Có lẽ sự tiếp xúc ban đầu với một “vật thể lạ” của những đứa trẻ như nó hầu hết là qua con đường “ẩm thực”.
Lớn lên một chút, nó biết “hoa đỏ” có vị chua chua, thanh thanh và có tên là hoa phượng. Theo như những người bạn “người lớn” hơn nó thời đó truyền tụng thì hoa phượng tượng trưng cho tuổi học trò. Nó cũng chẳng biết “tượng trưng” là gì, chỉ nhớ nó từng có một thú vui ngày ấy. Những trưa mùa hè nắng oi ả, nó thường trốn mẹ ngủ trưa cùng bạn chạy sang trường học gần nhà chọc hoa phượng để rồi mỗi ngày về lại đen nhẻm, mồ hôi ướt cả gương mặt đỏ lên vì nắng, có hôm còn bị ốm. Lần này không chỉ để ăn mà nó tự hào đã phát minh ra cánh phượng có thể tách ra, ép thành hình cánh bướm. Cánh bướm ép bằng phượng có cánh nhỏ, cánh to, phượng đỏ và phượng hoa (những cánh phượng hồng có chấm hoa trắng thường được nó gọi thế. Với nó, đó là cánh phượng đẹp nhất trong bông phượng, phải được dùng để làm cánh bướm đẹp nhất). Sau này nó mới biết, thì ra không chỉ mỗi nó có phát minh “vĩ đại” đó.
Nó lớn phổng thành một cô học sinh cấp 2. Ngày nào cấp 1 còn đi học gần nhà, nay lên cấp 2, nó đã được đi học bằng xe đạp. Nó nhớ những mùa hè, nó cùng bạn bè hớn hở đạp xe giữa thành phố Vinh nắng trưa rực rỡ để đi học thêm. Màu phượng đỏ thắm theo chân nó và cô bạn thân rạo rực trên những vòng bánh xe lăn tròn đến lớp. Bóng phượng phủ lên hai dáng hình bé nhỏ cả những đêm hè đi học về. Ánh điện đường chiếu xuống tán cây phượng, làm cho đường phố đêm in dấu những đốm sáng, đốm tối thật đẹp. Có một lần, “bạn ấy” của nó cũng xuất hiện ngược đường với nó trong bóng phượng đó.
Thoáng một cái, nó đã lên cấp 3, rồi thì học, rồi thì thi… Lạ thay, cái thời điểm mà người ta thường nói nhiều về chia tay tuổi học trò, thời điểm mà người ta thường nhắc nhiều tới những cành phượng thắm hồng thì giờ nghĩ lại nó mới chợt nhận ra: hình như hồi đó nó chẳng nghĩ gì. Có lẽ, hồi đó, một con bé “hay dằn vặt” như nó chỉ nghĩ được một chuyện “không đậu đại học thì làm sao”.
Bốn năm đại học ở Hà Nội trôi qua. Tháng 5 nào phượng đỏ, bằng lăng tím, hoa điệp vàng đầy đường phố cũng hiện rõ trước mắt nó. Nhưng cũng thật kì lạ, nó cũng không có cảm nghĩ gì. Cho tới một ngày, trái tim nó thổn thức khi nhìn thấy hoa phượng. Đó là ngày nó lên trường nộp khóa luận tốt nghiệp đại học. Đó gần như là công việc cuối cùng của đời sinh viên. Chỉ còn một chút nữa thôi, một tuần nữa, nó sẽ ra trường. Nó và cô bạn thân rủ nhau lên Hồ Gươm chụp ảnh kỉ niệm “ngày nhẹ nợ”. Đôi mắt nó mở to như cái thời lần đầu thấy “hoa đỏ”: “Phượng trồng ở Hồ Gươm đây ư?”. Dáng phượng ngả về phía mặt hồ, cành phượng, lá phượng, chùm phượng là là mặt nước thật lạ và đẹp. Hình ảnh phượng hồng hiện lên sau nhiều năm quên lãng. Chợt, nó nhớ quê hương. “Những bông phượng ở thành phố của mình có đỏ rực vậy không?”. Thật ngu ngơ nhưng cũng là một cách để nhớ. Rồi nó xao xuyến, rồi nó lưu luyến tuổi 22 của nó và đứa bạn đứng bên.
Hoa phượng ở Hồ Gươm.
Mới đó mà nó đã ra trường được một năm. Những bức ảnh năm ngoái chụp ở Hồ Gươm vấn còn tươi nguyên sắc mực. Nó vẫn chưa lên lại Hồ Gươm kỉ niệm một năm rời ghế nhà trường, một năm không là sinh viên nữa, cũng chưa chụp lại một bức ảnh nào với hoa phượng.
“Ta nhớ không quên, những tháng năm qua, một nét riêng tư gợi nhắc cho ai, là nhắc đến những kỉ niệm đã qua…”. Có lẽ nhiều người cũng như nó, bồi hồi trước mùa phượng hồng tháng 5. Càng xa tuổi học trò, nó càng chăm chú ngắm hoa phượng hơn, càng nhớ về tuổi thơ, nhớ về quê hương xa mến!