Chuyện shock 2010-05-09 15:23:16

Những nhà sáng chế không bằng cấp


[size=3]Máy gặt lúa hiệu Kim Chính[/size]




Nhà sáng chế chân đất Nguyễn Kim Chính

Cứ vào mỗi mùa gặt, trên khắp những cánh đồng ở Bình Định và một số tỉnh lân cận, máy gặt lúa hiệu Kim Chính xuất hiện khá nhiều. Ít người biết rằng, chiếc máy chinh phục được mọi địa hình, từ ruộng khô đến ruộng ngập sâu trong nước lại do một anh nông dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tự mày mò cải tiến.

Quyết tâm… làm liều

Sinh ra ở vùng quê thôn Đại An, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát (Bình Định), ngay từ thuở nhỏ, Nguyễn Kim Chính (sinh năm 1957) đã thấu hiểu được bao nỗi vất vả của nghề nông. Lớn lên, lập gia đình, anh cũng tảo tần mưu sinh với công việc đồng áng. Những thửa ruộng đến mùa gặt nhiều lúc khiến gia đình anh toát mồ hôi khi phải cắt lúa bằng tay, tốn công sức và mất rất nhiều thời gian. Đã vậy, không chỉ ở quê anh mà còn nhiều vùng lúa khác, mỗi thửa ruộng đều có một địa hình hoàn toàn khác nhau. Mùa nắng, ruộng khô khốc. Mùa mưa, chân đất sình lầy, thân cây lúa oằn ngập trong nước. Để mang được những hạt lúa về nhà, bà con nông dân trải qua nhiều ngày vật lộn rã rời trên đồng ruộng.

Những năm 90 của thế kỷ trước, máy móc nông nghiệp, trong đó có máy gặt lúa xuất hiện ngày càng nhiều. Nghề nông từ đó đỡ vất vả hơn, nhưng khâu thu hoạch lúa vẫn chưa được “giải phóng sức lao động 100%”. Máy cắt lúa mua về chỉ dùng được vào mùa khô, khi trời mưa thì đành xếp xó. Đưa ra đồng, gặp nước thì máy xục xịch, đứng bánh. Những lúc ấy, nông dân lại tất tả dùng liềm ra đồng cắt bằng tay. Bà con lối xóm khổ một, vợ anh Chính khổ mười, vì sức khỏe không đảm bảo. Lo cho vợ, anh nghĩ đến việc cải tiến máy cắt lúa thông thường thành máy đa năng, có thể phát huy hết công suất trên mọi địa hình.

Nghĩ là làm cái rụp, nhưng lâu nay chân lấm tay bùn đã quen, đâu biết gì đến chuyện sáng chế, cải tiến máy móc. Nhà nghèo, anh Chính cũng chỉ mới học hết lớp 7. Những nguyên lý cơ - động học, với anh, lại càng mù mờ hơn. “Khó là thế nhưng chẳng lẽ mình chào thua. Không làm được cũng chẳng sao, cũng chẳng ai chê cười vì trình độ mình có hạn mà, nhưng ngày ngày vợ con cơ cực quá với ruộng đồng, lòng mình áy náy lắm. Hàng xóm có người biết ý định của tui liền ái ngại: Đừng giỡn chơi chú Chính ơi, không khéo rã máy ra, ráp lại không được thì tiền mất tật mang. Ráng mất vài ngày công cắt lúa lắm khi lại đỡ phiền hà rắc rối hơn” - anh Chính kể lại.

Bao trắc trở, khó khăn ban đầu không lấn át được tình thương muốn đỡ đần cho vợ con. Anh Chính quyết tâm… làm liều. Chiếc máy cắt lúa mua về, anh tự tay rã ra từng bộ phận. Từng chi tiết thay đổi hay xê dịch, anh đều ghi chép tỉ mẩn để tránh chuyện “rã ra rồi ráp lại không được”! Từ chiếc máy “nguyên con”, giờ trước mắt anh là một mớ bòng bong thiết bị. Cất giữ cẩn thận, anh dành thời gian lân la đến các xưởng cơ khí xin “cầm tay chỉ việc”.

Nhờ sự quyết tâm và chịu khó học hỏi, trong thời gian ngắn, anh tích lũy được nhiều kiến thức, kinh nghiệm về máy móc. “Quay về, tui ngày đêm “chiến đấu”, lắm lúc quên cơm nước và… lơ cả vợ luôn. Nghĩ lại cũng dại thiệt, lỡ lúc đó mình làm không thành, vợ giận mà lơ lại, e nguy to. Mừng là mình làm được thiệt” - anh Chính cười sảng khoái nói.


Máy gặt lúa đa năng hiệu Kim Chính

“Chú Chính tài thiệt”

Năm 1998, sau một thời gian tự mày mò cải tiến, máy cắt lúa đa năng của anh Chính chính thức trình làng. Khi đưa ra đồng, bà con nhìn khoái quá, kéo đến xem rất đông, ai cũng trầm trồ thán phục “chú Chính tài thiệt”.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người tìm đến đặt hàng, thế là anh thừa thắng xông lên luôn. Anh Chính kể, thấy có anh bạn xã bên cạnh mua về cắt lúa hiệu quả, giá rẻ bất ngờ nên mấy người cắt máy cũ cạnh tranh không lại cũng dò hỏi để mua. Đơn đặt hàng có khi làm không xuể. Mấy năm nay bán được hơn 200 máy (giá 21 triệu đồng/máy), không chỉ cho nông dân tỉnh nhà mà còn ở các tỉnh, thành trong cả nước.

Bước đầu anh Chính cải tiến máy cắt lúa ruộng khô kiêm luôn cắt ruộng ngập nước, sình lầy; rồi từ cắt ban ngày sang cắt được cả ban đêm; từ không có chỗ ngồi điều khiển, anh làm luôn khung sườn để người điều khiển không đụng chân xuống nước; từ một cục sắt đi đâu cũng cần xe chở, thì máy của anh chạy được trên nhiều địa hình… Tốc độ cắt 12-15 phút/sào nhờ các bộ phận sáng chế và cải tiến chính yếu: hệ thống sên rút nhau, bánh hơi gắn vào mâm sắt 8 lá; bánh xe máy được thay bằng bánh rùa hơi…

Rất đơn giản nhưng tính năng hoạt động mang lại hiệu quả cao. Nhờ đó, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận quyền sở hữu tác giả cho “nhà sáng chế chân đất Nguyễn Kim Chính”. Bà con nông dân nhiều vùng quê xem anh như người bạn thân thiết, vì nhờ có máy gặt đa năng ấy, việc thu hoạch lúa giờ khỏe re. Chỉ cần một lao động (nam) ngồi trên máy, tất cả các thửa ruộng đều nhanh chóng bị “chinh phục”, chị em phụ nữ không còn phải chịu cảnh chân thấp, chân cao lội nước gặt lúa như trước.

Cải tiến thành công được máy cắt lúa giúp vợ con bớt khổ, anh Chính rất vui. Vui hơn là anh được đi tham gia triển lãm thành quả lao động sáng tạo của mình ở khắp nơi. Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam đã công nhận anh là "Điển hình sáng tạo Việt Nam". Anh còn vinh dự nhận hàng chục bằng khen sáng tạo của các bộ ngành, Trung ương Đoàn và UBND tỉnh Bình Định…

Anh Chính tiêu thụ máy chủ yếu qua đơn đặt hàng của nông dân. Khả năng tài chính có hạn nên anh không thể sản xuất đại trà để phân phối đều trên thị trường. Ai đặt mua, anh mới bắt tay vào làm. Mong muốn của anh là có sự hợp tác để thương hiệu máy gặt lúa đa năng Kim Chính dễ dàng tiếp cận với bà con nông dân các vùng sâu, vùng xa trên khắp mọi miền đất nước.

Nhiều máy gặt đập liên hợp có mặt trên thị trường hiện nay có nhược điểm là chỉ thích nghi với vùng đồng ruộng rộng lớn, giá bán lại cao, vượt khả năng tài chính của nông dân. Máy gặt lúa đa năng của anh Chính đặc biệt thuận lợi trên đồng ruộng nhỏ, địa hình phức tạp…




[size=3]Máy bắt côn trùng của ông Lía[/size]



Thời gian gần đây, nhiều nông dân từ các địa phương khác đã tìm đến thôn Phú Bình, xã Ninh Phụng, huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), tìm gặp ông Trần Văn Lía để đặt mua hoặc nhờ chỉ dẫn cách chế tạo máy bắt côn trùng.


Ông Trần Văn Lía với chiếc máy bắt muỗi tại chuồng bò - ảnh: V.K

Tôi tìm đến nhà “kỹ sư hai lúa” Trần Văn Lía rất dễ bởi hỏi “ông nông dân chế tạo máy bắt côn trùng” thì nhiều người biết. Ông Lía cho hay: “Năm 2007, tôi mua mấy con bò lai đắt tiền về nuôi. Nhưng muỗi đốt nhiều quá, khiến bò mất ngủ, ốm đau, không lớn được. Tôi đã cố gắng tìm trên thị trường loại máy diệt muỗi, nhưng không có loại nào hiệu quả và phù hợp. Sau nhiều đêm mất ngủ, bỗng tôi nảy ra ý tưởng: tại sao không tự chế tạo một máy bắt muỗi phù hợp?”.

