Chỉ vì không thắng nổi sức cám dỗ ma mị của đồng tiền, họ đã phải trả giá bằng chính tuổi trẻ và nhan sắc của mình.
Đi buôn người để trả nợ ngân hàng
Ở trại giam Hoàng Tiến, Nguyễn Thị Mạnh (tức Phượng, SN 1987, ở Phương Thanh, Phú Hòa, Lương Tài, Bắc Ninh) nổi tiếng nhờ vẻ đẹp chân chất của mình. Nhìn cô, ít ai nghĩ rằng một thiếu nữ mới ngoài hai mươi tuổi, lớn lên từ lũy tre làng lại phạm tội buôn người. Để giờ đây, trong khi chúng bạn cùng trang lứa đang tung tăng ngoài xã hội với bao ước mơ, hoài bão, Mạnh lại ôm 12 cuốn lịch để bóc dần sau song sắt. Khởi nguồn cho bi kịch ấy là bởi cô đã cam tâm tình nguyện làm nô lệ của đồng tiền.
Gia cảnh nhà Mạnh nghèo, cô lại là con vợ lẽ. Ngay từ khi còn nhỏ cô đã phải bươn chải cùng mẹ mưu sinh. Học hết lớp 12, phần vì muốn thoát khỏi cảnh mò cua, bắt ốc để đắp đổi miếng cơm manh áo, phần vì không muốn mình trở thành gánh nặng cho mẹ, Mạnh không thi tiếp lên đại học mà nhờ bạn xin giúp một chân bán quần áo ở chợ biên giới Móng Cái, Quảng Ninh. Và, cũng chính ở cái nơi biên cương ấy, cô đã có một lựa chọn, một ngã rẽ sai lầm….
Giờ đây, Mạnh chỉ ước mẹ mình sống khỏe mạnh chờ cô trở về.
Lúc đó, Mạnh chỉ ước mơ rằng, sẽ cố gắng làm lụng để kiếm đủ tiền gửi về giúp mẹ trả khoản nợ gần 30 triệu của ngân hàng và nếu có dư dả thì mua sắm chút ít đồ đạc cho gia đình. Trong số những khách hàng thường xuyên đến mua quần áo ở cửa hàng của Mạnh, có một bà khách quý phái người Trung Quốc. Mỗi lần mua hàng, bà thường ngồi nán lại rất lâu để trò chuyện. Qua những câu chuyện không đầu, không cuối, bà ta biết Mạnh đang rất cần tiền. Từ đó, thỉnh thoảng bà lại dấm dúi cho Mạnh ít tiền “boa” để cô tiêu vặt. Cảm kích trước tấm chân tình ấy, Mạnh xem bà ta như một ân nhân. Cô đâu biết rằng, đó là cách “thả mồi”, “giăng bẫy” của một kẻ buôn người lão luyện.
Khi nhận thấy “con mồi” say thuốc, bà khách “sộp” ngỏ lời nhờ Mạnh về quê tìm giúp mình các cô gái trẻ lừa qua biên giới. Bị mê mụ bởi những lời ngon ngọt, cộng với nỗi thèm khát khoản tiền lợi nhuận kếch sù mà bà ta hứa trả cho mình, Mạnh đã đồng ý. Từ đó, cô chính thức tham gia vào đường dây buôn bán phụ nữ qua biên giới.
Tính đến thời điểm bị bắt, Mạnh và đường dây của mình đã thực hiện 4 chuyến, bán trót lọt 7 cô gái sang nước bạn. Mỗi chuyến như vậy, Mạnh đứng giữa thu được một số tiền hoa hồng khá lớn. Số tiền đó, cô mang một phần về quê giúp mẹ trả nợ ngân hàng…
Được đưa về cải tạo tại trại giam Hoàng Tiến từ ngày 4/8/2009, mặc cảm tội lỗi khiến Mạnh sống khép mình, ít chuyện trò, tâm sự. Có những lúc, cô suy sụp tưởng chừng như không thể vượt qua. Thậm chí, mấy lần Mạnh còn định tìm đến cái chết để quên đi tất cả. Nhưng chợt nghĩ đến mẹ già, cô lại cố gắng sống.
Mạnh bảo, thế là cô sắp đón cái Tết thứ 4 trong trại giam. Năm nay rét đậm, cô chỉ lo ở nhà bệnh của mẹ lại tái phát, không người chăm sóc. Mỗi lần nghĩ như thế, Mạnh lại khóc. Những giọt nước mắt ân hận, day dứt. Cứ ngỡ kiếm tiền giúp mẹ, cô không ngờ chính những đồng tiền tội lỗi của mình đã làm bà đau đớn hơn đến bội phần. Mỗi lần thăm gặp, nhìn mẹ hao gầy tiều tụy, Mạnh càng buốt xót. Chỉ vì những suy nghĩ lệch lạc dẫn đến sự lựa chọn sai lầm, cô bỗng chốc trở thành kẻ phạm tội để rồi khoác trên mình chiếc áo sọc phạm nhân, chôn vùi tuổi xuân sau song sắt.
Vết trượt từ những đêm thác loạn
Cũng nhan sắc mặn mòi, cũng phạm tội buôn người như Mạnh, nhưng phạm nhân Trương Thị Nhung ở trại giam Phú Sơn lại có một xuất phát điểm, một gia cảnh hoàn toàn khác. Nhung con nhà gia giáo, được ăn học đàng hoàng. Trước khi bị bắt, Nhung đang là sinh viên trường Nhạc - Họa. Chỉ vì bị cuốn vào vòng đam mê Tình – Tiền tội lỗi, cô đã đánh mất mình. Không còn được rạo rực với những thanh âm của tiếng đàn, điệu nhạc, giờ đây, cô thường xuyên phải đối mặt với những ám ảnh, dày vò bởi tiếng than khóc, kêu cứu của các nạn nhân vọng về từ quá khứ.
