Dù chưa tốt nghiệp ĐH nhưng mức tiền lương mà những bạn sinh viên này nhận được từ việc làm thêm lên đến hơn 10 triệu đồng/tháng. Với mức lương "khủng" như vậy nhưng công việc cũng không hề ảnh hưởng đến việc học tập hiện tại của các bạn.
Quản trị viên tập sự với mức lương hơn 10 triệu đồng!
Chàng sinh viên năm cuối khoa Kinh tế đối ngoại, ĐH Ngoại thương cơ sở II TPHCM Hoàng Lê Vinh đã có ngót nghét 4 năm kinh nghiệm làm part-time. Ngay từ khi chân ướt chân ráo bước vào cổng trường đại học, Vinh đã tìm đến với hàng loạt công việc part-time. Ban đầu, Vinh xin làm nhân viên bán hàng điện thoại di động, rồi làm tư vấn bán hàng, gia sư…
Cuối năm thứ hai, Vinh quyết tâm sẽ làm thêm chăm chỉ trong 1 tháng để có thể mua được chiếc laptop phục vụ cho việc ôn thi TOEFL iBT. Để có thể đạt được mục tiêu đó, Vinh đã không ngần ngại nhận nhiều việc làm thêm cùng một lúc: gia sư, bán hàng, tư vấn kinh doanh. Hiện tại, Vinh đang làm cho Công ty PepsiCo Việt Nam trong chương trình Quản trị viên tập sự với thu nhập không dưới 10 triệu đồng/tháng.
Bận rộn với công việc làm thêm, nhưng Vinh vẫn làm cho mọi người nể phục vì bảng thành tích dày đặc của mình: Sinh viên 3 tốt năm học 2008-2009; Học bổng AmCham 2009; Đại biểu chương trình “Nghiên cứu Hoa Kỳ dành cho thủ lĩnh sinh viên năm 2009”; Giải 3 cuộc thi viết tiếng Anh “Turning dreams into reality” của Education USA; Giải khuyến khích cuộc thi viết tiếng Anh “Khởi nghiệp cùng Prudential”….
Khi được hỏi về bí quyết sắp xếp thời gian, Vinh khiêm tốn trả lời: “Thực sự, tớ vẫn không nghĩ mình quản lý thời gian thực sự hiệu quả. Tớ chỉ có một số bài học rút ra đó là: phải biết xác định rõ mục tiêu và có cái nhìn dài hạn, và đừng để bị cuốn theo với những mục tiêu ngắn hạn. Mình là sinh viên, mục tiêu hàng đầu vẫn là việc học, nên khi thời gian dành cho việc làm thêm lấn át thời gian dành cho việc học, phải biết tỉnh táo và mạnh dạn điều chỉnh”.
Nhận mức lương có 8 chữ số với nghề người mẫu
Những lợi thế về mặt ngoại hình đã giúp cô bạn đời cuối của thế hệ 8X có cho mình một công việc làm thêm thật lý tưởng: làm người mẫu. Cô sinh viên năm 3 khoa Du lịch, Viện ĐH Mở Hà Nội đã có 3 năm dày dạn kinh nghiệm làm nghề người mẫu.
Ngay khi là sinh viên năm thứ nhất, Hà đã đi làm thêm với công việc bán hàng trong khu trung tâm thương mại Vincom. Cô bạn xinh xắn đã được nhiều nhà tuyển dụng “để mắt” và mời tham gia một số chương trình. Năm 2008, Hà đạt danh hiệu Miss IT Go. “Danh hiệu này mở ra nhiều cơ hội làm việc cho mình hơn”, Hà nói.
Quyết định đầu quân cho công ty Venus miền Bắc, lịch làm việc, học tập của Hà trở nên kín đặc. Hà được công ty sắp xếp lịch đi quay, đi biểu diễn hay đi chụp quảng cáo cho các thương hiệu sản phẩm. Bạn tâm sự: “Làm người mẫu cũng không dễ tí nào nhất là khi mình vẫn đang là sinh viên. Dù bận nhưng mình cũng nhất quyết không “hy sinh” việc học, mình vẫn tham gia đủ các buổi học tại trường”. Thỉnh thoảng, Hà còn có cơ hội được đi giao lưu, biểu diễn ở nước ngoài theo chương trình của Tổng cục Du lịch.
Cô bạn còn cho biết thêm, với số tiền lương nhận được hằng tháng, bao giờ cũng có 8 chữ số, Hà có thể chi tiêu thoải mái và còn gửi mẹ giữ dùm. “Quan trọng nhất, công việc này giúp mình học hỏi được cách ứng xử và có những hiểu biết thực tế về văn hóa những nơi mình đã đến. Đây là những kiến thức cần thiết cho một sinh viên ngành du lịch như mình”, Hà nói.
Chàng sinh viên có thu nhập 20 triệu đồng/ tháng
Hiện là sinh viên năm cuối, khoa Marketing, trường ĐH Thương mại nhưng Vũ Quốc Huân đã đạt được mức thu nhập ổn định và khá cao từ gần 3 năm nay. Công việc của Huân là trưởng nhóm kinh doanh tại FPT Telecom. Cậu cũng nhiều tháng đạt danh hiệu “Nhân viên xuất sắc nhất tháng” và còn được treo ảnh ở FPT nữa. Khác xa với tưởng tượng về một nhân viên marketing “tinh quái”, ấn tượng khi gặp Huân là một cậu sinh viên “hiền khô”.
Huân đã bắt đầu công việc part-time với nghề trông xe tại quán café với “âm mưu” học lỏm cách vận hành một cửa hàng kinh doanh. Huân nói: “Quan sát, tớ đã nhận ra rằng nhiều người đi café không phải để giải trí. Đó là một môi trường tốt cho nghề marketing”.
Một sự tình cờ đã đưa Huân đến với công việc kinh doanh tại FPT khi cậu bạn “hỏi thăm” công việc này của một nhân viên lắp đặt mạng. Những khách hàng quen tại quán café trước đây trở thành mục tiêu đầu tiên của Huân.
“Đi làm lúc ấy chưa có xe máy, ký hợp đồng tận nhà khách hàng, tớ toàn được ngồi ô tô… 60 chỗ (xe buýt). Có khi đi bộ hơn 2 cây số từ bến xe buýt mới vào đến nơi nhưng tớ vẫn phải có mặt đúng giờ hẹn”, Huân kể. Tháng đầu tiên “chạy hợp đồng”, Huân được trả hoa hồng là 3,5 triệu đồng, hoàn toàn chưa có tiền lương. Thu nhập của Huân tăng dần cho đến con số hiện giờ là gần 20 triệu đồng/ tháng. Dịp Tết Canh Dần vừa rồi, Huân được thưởng Tết cũng bằng con số ấy. Khi được hỏi về bí quyết làm giàu, Huân khẳng định: “Đó là làm việc chăm chỉ và nghiêm túc”