Sau nhiều lần mày mò thí nghiệm, ông Lía đã cho ra lò chiếc máy bắt muỗi có cấu tạo đơn giản: một chiếc quạt bàn, một ống hút và một ống đẩy (đều làm bằng tôn), một túi đựng muỗi bằng lưới mịn. Khi cắm điện, quạt chạy sẽ hút muỗi bay vào lưới qua ống hút và ống đẩy. Để thu hút muỗi vào ban đêm, ông Lía thiết kế một bóng điện màu và dán giấy màu phản quang vào mặt trong ống hút. Khi ông cho máy chạy thử trong chuồng bò nhà mình thì thấy hiệu quả hơn cả mong đợi. Ngay đêm đầu tiên, chiếc máy đã hút được hơn 2 lạng muỗi. “Thấy máy hiệu quả, tôi làm thêm vài chiếc nữa để đặt trong chuồng heo, chuồng gà và ở vườn. Lượng muỗi ngày càng giảm, bò và lợn không còn bị muỗi đốt nên ngủ ngon, chóng lớn, không bệnh tật. Muỗi bắt được trộn với cám làm thức ăn nuôi gà con rất tốt”, ông Lía hồ hởi nói.

Tiếp đó, ông Lía đặt và hướng dẫn thợ cơ khí chế tạo nhiều máy nữa, rồi phổ biến cho người dân quanh xóm. Do máy có cấu tạo đơn giản, gọn nhẹ, dễ sử dụng, hoạt động hiệu quả và giá chỉ 260.000 đồng/cái nên các hộ dân gần đó đã hưởng ứng nhiệt tình. Tiếng lành đồn xa, nhiều nông dân từ Khánh Hòa, Đắk Lắk, Cà Mau, Bến Tre… tìm đến nhà ông Lía để đặt hàng. Nhiều người ở xa gọi điện thoại nhờ ông Lía hướng dẫn kỹ thuật để tự thiết kế máy bắt muỗi đều được ông hướng dẫn nhiệt tình.

Ông Phạm Hồng Khánh, Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa, cho biết: “Hội thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa được tổ chức 2 năm một lần. Năm nay có hơn 200 sản phẩm dự thi, trong đó tác giả là nông dân chiếm khoảng 30%. Chúng tôi đã nhận được bản thuyết trình về sản phẩm máy bắt muỗi của ông Trần Văn Lía gửi tham gia hội thi năm nay. Nhìn chung máy có cấu tạo khá đơn giản, dễ phổ biến, dễ sử dụng, giá cả phù hợp với người nông dân. Qua trình bày của ông Lía và thông tin từ người dân thì máy bắt muỗi này có hiệu quả cao. Tuy nhiên cần có sự đánh giá chính xác hơn từ phía Hội đồng chấm giải”.


Năm ngoái có một đoàn nông dân ở tận Cà Mau ra nhà ông Lía chơi và nhờ ông hướng dẫn kỹ thuật chế tạo máy bắt muỗi; đoàn này về phổ biến rộng rãi cho các hộ nông dân xung quanh, được nhiều người ủng hộ và áp dụng rất hiệu quả. Đến nay, ông Lía đã bán được trên 400 máy; trừ tiền mua thiết bị và trả công thợ, lời khoảng 50.000 đồng/máy. Ông Lía tâm sự: “Tại TP Hồ Chí Minh có một số trang trại nuôi bò với số lượng lên đến hàng vài trăm con, nên có vệ sinh chuồng trại đến mấy thì muỗi vẫn sinh sôi phát triển. Từ ngày họ dùng máy bắt muỗi của tôi thì muỗi giảm đi trông thấy, bò ăn no ngủ khỏe. Nếu phổ biến việc sử dụng máy bắt muỗi trong từng hộ gia đình tại các vùng nông thôn, sẽ làm giảm đáng kể lượng muỗi trong tự nhiên, ổn định môi trường sinh thái, chăn nuôi có hiệu quả, góp phần hạn chế bệnh sốt rét và sốt xuất huyết…”. Hiện ông Lía đã gửi bản thuyết trình kỹ thuật, quy trình và hiệu quả hoạt động của máy bắt muỗi dự thi Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Khánh Hòa lần III (2008 - 2009).

Từ thành công trên, ông Lía đã cải tiến máy bắt muỗi thành máy bắt rầy cho lúa, nhằm hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu. Về cơ bản máy bắt rầy và máy bắt muỗi giống nhau, nhưng máy bắt rầy có ống hút và ống đẩy dài và rộng hơn, có bình sạc điện và công tắc an toàn. Chế tạo xong, ông Lía cho chạy thử tại ruộng lúa bị rầy phá; máy có buộc một cành cây, kéo sát lá lúa để đánh thức rầy. Lượng rầy bị hút vào túi lưới khá nhiều. Tuy nhiên máy quá nặng (17 kg), nên ông đang nghiên cứu giảm khoảng 1/2 trọng lượng để thuận tiện cho nông dân khi phải mang đi xa. Theo ông Lía: “Nếu sản xuất hàng loạt, thay ống tôn bằng ống nhựa, thay bình sạc điện bằng bình sạc điện chuyên dụng, thì máy sẽ gọn nhẹ, giảm giá thành”.

Đã có một công ty ở huyện Ninh Hòa đã ký hợp đồng với ông Trần Văn Lía để sản xuất hàng loạt máy bắt muỗi. Theo ông Lía, máy bắt muỗi này sẽ được cải tiến hình dáng để gọn nhẹ và thẩm mỹ hơn; có thể đặt trong chuồng bò, phòng ngủ… Đây là tin vui đối với ông Lía nói riêng và người nông dân Việt Nam nói chung. Hy vọng sẽ có nhiều doanh nghiệp mạnh dạn hợp tác với những “kỹ sư hai lúa” như ông Trần Văn Lía.




[size=3]“Kéo vàng” nhà nông[/size]



Bán vàng cưới mua… vật liệu sáng chế

Người được bà con yêu mến gọi là "kỹ sư miệt vườn" ấy là ông Lê Phước Lộc (tên thường gọi Hai Đặng). Từ năm 2003 đến nay, Hai Đặng đã có bốn sáng chế và giải pháp kỹ thuật được công nhận, trong đó hai sáng chế kéo cắt tỉa và vòi phun nước được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.

Hai Đặng năm nay 50 tuổi, gốc Cái Bè (Tiền Giang), lên Sài Gòn học trung học đến năm 1975 trở về quê làm ruộng. Hồi đó, Hai Đặng mới 18 tuổi và "nghèo kiết xác", nhưng được cái ca vọng cổ rất mùi mẫn, nên được cô thôn nữ Phạm Thị Hía để ý, đến năm 1979 thì nên vợ nên chồng. Hai Đặng kể: "Hồi đó, xã có một chiếc ô tô nhưng rất kềnh càng, khó xoay trở trên đường làng. Sẵn có học võ vẽ nghề sửa máy, tui liều mạng lãnh "chế" lại thành xe loại nhỏ. Ròng rã hơn một tháng trời, chiếc xe chạy ngon lành ở các tuyến lộ nhỏ hẹp ở vùng sâu. Nhờ vụ đó, tui mới có tiền sắm cho bả đôi bông tai, cặp nhẫn cưới. Rồi vợ chồng dắt díu nhau về làm vườn".

Hai vợ chồng bắt đầu làm nghề suốt lúa mướn. Hồi đó máy suốt lúa còn hiếm, giá rất cao. Hai Đặng liền đem nhẫn cưới và đôi bông tai của vợ bán lấy tiền mua vật liệu rồi mày mò nghiên cứu tự chế ra thùng suốt lúa có thể tháo ráp lưu động. Đến mùa thu hoạch, hai vợ chồng chở máy đi khắp miệt Cái Bè rồi qua Đồng Tháp, An Giang suốt lúa mướn. "Vợ chồng phải mướn ghe, túm theo nồi, niêu, xoong, chảo xuống theo, cứ vậy rong ruổi hết mùa thu hoạch lúa mới về nhà. Suốt 17 năm ròng vợ chồng tui phải đi suốt lúa mướn như vậy đó" - chị Hía nhớ lại.

"Chia lửa" với nông dân

Năm 2003 có thể coi là "bước ngoặt cuộc đời" của anh nông dân Hai Đặng, khi chiếc kéo cắt tỉa cành, lá, hái trái cây do anh sáng chế giành giải nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật Tiền Giang lần V. "Giải thưởng này là nguồn động viên tui tìm tòi làm thêm những dụng cụ mới phục vụ cho bà con nông dân" - Hai Đặng bày tỏ.

Nhà Hai Đặng có vài công vườn nên anh hiểu trong công việc của nhà vườn, mất công nhất là lúc tỉa cành, hái những trái hư. Bởi xưa giờ, để làm những công việc này, nhà vườn vẫn phải sử dụng thang gỗ hoặc thang sắt, tỉa xong một mé lại phải lui cui leo xuống, dời thang qua mé khác làm tiếp.

Thời điểm đó, trên thị trường có bán loại kéo cắt tỉa lưỡi cong, dùng tay giật dây kéo, nhưng dễ gây hư hỏng, bầm dập trái kế bên, có khi kéo theo cả chùm trái. Thực tế đó thôi thúc Hai Đặng bắt tay vào nghiên cứu chế ra cây kéo cắt tỉa đa năng, chỉ cần đứng dưới đất đưa kéo lên cắt cành, tỉa trái.


Không bàn vẽ hay máy vi tính như kiểu kỹ sư chế tạo máy, đồ nghề của anh chỉ là cây viết bi mượn của thằng con trai, cây kéo, mớ bìa giấy cạc-tông lấy từ những thùng mì gói và cây thước thợ may. Hết kẻ vẽ lại cắt xén, cuối cùng đã hình thành mô hình chiếc kéo cắt tỉa ráp bằng bìa giấy cạc-tông.

