Hành trình… tìm gái ngủ thăm
Chiều hôm sau, thầy mo Đặng Văn Hếng sai hai cậu quý tử là Cương và Thủy làm thịt con gà sống thiến để làm lễ cầu may cho tôi.
Ông Hếng vốn là người Kinh, quê ở Vĩnh Phúc. Hồi nhỏ, vì gia cảnh túng bấn, cha mẹ đã bán cho một gia đình người Dao không con ở vùng núi vời vợi cao này.
Ngót 60 năm lăn lóc sống trong rừng, ông đã trở thành người Dao lúc nào không hay.
Chúng tôi phải cuốc bộ 2 tiếng đồng hồ trên con đường này mới vào đến bản Cỏi.
Những nghi lễ cúng khấn của người Mường, người Dao, ông làm rất thuần thục. Ở bản Dù này, ai cũng vị nể ông.
Khoảng 5 giờ chiều, trời bỗng nổi giông. Mây đen ùn ùn kéo tới. Sấm chớp đùng đoàng. Gió vặn cành cây răng rắc. Cái cột cờ trước trạm kiểm lâm xóm Dù to như bắp chân sơn nữ, thế mà gió quật đổ kềnh.
Mưa như trút nước. Ngồi uống rượu cao khỉ với thầy mo Hếng mà tôi cứ nhấp nhổm không yên vì nghĩ đến buổi cạy cửa ngủ thăm thú vị đêm nay.
Ông Hếng đưa bàn tay sần sạn lên bấm đốt rồi tủm tỉm: “Chú cứ việc khướt khượt với lão. Rượu này chúa lắm đấy. Đảm bảo với chú, chỉ đến đầu giờ Tuất là trời quang mây tạnh thôi mà”.
Tôi bán tin bán nghi. Thế mà đúng 8 giờ, mưa nhẹ hạt dần rồi tạnh hẳn. Gió hây hây thổi. Trời xanh trong. Vầng trăng mười ba đã lấp ló rặng núi xa xa. Ông Hếng thánh thật!
Thủy buồn ra mặt. Thấy tôi đi cạy cửa với Cương, nó hậm hực thì phải. Nó hù dọa: “Anh đừng đi ngủ thăm với thằng Cương. Đường xa khó đi lắm. Đêm, anh không về được đâu”.
Tiễn tôi và Cương ra ngoài sân, ông Hếng cứ hì hì cười, vỗ vỗ vai tôi động viên: “Cố gắng! Cố gắng!”.
Chúng tôi mướt mải đi, đến cái ao nước nhỏ cuối bản thì gặp hội Quý đứng chờ. Thế là cả bọn khoác vai nhau lên đường.
Còi dí còi dị vì ngủ thăm từ sớm
Con đường độc đạo dẫn đến bản Cỏi phải xuống một con dốc dài hun hút và phải vượt qua 3 con suối sâu. Ánh trăng không đủ xuyên qua những tán lá rừng dày kên, nhưng cũng đủ để thấy sương giăng ngập lối.
Hàng triệu con đom đóm rừng to như bóng đèn quả nhót đậu hai bên đường cứ lập lòe sáng khiến cảnh sắc thơ mộng như lạc vào cõi tiên.
Những cô gái Dao xinh đẹp luôn là đối tượng của những kẻ… "trộm tình đêm".
Tiếng khỉ cãi nhau chí chóe bên góc núi. Tiếng nai tác dớn dác hòa vào tiếng suối chảy róc rách khi gần khi xa.
Quý hứng chí ngửa cổ chơi bài “Suối mơ” của nhạc sĩ Văn Cao. Giọng nó trong, luyến láy nghe khá mượt. Cương “nóng gáy” chơi ngay một liên khúc Tuấn Vũ toàn lời yêu đương mùi mẫn.
Hát chán, chúng nó bắt đầu tỉ tê chuyện tình trường của mình. Cương ưỡn ngực tự hào bảo: “Em là thằng đi ngủ thăm sớm nhất trong hội này. Hồi 13 tuổi, em đã tán được một cô sinh năm 1976, hơn em những… 16 tuổi. Buồn cười, lúc lên giường nằm, người em cứ run bần bật, không dám tí toáy gì.
Chờ mãi không thấy động tĩnh, cô ấy nhoài tay sang người em, hỏi: Anh làm sao thế? Em lại càng run. Nửa đêm phải bỏ chạy. Nhưng mà bây giờ thì…”.
Cương bỏ lửng câu chuyện, cười khùng khục. Tôi chợt ngộ ra một điều: Đám trai bản ở đây đi ngủ thăm rất sớm, thảo nào đứa nào cũng còi dí còi dị. Đứng chỉ đến vai tôi.
Đang đi, Quý lia ánh đèn pin vào một gốc cây cổ thụ bên đường, bảo: “Chính tại gốc cây này, em với con Hoa đã ngắt lá lót ổ nằm chung. Nửa đêm, mưa to, hai đứa ướt như chuột lột. Em phải cởi áo choàng lên người cô ấy cho đỡ lạnh rồi ngồi ôm nhau chờ trời sáng. Anh thấy có lãng mạn không?”.
