Nặng 44 kg nhưng có bầu ngực tới 10 ký, cô học sinh lớp 7 ở Tịnh Sơn, Quãng Ngãi không dám đến trường vì mặc cảm. 8/5 vừa qua, em được các bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn mổ thành công.
Tiến sĩ Nguyễn Thiết Sơn, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Bệnh viện Xanh Pôn cho biết, bệnh nhân Phạm Kim ở Tịnh Sơn, Quảng Ngãi. Khi đến khám vào đầu tháng 5, các bác sĩ cũng phải ngạc nhiên bởi bộ ngực khổng lồ của em, một bên có thể tích 5 lít (khoảng hơn 5 kg), bên kia là 4,5 lít.
Ông Sơn cho biết, với tốc độ phát triển và trọng lượng quá lớn như vậy, nếu để khoảng 2 năm nữa, bộ ngực khổng lồ này có thể khiến bệnh nhân bị vẹo cột sống, thoái hóa đốt sống cổ…
Theo bác sĩ, đây là ca vú khổng lồ nhất, ở người nhỏ tuổi nhất từ trước đến nay, không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Trước đây, ở Đức cũng có ca một bé gái 14 tuổi có ngực khổng lồ nhưng cũng chỉ ở mức 3 kg mỗi bên.
Sau 4 giờ phẫu thuật, 7 bác sĩ của khoa Phẫu thuật tạo hình đã thực hiện ca mổ thành công, cắt đi một bên ngực 4,6 kg, bên kia 5 kg. Ảnh do bệnh viện cung cấp. |
Bác sĩ Sơn cho biết, trước đó, Bệnh viện Xanh Pôn từng tiếp nhận nhiều ca vú phì đại và cũng phẫu thuật thành công.
Với trường hợp của bệnh nhân Kim, theo ông, nguyên nhân khiến bầu ngực của em phát triển to bất thường và nhanh như vậy là do rối loạn hoóc môn ở tuổi dậy thì. Hiện tượng này không có bất kỳ loại thuốc nào có thể ngăn chặn được mà chỉ có thể phẫu thuật để khắc phục. Một số trường hợp sau phẫu thuật cũng có khả năng tái phát nhưng rất thấp (khoảng 5%) và có thể xảy ra sau khi sinh con nhưng sẽ không phát triển mạnh như giai đoạn đầu.
Nằm trên giường điều trị tại Bệnh viện Xanh Pôn, cô bé 13 tuổi có đôi mắt biết nói vui vẻ tâm sự: "Đầu năm học tới em sẽ lại được đến trường rồi". Ảnh: MT. |
Bác Phạm Trương, bố em cho biết, Kim vốn tính rất hồn nhiên, vô tư. Thời gian đầu bị như vậy, em không nói gì với bố mẹ mà chỉ trở nên ít nói, ít ra ngoài hơn. Khi anh chị để ý thấy bộ ngực con phát triển bất thường thì rất lo lắng, chỉ sợ con bị ung thư. Từ đầu năm đến nay, anh đã dẫn con đến rất nhiều bệnh viện, từ Bệnh viện Đà Nẵng, đến Bệnh viện Ung Bướu TP HCM, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Nhi Đồng 2… để khám nhưng không nơi nào chữa được. Có chỗ cho Kim uống thuốc, nhưng sau một thời gian sử dụng, thấy ngực con chẳng giảm được phân nào, gia đình cũng ngưng lại.
Mới đây, bác Trương vô tình đọc được bài báo viết về một ca phẫu thuật vú phì đại do bác sĩ Trần Thiết Sơn thực hiện thành công, liền dẫn con ra Hà Nội, tìm tới Bệnh viện Xanh Pôn khám. "Chúng tôi cũng chỉ mong con được phát triển bình thường, sống vô tư, khỏe mạnh thôi", anh Trương thổ lộ và thể hiện niềm vui khôn tả sau ca phẫu thuật thành công của con gái.