Hai Đặng tìm mua ít sắt và thép về bắt đầu gia công thành chiếc kéo cắt tỉa dài 1m, đem ra vườn cam bên nhà thử nghiệm. Anh lặng người đi vì cây kéo hoạt động quá ngon lành. Mấy anh bạn nhà kế bên nghe Hai Đặng "chế" kéo bèn rủ nhau tới coi, rồi đòi mua. Anh nói: "Mình làm tính để xài, nhưng họ nói tui còn cái kéo mẫu bằng giấy, muốn xài thì làm cái khác mà xài. Rồi họ kêu tui tính giá. Tui cộng chừng tiền mua sắt, thép, công thuê thợ hàn, thợ sắt… phỏng tính giá 50.000 đồng. Họ vác kéo về nhà, mừng húm".

Hai Đặng nói: "Ban đầu tui chỉ làm đặng tỉa cành, tỉa trái hư thúi thôi. Sau đó tui kêu bà xã may cái túi vải có khung sắt bao xung quanh miệng túi rồi gắn vô hái trái ngon lành. Tiếp đến tui chế thêm bộ phận kẹp trái để hái những trái mà mình muốn giữ cuống để thờ cúng. Thế là cái kéo của tui thêm công năng mới là hái trái khi thu hoạch với năng suất cao hơn loại kéo khác rất nhiều".

Kéo cắt tỉa của Hai Đặng thao tác đơn giản, tiện dụng, giá thành phù hợp và bền nên được nhà vườn ưa chuộng. Từ năm 2003 đến nay, mỗi năm Hai Đặng tung ra thị trường ĐBSCL và một số tỉnh miền Đông trên 1.000 cây kéo cắt tỉa.

Mơ lập công ty nông cụ

Không chỉ có kéo cắt tỉa, giờ đây Hai Đặng có hàng loạt sáng chế mới phục vụ đắc lực cho nhà vườn như kéo hái mãng cầu, hái vú sữa, hái bưởi… Có thể nói, những sáng chế hay cải tiến kỹ thuật của Hai Đặng đều bắt nguồn từ những khó khăn trong sản xuất của bà con nông dân. Như lần nghe mấy ông bạn than tỉa nhánh thanh long quá khó khăn, Hai Đặng về suy nghĩ suốt đêm, đến sáng hôm sau chế ra mô hình dụng cụ xử lý nhánh thanh long.


Hai Đặng chỉnh lại kéo cắt tỉa cho một khách hàng - Ảnh: G.Hùng

Dù đã làm ra khá nhiều nông cụ, nhưng anh "kỹ sư miệt vườn" vẫn chưa muốn dừng lại. Hiện anh đang dày công nghiên cứu hai sản phẩm: máy dọn vệ sinh đường phố và dụng cụ phục vụ cho các trang trại trồng cây công nghiệp như cao su, điều… nhằm giúp nhà vườn, chủ trang trại giảm thiểu chi phí nhân công, tiết kiệm thời gian…

Hai Đặng nói: "Nếu gom đủ vốn, tui sẽ lập công ty chuyên sản xuất, cung cấp dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp". Ước mơ đó rất thiệt thà, chân chất, đậm tình thôn quê của bà con nông dân chia sẻ với nhau khốn khó ngày mùa. Bởi không ai hiểu nông dân muốn gì bằng chính những người từng một nắng hai sương với ruộng vườn…





[size=3]Máy làm bánh cuốn xuất ngoại[/size]




Nông dân Bùi Đỗ Hậu hạy thử chiếc máy làm bánh đa nem tự động - Ảnh: Q.D

Vượt qua những khó khăn về tài chính, anh nông dân Bùi Đỗ Hậu (xã Bính Hòa, H.Thanh Oai, Hà Nội) đã chế tạo thành công chiếc máy làm bánh cuốn và máy làm bánh đa nem tự động nổi tiếng khắp trong Nam, ngoài Bắc.

Sản xuất không kịp

Tôi tìm đến xưởng chế tạo máy làm bánh cuốn tự động của nông dân Bùi Đỗ Hậu, đặt ngay trong sân của ngôi nhà nằm gần cầu Thạch Bích mà cả gia đình anh đang ở. Chỉ vào chiếc máy sắp hoàn thành, khi 5 người thợ đang cùng nhau lắp ráp những chi tiết cuối cùng, anh Hậu cho biết: “Mấy chú cháu đang phải chạy đua với thời gian, để kịp sáng mai đi Thanh Hóa giao cho khách hàng theo đúng đơn đặt hàng trước đó”. Theo anh Hậu, xưởng chỉ sản xuất theo đơn đặt hàng nhưng làm cũng không hết việc và hiện anh đang còn “mắc nợ” 4 khách hàng ở Cần Thơ, Bắc Kạn, Hà Tĩnh và Quảng Nam.

“Giá bán máy không phải là “mềm”, 35 triệu đồng/máy làm bánh cuốn, 45 triệu đồng/máy làm bánh đa nem tự động nhưng hiện sản phẩm của chúng tôi đã bán ở nhiều tỉnh, thành trong nước. Không những thế, 4 chiếc máy làm bánh cuốn do chúng tôi tạo ra hiện đã có mặt tại Mỹ” - anh Hậu khoe.

Vốn là, sau khi đem máy đi trưng bày ở các hội chợ được tổ chức ở Hà Nội, TP.HCM… ngoài những người làm bánh cuốn trong nước biết đến, chiếc máy làm bánh cuốn còn “lọt” đến tai của những Việt kiều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Có người mua vé máy bay về nước, tìm đến xưởng nhỏ của Hậu học cách tháo lắp, vận hành rồi mua máy đem sang Mỹ lắp đặt, làm bánh để kinh doanh. Anh Hậu cho biết: “Nghe nói, họ bán bánh cuốn bên đó cũng chạy lắm, lời lãi thu về cũng nhiều. Bánh cuốn - đặc sản mang đậm chất đồng quê của người Việt, người con nào khi xa quê mà chẳng nhớ, chẳng yêu”.

7 năm mới hoàn thành

Nếu làm thủ công, 4 người làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ làm ra được 2.000 chiếc bánh cuốn. Nhưng cũng với 4 người đó “đứng” máy do Hậu chế tạo ra, 1 giờ đã làm được tới 1 vạn chiếc bánh có chất lượng cao, hình dáng và kích thước giống hệt nhau.

Thế nhưng, để có được “lộc trời” như cách nói của anh về việc tạo ra những chiếc máy ấy, người nông dân này đã phải trải qua quá trình lao động, sáng tạo với rất nhiều khó khăn, vất vả, có lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc. Sinh ra tại làng Thanh Lương, nơi có nghề làm bánh cuốn truyền thống nổi tiếng của “đất trăm nghề” (Hà Tây cũ), tuổi thơ của Hậu gắn liền với những chiếc cối xay bột, nồi tráng bánh và những thúng bánh cuốn thơm phức mùi hành, lóng lánh ánh mỡ. Trở về làng sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, Hậu lại cùng anh chị em trong nhà gắn bó với nghề làm bánh cuốn. Thấy bà con cứ làm quần quật suốt đêm về sáng ngâm gạo, xay bột, rồi ngồi bên bếp than tỉ mẩn tráng từng chiếc bánh cuốn mới đủ cho buổi chợ, Hậu nảy ra ý tưởng chế tạo chiếc máy tráng bánh tự động, vừa làm được nhiều bánh, vừa giải phóng sức lao động cho mọi người. Đó là vào những năm 1990 của thế kỷ trước.

“Tôi học chưa hết một lọ mực nhưng trời cho có khiếu về máy móc, mọi người xung quanh vẫn nói thế mà. Vả lại, cũng chẳng phải mình tôi nghĩ ra đâu. Anh em trong nghề làm bánh mỗi người góp một ý đấy. Tôi liều nên quyết định biến nó thành hiện thực. Cần phải giữ nguyên công nghệ cổ là tráng bánh bằng hơi nước nóng, ban đầu tôi hướng tới việc xây dựng khu đun nước và dẫn hơi nước nóng chạy đến chiếc nồi hấp để làm chín bánh”, anh Hậu nhớ lại. Nghĩ là làm, Hậu vay mượn 10 triệu đồng, lấy tiền đó mua vật liệu xây bếp rồi trở lên tận Hà Đông thuê người ta hàn xì theo yêu cầu của mình. 5 năm sau, năm 1995, chiếc máy đầu tiên ra đời nhưng khi vận hành lại không như ý của người “đẻ” ra nó: bột không được “nặn” thành bánh. Thấy vợ xót của vì bột bị hỏng, Hậu đi tìm mua tới 20 con lợn về nuôi. “Mẻ bánh nào hư, mấy chú lợn lại được hôm ăn tiệc, tôi thì đỡ tiếc tiền mua gạo và công xay bột, mẹ nó vì thế cũng bớt cằn nhằn. Tôi vừa làm vừa điều chỉnh, khắc phục dần các lỗi của máy. Mỗi khi gặp sự cố, tôi ngồi cách xa chiếc máy, vừa hút thuốc, uống rượu, vừa ngắm máy ngẫm nghĩ tại sao nó lại thế? Ngắm mãi rồi cũng nghĩ ra cách khắc phục”, anh Hậu kể chuyện.

