Làm nghề bơm vá xe kiếm sống ở góc công viên 30/4 ngay trung tâm Sài Gòn, ông Nguyễn Văn Ngọc chứng kiến bao đổi thay cuộc sống, từ chiếc xe tăng tiến vào Dinh Độc lập hôm 30/4/1975 đến "những hàng cây mới trồng đã lớn"…
Khoảng 4h sáng, ông lão 80 tuổi bắt đầu cơm đùm cơm gói đẩy chiếc xe đạp từ quận 4 sang góc công viên cạnh đại lộ Lê Duẩn, đến nơi cũng đã 7h sáng để bắt đầu công việc. Lúc các cụ ông, cụ bà tầm tuổi ông đi dạo mát, đi tập dưỡng sinh, chạy thể dục, thì cũng là lúc ông lọ mọ chuẩn bị cho chuỗi ngày kiếm sống cực nhọc của mình. 7h tối ông mới lụi cụi thu dọn đồ đạc trở về.
Con cái trưởng thành phải lo cuộc sống riêng. Người vợ - cô gái đất thép Củ Chi ngày nào cũng đã ra đi mãi mãi vì bệnh tật, để ông bơ vơ gần chục năm nay. Gắn bó thân thiết với ông nhất có lẽ là chiếc xe đạp cũ kỹ.
Ông Ngọc bên chiếc xe đạp, bơm vá xe kiếm sống nơi góc công viên nhộn nhịp người qua lại. Ảnh: Lê Phương
Chiếc xe đạp mua lúc nào ông không nhớ, chỉ biết là lâu lắm rồi, từ cái hồi giá chiếc xe một vài ngàn đồng gì đó, giờ đồ phụ tùng cho chiếc xe cũng khó tìm để mà thay thế. Bị thương một chân, phải đi chân giả do tai nạn trong những năm bom rơi đạn lạc chiến tranh nên không thể đạp xe được, ông chỉ ngồi phía sau và dùng tay cố sức đẩy chiếc xe đi.
Bên cạnh chiếc bơm tay, thau nhựa để đựng nước và vài dụng cụ đồ nghề vá xe là lỉnh kỉnh túi đựng cơm nước. Ông lục đục thức dậy từ khuya để nấu cơm đem theo ăn cả ngày.
Ngày còn trẻ khỏe, công việc bơm vá xe chính là công việc đem lại nguồn thu nhập ổn định, nuôi sống được cả nhà ông, còn bây giờ thì phải vất vả lắm mới đủ nuôi sống bản thân mình. Ông chọn góc công viên một phần vì chỗ ngồi mưu sinh này đã quá gắn bó với ông hơn nửa đời người, một phần vì nơi đây các bạn trẻ tụ tập nhiều. “Ông Sáu ve chai” - tên mà mọi người hay gọi ông, có thể tranh thủ lượm lặt được nhiều chai lọ, giấy báo… đem bán kiếm thêm vài đồng.
Vừa ngồi chờ khách vá xe, ông Ngọc vừa tranh thủ gọt vỏ mấy sợi dây điện ông nhặt được trên đường để lấy lõi đồng đem bán. Ảnh: Lê Phương
Bắt đầu gắn bó với góc công viên này từ Tết Mậu Thân 1968, lúc ấy giá vá một bánh xe là vài hào; đến nay 5.000-10.000 đồng cho một lỗ thủng ruột xe, ông đã lặng lẽ chứng kiến bao dâu bể của thời cuộc. Ngày qua ngày âm thầm, lặng lẽ với công việc của mình, đến lúc ngước nhìn lên thì hàng cây điệp “mới được trồng sau này”, ngay trước chỗ ông ngồi, đã sum suê cành lá, vòng tay ôm không xuể.
Giữa phố phường tấp nập, trong đoạn cuối cuộc đời ông vẫn còn không ít những nỗi niềm riêng. Mồ côi cha mẹ khi mới 12 tuổi đầu, ông cùng đứa em gái nhỏ lang thang trôi dạt nhiều nơi, đến Gò Công, Tiền Giang, bị thất lạc đứa em gái đến giờ vẫn không tin tức gì. “Tôi chỉ nhớ loáng thoáng tên nó là Nguyễn Thị Nở, mồ mả cha mẹ giờ cũng không biết nơi đâu”, cụ chạnh lòng.
Bóng dáng lầm lũi của ông cụ như lọt thỏm giữa phố ngày mưa. Dòng người xe vẫn lao đi vun vút. Khi mà các tiệm sửa xe với đầy đủ dụng cụ đồ nghề hiện đại mọc lên khắp nơi thì một ông lão tuổi cao sức yếu, mưu sinh bằng chiếc bơm tay thô sơ, ngồi nép mình nhỏ bé trong góc đường sầm uất bậc nhất thành phố, trở nên ế ẩm vắng khách.