Hai loại thẻ Visa và Master phát hành ở nước ngoài đã bị tội phạm sử dụng công nghệ cao trộm cắp thông tin của chủ thẻ để mua vé máy bay của Việt Nam Airline (VNA) nhiều tỷ đồng.
Hiệp hội thẻ Quốc tế khuyến cáo nếu năm 2010, tình hình trộm cắp thông tin thẻ tín dụng không giảm xuống dưới 5% doanh số bán vé qua mạng thì họ sẽ không cho các loại thẻ Visa và Master mua vé máy bay của VNA nữa. Như vậy, VNA mất một lượng lớn khách hàng mua vé bằng thẻ với doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm.
Trước tình hình đó, Cục C50 đã lập án đấu tranh chống loại tội phạm này. Suốt nhiều tháng liền, các trinh sát "ở lì" trên mạng, kiểm tra, xác minh mọi thông tin liên quan đến các nhóm nghi phạm. Vụ án thứ nhất Nguyễn Thái Thông, sinh viên Học viện Công nghệ thông tin tại TP HCM cầm đầu, đã được phá.
Khi đã thân thiết, Thông được Long, Ánh tặng vé máy bay đi từ TP HCM đến Nha Trang. Vé này được Long và Ánh mua bằng cách sử dụng thông tin thẻ tín dụng của một người nước ngoài (còn gọi là "CC chùa") và mua qua mạng. Từ đó, Thông học hỏi Long, Ánh, đồng thời tự tìm hiểu biết được cách có thể sử dụng "CC chùa" đặt mua vé máy bay và hàng hóa tại các trang web cho phép thanh toán bằng thẻ tín dụng để sử dụng hoặc bán lấy tiền tiêu xài.
Thấy dễ kiếm tiền, Thông nhờ cô gái tên Huỳnh Thị Ngọc Trâm mở đại lý bán vé máy bay để bán vé do Thông cung cấp. Theo thỏa thuận, Thông sẽ trích hoa hồng cho đại lý này 200.000 đồng một vé. Từ tháng 2/2010, khi khách hàng đến đặt mua vé, Trâm liên lạc với Thông qua nick chat yahoo hoặc điện thoại di động, sau đó Thông gửi vé điện tử cho Trâm. Trâm nhận vé điện tử từ mail, sửa chữa lại thông tin trên vé cho phù hợp với mẫu mã của công ty, rồi in vé ra bán trực tiếp cho khách hàng, thu tiền mặt đúng với giá thị trường.
Ngoài ra, Thông còn móc nối với Ánh mở đại lý tại tư gia cung cấp vé máy bay cho khách hàng, giá vé bán thấp hơn 30% so với giá thị trường; tiền vé thu được chia đôi. Tính đến ngày bị phát hiện, Ánh trực tiếp mua và đưa Thông tổng cộng 23 vé máy bay của hãng hàng không VNA, trị giá hơn 61 triệu đồng, để tiêu thụ.
Theo nhà chức trách, từ tháng 10/2009 đến 9/2010 Thông còn sử dụng trái phép thẻ tín dụng của người nước ngoài để mua 150 vé máy bay và đồ đạc các loại, gây thiệt hại hơn 286 triệu đồng và hơn 1.000 USD.
Theo lời khai của Thông thì sở dĩ cậu ta biết cách ăn cắp tiền vì thường xuyên vào một số diễn đàn trên mạng nên biết có một số người chuyên sử dụng "CC chùa". Thấy lạ, Thông đã nhờ những người này mua vé máy bay giúp để mình bán lại cho người khác kiếm lời. Một thời gian sau, Thông tự tìm hiểu và sử dụng "CC chùa" để mua vé máy bay sử dụng, cho bạn bè.
Tiếp đó, qua nắm tình hình về thương mại điện tử, Cục C50 lại phát hiện nhiều người nghi sử dụng thẻ tín dụng ăn cắp mua vé máy bay khứ hồi nên phối hợp với VNA kiểm tra thẻ tín dụng. Tất cả đều không xuất trình được thẻ tín dụng đã mua vé nên bị VNA đình chỉ chuyến bay.
Những người này khai nhận vé máy bay có được do nhờ Mạch Hữu Tài (23 tuổi, quận 1, TP HCM) và Nguyễn Trần Nhật Khương (quận Tân Bình, TP HCM) mua giúp. Lực lượng chức năng đã xác minh, làm rõ, Mạch Hữu Tài đã dùng "CC chùa" mua hàng trăm vé máy bay của nhiều hãng hàng không như VNA, Jetstar, Tiger Airway… với tổng số tiền gần 1,4 tỷ đồng. Ngoài ra, Tài còn dùng "CC chùa" để mua hàng và đặt phòng khách sạn qua Internet.