Cuối cùng trời cũng chẳng phụ người có công, năm 1997, chiếc máy làm bánh cuốn tự động hoàn thành, chạy “ngon ơ”. Anh Hậu giới thiệu về chiếc máy: “Máy gồm 2 bộ phận chính: bình cấp hơi nước và hệ thống làm bánh. Trong đó, bình cấp hơi nước được đặt trên một bếp xây bằng gạch, có thể dùng than hoặc củi để đun. Hơi nước nóng bốc lên được dẫn tới khu vực làm bánh thông qua các ống dẫn bằng kim loại. Tại đây, người thợ chỉ cần đóng cầu dao, máy bắt đầu chạy. Bột nước chảy từ bình đựng bột qua hệ thống hấp bánh. Sau đó, bánh được băng chuyền chuyển qua giàn đỡ bánh và được cắt với chiều dài, rộng hoặc dày mỏng theo ý muốn của người đứng máy. Phần việc còn lại chỉ là xếp bánh vào thúng đem đi bán”.

Khi đó, Hậu mừng như bắt được vàng vì bánh làm ra có hình thức rất đẹp, ăn vừa dai lại vừa giòn. Nhưng cái gì mới, không phải lúc nào cũng được chấp nhận ngay. Người ta bảo Hậu dùng phoóc-môn mới có thể làm ra những chiếc bánh ngon, trông bắt mắt như vậy. Không ai mua bánh của gia đình Hậu nữa. “Cái khó ló cái khôn”, anh Hậu bắn tiếng với dân làng: “Ai có bột, đem đến tôi làm bánh cho, không lấy tiền”. Một người, hai người. Rồi cả làng, ai cũng muốn đem bột đến nhờ anh Hậu làm bánh. Nỗi oan được giải. Hậu chuyển qua chế tạo máy bán cho bà con, việc làm không hết và tiền của nhờ vậy cũng ngày một dư dả…

Chưa dừng lại ở đó, 3 năm sau, anh Hậu lại chế tạo thành công máy làm bánh đa nem tự động bằng cách gắn thêm vào máy làm bánh cuốn hệ thống rải bánh lên phên nứa. Với chiếc máy này, người làm bánh chỉ còn mỗi việc là đem phên bánh đi phơi. Các công đoạn khác, máy tự làm được hết. Chiếc máy làm bánh đa nem tự động hiện còn một nhược điểm duy nhất: vẫn phải rải bánh lên phên rồi phơi dưới ánh nắng mặt trời nên việc sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tốn thêm nhân lực và thời gian. “Tôi đang nghiền ngẫm để cải tiến chiếc máy sao cho bánh được sấy khô luôn trong máy, khi bánh ra lò, mọi người chỉ việc đóng gói và đem bán. Ý tưởng và phương án cải tiến đã hòm hòm, sang năm mọi thứ sẽ ngon lành, tôi tin là như vậy” - nông dân Bùi Đỗ Hậu quả quyết.





[size=3]Máy bơm nước bằng sức gió[/size]


Là một người “tay ngang”, nhưng anh Phạm Mã Nhi, quê ở phường 6, TP Tuy Hòa (Phú Yên) đã biến mớ phế thải thành máy bơm nước bằng sức gió…

“Công trình làm khổ cả nhà”


Anh Nhi bên máy bơm nước 2.4.6.8 - Ảnh: Huy - Nguyệt


Trong những năm đi học, anh Phạm Mã Nhi đã nung nấu ước mơ “bắt gió” phục vụ sản xuất nông nghiệp. Ước mơ đó chưa thành hiện thực do anh sớm rời ghế nhà trường vì nghèo khó. Song, anh vẫn không từ bỏ. Năm 2003, anh làm công nhân ở công trình xây dựng đường hầm Hải Vân. Trong môi trường làm việc này, anh Nhi vẫn nung nấu quyết tâm “phải làm một công trình gì đó cho riêng mình chứ không thể đi làm thuê hoài được”. Những đợt gió thốc vào miệng đường hầm Hải Vân mạnh đến mức xô ngã những công nhân đang làm việc, càng khiến anh nhớ đến những đám ruộng héo hắt vì thiếu nước tưới vào mùa khô. Từ đây, anh Nhi nảy ra ý định chế tạo chiếc máy bơm dựa vào sức gió để nông dân đỡ vất vả.

Khi công trình đường hầm Hải Vân hoàn thành, Nhi được phân công đến một công trình khác, nhưng anh quyết định trở về quê để thực hiện ý tưởng đã ấp ủ lâu nay. Lúc bắt tay vào việc, anh không còn đồng xu “dính túi” nhưng hình ảnh chiếc máy bơm cứ bám riết trong trí óc đã thôi thúc anh bươn chải kiếm tiền với quyết tâm biến ước mơ thành hiện thực. Anh tạm gác công việc nhà qua một bên, rồi lao vào mày mò, nghiên cứu. Kiếm được đồng nào, anh đều “đốt” vào chiếc máy.

Ông Trần Quang Bình - Hội Làm vườn Phú Yên, cho biết: “Máy bơm nước bằng sức gió 2.4.6.8 được sử dụng có hiệu quả ở Bình Kiến (TP Tuy Hòa). Chỉ đầu tư một giếng khoan vài trăm ngàn đồng và giàn đế đặt máy. Máy hoạt động được với mọi nguồn nước như giếng khoan, giếng đào, ao hồ, sông, suối… Người sử dụng có thể tưới trực tiếp từ máy hoặc làm hồ chứa. Loại máy này có thể áp dụng tưới cho các vùng trồng rau, hoa, cây trái khác…”.

Công trình dang dở, bế tắc vì thiếu tiền. Anh buộc lòng bán từng vật dụng trong nhà để mua thiết bị. Trong căn nhà ở phường Tây Lộc, TP Huế (quê vợ của anh Nhi), anh cứ mò mẫm với búa, kềm, sắt thép mà anh chỉ đủ tiền tìm mua nó ở những vựa phế liệu. Thất bại liên tiếp, nhưng không làm anh nản chí. Còn vợ anh, dù rất ủng hộ chồng nhưng nhiều khi cũng phát ngán. Vợ hỏi: “Đến bao giờ thì anh dừng lại?”, Nhi quả quyết: “Nếu chưa thành công thì nhất định không bỏ cuộc”. Thế là vợ anh chỉ còn biết chiều theo ý chồng. Tất cả mọi việc từ miếng cơm manh áo, vợ Nhi đều lo toan, “phó mặc cho anh với cái công trình làm khổ cả nhà”.

Máy bơm 2.4.6.8

Thế rồi, máy bơm nước bằng sức gió cũng ra đời, theo nguyên tắc dùng cánh quạt đón lấy gió làm hệ thống truyền động hoạt động để bơm được nước. “Lúc bắt tay vào làm, tôi không hình dung ra chiếc máy hình thù như thế nào. Mất hơn một năm với biết bao mồ hôi công sức, đến tháng 5.2006, chiếc máy hình thành, to bằng cái bàn”. Ở sản phẩm đầu tay này, Nhi chưa tính toán kỹ lưỡng những yếu tố kỹ thuật, chưa biết sử dụng loại vật liệu nào để máy hoạt động hiệu quả, lâu bền. Do vậy, máy chỉ hoạt động với công suất nhỏ, dễ bị hỏng khi gặp gió mạnh từ cấp 6 trở lên. Anh lại bắt tay vào cải tiến để máy vận hành đơn giản và có độ bền cao.

Giờ đây, anh Nhi cho biết: “Không chỉ bơm từ giếng, máy bơm nước bằng sức gió có thể đặt ở những nơi có nguồn nước như: sông, suối, kênh mương. Và chỉ cần dùng tay là có thể tháo cánh, xoay hướng máy một cách dễ dàng. Việc di chuyển, lắp ráp máy bơm cũng rất dễ. Vì thế, nhiều hộ dân có thể sử dụng một máy bơm cũng được”.

Chiếc máy bơm dựa vào sức gió giúp nông dân vùng núi, vùng ven biển có thể yên tâm canh tác trong mùa khô. “Ở miền Trung, vào mùa hè nắng nóng, nguồn nước cạn kiệt nên nhiều cánh đồng bị cháy. Nhưng thời điểm này, gió Lào thổi mạnh nên việc dùng máy bơm sức gió rất thuận tiện, công suất cao. Loại máy này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở miền Trung”, anh Nhi bày tỏ.

Nhưng thực tế, đơn thương độc mã trong cuộc hành trình sáng tạo, chưa hề nhận được một sự hỗ trợ nào nên anh Nhi vẫn gặp nhiều khó khăn về tài chính. Nhiều người biết Nhi chế tạo ra máy bơm bèn gửi cho anh tài liệu liên quan. Sau khi tham khảo, anh tự hào nhận ra bộ phận bơm do mình sáng tạo chưa hề có trong một tài liệu nào! Anh Nhi đã đăng ký bảo hộ độc quyền cho sản phẩm của mình, được cấp Bằng độc quyền sáng chế số 296/SC - 1- 2006 - 01301SC.

Anh cũng đã thành lập doanh nghiệp tư nhân đặt tại 40/23 Hùng Vương, TP Tuy Hòa. Doanh nghiệp có cái tên rất ngộ “2.4.6.8”, hóa ra đó là ngày tháng năm sinh của “ông” giám đốc hay chuyện, dáng dấp phong trần. Phương châm của doanh nghiệp là “cùng nông dân tạo nên bước đột phá”.

Anh Nhi bộc bạch: “Tuy xuất phát thấp nhưng tôi muốn làm một cách bài bản, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm rộng rãi đến người nông dân”. Máy bơm bằng sức gió 2.4.6.8 đang được khách hàng trong và ngoài nước quan tâm.


