Nghệ thuật sống 2009-07-07 01:11:50

Những “tiểu thư, công tử” như thế…


(Dân trí) - Là những nữ sinh xinh đẹp và công tử bột quen với cuộc sống con nhà giàu ăn sung mặc sướng… Thế nhưng, khoác trên mình áo xanh tình nguyện, dưới cái nắng nóng như đổ lửa và mưa dầm rả rích, họ hăng hái đập đá, làm đường và tiếp sức mùa thi…


Từ đập đá, làm đường…

Lê Quỳnh Liên, SV lớp Kế toán 48C, trường ĐH Kinh tế Quốc dân, quê ở Thanh Hóa. Liên sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu có, với cuộc sống “tiểu thư” nên từ lúc còn nhỏ đến khi trở thành SV Đại học Liên chưa từng phải lo toan hay làm bất kỳ công việc gì nặng nhọc. Đối với Liên, khi ở nhà hay ra Hà Nội học thì mọi điều kiện vật chất và tinh thần luôn được đáp ứng một cách tốt nhất.

Năm 2008, Liên đoạt giải nhất trong khoa Kế toán và giải ba cuộc thi nữ sinh thanh lịch toàn trường. Tuy nhiên, khác với những cô tiểu thư con nhà giàu khác, Liên có sẵn lòng nhiệt tình, hăng hái đi về miền núi, vùng sâu, vùng xa và tình nguyện làm những công việc nặng nhọc như đập đá, làm đường…


Nàng tiểu thư Quỳnh Liên xinh đẹp, con nhà giàu…

Nói về nguyên nhân khiến cô tiểu thư quen sung sướng trở thành một tình nguyện viên tích cực, Liên tâm sự: “Em vốn là người không biết quan tâm đến người khác, nhưng khi đi học Đại học, vào trường thấy các anh chị khóa trước rất hăng hái đi tình nguyện nên em ngưỡng mộ lắm. Đăng ký tham gia đội tình nguyện SV tuyên truyền phòng chống tệ nạn xã hội và HIV/AIDS em phải trải qua nhiều vòng phỏng vấn nghiêm túc và tập huấn rất nghiêm khắc, chính những điều đó đã khiến em thay đổi cách sống của mình”.

Liên kể: “Về Thái Nguyên làm tình nguyện, hàng ngày chúng em phải đi bộ hơn chục cây số mới tới được các bản, làng, đường chỉ toàn dốc và núi nên việc di chuyển rất khó khăn. Ban ngày chúng em đập đá, giúp người dân làm đường, tối về ngồi ăn cơm cháy với lạc rang, đêm đến cả đội ngủ chung chiếu mà muỗi cắn chi chít người.

Ở bản làng vùng sâu, vùng xa nên không có điện, mọi sinh hoạt đều rất thiếu thốn… Nhưng cuộc sống trong khó khăn, vất vả, các thành viên trong đội luôn giúp đỡ, chăm sóc lẫn nhau đã khiến em biết quan tâm đến người khác và biết cố gắng hơn”.


… tình nguyện đi đập đá, làm đường ở miền núi tỉnh Thái Nguyên…


Sau 2 mùa tình nguyện, cô tiểu thư này nước da đã ngăm ngăm bánh mật và gầy hơn, nhưng Liên phấn khởi: “Em không nghĩ đi tình nguyện sẽ bớt đẹp mà ngược lại em đã học được nhiều điều. Ở nhà, em không phải làm bất kỳ một công việc gì cả, chỉ ăn và chơi; khi đi học, bố mẹ lo cho em từ A-Z. Còn đi làm tình nguyện khó khăn, vất vả là thế, thậm chí gặp cả những nguy hiểm trên đường đi… nhưng em đã học được cách vượt qua, em biết yêu thương người khác và em trưởng thành hơn”.



