Giống như nhiều hoạ sĩ đương đại khác phải vật lộn để tạo dựng danh tiếng, Mandy Wilkinsons từng mơ ước một ngày nào đó tên tuổi mình sẽ xuất hiện tại những gallery quốc tế.
Nhưng giờ đây, bỗng dưng Wilkinsons trở thành một họa sĩ có tranh chép nổi tiếng ở Anh khi các “xưởng nghệ thuật” Trung Quốc đã làm hàng ngàn bức tranh giả mang tên cô.
Sự nổi tiếng bắt đắc dĩ
Hàng ngàn bức tranh có chữ ký của Wilkinsons đang được bày bán khắp toàn cầu. Nhưng sự nổi tiếng đó đã trở thành cơn ác mộng đối với nữ họa sĩ 38 tuổi này. Cũng như ở New Zealand và Mỹ, những bức tranh
“mượn” tên tuổi của Wilkinsons được bày bán ở Portobello Market, London (Anh).
Tại nhà riêng của mình ở Denbighshire, Đông Bắc xứ Wales, Wilkinsons cho biết: “Tôi nhận được E-mail của nhiều người từ khắp thế giới nói rằng rất hài lòng với những bức tranh “của tôi” mà họ đã mua và muốn biết tên tranh. Có điều, tôi chưa bao giờ ký tên mình ở mặt trước của tranh như họ mô tả. Có lẽ đó là những bức tranh giả của Trung Quốc. Sự việc này khiến tôi vô cùng bực mình. Nếu mua tranh có chữ ký “đạo” của Picasso hay Dali từ những người đó thì bạn biết ngay rằng đây là tranh chép. Nhưng nếu là một họa sĩ đương đại đang cố gắng để quảng bá tranh của mình khi chúng chưa được biết đến nhiều mà đã bị sao chép vô tội vạ như vậy thì làm sao bạn chịu nổi”.
Tranh giả của Wilkinsons được rao bán trên paintinghere.com
Mãi tới năm nay mới có một phòng trưng bày đại diện cho mình, Wilkinsons đã phải làm việc rất siêng năng để tạo dựng danh tiếng kể từ khi tốt nghiệp Viện Nghệ thuật Cumbria hồi năm 1994. Những họa phẩm trừu tượng rất đặc trưng của cô thể hiện sự tương phản giữa các thế giới không gian 3 chiều và 2 chiều, thường đặt một khối hình học trong những tầng màu trông như pháo hoa. Đây là một phong cách “bắt mắt” và do vậy đã thu hút được nhiều người chép tranh ở Trung Quốc.
“Kinh đô tranh giả”
Mỗi năm, các “xưởng nghệ thuật” Trung Quốc cho ra đời hơn năm triệu bức tranh chép. Những bức tranh nhái theo phong cách trừu tượng của Wilkinsons đã xuất hiện từ cách đây một thập kỷ và chúng được bán ra hàng loạt trên thị trường kể từ năm 2005. Tờ Independent đã liên lạc với một trong những “xưởng nghệ thuật” Trung Quốc, www.paintinghere.com, và nơi đây cho biết các bức tranh như vậy được “tái tạo bởi những nghệ sĩ tài năng của chúng tôi dựa trên catalogue của Wilkinsons” và chúng sẽ xuất xưởng sau hai tuần có đơn đặt hàng. Mỗi bức tranh có giá vào khoảng 100 bảng.
Ông David Godfrey - chủ gallery 94 ở London, nơi đại diện cho Wilkinsons - nói: “Wilkinsons có lẽ là nghệ sĩ có tranh bị sao chép nhiều nhất hiện nay. Chúng tôi biết rằng hàng ngàn bức tranh mang tên cô đã được xuất đi từ Trung Quốc và điều này đang tạo nên một vấn đề thực sự. Các bức tranh đó được đặt hàng với đủ loại giá, từ khắp mọi nơi. Nhiều khách hàng đã tới các phòng trưng bày và họ chẳng hề có chút hoài nghi khi được giới thiệu đấy là những bức tranh thật. Chúng tôi đang nhờ luật sư để nói chuyện với những nhà phân phối tranh đó”.
Từ lâu Trung Quốc đã nổi tiếng là “kinh đô tranh giả” của thế giới. Nhiều “tác phẩm” đã lừa được cả giới chuyên gia. Thậm chí Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan ở New York (Mỹ) từng phải đối diện với những câu hỏi liên miên về một trong những họa phẩm Trung Hoa của họ. Riverbank - được cho là bức tranh lụa quý hiếm 1.000 năm tuổi của Dong Yuan - đã bị nghi ngờ sau khi các chuyên gia nói rằng nó là tranh chép của Chang Ta Chien, người từng cho ra đời nhiều tranh giả.
Ở Anh, nạn sao chép tranh cũng có một lịch sử lâu dài. Trong đó, tên tuổi nổi tiếng nhất là Tom Keating, người đã làm hơn 2.000 bức tranh giả của khoảng 100 nghệ sĩ. Keating đã thú nhận việc làm của mình vào năm 1970 nhưng từ chối chỉ ra những họa phẩm giả. Ông qua đời năm 1984 sau khi bị truy tố vì tội làm tranh giả.
Lương Tuấn Vĩ