Máy bơm nước bằng sức gió đang hoạt động - Ảnh: Huy - Nguyệt

Niềm vui hôm nay phần nào giúp Nhi vơi đi nỗi buồn vì phải sớm chia tay với việc đèn sách. Anh không sao quên được giây phút nhận giấy báo trúng tuyển vào đại học (năm 1987). Khi ấy, cảm giác vui mừng đan xen một nỗi lo canh cánh: lấy đâu ra tiền để đi học? Gia đình quá nghèo, anh đành xếp bút và ở nhà làm “thợ đụng” (đụng gì làm nấy) để phụ giúp cha mẹ và 8 anh em. Vượt qua bao thăng trầm và tự lực vươn lên, nay anh tự tin khi nói về ý tưởng mới, về việc nghiên cứu, chế tạo thêm nhiều loại máy để nhà nông vơi bớt nhọc nhằn.





[size=3]Béc tưới thách thức hàng ngoại[/size]





Ông Đặng Tám với mô hình chiếc béc tưới

Hầu hết nông dân sản xuất cà phê ở Tây Nguyên đều biết đến chiếc béc tưới Đặng Tám với nhiều tính năng ưu việt. Nhà sáng chế chiếc máy thách thức cả hàng ngoại nhập này là một nông dân chỉ học hết lớp 5 trường làng.

Tìm "bệnh" của béc ngoại

Đặng Tám đưa cho chúng tôi xem tấm văn bằng "cao nhất" của ông được cất giữ gần 40 năm, ép trong giấy nhựa cứng. Đó là chứng chỉ của Ty giáo dục chế độ cũ công nhận ông đã học xong lớp Nhất - tiểu học năm 1971 ở làng Thuận Hiếu, quận Phước An. Ông nói: “Lớp Nhất hồi đó là lớp 5 bây giờ; chiến tranh loạn lạc, chuyện học đâu dễ dàng như thời hòa bình. Nhà tôi lại nghèo, học được chừng đó là phải nghỉ để cầm cuốc làm rẫy kiếm sống”. Quê gốc ở Duy Xuyên, Quảng Nam, từ năm 1962 gia đình ông Tám cùng nhiều người bị buộc đi “dinh điền” vào vùng Thăng Quý (H.Ea Kar bây giờ). Đến năm 1967, cả nhà về sống ở vùng Phước An, sau đó là xã Ea Phê, H.Krông Păk (Đắk Lắk) cho đến ngày nay. Người nông dân gầy gò này có "duyên nợ" với nghề cơ khí, bắt đầu từ chiếc béc tưới cách đây 15 năm.

Ông Tám kể, sau ngày giải phóng, cả vùng Krông Pắk rầm rộ trồng cà phê. Các nông trường thời đó như Phước An, Tháng Mười, Thắng Lợi… làm cà phê theo kiểu công nghiệp, vào mùa tưới ống nhôm dẫn nước giăng khắp vườn cây, béc tưới phun mưa rào rào. Béc tưới là một đầu vòi phun, do áp lực của nước từ ống dẫn mà có thể tự quay, phun đều nước xung quanh, không cần người điều khiển. Đơn giản là thế nhưng trước đây loại sản phẩm này phải nhập khẩu, chủ yếu từ các nước Liên Xô, Tiệp Khắc (cũ). Béc ngoại nhập cấu tạo chủ yếu bằng nhôm, chỉ phù hợp với hệ thống tưới dùng máy bơm công suất mạnh, có nhược điểm là hay dở chứng đứng yên, không quay nên tưới không đều, có chỗ nước phun khá nhiều, chỗ khác lại thiếu nước. Ông Tám cũng trồng cà phê và sử dụng loại béc này một thời gian nên biết rõ “bệnh” của chúng. Năm 1994, ông Tám bắt đầu tự mày mò, cải tiến những chiếc béc ngoại trục trặc của nhà mình và hàng xóm. Ông bảo: “Từ khi biết tôi sửa được béc, vào mỗi mùa tưới bà con nông dân và các nông trường cà phê trong vùng đem cả ngàn chiếc béc hỏng đến nhờ sửa. Dần dà, tôi khám phá do đâu mà những chiếc béc ngoại có nhiều nhược điểm và nghĩ cách cải tiến nó cho phù hợp với điều kiện trồng cà phê ở Đắk Lắk”.

Đổi nghề

Ông Lương Nha (thôn Phước Lộc, xã Ea Phê, H.Krông Pắk, Đắk Lắk): “Cái hay của béc tưới Đặng Tám là rất nhạy, dùng cho cả ống tưới chạy bằng mô-tơ điện và máy nổ, nghĩa là máy bơm công suất nhỏ vẫn xài được, phun nước xa như thường”.

Ông Nguyễn Kim Hùng (thôn 4, xã Hòa Tiến, H.Krông Pắk, Đắk Lắk): “Béc tưới Đặng Tám có giá khá rẻ đối với người làm cà phê, lại vừa bền, các bộ phận bằng nhựa dễ tháo lắp. Nếu hư bộ phận nào thì chỉ thay cái đó nên rất tiết kiệm cho người tiêu dùng”.

TS Hoàng Đức Liên (ĐH Nông nghiệp I Hà Nội): “Chiếc béc tưới Đặng Tám cũng như nhiều sáng chế của người nông dân VN ra đời từ nhu cầu thực tiễn, được người sản xuất chấp nhận và cổ vũ vì có tính ứng dụng rất cao”.

Mất gần 8 năm trầy trật thử nghiệm ông Đặng Tám mới có được sáng chế và tạo nên sản phẩm béc tưới độc đáo mang tên mình. Ông bỏ ra vài trăm triệu đồng tiền dành dụm từ thu hoạch cà phê để mua máy móc, khuôn đúc làm các bộ phận béc tưới. Chiếc béc của ông Tám có 2 vòi cân đối, tưới cho cả khoảng cách xa và gần, trong khi béc ngoại chỉ có 1 vòi. Các bộ phận chính của béc được ông Tám làm bằng nhựa plastic PE nên có độ bền cao, chịu va đập, không bị biến dạng như kim loại. Béc còn có thể điều chỉnh theo số để nước phun mạnh hay yếu và thích hợp với công suất của mọi loại máy bơm. Chính vì có 2 vòi mà công suất tưới của béc nhựa tăng 15 - 20% so với béc nhôm 1 vòi, tiết kiệm khoảng 10 lít dầu chạy máy bơm tưới trên 1 ha cho mỗi lần tưới. Trước đây, một dàn máy bơm Sigma chỉ lắp được 8 béc ngoại nhập thì nay có thể lắp tới 12 béc Đặng Tám, do đó năng suất tưới cũng cao hơn. Giá béc tưới Đặng Tám chỉ là 225.000 đồng/chiếc đối với loại 2 vòi, và 180.000 đồng/chiếc với loại 1 vòi, bằng 1/3 giá béc ngoại nhập mà tính năng lại hơn hẳn…

Với những ưu thế trên, năm 2003, chiếc béc tưới Đặng Tám đã được Bộ Khoa học - Công nghệ tặng bằng khen khi tham gia Hội chợ thiết bị - công nghệ VN; năm 2004 được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp; năm 2006 được Hội Nông dân VN trao giải nhất trong cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật của nhà nông. Ông Tám cũng được công nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh 5 năm 2002 - 2007… Thành công với chiếc béc tưới, ông Tám cũng thôi hẳn công việc làm rẫy cà phê để chuyên nghề cơ khí, sản xuất béc tưới. Ông cho biết: “Hiện giờ mỗi năm tôi bán được chừng 3.000 chiếc béc, ngoài béc tưới cà phê, còn có các loại béc tưới rau, hoa… Khách hàng không chỉ ở vùng cà phê Tây Nguyên mà còn ở miền Đông Nam Bộ, các tỉnh phía Bắc”. Từng có doanh nghiệp hỏi mua đứt bản quyền sáng chế với giá cả tỉ đồng nhưng ông Tám không bán.

Những ai đi xe trên quốc lộ 26 từ Buôn Ma Thuột về Nha Trang, đoạn qua H.Krông Pắk, đều có thể thấy mô hình béc tưới bằng xi măng khá ấn tượng, với đầu vòi vươn cao lên trời, thể hiện khát vọng sáng tạo của nông dân Đặng Tám. Ông tự hào nói: “Đây là mô hình quảng cáo cho sản phẩm, đồng thời là biểu tượng cho những thành công của tôi ngót chục năm trời mới đạt được”. Ông cũng thổ lộ, hiện đang nghiên cứu cải tiến để nâng công suất các loại máy bơm nước từ giếng sâu hàng chục mét ở các vùng sản xuất cà phê của Tây Nguyên.




[size=3]Máy đùn gạch của anh “thợ đụng”[/size]



Xuất phát từ thực tế lao động vất vả, nặng nhọc, không an toàn cho những người nông dân làm gạch, anh Huỳnh Văn Lý (47 tuổi, ở thôn Phú An, xã Tây Xuân, H.Tây Sơn, Bình Định) đã mày mò chế ra chiếc máy đùn gạch cải tiến 2 trục phay.


Anh Lý và chiếc máy đùn gạch 2 trục phay

Nuôi ý tưởng từ thuở nhỏ

Lớn lên từ vùng quê mà 70% người dân làm nghề gạch, gia đình Huỳnh Văn Lý cũng không ngoại lệ nhưng bản thân anh lại dứt khoát tìm một hướng đi riêng. “Cái nghề làm gạch cực lắm, làm lụng vất vả nhưng vẫn khổ cả đời. Tôi không muốn bám trụ suốt đời với lò gạch nên đi làm thợ hàn gò cho người ta. Đam mê máy móc từ lúc nhỏ nên trong đầu luôn nuôi ý tưởng một ngày nào đó sẽ chế tạo ra một cỗ máy bằng sắt, mặc dù chưa rõ… nó sẽ là cái gì” - anh Lý tâm sự.

