác lũ về thời thơ ấu đổ mồ hôi sôi nước mắt, về thời trai trẻ bị đánh mất trong giảng đường, về việc ra trường ở Úc, rồi sang tới Mỹ mà vẫn không biết tóc vàng nó khác tóc đen ở chỗ nào. Để cho các chú ôn nghèo kể khổ và than vãn cho thời trẻ trai đã mất của mình chán chê, tôi mới phán tiếp: - Còn tao đây này, chả tốt nghiệp trường chó nào cho ra hồn người, hồi tao đi học thì học dốt đến bò cũng phải gọi bằng cụ, mỗi năm suýt bị đuổi học mấy lần. Giờ tao cũng chả có bằng cấp gì. Thế nhưng bây giờ ai là sếp? Tao hay là chúng mày? Thế thì cố gắng là tốt, hay cứ mặc kệ nó, theo thuyết Vô vi, thuận theo tự nhiên mà sống là tốt? Bọn Ấn Độ đồng thanh thú nhận với vẻ trang nghiêm thành kính: - Đại ca dạy rất phải. Nhìn ánh mắt cam chịu của tụi nó, tôi thấy cũng thương thương. Với lại nói láo mãi cũng chán, mà mặt dày đến đâu thì cũng có lúc phải ngượng. Tôi hạ giọng: - Thôi, đến lúc phải làm việc rồi, đi về công ty. Về đến công ty, theo thói quen sau khi ăn trưa, tôi lại gác hai chân lên bàn, tranh thủ làm một giấc. Trong khi đấy bọn đàn em Ấn Độ thì tiếp tục phấn đấu, cố gắng lập trình. Đang ngáy ngon lành, bỗng nhiên nghe văng vẳng tiếng thằng cu second-in-command bên tai: - Đại ca, có một cái NFR rất quan trọng từ khách hàng. Mắt nhắm mắt mở, tôi gãi đầu nghĩ : "NFR là cái chó gì? Chả có cái xứ nhà quê nào lại sính viết tắt như nước Mỹ. RUP thì là Rational Unified Process, UML thì là Unified Modeling Language, CPU thì là Central Processor Unit, SPR thì là Software Patch Request, chat với gái thì có BRB, LOL …, còn NFR là cái bỏ mẹ gì?". Mất hơn 30 giây, khi cơn buồn ngủ đã hơi qua, tôi sực nhớ ra: "À, NFR là New Functionality Requirement". Có yêu cầu mới về chức năng mới, thì quan trọng đếch gì. Tôi phẩy tay, phán: - As usual. Như mọi khi! "Như mọi khi" tức là chúng mày cứ làm việc đi, muốn làm gì thì làm, chừng nào viết code ngu thì tao mới xóa, còn không thì để yên cho tao ngủ. Tôi nhắm mắt lại, chuẩn bị ngáy tiếp. Nhưng lần này thì unusual. Thằng Ấn Độ lay tôi dậy, năn nỉ: - Cái NFR này quan trọng, đại ca không duyệt thì bọn em không dám làm. Quái, làm đếch gì có cái gì quan trọng hơn giấc ngủ trưa của tôi. Mà dù có quan trọng thật, thì đã có thằng second-in-command này. Tuy nó là Ấn Độ thật, nhưng nó tốt nghiệp MIT chứ có phải đùa đâu, khó khăn nào mà nó chả làm được, mà không để yên cho mình ngủ. Lần này chắc là to chuyện thật rồi. Nghĩ thế, tôi chậm rãi ngồi dậy, dụi mắt, ngoáy mũi mấy cái, rồi phán: - Đâu, mày đưa cái NFR cho tao xem. Đọc qua cái đầu đề: "Implement Enterprise Security feature according to American Top Security Standard", cơn buồn ngủ của tôi bay đâu mất. Lần này thì to chuyện thật rồi. Tôi nghiêm túc đọc tiếp xuống chi tiết của cái NFR: Viết lại chức năng của nút Delete trên màn hình, để mỗi lần user bấm vào nút Delete, thì không chỉ hỏi "Are you sure?" một lần. Đối với những dữ liệu quan trọng, thì ngoài hỏi "Are you sure?" một lần, thì phải hỏi thêm "Are you really sure?". Đối với những dữ liệu rất quan trọng thì phải hỏi thêm lần thứ ba nữa: "Are you really really sure?" Đối với dữ liệu rất rất quan trọng thì phải hỏi thêm lần thứ tư nữa: "Are you really really really sure?" Tóm lại là nếu tầm quan trọng của dữ liệu có n chữ "rất", thì phải hỏi n+2 lần, và trong câu hỏi phải có n+1 chữ "really". Đúng là tôi không duyệt thì chúng nó không dám làm thật. Đếch ai lại đi implement cái yêu cầu ngu xuẩn như thế. Tôi nổi cáu, quăng tập NFR ra ngoài cửa sổ, phán: - FTR. Mấy thằng Ấn Độ sợ xanh mắt, lấm lét nhìn nhau, gãi đầu gãi tai, vắt những bộ óc tốt nghiệp MIT, Berkeley, Stanford của chúng nó ra để nghĩ xem FTR là cái gì mà không có sách nào viết, không có trường lớp nào dạy mà cũng không có công trình nghiên cứu nào đề cập đến. Sau 30 phút vò đầu bứt tai hành hạ những cái đầu bác học của chúng, bọn đàn em Ấn Độ rón rén hỏi: - Đại ca tư tưởng cao siêu, trình độ uyên bác quá, dạy bọn em FTR nhưng bọn em không hiểu. Đại ca làm ơn giảng cho bọn em. Tôi nghiêm giọng phán: - FTR tức là Fuck The Requirement. Đếch ai lại implement một cái yêu cầu ngu xuẩn như thế. Mấy thằng đàn em Ấn Độ bò lăn ra cười. Tội nghiệp chúng nó. Cả một buổi tôi tuôn ra những lời ba hoa. dối trá, láo toét thì chúng nó nghe với thái độ nghiêm trang, kính trọng và tin tưởng. Đến lúc nghe được lời thực lòng đầu tiên, duy nhất trong ngày của ông sếp, thì chúng nó lại tưởng tôi đùa. Ôi, đàn em của tôi! |