Chuyện shock 2010-05-31 09:45:00

Nở rộ nghề phục vụ... người chết ở Trung Quốc


Mới nghe qua có vẻ rùng rợn nhưng Jiang Yanyan và Zhang Qingping, hai cô gái trẻ ở Thành Đô, Tứ Xuyên vẫn kiên trì theo đuổi công việc làm đẹp cho những người đã khuất tại nhà tang lễ.

Trang điểm cho… người chết
Thoa phấn nền đều khắp gò má, thêm một chút phấn hồng, sau đó vẽ lại đường lông mày và dùng chì kẻ mắt, Jiang Yanyan, 24 tuổi, đang trang điểm cho một cô gái. “Tôi cố gắng làm cho khuôn mặt cô ấy trở nên hồng hào và có đường nét hơn”, Jiang chia sẻ. Mặc dù cũng giúp mọi người đẹp hơn, giống như những gì các chuyên gia make-up thường làm nhưng Jiang đặc biệt ở chỗ, cô chỉ trang điểm cho người đã khuất. Sau khi hoàn tất những nét trang điểm sau cùng, Jiang đưa người chết trở về với gia đình họ trong phòng tang lễ. “Cô ấy trông như đang ngủ say vậy”, một người thân của nạn nhân xấu số nghẹn ngào nói với Jiang. “Cảm ơn cô rất nhiều”. Đây là cảnh tượng thường gặp trong một ngày làm việc của Jiang và cô luôn cảm thấy xúc động với những lời cảm ơn như vậy. “Tôi đã góp phần xoa dịu nỗi đau mất mát cho những người còn sống”.

Tốt nghiệp Đại học Y Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên, Jiang đến với nghề nhân viên nhà tang lễ một cách tình cờ. “Tôi chỉ nghĩ đó là một công việc đầy thử thách và rất độc đáo nên quyết định thử xem sao. Thực sự, tôi cảm thấy hãnh diện khi nói với bạn bè cùng lớp về sự lựa chọn của tôi. Công việc đó giúp tôi khác biệt!”.

Sau một loạt bài thi đầu vào hóc búa, Jiang và Zhang Qingping, sinh viên tốt nghiệp Đại học Y dược cổ truyền Trung Quốc, vượt qua 3.000 thí sinh khác để trở thành nhân viên Nhà tang lễ Thành Đô, thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên.
Sau 5 năm miệt mài rèn luyện chuyên môn ở trường đại học, hai cô gái không hề sợ hãi khi bắt tay vào công việc. “Đôi khi, nhiều người còn phải cạnh tranh nhau gay gắt để có một công việc đầy thử thách như chúng tôi”, Jiang cho biết.



Zhang Qingping vượt qua 3.000 thí sinh khác để trở thành nhân viên Nhà tang lễ Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.



Phục vụ người chết để biết sống tốt hơn

Ban đầu, cha mẹ không hề ủng hộ quyết định làm nhân viên nhà tang lễ của hai cô gái. Cha mẹ Jiang thậm chí còn nhờ một người họ hàng thuyết phục cô từ bỏ công việc hiện tại để học lên cao học. Điều bất ngờ là Jiang đã thuyết phục lại người họ hàng rằng công việc của cô rất ổn định, hơn nữa, mức thu nhập lại khá cao, có thể giảm gánh nặng chi phí cho cả gia đình. Thực tế, Jiang kiếm được khoảng 4.000 nhân dân tệ (590 USD) một tháng bao gồm cả thưởng. Đây là mức lương cao hơn so với thu nhập trung bình ở Thành Đông.

Có lần Jiang và một vài người bạn trò chuyện về công việc trong khi đang dùng bữa. Khi nghe Jiang kể, một người dừng đũa, hỏi bằng giọng kinh ngạc: “Hả, cậu nói sao? Cậu làm việc đó mà không thấy sợ à?”. Lúc ấy, Jiang cảm thấy rất bối rối và thậm chí, cô còn nghĩ đến chuyện từ bỏ công việc đang làm.

Tuy nhiên, cuối cùng, Jiang vẫn lựa chọn sẽ tiếp tục làm ở nhà tang lễ bởi dù thế nào, đó vẫn là một công việc, vẫn phải có người đảm nhận. “Ai muốn nghĩ gì thì tùy họ thôi”, Jiang tâm sự. “Sau khi vào làm ở nhà tang lễ, tôi cảm thấy suy nghĩ của mình thấu đáo hơn và thái độ với cuộc sống cũng tích cực hơn. Tôi thực sự học được cách nhìn nhận mọi chuyện một cách đơn giản và nhẹ nhàng. Trái tim tôi, tâm trí tôi không còn quá căng thẳng, nặng nề khi phải đối mặt với khó khăn. Người ta ai rồi cũng phải chết, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Cho dù có hạnh phúc hay không, hài lòng hay không về cuộc sống, sẽ tới lúc họ phải vĩnh viễn ra đi. Vậy tại sao lại không sống một cách nhẹ nhàng và vui vẻ?”.