Hầu hết các lò gạch ở Tây Sơn đều sử dụng máy đùn gạch của anh Lý sáng chế. Đến nơi này, hỏi nhà anh, ai cũng rõ. Cơ sở hàn tiện của anh khá rộng, có 4 thợ chính. Nghe anh kể về quá trình chế tạo ra chiếc máy thật gian truân: “Cuộc sống người dân quê tôi rất vất vả, quanh năm chân lấm tay bùn, hì hục đào xới đất để lấy làm gạch. Máy móc thời đó thì rất thô sơ, thủ công. Người lao động phải liên tục dùng tay hoặc chân ép nguyên liệu vào lô nghiền nhào. Điều này dễ dẫn đến tai nạn do mệt mỏi, thiếu tập trung và năng suất không cao, chất lượng gạch không đồng đều do thường xuyên phải ngừng chạy để xử lý tình trạng tắc nghẽn ở khuôn tạo hình. Hồi ấy (1992), vùng quê tôi người dân bị tai nạn lao động xảy ra thường xuyên, luôn bị máy cán đứt tay”.

Mày mò gần 8 năm trời, anh Lý mới hoàn thành được một chiếc máy đùn gạch 2 trục phay. “Ý tưởng thì có đó nhưng để thực hiện không phải dễ. Tôi mất ăn, mất ngủ cả một khoảng thời gian dài, đầu tư công sức, tiền bạc mới cho ra một chiếc máy hoàn chỉnh theo ý mình. Khi đã hoàn thành thì lại sợ không biết sản phẩm mình làm ra có ai sử dụng không, không ngờ được người dân nơi đây hưởng ứng. Thiệt là mừng!” - anh Lý nói.

Trở thành nhà sáng chế

Về hình thức, cỗ máy cũng như thiết bị cũ mà người dân làng gạch đã sử dụng, chỉ khác là trên miệng cối đổ đất vào anh Lý gắn thêm 2 trục song song. Trên mỗi trục có gắn các lá sắt kích thước chừng 3x5 cm theo hình nanh sấu, miếng nằm xuôi, miếng nằm ngang để vừa đánh tơi vừa nhận đất xuống. Các đầu trục được nối kết nhau qua hệ thống truyền dẫn lực bằng nhông, sên. Hệ thống còn có hộp số để điều khiển nhanh chậm. Khi hoạt động có thể dùng máy nổ hay mô-tơ điện và được đặt trên khung sắt có 4 bánh xe để kéo, hoặc đặt trên khung xe độ chế để di chuyển dễ dàng.



Máy của anh Lý trong quy trình làm gạch -Ảnh: T.Hoa

Sáng tạo của anh Lý giúp công việc của người làm gạch ở đây trở nên dễ dàng và hiệu quả cao. Công việc nhồi đất, tỉa, xén đất… không còn nhọc nhằn như trước bởi khi bỏ đất vào thì máy tự động nghiền nát. Đặc biệt đất nguyên liệu từ ruộng đem về chỉ cần dùng ben xả một lần, đảo, ủ qua đêm để tạo độ mềm, sáng hôm sau là đưa thẳng vào máy. Công nhân không phải dùng tay nhấn đất xuống (tránh tai nạn). Công suất máy đùn gạch 2 trục phay khoảng từ 2 - 2,5 vạn viên/ngày. Giá mỗi chiếc máy tùy theo công suất lớn nhỏ, từ 25 - 50 triệu đồng.

Anh Lý cho biết khi chế tạo ra chiếc máy, bản thân anh cũng đã phải nghiên cứu, tìm hiểu ý kiến từ nhiều bạn bè đồng nghiệp. Quan trọng hơn là rút ra từ thực tế cuộc sống. “Người ngoài nhìn vào thì thấy đơn giản, chỉ cần lắp thêm 2 trục phay là xong nhưng lại khá rắc rối. Khi một lúc phải nhận nhiều lượng đất thì phần dưới máy (gọi là cối ru-lô) phải điều chỉnh lại phần nhông, sên truyền động sao cho đường kính, vòng quay tương ứng. Rồi điều chỉnh một lần nữa để tạo độ co giãn kẽ hở của ru-lô để khi trong đất có vật cứng như đá, sỏi máy không đứng lại bất ngờ. Không đơn giản một lần là xong mà phải qua nhiều thí nghiệm, chạy thử, ý kiến đóng góp của bà con thì lúc ấy máy mới đạt những thông số kỹ thuật tối ưu nhất”.

Để giúp chúng tôi hiểu rõ hơn, anh chỉ cụ thể vào chiếc máy: “Hệ thống phải đồng bộ từ việc tiếp nhận đất đánh tơi, cuốn đất vào ru-lô để cán nhuyễn rồi cho đất ra khuôn. Đồng bộ, phù hợp thì hệ thống mới không bị trục trặc, ít tiêu hao nhiên liệu mà năng suất lại cao”.

Cơ sở hàn tiện Văn Lý chuyên làm máy gạch ngói đã ra đời gần 8 năm nay. Sản phẩm máy đùn gạch cải tiến 2 trục phay được xuất đi khắp nơi, gần đây còn được xuất bán sang Lào, Campuchia. Một tháng anh Lý nhận đặt hàng khoảng 2 chiếc. Anh Lý tiết lộ: “Sắp tới sẽ ra mắt một chiếc máy đùn gạch 2 trục phay hoàn toàn tự động, hiện đại hơn”. Hỏi, có khó khăn gì trong việc tìm nguồn vốn đầu tư không, anh Lý tỉnh rụi: “Hoàn toàn không vay ai một đồng nào. Hai vợ chồng tích lũy từ ngày đi làm thuê tới giờ, tôi từng là anh thợ đụng - đụng gì làm đó mà”.

Trong nhiều hội thi sáng tạo kỹ thuật, sáng chế của anh Lý đều đạt giải thưởng. Ít ai biết rằng, anh nông dân một thời là “thợ đụng” ấy chỉ mới học đến bậc trung học cơ sở.





[size=3]Doanh nghiệp diệt chuột Quang Thiều
[/size]



Một nông dân mới chỉ học hết lớp 9 trường làng nhưng lại nổi danh khắp trong Nam ngoài Bắc nhờ cải tiến thành công chiếc bẫy chuột bán nguyệt thành bẫy không cần mồi…


Không những đặt được trên đất, bẫy chuột không mồi còn đặt được trên dây, trần gác, cây, nước… - Ảnh: Lê Quân

Chế tạo bẫy vì… cay cú

Gắn bó với đồng ruộng từ bé nên ông Trần Quang Thiều (sinh năm 1954, ở đội 9, thôn Bình Vọng, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội, điện thoại số 0904436594) thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân. Khi được bầu làm Đội trưởng đội sản xuất, được cử đi học lớp quản lý dịch hại do Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Tây mở. Đây cũng là thời điểm, hợp tác xã nông nghiệp quê ông bắt đầu triển khai cấy thử giống lúa mới. Tuy nhiên, khi lúa "vào thì con gái" cũng là lúc người nông dân ở đây dở khóc dở mếu vì nạn chuột cắn phá. Có khi hôm trước vẫn thấy ruộng lúa ngút ngàn xanh mượt nhưng chỉ đến hôm sau đã tả tơi vì bị chuột phá.

Nhìn chuột hoành hành, người nông dân “cay” một, ông Đội trưởng đội sản xuất “cú” mười. “Không lẽ bỏ đất hoang vì chuột. Mình là Đội trưởng đội sản xuất thì phải có trách nhiệm với người nông dân”, đó là động lực để ông nghiên cứu cho ra đời loại bẫy cải tiến.

Vào thời điểm lúc bấy giờ, biện pháp diệt chuột được xem là tối ưu chỉ là quây nylon bảo vệ, đặt bả, đánh bẫy. Ông Thiều nảy ngay ra ý tưởng thiết kế cải tiến loại bẫy bán nguyệt đơn giản hơn, hiệu quả hơn mà không dùng mồi. Khó khăn lớn nhất khi bắt tay vào làm là ông không có bất cứ một kiến thức nào khác về cấu tạo, hoạt động của bẫy chuột. Thêm vào đó, ý định của ông cũng chẳng nhận được sự ủng hộ của người thân. Vợ ông bảo ông đừng “mua việc vào người”. Các con ông cũng ra sức khuyên can bố. Hàng xóm láng giềng không ít người bảo ông rỗi hơi mới nảy ra ý định không giống ai. Thế nhưng những khuyên can đó chỉ càng làm ông thêm quyết tâm. Ông Thiều dồn toàn bộ thời gian vào việc chế tạo bẫy.



Ông Thiều biểu diễn đặt bẫy trên địa hình đồng đất - Ảnh: Lê Quân

Mất cả năm trời ăn dầm nằm dề ngoài đồng chỉ để hiểu tập tính, chu kỳ sinh sản, phát dục của chuột, đến năm 2000, chiếc bẫy chuột đầu tiên ra đời. Bẫy chuột của ông được người dân chào đón nồng nhiệt vì hiệu quả của nó cao hơn hẳn so với các loại bẫy thông thường. Dần dà, chiếc bẫy được cải tiến 5 lần để trở nên hoàn thiện hơn và phát huy hiệu quả tốt hơn.

Trong báo cáo thành tích gửi Hội Cơ khí nông nghiệp Việt Nam, ông Thiều viết: “Chiếc bẫy mới này được cải tiến từ bán nguyệt thành hình bầu dục, uốn lưỡi thăng bằng đối trọng hai râu và có thiết diện rộng. Vì thế có độ vướng, độ nhạy cao nên chuột dù nhỏ hay to, đi trên địa hình mặt đất, dưới nước hay dây phơi… đều khó thoát”.

