Khi tôi tới, con hẻm 14 Ngô Quyền đã chật cứng xe đạp. Chiếc xe gắn máy của tôi ngày thường bình dị trên đường là thế, mà bây giờ bỗng trở nên cồng kềnh và lạc lõng, khiến tôi thấy quá đỗi mắc cỡ. Khách tới ăn đã xếp hàng dài từ cuối hẻm ra đầu hẻm. Những sinh viên tình nguyện hướng dẫn cho khách nhiệt tình chỉ dẫn: “Dì ơi, bác ơi, để xe chỗ này”. “Ông ơi, bà ơi, nơi này còn trống chỗ”.
Hơn 350 thực khách được phục vụ trong một buổi. Họ là sinh viên còn khó khăn, bà con lao động nghèo và những người khuyết tật.
Cái nắng nóng gay gắt cuối mùa khô của Sài Gòn khiến chúng tôi đều nhễ nhãi mồ hôi. Tôi đứng cùng hàng với mọi người. Phía trước tôi là cậu bé bị thiểu năng, đi cùng mẹ. Phía sau tôi là một người đàn ông bán vé số đang ho sù sụ như xé phổi. Dù vậy, ai nấy đều rất trật tự xếp hàng đến lượt.
Người đứng thu tiền và phát biểu là anh Nguyễn Hồng Ánh – người quản lý diễn đàn. Cầm trên tay một xấp tiền lẻ (đương nhiên rồi), anh thoan thoắt thu tiền, trả loại tiền dư và phát cho khách một tấm phiếu. Cầm tấm phiếu trên tay, ai nấy đều hớn hở đi vào phía nhà bếp nhận khay cơm và ăn xong thì tự mang khay ra phía bên hông nhà – nơi các em sinh viên tình nguyện đang hối hả rửa chén.
Căn nhà chỉ rộng chừng 70m vuông, bàn ghế kê nhau san sát, khá chật, nhưng không ai kêu ca gì. Mọi người ăn uống khẩn trương để nhường cho người khác đang đứng chờ thành dãy dài trong con hẽm.Khi nghe tôi kể có quán cơm chỉ bán với giá 2000 đồng, mọi người đều tròn mắt ngạc nhiên. Có mặt tại quán vào đúng giờ cao điểm của bữa trưa, mới thấy, đúng là trên đời này còn quá nhiều tấm lòng thơm thảo.
Dĩa cơm lúc đói lòng
Sài Gòn có 2 quán cơm giá 2000 đồng. Quán cơm thứ nhất trước đây ở cư xá Lữ Gia, Q.11, nhưng bây giờ đã thay đổi địa chỉ vế 56/21 đường 281, P.15, Q.11. Quán cơm thứ hai thì vẫn tồn tại ở địa chỉ số 14/1 Ngô Quyền, Q.5. Quán cơm tại đường 281 bán cơm vào những ngày 2-4-6, còn quán cơm trên Ngô Quyền thì duy trì bán vào ngày 3-5-7. Cả hai quán đều do thành viên diễn đànwww.nguoitoicuumang.com tổ chức và quản lý.
Dĩa cơm mà người đàn ông đứng phía sau tôi mang ra khá tươm tất: cơm nhiều (điều này quá 1 dễ hiểu, vì cả cơm và canh đều được thêm miễn phí), 2 miếng thịt gà kho gừng cháy cạnh và chén canh luộc gà. Với số tiền 2 ngàn đồng, hẳn rằng, ai nấy đều hiểu, các mạnh thường quân đều phải chung tay góp sưc để duy trì những quán cơm này. Không chỉ ở Sài Gòn, mà Đà Lạt và Cần Thơ đều cũng duy trì hàng tuần. Có điều khác biệt, nếu ở Sài Gòn, đối tượng thực khách tới ăn là những người bán vé số, người nghèo lang thang, dân thu mua phế liệu, ve chai, những cậu bé đánh giầy, người già và người mất sức lao động, thì ở Đà lạt và Cần thơ, đa phần là các sinh viên nghèo. Cũng phải thôi, Sài Gòn là mảnh đất sinh nhai của dân tứ xứ. Sài Gòn hào phóng đã bao bọc những tỉ phú xài tiền như nước nhưng cũng không quên những mảnh đời nghèo chỉ đủ ăn những đĩa cơm giá 2 ngàn đồng.
