[size=2][size=4]Đăng ảnh giết voọc, gây tai nạn khoe thành tích, lên mạng chửi bố mẹ, ông bà… là những hành động khiến cộng đồng người dùng Internet không ít lần "nổi sóng" vì phẫn nộ thời gian qua.[/size][/size][size=4]
[/size]
Dù những hành vi đó là vô tình hay cố ý, việc đăng phát ngôn, hình ảnh gây sốc lên mạng và thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận khiến những người này trở nên "nổi tiếng", thành mục tiêu săn lùng danh tính của cư dân mạng.
Một loạt ảnh mô tả nhóm thanh niên hành hạ hai con vật trước khi làm thịt được tung lên mạng đã khiến người xem nổi giận. Làn sóng phản đối hành động vô cảm và nhẫn tâm này diễn ra trên hàng loạt tài khoản Facebook chỉ sau vài tiếng album giết khỉ xuất hiện. Cơ quan điều tra đã xác định người tung loạt ảnh là Nguyễn Văn Quang, quân nhân thuộc Binh đoàn Tây Nguyên.
Ngay trước đó, cộng đồng mạng cũng quyết tâm săn lùng nhân vật có tên Trung Kiên Mai vì đăng hai bức ảnh đứng và ngồi trên đầu rùa ở Văn Miếu. Thanh niên này còn nói vì xác định không đỗ Đại học nên mới nhảy lên đây ngồi. Nhiều người chỉ trích rằng: "Đại diện cho thế hệ tương lai của Việt Nam mà anh ta lại dẫm đạp nên truyền thống văn hóa của mình" hay "Một nơi linh thiêng và cao quý như vậy mà có kẻ vô văn hóa làm hoen ố". Trước những phản ứng mạnh của cộng đồng, nhân vật này đã đóng cửa Facebook.
Đầu tháng 6, các thành viên trên một diễn đàn lại ngỡ ngàng khi một người có nick Black Devil đã dùng lời lẽ không thể tồi tệ hơn để nói về những người đã sinh ra mình. Chỉ vì muốn bảo vệ thần tượng là nhóm nhạc Hàn Quốc (Kpop) mà người này đã gọi bố mẹ là ông bà và nói rằng "với tôi ông bà chẳng còn nghĩa lý gì nữa". Hành động này đã khiến Black Devil bị tẩy chay và cộng đồng càng có cái nhìn ác cảm với fan nhạc Hàn dù không phải người hâm mộ nào cũng "cuồng" như vậy.
Không riêng Black Devil, chỉ trong một thời gian ngắn, trên Facebook còn xuất hiện thêm một vài status bốc đồng nữa như có người nói ngoa ngoắt về mẹ chỉ vì bà phản đối người yêu của cô, hay có cô nàng lại chửi bà vì bị bắt học bài, hay nữ sinh sư phạm mắng người yêu vì keo kiệt… Điều này khiến không ít người cho rằng một bộ phận giới trẻ đang coi "văn hóa chửi" là trào lưu trên mạng, hoặc đơn giản họ cố tình đăng như vậy để câu comment, gây chú ý một cách phản cảm.
Cũng có ý kiến nhận định những hiện tượng kể trên chỉ là những kẻ ăn theo, muốn làm trò giống nhân vật Kẹo Mút Chơi Bời cuối năm 2011. Kẻ lên Facebook khoe thành tích có liên quan đến vụ gây tai nạn chết người được coi là một trong những nhân vật mở màn cho "trào lưu" gây hành vi xấu rồi khoe trên mạng ở Việt Nam. Thái độ độc ác của thanh niên này lôi kéo hàng nghìn comment phẫn nộ ngay trên Facebook của anh ta cũng như trên nhiều diễn đàn. Các hội "săn lùng" Kẹo Mút cũng được lập ra với mục đích "dạy cho kẻ nhẫn tâm một bài học". Kẹo Mút sau đó đã trình diện cảnh sát và đến xin lỗi gia đình nạn nhân.
Trước đó, trong năm 2011 cũng có một số trường hợp khoe khoang trên mạng và bị cộng đồng chỉ trích, nhưng không thực sự gây ồn ào giống các vụ "Kẹo Mút Chơi Bời" trở về sau. Chẳng hạn, clip một số sinh viên Việt du học tại Nhật dùng iPhone để đập đá lạnh với lời cổ vũ "chỉ là iPhone thôi mà" (chia sẻ tháng 7/2011) đã bị lên án là "lố bịch", "phản cảm", "nửa mùa", "học đòi"…
Hay trường hợp cư dân mạng sốc vì màn giọng nhại "mắng chồng" của cô bé mới 4 tuổi. Người xem không chê trách bé gái vì em chưa ý thức được việc mình làm mà bày tỏ thái độ với của người mẹ vì kiểu dạy con phản khoa học và cách khoe con không đúng mực.