Hợp đồng diệt chuột

Tháng 5.2006, Doanh nghiệp diệt chuột Quang Thiều chính thức được thành lập. Từ đó đến nay, ông và chiếc bẫy bán nguyệt cải tiến đã thực sự trở thành bạn đồng hành của nhà nông. Và số lượng chuột chết dưới tay ông tính đến thời điểm này đã ở con số trên 18 triệu con.

Ông cũng đã từng ký kết những hợp đồng diệt chuột với 380 doanh nghiệp, cơ quan trong số đó có nhiều cơ quan, đơn vị “tên tuổi” như Công an Hà Nội, sân bay Nội Bài, Đài truyền hình Việt Nam, tòa nhà Viettel, chợ Đồng Xuân… Thậm chí, các chùa như chùa Xã Đàn, chùa Ái Mộ (Hà Nội) hay một số tòa soạn báo như Báo Tiền Phong, Báo Hà Nội Mới… cũng là khách hàng của ông.

Năm 2007, ông Thiều nhận giấy chứng nhận "Điển hình sáng tạo Việt Nam". Bẫy chuột không dùng mồi của ông đã từng tham gia Hội chợ triển lãm AGROVIET, được nhận bằng khen của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, Hội Cơ khí nông nghiệp.

Nói đến “bảng vàng chiến công”, ông Thiều cho biết không thể quên có đợt ông diệt 200 kg chuột tại Yên Phong (Bắc Ninh). Hay tại quê hương của quả vải thiều là huyện Thanh Hà (Hải Dương), với nhiều bẫy đặt trên đồi, ông đã tiêu diệt hơn 4.000 "tên" chuột chỉ trong vòng 3 ngày.

Chưa hết, khi thực hiện hợp đồng diệt chuột với du thuyền nước ngoài, thời hạn là 5 ngày phải diệt hết số chuột trên tàu, chỉ đến ngày thứ ba, ông đã làm cho lũ chuột không còn một mống. Hay lần diệt chuột tại trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM, cả trường đã nghỉ hẳn 1 tiết học để xem tài của “vua diệt chuột”. Ông Thiều cho biết thêm, tháng 1.2009, Công ty Ford tại Hà Nội cũng đã ký hợp đồng diệt chuột trị giá 35 triệu đồng/3 tháng với ông.

Bẫy chuột bán nguyệt, theo ông Thiều, rất dễ đặt và mang lại hiệu quả cao. Bẫy chuột của ông có hai loại là loại không cần mồi dùng để diệt chuột ở đồng ruộng, thành phố, cơ quan doanh nghiệp (bẫy tìm chuột) và loại kia cho nhà riêng, đặt không đúng đường đi vẫn bắt được chuột (chuột tìm vào bẫy). Hiệu quả bắt được chuột của bẫy này lên tới 90%. Mức giá cũng tương đối dễ chịu, chỉ 8.000 đồng/chiếc.

Khi chia tay chúng tôi, ông Thiều còn khoe, cách đây gần một tuần, sản phẩm bẫy diệt chuột của ông đã được cơ quan chức năng cấp bằng sáng chế. Ông Thiều cũng chia sẻ mong muốn một ngày nào đó, ông cải tiến bẫy chuột hiện giờ thành máy bắt chuột nhỏ gọn, tiện dụng hơn. Ông cũng không giấu mong muốn diệt được tất cả 43 loài chuột ở Việt Nam thay vì diệt được 28/43 loài như hiện nay.





[size=3]Cày 2 lưỡi của ông Bốn Vấn[/size]



Nhìn dàn cày làm đất 2 lưỡi của ông Bốn Vấn sáng chế trông rất đơn giản, nhưng khi sử dụng nhiều nông dân đều mê tít bởi nhiều tính năng: cày đất, rạch hàng, điều chỉnh độ nông sâu trên từng luống cày và chiều rộng giữa hàng theo ý muốn.


Ông Bốn Vấn với dàn cày đất đa năng - Ảnh: Hiển Cừ


Cơ cực nảy ra sáng kiến

Tên thật của ông là Đào Văn Huy, năm nay 64 tuổi ở thôn 1, xã Nghĩa Lâm, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Tuy nhiên, hỏi tên thật rất ít người biết, mà đã từ lâu người dân trong làng vẫn quen gọi tên “cúng cơm” mà cha mẹ đặt cho ông là Bốn Vấn. “Xã Nghĩa Lâm ngày nay đổi thay rất nhiều, nông dân đã có của ăn, của để, con cái được đến trường chứ ngày trước khổ lắm. Nhà nào cũng nghèo xơ xác, quanh năm đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ ăn nói chi đến chuyện học hành”, ông Bốn Vấn nhớ lại.


Làm cơ khí là công việc mưu sinh hằng ngày của ông Bốn Vấn

Ước mơ cháy bỏng được học hành đến nơi đến chốn đành phải gác lại khi chưa hết cấp 2, ông Bốn Vấn cùng cha mẹ, anh chị ra đồng. “Con trâu đi trước, cái cày đi sau” - hình ảnh mãi đến bây giờ ông không thể nào quên. Nghĩa Lâm ruộng lúa thì ít nhưng đất trồng mía, mì thì nhiều nên từ lâu được xem là “thủ phủ” của cây mía ở Quảng Ngãi. Làm ruộng lúa vất vả một thì trồng mía vất vả mười. Chỉ khâu làm đất, mỗi lần muốn phá gốc mía cũ để trồng mới không thể dùng trâu, bò cày được mà chỉ dựa vào sức người dùng cuốc phá từng gốc mía, tốn rất nhiều thời gian, công sức. Ông Bốn Vấn bộc bạch: “Nhìn những giọt mồ hôi nhễ nhại trên khuôn mặt, ướt đẫm cả áo của vợ đang cố sức bổ những nhát cuốc thật sâu để đánh bật gốc mía, tui thương lắm nhưng cũng chỉ biết động viên ráng thôi bà ơi”.

Dù học hành ít nhưng ông Bốn Vấn là người rất sáng dạ (từng làm thợ may, thợ mộc rất giỏi) nên luôn ao ước “giá gì làm ra được một công cụ thay thế cho sức người đỡ tốn nhiều mồ hôi, công sức với ruộng đồng”. Ao ước thì có thừa nhưng cái khó đối với ông là mọi thứ đều bắt đầu từ con số 0. “Đang loay hoay không biết bắt đầu từ đâu thì một nông dân trong thôn mua dàn cày 2 lưỡi về gắn vào chiếc máy kéo, nhưng khi cày phá bỏ gốc mía, lưỡi cày không ăn sâu xuống mà cứ trợt trợt trên mặt đất nên kêu tui đến xem thử. Chỉnh sửa mãi, rốt cuộc đành chào thua”, ông Bốn Vấn kể. Không sửa được dàn cày cho người nông dân kia nhưng đó chính là cơ duyên đem lại sự thành công cho Bốn Vấn chế tạo dàn cày làm đất đa năng và trở thành “kỹ sư chân đất” của làng.

Trở thành “kỹ sư làng”

Ông Võ Việt Chính, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ngãi cho biết, sau nhiều lần động viên, mới đây ông Bốn Vấn đồng ý đăng ký sáng chế dàn cày làm đất đa năng với Ban tổ chức Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Ngãi lần thứ 6 - năm 2009 được tổ chức sắp tới. Độc giả quan tâm, có thể liên hệ điện thoại: 055.6283011 - 0973.703.191

Có được ý tưởng, năm 1997, ông Bốn Vấn bắt tay ngay vào công việc. Nhưng ngặt nỗi xã Nghĩa Lâm chưa có điện nên để chế tạo ra dàn cày là cả một kỳ công, khó nhọc và đầy vất vả không chỉ mình ông mà cả vợ. “Dụng cụ trong nhà lúc ấy chỉ là một cái cưa sắt cũ mèm nên hai vợ chồng cứ cút ca, cút kít, mấy ngày trời mới cưa đứt được những thanh sắt to tướng mà muốn rớt cả tay”, bà Thu, vợ ông kể.

Cả tháng trời ròng rã, mày mò nghiên cứu, đạp xe vượt hơn 20 km lên xuống TP Quảng Ngãi (lúc đó là thị xã) không biết bao nhiêu lần để vừa thuê làm những bộ phận mà ông không có dụng cụ làm, cũng vừa để “học lỏm” cái đang bí. Cuối cùng, dàn cày đầu tiên đã “xuất xưởng” nhưng cả nhà đều mừng hụt vì khi đem ra cày thử gốc mía vẫn… còn nguyên dưới đất! Ông Bốn Vấn đi tới, đi lui thẫn thờ không hiểu vì sao, còn vợ con mặt mày buồn thiu. “Khó mấy cũng phải làm cho bằng được”, ông nói như đinh đóng cột. Thêm một tháng nữa, rã cả dàn cày ra nghiên cứu ông mới biết mình chẳng hiểu gì về nguyên lý cơ khí cả nên cày không ăn sâu theo ý muốn được, bởi thanh kéo và thanh đẩy cự ly không phù hợp.