" Em biết lo cho bản thân, biết yêu thương và trưởng thành hơn"

(Trong ảnh: Liên đứng thứ nhất từ trái qua phải)

“Dù đi tình nguyện vất vả, nhưng bố mẹ ủng hộ em, em muốn nói rằng: cảm ơn bố mẹ đã luôn ở bên cạnh con, con yêu bố mẹ nhiều lắm! Em rất thích câu nói: “Đừng để được yêu thương rồi mới yêu thương lại vì bạn sẽ không biết mình phải đợi bao lâu, và yêu thương được cho đi là yêu thương được giữ lại mãi mãi”” - Liên chia sẻ.

… đến Tiếp sức mùa thi

Sinh ra ở Ninh Bình nhưng sống và lớn lên ở Hà Nội, Lâm Tùng - SV lớp Ngân hàng 50D, trường ĐH Kinh tế Quốc dân là một chàng công tử bột con nhà giàu, luôn có người phục vụ và chưa bao giờ biết lo toan.

Nhưng, “Năm 2008, em đi thi Đại học, đến trường thi năm đầu đẫy bỡ ngỡ, vướng mắc mà không biết làm thế nào, cũng chính lúc đó em nhận được sự hỗ trợ của các anh chị sinh viên đang làm công tác tiếp sức mùa thi. Em không phải người quen biết, em chỉ là 1 thí sinh trong rất nhiều thí sinh dự thi Đại học khác nhưng các anh chị ấy đã nhiệt tình hướng dẫn và động viên em, giúp em giải quyết những vướng mắc liên quan. Em đã thay đổi suy nghĩ của mình vì điều đó nên vào Đại học em xung phong đi tình nguyện..”.


Chàng "công tử" họ Lâm dẫn đầu đội tình nguyện STQ

Nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất từ đầu mùa tình nguyện, Lâm Tùng xúc động: “Em nhớ nhất ngày đầu của kỳ thi Đại học đợt 1 (ngày 4/7 - PV), chiều hôm đó thi trắc nghiệm môn Vật Lý, có 1 bạn thí sinh vừa ra khỏi phòng thi liền ôm chặt em và khóc nức nở. Bạn ấy kể khi làm bài ghi nhầm mã đề, mặc dù sau đó đã sửa lại rồi nhưng vẫn sợ, lo lắng và hoang mang. Em hiểu suy nghĩ của bạn thí sinh này, em đã từng có cảm giác như thế cách đây 1 năm nên sau khi được em an ủi, động viên thì bạn ấy đã bình tĩnh lại và vững tâm hơn”.

Em thấy tiếc vì quãng thời gian trước kia mình sống theo kiểu con nhà giàu, không cần quan tâm đến ai. Còn giờ, đối với em thì “Áo xanh có thể không mặc nhưng máu tình nguyện không thể không chảy”. Em sẽ tình nguyện làm nhiều việc có ích và mong muốn càng nhiều bạn được đi tình nguyện càng tốt”.

Lê Huyền Trang, lớp Thương mại Quốc tế 50, trường ĐH Kinh tế Quốc dân - một kiều nữ đất Hà thành. Từng được bình chọn là Miss Sinh viên tình nguyện Quản trị Kinh doanh qua ảnh, Miss tự tin… nhưng trong Chiến dịch tình nguyện hè 2009, dưới cái nắng nóng như đổ lửa ở Hà Nội, đứng dưới trời mưa dầm rả rích Trang vẫn nhiệt tình tham gia hoạt động Tiếp sức mùa thi.



Miss Trang…



… cùng đội STQ làm tình nguyện ở Ngọc Hồi, Hà Nội

Trang bộc bạch: “Đã đi làm công tác tình nguyện thì chuyện nắng gió là không thể tránh khỏi, một tình nguyện viên không thể đứng ngoài đường bịt khẩu trang. Đi làm tình nguyện có thể sẽ đen hơn, gầy đi nhưng làm nhiều việc có ích cho cộng động thì điều đó không còn quan trọng nữa. Em thấy mình may mắn hơn các bạn ấy và em thấy mình xinh hơn khi mặc áo xanh tình nguyện, mình đẹp hơn khi tình nguyện làm nhiều việc có nghĩa!”.

Châu Như Quỳnh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)