Buồn vui cuộc sống nhân viên nhà tang lễ
“Làm việc” với những người chết hàng ngày, Jiang dần quen với việc chứng kiến nỗi đau khổ, tuyệt vọng của những người đã mãi mãi mất đi người thân yêu. Nhưng đôi lúc vẫn có những câu chuyện rất buồn khiến Jiang day dứt mãi. “Tôi vẫn còn nhớ hình ảnh cặp vợ chồng ấy. Họ phải nói lời vĩnh biệt với đứa con trai mới vừa tròn 6 tuổi. Thật không hề dễ dàng cho cha mẹ khi nuôi dưỡng con cái khôn lớn để rồi lại phải sớm đưa tiễn chúng về nơi an nghỉ cuối cùng”.

Những lúc rảnh rỗi, Jiang có rất nhiều sở thích như chơi game, đi du lịch theo nhóm, gặp gỡ và giao lưu với bạn bè mới. Cũng giống Jiang và nhiều cô gái cùng trang lứa, Zhang thích quần áo đẹp, thích đi mua sắm và tận hưởng thời gian rảnh ở quán bar hoặc đi ăn nhà hàng.



Lúc rảnh rỗi, Zhang Qingping (trái) và đồng nghiệp Jiang Yanyan thích ăn ngon và du lịch khắp nơi giống như bất cứ cô gái nào khác ở độ tuổi 20.


“Nhiều đồng nghiệp của tôi không nói về công việc của họ với người lạ. Họ thậm chí không nói cả lời tạm biệt”, Zhang cho biết. “Với riêng tôi, không có quá nhiều rào cản đến vậy. Hầu như ai cũng nghĩ thế giới của chúng tôi chỉ có hai màu tang tóc, trắng và đen. Nhưng tôi sẽ chỉ cho họ thấy cuộc sống rực rỡ sắc màu ngay ở những người không còn chút sự sống”. Hiện Zhang đang theo học một lớp khiêu vũ. Với cá tính sôi nổi, hòa đồng, cô thường tỏ ra thích thú với những điều bé nhỏ, giản dị trong cuộc sống sau giờ làm. “Đồng nghiệp ở chỗ tôi thường chuyện tếu với nhau. Khi không phải làm việc, chúng tôi rất hay cười”.

Tuy vậy, công việc đặc thù khiến những người như Zhang đôi khi mắc “bệnh nghề nghiệp”. Mỗi khi nhìn ai đó trên phố, Zhang lại tưởng tượng tới lúc họ chết trông sẽ như thế nào. “Và tôi thường huýt sáo bởi hàng ngày, thường có tiếng huýt sáo vang lên trước khi lễ truy điệu bắt đầu”.

Những ngày này, Jiang đang vô cùng bận rộn với các khóa huấn luyện. Cô sẽ tham gia Cuộc thi kỹ năng chuyên nghiệp của nhân viên tang lễ toàn quốc lần thứ hai. “Có một câu ngạn ngữ ý nói “Làm một nghề, yêu một nghề. Yêu một nghề, chuyên một nghề. Chuyên một nghề, giỏi một nghề. Vì vậy, tôi sẽ còn phải học hỏi rất nhiều”, Jiang khẳng định.

Nghề phục vụ tang lễ ngày càng “hot”
Thông thường, theo quan niệm của người Trung Quốc, bất cứ thứ gì liên quan tới đám tang và người chết thường mang đến xui xẻo, bất hạnh. Chỉ có rất ít người làm các công việc phục vụ đám tang. Thậm chí, ở một số nơi, những người làm nghề tang lễ còn bị coi thường. Nhưng vài năm trở lại đây, quan niệm này dần thay đổi bởi ngày càng có nhiều người sẵn sàng chi hàng nghìn nhân dân tệ để lo chuyện hậu sự cho người thân. Kết quả là, nghề phục vụ tang lễ trở nên đắt giá hơn bao giờ hết.

Năm ngoái, tại hội chợ việc làm đầu tiên dành cho các công ty phục vụ tang lễ ở Thượng Hải, rất đông sinh viên đã đến tham dự. Thay vì cho rằng nghề này đem lại điều không may, sinh viên lại tỏ ra rất hứng thú với một công việc ở nhà tang lễ bởi thu nhập cao, nghề nghiệp ổn định, lại có cơ hội thăng tiến. Trong số hồ sơ xin việc, có những sinh viên tốt nghiệp các trường đại học danh tiếng như Đại học Khoa học và Công nghệ Thượng Hải.
Nhiều học viện chuyên đào tạo cao học cũng nhanh chóng thích nghi với xu hướng mới. Wang Fuzi, chủ nhiệm khoa Quản lý dịch vụ tang lễ thuộc trường Đại học chuyên về các công việc xã hội, tiết lộ rằng chuyên ngành tang lễ đang ngày càng được ưa chuộng. “Chúng tôi chẳng gặp chút khó khăn nào trong việc tuyển sinh viên. Thậm chí, mỗi năm, chúng tôi vẫn phải từ chối rất nhiều đơn xin học”.

Lin Jianqing, trưởng phòng tang lễ Thành Đô cho biết để làm nhân viên tang lễ, thí sinh buộc phải có ít nhất một bằng đại học. “Tôi rất mừng khi thấy ngày càng nhiều bạn trẻ học vấn cao có hiểu biết sâu sắc hơn về nghề này”.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)