Ở miền Bắc, có lẽ nói đến rắn, hẳn ai cũng biết đến làng nghề rắn Lệ Mật ở xã Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội, nhưng ít ai biết rằng ở tỉnh Vĩnh Phúc từ hàng trăm năm nay cũng đã và đang tồn tại một làng nghề rắn có thương hiệu lớn trong giới nuôi, chế biến, sử dụng các sản phẩm từ rắn.
Sau gần 10 năm, tôi mới quay trở lại xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Xuyên, những con đường và nhà cửa ven đường đã đổi khác rất nhiều. Những tòa nhà 3 đến 4 tầng mọc lên thay cho các căn lều, nhà cấp bốn ngày xưa.
Vĩnh Sơn tuy chỉ là một xã nhỏ nằm ở gần trung tâm thị trấn Vĩnh Tường nhưng nơi đây nổi tiếng bởi nghề chăn nuôi và chế biến các sản phẩm từ con rắn, một loại thực phẩm, đồ ngâm rượu, dược phẩm rất kén khách.
Xưa kia vùng này còn hoang sơ và rậm rạp, là nơi lý tưởng cho loài rắn trú ngụ. Vào những dịp nông nhàn, thanh niên trai tráng của làng này thường đi tìm bắt rắn hoang, bán cho các nhà giàu ngâm rượu và làm thuốc.
Từ việc săn bắt rắn tự nhiên, người dân Vĩnh Sơn đã biết nhốt, nuôi rắn rồi cho sinh sản để làm thịt và chế biến rượu rắn, kinh nghiệm đó được truyền lại cho đến ngày nay. Nghề nuôi rắn được truyền từ đời này sang đời khác rồi trở thành một nghề đặc trưng của đất Vĩnh Sơn.
Anh Vì cầm trên tay con hổ mang chúa, sắp đẻ, nặng ước chừng gần 4kg
Nhận thấy những hiệu quả tích cực do sử dụng các sản phẩm từ rắn mang lại, trong vài năm trở lại đây, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đang ngày một tăng cao, nuôi không vất vả so với các nghề khác, hiệu quả kinh tế lại rất cao nên nghề nuôi rắn ở xã Vĩnh Sơn đang phát triển rất mạnh mẽ. Từ chỉ một vài chục hộ ban đầu đến nay đã có trên 1.200 hộ trực tiếp tham gia nuôi, chế biến các sản phẩm từ rắn.
Bỏ kinh phí một lần, công chăn nuôi thấp, thức ăn có sẵn hoặc mua lại ếch nhái, gà vịt chất lượng kém từ các xưởng ấp với giá rẻ mà hiệu quả kinh tế lại cao ngất, vậy là người người thi nhau xây hang, nhà nhà nuôi rắn. Đến nhà nào cũng vậy, chỉ rặt những hang rắn. Một người dân nơi đây nói rằng: “Anh phải chứng kiến cảnh lúc xuất rắn bán mới thấy sợ. Hàng ngàn con rắn hổ mang con nào con ấy to bằng bắp tay, thậm chí cổ chân. Cái cổ thì banh ra, miệng thì phát ra những âm thanh phì phì cộng hưởng lại nghe thật ghê rợn”.
Cứ đến ngày xuất rắn, thợ nuôi rắn lại mở nắp hang nuôi rắn, một tay cầm thanh sắt có uốn cong đầu, kéo con rắn lên, tay kia thì lần tóm giữ lấy đầu rắn rất thiện nghệ và bắt từng con cho vào bao.
Làm hang rắn nghe có vẻ cầu kỳ, hoang dã chứ thực tế rất đơn giản. Hang rắn là một cái hầm hình trụ. Thông thường trên một khoảnh đất nhỏ, người ta có thể ngăn ra làm hàng trăm hang rắn. Mỗi hang rắn có diện tích rất nhỏ, chỉ cần ốp hai hàng gạch chỉ vào tường, xây chia thành các ô vuông nhỏ chừng 40 cm2, đủ để cho một con rắn cuộn tròn ở trong đó. Cửa hang làm bằng gỗ, chốt chặn bằng ba cái khuy nhỏ.
Ở Vĩnh Sơn nhà nào cũng nuôi rắn. Thậm chí đất ở của con người còn ít hơn diện tích dành cho nuôi rắn. Người ta tận dụng triệt để những vị trí trống. Hang rắn mọc lên dày đặc ở ngoài vườn, trong nhà, thậm chí kề ngay bên… giường ngủ, cách nhau chỉ vài bước chân. Con rắn chỉ cần thò lên là… thấy mặt người. Người ta còn nói vui rằng phải ngày ngày ăn với rắn, ngủ với rắn, buồn vui cùng… rắn. Rắn ốm, chủ nhà cũng ốm lây vì lo.