Thực ra, dàn cày làm đất đa năng của ông Bốn Vấn chế tạo có những bộ phận chính như thanh đẩy, thanh kéo, khối chữ A để nối bệ gắn vào phía sau máy kéo, khung trượt hình chữ nhật… Tuy những chi tiết rất đơn giản nhưng để lắp ráp sao có thể điều chỉnh được độ nông, sâu trong khi cày và khoảng cách giữa các hàng theo ý muốn là điều không dễ chút nào. Ưu điểm là chung trong một cụm thiết bị nên tháo lắp rất dễ dàng, nhanh chóng; hai trạnh cày nối so le, mỗi đường cày rộng 70 - 80 cm, có thể điều chỉnh độ xuyên của trạnh cày để thích ứng với từng loại chân đất, điều chỉnh được độ sâu từ 20 - 30 cm. Để đường cày sát bờ, chỉ cần thao tác nhẹ nhàng là nới 4 bu-lông dịch chuyển sang một bên. Việc kéo hàng và điều chỉnh cỡ hàng cách hàng phù hợp với từng loại cây trồng như mía, bắp, mì cũng đơn giản, chỉ cần dịch chuyển lưỡi cày rộng hoặc hẹp tùy ý dọc theo hàng bu-lông đã định sẵn kích cỡ trên thanh trượt.

Anh Tôn Long Tùng, một nông dân cứ tấm tắc khen: “Dàn cày làm đất đa năng của ông Bốn Vấn là số dách ở xứ này đó, đường cày lật úp rất đẹp, cày được sát bờ, sát góc mà các loại cày hiện đang bán trên thị trường không làm được”. Không chỉ anh Tùng mà hơn 100 nông dân các vùng lân cận đã mua dàn cày đa năng của ông Bốn Vấn (giá khoảng 8 triệu đồng/dàn) đều có nhận xét như vậy.

Hơn 10 năm trở thành “kỹ sư”, nhà ông Bốn Vấn giờ trở thành xưởng cơ khí nho nhỏ nằm khuất sau con đường làng. Khi nghe hỏi sao không đem sáng chế của mình đi dự thi hoặc đăng ký “bản quyền”, ông Bốn Vấn cười mộc mạc: “Tui nông dân quê mùa, nghĩ sao làm vậy chứ có sáng kiến, sáng chế gì đâu mà đăng ký. Ai biết đến đặt thì làm và làm đến chừng nào già hết sức thì thôi. Rảnh rỗi còn sửa chữa những hỏng hóc của động cơ máy móc nông nghiệp giúp nông dân, kiếm đồng ra đồng vào”.





Bê tông siêu nhẹ từ phế phẩm nông nghiệp



Hơn 1 năm qua, anh Trần Văn Lượng ở xã Nhật Tựu, huyện Kim Bảng (Hà Nam) bỗng trở nên nổi tiếng với giải pháp làm bê tông siêu nhẹ từ phế phẩm nông nghiệp. Người ta gọi anh là Lượng “bê tông”.


Anh Lượng đang vận hành chạy hệ thống máy móc, thiết bị tự sáng chế của mình.

Tôi tìm về xưởng sản xuất bê tông siêu nhẹ của Công ty TNHH Hồng Giang, nơi anh nông dân Trần Văn Lượng làm giám đốc. Gọi là xưởng nhưng thực chất đó chỉ là một lán nhỏ được xây tạm làm chỗ lắp máy, với vài trăm mét vuông đất mượn tạm của hàng xóm xung quanh để xếp bê tông siêu nhẹ thành phẩm. Chỉ vào hệ thống máy móc và những hàng bê tông siêu nhẹ xếp đầy sân, anh giám đốc nông dân cười bảo: “Để có được toàn bộ hệ thống thiết bị và sản phẩm “made in Việt Nam 100%” này, tôi đã phải tiêu tốn hai ô tô tải và một suất đất đấy”.

Sinh năm 1968, học hết lớp 10 (lớp 12 hiện nay), do điều kiện gia đình, ước mơ được học tiếp lên cao của anh đành phải bỏ dở. Từ một cậu học trò được mệnh danh “dài lưng tốn vải” nhất lớp (anh cao đến 1m80), Lượng trở về làm “tài xế” công nông cho làng. Vào những năm 1980 - 1990, xe công nông là phương tiện vận tải chủ yếu ở nông thôn, nhưng do khâu thiết kế, lắp ráp có vấn đề nên trục của xe thường bị gãy trong quá trình lưu thông. Vốn có sẵn chút nghề sửa chữa máy, anh quyết tâm cải tiến bằng được chiếc trục xe công nông, đỡ đi những tai nạn đáng tiếc.

“Tôi lần mò khắp mọi nơi, lên cả xưởng cơ khí ở Hà Đông, nơi sản xuất xe công nông để xin bản thiết kế xe về nghiên cứu. Ròng rã mấy tháng trời, mất ăn, mất ngủ, cuối cùng chiếc trục xe công nông mới được cải tiến cũng ra đời” - anh Lượng kể.

Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, nghe theo lời khuyên của mấy người bạn anh khăn gói vào Nam làm ăn. Sẵn có chút vốn trong tay, thêm vào là sự giúp đỡ của vài người bạn, anh mở cửa hàng nhỏ kinh doanh vật liệu xây dựng. Giữa năm 2002, trong một lần sang nhà người hàng xóm chơi, thấy ông chủ đang lúi húi nhào trộn xi măng trắng với hỗn hợp chất keo gì đó và xốp. Hỏi thăm nhiều lần, anh được biết ông ta đang nghiên cứu chế tạo bê tông xốp, nhưng sau nhiều lần thí nghiệm vẫn chưa thành công.

Với niềm ham thích sáng tạo vốn có, thêm vào chút “ngông” của tuổi trẻ, anh nghĩ sao mình không thử nghiên cứu sản phẩm này. “Nghĩ lại, hồi ấy mình liều thật. Chưa có tí kiến thức gì về sản phẩm này, mà đã dám nghiên cứu, chế tạo nó” - anh Lượng nhớ lại. Hàng năm trời tiến hành nghiên cứu, thí nghiệm với hàng trăm bao xi măng trắng, hàng trăm lít hỗn hợp hóa chất tự nấu, nhưng sản phẩm làm ra có độ liên kết của hợp chất, giữ ẩm của xốp rất kém, cho xuống nước, búng nhẹ, nguyên cả tảng bê tông đã nở ra như bánh khảo.

Năm 2006, anh nông dân Lượng từ Nam trở về quê, thành lập Công ty TNHH Hồng Giang, và tiếp tục việc nghiên cứu. Nhiều đêm nằm trằn trọc, anh Lượng nghĩ có lẽ phải thay đổi lại quy trình sản xuất. Theo gợi ý của vài người bạn có kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, anh thay xi măng trắng bằng xi măng đen, mác PC40, và thêm keo da động vật (được nấu, cô đặc từ da động vật) vào hỗn hợp hóa chất tự chế. Nhưng sản phẩm làm ra vẫn chưa thực sự hoàn thiện, độ giữ ẩm vẫn kém. "Một lần theo dõi trên tivi thấy họ nói đến công dụng giữ ẩm của các loại phế phẩm các cây nông nghiệp… trong việc giữ ẩm cho đất, tôi bỗng nảy ra ý định, sao không cho mấy loại phế phẩm này vào sản phẩm của mình, nhỡ đâu lại thành công” - anh Lượng kể.

Trời không phụ người, tháng 3.2008, thí nghiệm thành công, sản phẩm bê tông siêu nhẹ đầu tiên có thành phần là một số loại phế phẩm nông nghiệp mang thương hiệu “Trần Văn Lượng” ra đời. Bốn tháng sau đó, trong bản kiểm định chất lượng của Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) đã khẳng định đây là sản phẩm bê tông nhẹ, có tác dụng chống thấm, cách nhiệt cách âm…, phù hợp tiêu chuẩn TCVN 317: 2005. Chưa dừng lại tại đó, hơn một năm sau hệ thống máy móc phục vụ cho sản xuất bê tông siêu nhẹ 100% tự làm, tự thiết kế cũng được lắp đặt hoàn chỉnh với máy tạo bọt, máy trộn bê tông, khuôn. Theo ước tính, tổng chi phí của hệ thống máy móc này (năng suất > 50m3/5 người làm/ngày) chỉ bằng 1/5 so với hệ thống máy móc cùng loại nhập khẩu của nước ngoài.

Sẵn sàng chuyển giao công nghệ

Trong cuộc trò chuyện với tôi, anh Lượng cho biết: do nguyên liệu đều là các sản phẩm sản xuất trong nước hoặc anh tự sản xuất nên giá thành một m3 bê tông siêu nhẹ sản xuất theo công nghệ của anh xuất ra chỉ ở mức 900.000- 950.000 đồng/m3. Trong khi đó, sản phẩm cùng chất lượng nhập ngoại lên tới 1.300.000- 1.500.000 đồng/m3. Anh Lượng cũng cho biết thêm, với công nghệ này, bê tông không cần phải sấy, hấp mà được để nở tự nhiên, tạo liên kết liền. Việc xây dựng các loại bê tông này chỉ cần dùng các loại vữa xây thông thường.

Nhắc đến những dự định tiếp theo, anh Lượng bảo: hiện đã có một số đơn vị tìm đến đặt hàng sản phẩm, nhưng do năng lực sản xuất hạn chế, nên chưa thể đáp ứng được. "Tới đây, nếu có đủ điều kiện tôi sẽ thuê thêm đất, mở rộng sản xuất. Tôi cũng đang tiếp tục tiến hành đăng ký bảo hộ cho sản phẩm ở mức giải pháp hữu ích trong ngành vật liệu xây dựng. Còn về công nghệ, tôi sẵn sàng tiến hành chuyển giao cho các cá nhân và đơn vị có đủ năng lực để sản xuất, phát triển sản phẩm này" - anh Lượng tâm sự.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)