Từ 1/1/2013, ô tô khi lưu thông ngoài đường sẽ bị nộp phí cao nhất là 1.040.000 đồng.
[size=7]Ô tô phải nộp “thuế đường” 1 triệu/tháng[/size]
Thứ Sáu, 26/10/2012, 02:20 PM (GMT+7)
Theo Dự thảo Hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện do Bộ Tài Chính vừa hoàn thành, tới đây, chủ phương tiện sử dụng xe ô tô sẽ phải nộp “thuế đường” từ 130.000 – 1.040.000 đồng/ tháng.
Dự thảo thông tư cho biết, đối tượng chịu phí là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm: xe ô tô, máy kéo; rơ moóc, sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô, máy kéo (gọi chung là ô tô) và xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (gọi chung là mô tô) thuộc đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ.
Mức thu phí được áp dụng cụ thể với các loại xe ô tô được quy định cụ thể như sau: Xe chở người dưới 10 chỗ đăng ký tên cá nhân có mức thu thấp nhất là 130.000 đồng/ tháng; Xe tải, xe ô tô chuyên dùng có trọng lượng toàn bộ từ 27.000 kg trở lên có mức thu cao nhất là 10.40.000 đồng/tháng.
Với xe máy: Loại có dung tích xy lanh đến 100 cm3, xe máy điện sẽ bị thu phí từ 50.000-100.000 đồng/tháng; Loại có dung tích xy lanh trên 100cm3 sẽ bị thu từ 100.000-150.000 đồng/tháng.
Riêng các trường hợp: Xe cứu thương, cứu hỏa, xe chuyên dùng phục vụ tang lễ… được miễn phí sử dụng đường bộ.
Trường hợp xe ô tô bị huỷ hoại do tai nạn; bị tịch thu; bị tạm giữ, bị tai nạn không sử dụng từ 30 ngày trở lên thì không phải nộp phí tương ứng với khoảng thời gian không sử dụng. Trường hợp phương tiện đó đã được nộp phí thì người nộp phí được trả lại phí đã nộp hoặc được trừ vào số phí phải nộp của kỳ sau nếu có đủ hồ sơ theo quy định.
Theo Thông tư Bộ Tài chính vừa soạn thảo, từ 1/1/2013, ô tô khi lưu thông ngoài đường sẽ bị nộp phí cao nhất là 1.040.000 đồng.
Xe máy sẽ nộp phí qua Ủy ban xã, phường
Về phương thức nộp phí, Bộ Tài Chính cho biết, với xe ô tô dân sự trong nước, phí sử dụng đường bộ tính theo năm (12 tháng) và theo chu kỳ đăng kiểm của xe. Đến kỳ đăng kiểm, chủ xe mang xe đến đăng kiểm, nộp phí, lệ phí đăng kiểm (nếu có) và nộp phí sử dụng đường bộ cho cơ quan đăng kiểm. Cơ quan đăng kiểm dán tem đăng kiểm tương ứng với chu kỳ đăng kiểm và tem nộp phí sử dụng đường bộ tương ứng với thời gian nộp phí.
Đối với xe ô tô nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam: Kỳ tính phí là khoảng thời gian được phép lưu hành tại Việt Nam. Thời điểm nộp phí là khi nộp hồ sơ xin nhập cảnh lưu hành tại Việt Nam.
Về phương thức kê khai và nộp phí, Bộ Tài chính quy định: Đối với xe ô tô dân sự, người nộp phí thực hiện nộp phí cho cơ quan cơ quan đăng kiểm. Các xe ô tô nước ngoài tạm nhập lưu hành tại Việt Nam, người nộp phí phải kê khai theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư này và nộp phí cho Sở Giao thông vận tải, theo từng lần phát sinh.
Đối với xe mô tô: Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi là UBND xã) là cơ quan thu phí đối với xe mô tô của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân (chủ xe) trên địa bàn.
Trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày nhận được tờ khai nộp phí, tổ dân phố (hoặc thôn) tiến hành kiểm tra kê khai và tiến hành thu phí. Trường hợp kê khai không đúng thì tổ dân phố (hoặc thôn) đề nghị chủ phương tiện kê khai lại.
Chủ phương thực hiện kê khai, nộp phí như sau: Đối với xe mô tô phát sinh trước ngày 1/1/2013 thì tháng 1/2013 thực hiện khai, nộp phí cả năm 2013, mức thu phí 12 tháng.
Đối với xe mô tô phát sinh từ ngày 1/1/2013 trở đi thì việc khai, nộp phí thực hiện như sau: Thời điểm phát sinh từ ngày 1/1 đến 30/6 hàng năm, chủ phương tiện phải kê khai, nộp phí đối với xe mô tô, mức thu phí bằng một nửa mức thu năm. Thời điểm khai nộp chậm nhất là ngày 31/7.
Thời điểm phát sinh từ 1/7 đến 31/12 hàng năm, thì chủ phương tiện thực hiện khai, nộp phí vào tháng 1 năm sau (chậm nhất ngày 31/1) và không phải nộp phí đối với thời gian còn lại của năm phát sinh. Khi thu phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu phí cho đối tượng nộp phí theo quy định.
Quy định này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2013.