Quá trình điều tra, C50 đã làm rõ đồng phạm với Tài trong nhiều phi vụ là Lê Ngọc Thái (23 tuổi, ở Thống Nhất, Đồng Nai). Thái chuyên thu thập và mua thông tin thẻ tín dụng ăn cắp của người nước ngoài để mua hàng qua mạng, mua các phần mềm máy tính, điện thoại, vé máy bay. Thái đã sử dụng thông tin thẻ tín dụng ăn cắp mua vé máy bay với trị giá hơn 50 triệu đồng… Ngoài ra, C50 phát hiện cũng với thủ đoạn tương tự Trần Cao Vũ (30 tuổi, quận 3, TP HCM) đã mua 45 vé máy bay khứ hồi đi nước ngoài với tổng giá trị khoảng 250 triệu đồng trong các chuyến buôn hàng điện tử về Việt Nam…
Tổng cộng, 9 người liên quan các vụ làm giả thẻ tín dụng đã bị cảnh sát vạch chân tướng. Nhờ chiến công này, Hiệp hội thẻ Quốc tế đã công nhận Việt Nam kiềm chế được tội phạm trộm cắp thông tin thẻ tín dụng, tiếp tục cho Việt Nam tham gia chương trình thương mại điện tử, bán vé máy bay qua mạng bằng các loại thẻ của Hiệp hội. Bên cạnh đó, Hiệp hội thẻ Quốc tế đã tặng cho Cục C50 Bằng khen "Law Enforcement Award 2010" về thành tích chống gian lận thẻ.
Hầu hết đối tượng phạm tội trong các vụ án ăn cắp thông tin thẻ tín dụng để mua hàng đều còn rất trẻ, trong đó có rất nhiều sinh viên. Trường hợp của Nguyễn Anh Tuấn, ở Hà Tĩnh là ví dụ. Tuấn từng là sinh viên giỏi nhưng ham kiếm tiền bất chính đã tự đánh mất mình bằng bản án 4 năm tù giam.
Theo trần tình của Tuấn, anh ta vốn xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo, kinh tế khó khăn nên khi ra Hà Nội học đã choáng ngợp trước sự đô hội của phố phường. Là sinh viên ngành công nghệ thông tin nên Tuấn đã mày mò tìm hiểu vào các diễn đàn của nước ngoài và phát hiện ra cách ăn cắp thông tin thẻ tín dụng của chủ thẻ để rút tiền qua ATM hoặc mua hàng trên mạng. Lúc đầu, mỗi ngày Tuấn chỉ dám rút vài trăm USD, nhưng rồi những tờ tiền đã làm mờ mắt Tuấn, cậu ta rút ngày càng nhiều hơn, mua sắm chi tiêu hoang phí. Cuối cùng, hành vi trộm cắp của Tuấn cũng bại lộ, cậu ta phải trả giá đắt cho hành vi của mình…
Một điều tra viên cho biết: "Dù các người sử dụng công nghệ cao để phạm tội khá tinh vi nhưng bao giờ cũng để lại dấu vết. Chính vì vậy, trước hay sau cũng sẽ bị phát hiện". Điển hình như vụ 3 đối tượng người Trung Quốc là Lý Bằng, Lý Tất Trung và Lầu Thiều Cầm đã mang cả máy tính, thiết bị đọc, in thẻ tín dụng vào Việt Nam, sau đó móc nối Nguyễn Thị Chắt, 59 tuổi, trú ở TP Vinh, Nghệ An để thực hiện việc rút tiền trái phép. Theo đó, chúng liên hệ với một nhà hàng ở TP Vinh (là đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ) để rút tiền thông qua việc mua hàng.
Chỉ trong vòng một tuần, nhóm này đã thực hiện 115 lần quẹt thẻ, trong đó giao dịch thành công 29 lần, rút trái phép hơn 1,3 tỷ đồng. Họ tưởng hành động tinh vi, khép kín như vậy sẽ không bị phát hiện nhưng chúng không ngờ, khi chưa kịp tẩu tán tang vật để trốn về nước đã bị Công an Nghệ An phát hiện, phối hợp với Cục C50 điều tra, bắt giữ.
Cục C50 khuyến cáo hiện nay ngoài việc ăn cắp thông tin thẻ tín dụng để mua hàng trên mạng còn có tình trạng người nước ngoài dùng thẻ giả để mua các loại hàng hóa có giá trị cao như vàng, bạc, đá quý… Để phòng ngừa, các đơn vị chấp nhận thanh toán thẻ cần nêu cao cảnh giác, khi khách hàng thanh toán bằng thẻ, cần kiểm tra kỹ các thông số in trên thẻ, nếu thẻ thật, chữ in sẽ rõ nét, đều nhau, không bị nhòe.
Đặc biệt, mỗi ngân hàng phát hành thẻ đều có lô gô và mã bin riêng nên khi thanh toán, nhân viên cần kiểm tra xem mã bin trên thẻ có đúng của ngân hàng phát hành hay không. Ngoài ra, các ngân hàng, Hiệp hội thẻ cần thường xuyên cập nhật thông tin, tập huấn cho các đơn vị thanh toán thẻ các kỹ năng nhận biết thẻ giả để tránh trường hợp rủi ro.