Tôi tưởng tượng đêm đến, đi ngủ mà cứ nghe tiếng phì phì bên tai mà lạnh sống lưng, thế nhưng, trong giấc ngủ của họ cũng luôn có rắn bên cạnh.
Rắn hổ mang phì khi đang ở trong hang trông khá dữ tợn
Anh Hạ Văn Vì, hội viên Hợp tác xã Đại Thành xã Vĩnh Sơn, người có số hang nuôi rắn thuộc hàng lớn trong xã cho biết, gia đình anh có 1000 hang rắn Hổ mang phì. Hàng năm cứ đến tầm tháng 4 thì cho phối giống bố mẹ, sau 2 tháng thì rắn mẹ đẻ trứng, ấp trứng trong 2 tháng tiếp theo đến khi nở thì cho ra các ô riêng biệt để nuôi rắn con. Đến một giai đoạn nhất định thì chuyển vào các hang, nuôi riêng biệt, vỗ béo và xuất bán. Mỗi lứa trung bình xuất khoảng gần 1 tấn.
Vào trang trại nuôi rắn của anh Vì, xin chụp một vài kiểu ảnh mà dưới chân tôi cứ nghe tiếng rắn như đang trực chờ để đưa ra những cú lao mình đớp và phun nọc độc vào chân. Cảm giác đó thật đáng sợ.
Tôi hỏi anh Trị, Bí thư đoàn xã kiêm chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi rắn Đại Thành có sợ rắn không. Anh cười bảo: "Không, làm mãi cũng quen. Làm nghề này mà sợ không làm được, càng sợ thì càng rối, rắn nó hoảng lại càng dễ bị cắn hơn, mình bắt nó chặt, đau quá thì nó phản ứng lại thôi".
Rắn cho người dân làng Vĩnh Sơn nhiều lợi nhuận nhưng cũng khiến nhiều người phải rớt nước mắt vì bị rắn cắn
Vào thời điểm hiện nay mỗi ki lô gram rắn trọng lượng từ 1kg/con trở lên có giá từ 1,1 triệu đồng. Có thời điểm giá cao hơn nhiều. Rắn càng lớn, thời gian nuôi càng dài thì giá trị kinh tế càng lớn hơn nhiều. Mỗi con rắn khi xuất bán thường nặng từ 1,7-1,8kg.
Thời gian thực nuôi từ khi phối giống đến khi xuất bán chỉ trên dưới 1 năm, con giống bố mẹ thì chỉ phải bỏ ra một lần đầu. Như vậy mỗi gia đình có khoảng 1.000 hang như anh Vì sau khi trừ chi phí thức ăn, tiền công chăm sóc khoảng 60% mỗi năm thu lãi khoảng trên 500 triệu. Số tiền có thể cả đời nếu làm nông nghiệp thuần túy cũng chưa chắc làm ra.
Bị rắn độc cắn, chuyện… bình thường
“Sinh nghề tử nghiệp, ở cái làng này đã có 10 người chết vì bị rắn cắn, đa phần là chết do không biết mình bị rắn cắn, hoặc biết nhưng chủ quan, không kịp thời garo lại vết thương, để chất độc lan nhanh vào sâu trong cơ thể. Những người khỏe mạnh nhất cũng chỉ trụ được 9 tiếng đồng hồ, bình thường thì sau 2-3 tiếng thì nạn nhân sẽ bị sập mí mắt, ngắn lưỡi và chết”, ông Hạ Văn Vừa nói.
Còn những trường hợp bị rắn cắn, bị hoại tử và…tháo một vài khớp tay, chân là chuyện “thường ngày ở huyện”. Ngay chính vợ anh Trị mới đây cũng phải tháo một khớp đốt ngón tay do rắn. Anh kể, do chủ quan, vợ tôi cầm móc quá ngắn để móc rắn trứng (rắn vừa sinh) sau khi để lâu ngày không cho ăn, nó nhao lên và vợ tôi không tránh kịp. Chỗ rắn cắn bắt đầu thấy buốt và đen dần, rất may tôi kịp ga rô nên chỉ bị hoại tử, tháo khớp tại điểm đó.
Rượu rắn cũng là nguồn thu nhập của người dân làng Vĩnh Sơn
Đã nuôi rắn là phải xác định được tâm lý khi bị rắn cắn, tránh sao được rủi ro. Hầu như những ai nuôi rắn cũng từng bị rắn cắn nhiều lắm, có ngày tới vài người bị. Thường thì hay bị cắn vào tay vì tay là bộ phận tiếp xúc trực tiếp với rắn. Khi bắt rắn lên tay mà bất chợt rùng mình hoặc ngoảnh đi nơi khác làm con rắn hoảng sợ là có thể bị nó đớp liền. Cũng có trường hợp bị cắn vào chân, lưng do rắn núp cắn trộm hoặc bị chúng phì phun nọc độc vào mặt, mắt gây đau buốt, bỏng rát.