Họ không xin ăn
Anh Ánh chia sẻ, 2 ngàn đồng là số tiền tượng trưng. Hoàn toàn không phải thu tiền để bù đắp cho khoản này hay khoản khác. Nhưng tại sao không là 500 hay 1000 đồng? Đơn giản vì không kiếm đâu ra tiền lẻ để thối lại cho khách. Tôi thắc mắc, vậy tại sao không mở quán cơm từ thiện không lấy tiền luôn, để khỏi mất công thu tiền, đổi tiền lẻ hằng ngày? Câu trả lời của người quản lý khiến tôi đỏ mặt: “Người nghèo cũng có lòng tự trọng lắm. Người ta không đi xin ăn, mà bỏ tiền lao động vất vả ra để mua cơm. Cũng có người hết sạch tiền, chả còn đồng nào trong túi, tới bữa vẫn tới ăn, nhưng thay vì nói: “Cho tôi một phần cơm thì lại ngượng nghịu rằng: “Bán thiếu cho tôi một phần cơm nhé!”. Tuần sau, tháng sau, người ta vẫn không quên quay lại trả 2 ngàn đồng để giữ một chữ tín danh dự của con người.”
Không chỉ có người nghèo xếp hàng ăn. Điều ngạc nhiên là có cả những người khá giả cũng tới. Anh Ánh bảo, họ có thể tới ăn một lần cho biết, để âm thầm đóng góp tiền của cho việc duy trì công tác thiện nguyện này nhưng cũng có thể vì thấy giá rẻ quá, đồ ăn ngon quá, nên cứ tới hoài. Không ai nhắc nhở, cũng không ai nói gì, nhưng chỉ một thời gian sau, họ tự động rút lui sau khi được chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh đang chờ đến lượt để ăn lót lòng dĩa cơm cho qua bữa.
Thiện tâm
Tôi gặp ở quán cơm đặc biệt này những con người quá đỗi dễ thương. Đó là anh Nguyễn Hồng Ánh từng học Trung cấp Y khoa tại bệnh viện Việt Đức, Hà Nội, từ khi vào Sải Gòn sinh sống đã toàn tâm toàn ý đi theo những công việc thiện nguyện. Đó là Trần Tư Hùng, sinh viên năm 3 khoa luật, ĐH Mở Sài Gòn, cùng với Hậu, Nam, Thắng, đều quê ở các vùng đất nghèo Quảng Trị, Quảng Nam, đã ăn, ở ngay tại quán, cùng phục vụ bà con nghèo. Đó là hơn 30 sinh viên tình nguyện mà tôi không thể trò chuyện hết được, có rất nhiều bạn khi vào Sài Gòn để thi đã được tới ăn cơm tại đây và sau khi đậu đại học, cứ nửa buổi đến trường, nửa buổi tới rửa chén bát, nấu ăn, sắp xếp và coi xe cho khách.
Tôi tạm biệt anh Ánh và mấy bạn sinh viên để ra về. Tới đầu hẻm, xe tôi vướng phải chiếc xe lăn của một ông cụ bán vé số bị tật nguyển. Ông không vào trong quán ăn được nên các em sinh viên mang dĩa cơm ra tận ngoài đường để ông ngồi trên xe lăn xúc cơm ăn. Khi nhìn thấy tôi giơ máy ảnh lên, ông cười móm mém với hàm răng đã rụng gần hết nhưng tươi tắn vô cùng dưới cái nắng gắt giữa trưa Sài Gòn.