Tôi trợn mắt hỏi: “Thật thế à?”. Hạ nhếch miệng cười khan: “Chuyện ấy bây giờ là “phình phường”, có gì mà anh phải ngạc nhiên.
Ngày xưa ý, người Dao Tiền (gọi là Dao Tiền vì trang phục của họ bao giờ cũng có 7 đồng bạc trắng đeo ở sau gáy) nơi đây có quan niệm rằng: con trai con gái trong bản không được ăn nằm với nhau ngoài rừng. Nếu bắt được cặp nào làm việc “bậy bạ” ấy thì sẽ bị làng phạt vạ. Lễ cúng tạ thần linh phải có tới 6 thầy luân phiên nhau, một con lợn béo đủ cho cả bản đánh chén.
Tuy nhiên, bây giờ, tục ấy đã khác đi nhiều. Anh tính, giường bố mẹ, anh chị em kê kè kè bên cạnh, làm sao đủ tự nhiên cho các cặp tình nhân “tự tình”. Thế là họ rủ nhau ra bờ suối làm “việc ấy” rồi về nhà cô gái… ngủ. Đó cũng là ngủ thăm”.
Không đánh nhau vì… gái
Mất chừng gần 2 tiếng đi bộ, chúng tôi đã đặt chân đến con suối đầu bản.
Bản Cỏi nằm lọt thỏm trong thung lũng, bốn bề là núi dựng đứng có con suối vắt ngược qua.
Đêm xuống, đám trai bản sẽ mò vào những ngôi nhà có gái đẹp.
Nơi đây quanh năm mây phủ, khí hậu mát lành. Chả trách con gái bản Cỏi đẹp thế. Da cô nào cũng trắng nõn trắng nà.
Một góc bản Cỏi giáp xã Đồng Nghê của huyện Đà Bắc (Hoà Bình); một góc giáp huyện Phù Yên của Sơn La. Cả bản có 66 hộ. Thế mà phong tục tập quán từ ngàn đời nay vẫn được gìn giữ vẹn nguyên không chút cùn mòn.
Vừa đặt chân lên cây cầu gỗ bắc qua suối la đà khói sương, tôi bỗng giật nảy mình. Hơn chục ánh đèn pin từ phiến đá to đầu bản rọi thẳng mặt chúng tôi. “Máu chảy đầu rơi đến nơi rồi” - tôi trộm nghĩ. Chẳng đã có luật lệ bất thành văn: “Trâu ta ăn cỏ đồng ta. Trâu làng khác đến thì cho vỡ mồm” rồi là gì?.
Tôi tính làm bài “ù té quyền” thì bỗng nghe: “Cương à? Hạ à?” Những câu chào hỏi ríu rít.
Thì ra họ đều quen biết nhau cả. Điệp bảo: “Ở đây, bọn con trai chúng em chẳng bao giờ đánh nhau vì gái cả. Hoa thơm mỗi đứa ngửi một tý. Có gì đâu mà phải tranh giành. Vả lại, thằng nào tán dẻo thì thằng ấy được. Lồng lộn ghen tuông bọn con gái nó cười cho thối mũi”.
Đêm nay thứ bảy, gái bản rủ nhau đi xem ti vi nhà Long. Vở chèo “Hồ Xuân Hương” hay quá nên bọn con gái xem miết. Cánh con trai phải ngồi chầu trực bên ngoài, chờ hết ti vi mới mò đi cạy cửa.
Thiếu nữ bản Cỏi giờ cũng tân thời rồi.
Nhóm Quý, Cương đưa tôi đi dạo một vòng quanh bản để thám thính trước.
Chúng tôi dòm từng ngôi nhà, ghé từng bậu cửa như những thằng kẻ trộm. Cửa gỗ à? Gỗ gì? Then chỗ nào? Bên trong có gậy chống không? Cô gái mình định ngủ thăm nằm ở giường nào? Đó là nghiệp vụ của một tên cạy cửa chuyên nghiệp.
Chúng tôi đi tuần tiễu quanh từng ngôi nhà gỗ lợp lá cọ bằng cái vẻ tự tin của kẻ được quyền lùng sục.
Ở đây, nhà nào cũng nuôi một vài con chó, nhưng thấy khách lạ mà chúng cứ nằm ù lì như những cục bông. Không cắn, cũng chả thèm sủa. Có lẽ, chúng đã quá quen với những bước chân nện uỳnh uỵch thế này rồi.
Bỗng “suỵt. suỵt”. Cương ra hiệu cho tôi tiến lại gần bậu cửa một ngôi nhà đã cũ kỹ. Tôi ghé mắt nhòm. Qua ánh sáng nhờ nhờ của chiếc bóng điện chạy bằng các tua-bin mắc ngoài suối, tôi thấy hai vuông màn buông rủ..