Nhung kể, từ nhỏ cô đã có niềm đam mê với âm nhạc. Học hết cấp 3, cô thi và đỗ vào trường Cao đẳng Sư phạm Nhạc Họa trung ương. Thời gian đầu của cuộc sống sinh viên, cứ sáng sớm đạp xe đến lớp, chiều lại đạp xe về nhà trọ, cuộc sống của cô diễn ra một cách yên bình như bao sinh viên khác. Với dáng vẻ xinh xắn, ngoan hiền, Nhung nhanh chóng chiếm được cảm tình của thầy cô, bè bạn.
Đến cuối năm học thứ nhất, Nhung lao vào cuộc phiêu lưu tình ái với một thanh niên thành phố. Người tình của Nhung, theo đánh giá của bạn bè thì đây là một gã “cô hồn” chính hiệu. Gã này tuy chả có tài cán gì nổi trội, nhưng bù lại, gã có một khuôn mặt lãng tử hút hồn và khả năng “săn tình” siêu hạng. Trước khi đến với Nhung, gã đã có đến cả tá chân dài trong danh sách người tình. Mặc dù bạn bè can ngăn, gia đình cấm đoán, Nhung vẫn say gã như bị bỏ bùa mê thuốc lú.
Kể từ khi được sinh hoạt trong đội văn nghệ của trại giam, Nhung (bên phải) đã tìm lại được niềm vui sống.
Cũng chính từ cuộc tình này, Nhung bắt đầu sa ngã. Ban đầu chỉ là theo người tình đến một số tụ điểm vui chơi như vũ trường, quán bar để gặp gỡ, giao lưu. Mới đầu còn bỡ ngỡ, dần dà Nhung cảm thấy quen và thích những nơi xa hoa và nhiều cám dỗ đó. Chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, cô đã lột xác thành một con người hoàn toàn khác. Từ một cô sinh viên hiền lành, chăm chỉ, Nhung bắt đầu xây dựng cho mình hình ảnh một “quý cô” ăn chơi, sành điệu. Cô đã biết sắm những bộ váy đắt tiền, sexy, hở trên thiếu dưới, biết và “trải nghiệm” hầu hết chiêu trò của giới ăn chơi.
Tự lúc nào, Nhung nghiện ánh đèn màu, nghiện tiếng nhạc sàn đinh tai nhức óc, nghiện bầu không khí sậm sệt mùi khói thuốc, mùi bia rượu, mùi son phấn trong những vũ trường hơn những bài giảng khô khan trên lớp. Ngày ngày, Nhung chỉ có mỗi việc là ở nhà chờ người tình đến “rước”. “Bãi đáp” của họ luôn là vũ trường, quán bar, nhà nghỉ. Sau những đêm thác loạn rã rời, Nhung lại trở về ngủ vùi trong căn phòng trọ. Chuyện học hành của cô cũng từ đó mà bê trễ.
Để có tiền trang trải cho những cuộc vui thâu đêm suốt sáng đó, Nhung đã dùng đủ mọi cách để xin tiền bố mẹ. Khi những đồng tiền còm cõi của gia đình không đủ cho một “chầu” bay, lắc. Nhung đã theo gã người tình đã tham gia vào một đường dây buôn bán phụ nữ và trẻ em qua bên kia biên giới.
Mấy chuyến đầu trót lọt, tiền lời thu được từ việc làm bất chính, cô và gã người tình nướng hết vào những cuộc chơi. Chỉ đến khi một nạn nhân bị bán sang Trung Quốc chạy thoát được về Việt Nam rồi đâm đơn tố cáo, đường dây của Nhung mới dần lộ sáng. Cô bị bắt và lĩnh án 15 năm tù. Cánh cửa giảng đường cũng chính thức khép lại từ khi cô chưa chạm tay vào vành móng ngựa. Ngày cô bị đưa ra xét xử, người thân cô đau đớn, vật vã sân tòa. Họ tàn tạ và héo úa.
Kể từ ngày vào trại, cởi bỏ váy áo xênh xang để khoác lên mình chiếc áo sọc phạm nhân, Nhung đã khác rất nhiều. Nhờ có chút năng khiếu, cô được lãnh đạo trại cho phép sinh hoạt trong đội văn nghệ. Đêm đêm, mỗi khi tiếng nhạc nổi lên, cô lại thả hồn mình vào từng lời ca, điệu múa. Và khi đó, tố chất nghệ sỹ trong con người cô được dịp bung tỏa. Đồng thời, nhờ cái không gian đậm đặc thanh âm ấy, nó làm cô phần nào nguôi quên những đau đớn phận người.
Nhung bảo, cô ân hận vì đã không thắng được cám dỗ vật chất, bị tình ái dẫn dụ để rồi sa vào vòng lao lý. Đáng lẽ giờ đây, chỗ của cô phải là trên bục giảng, “trình diễn” trước hàng trăm cặp mắt to tròn của đám học trò, chứ không phải là cái sân khấu tràn ngập sắc áo bạn tù. Nhưng, tất cả đã là dĩ vãng.
Theo Công Lý