NGUYỄN HUỆ và NAPOLEON
"Mỹ nhân tự cổ như danh tướng
Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu"
Người ta thường nói "Thời thế tạo Anh hùng" chứ hiếm khi nói "Anh hùng tạo Thời thế". Trường hợp Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) của Việt nam và Napoleon Bonaparte (1769-1821) của Pháp, cả hai cách nói trên đều đúng. Sau đây là một cái nhìn đối chiếu về cuộc đời và sự nghiệp của hai ông:
Hai người sinh cùng thời, kẻ Ðông người Tây, cách nhau 16 năm và đều đi vào lịch sử như những thiên tài về quân sự và chính trị. Nguyễn Huệ lớn lên trong bối cảnh của cuộc Trịnh-Nguyễn phân tranh, năm 21 tuổi đã cùng 2 anh em Nhạc, Lữ đứng lên dựng cờ khởi nghĩa tại Tây Sơn, Bình định. Napoleon trưởng thành trong cuộc cách mạng Pháp 1789, năm 26 tuổi đã được thăng Ðại tướng cầm quân tung hoành các nước châu Âu. Sau những thành quả lẫy lừng về quân sự, họ bước sang lãnh vực chính trị và đều tự xưng mình làm vua. Có điều, Nguyễn Huệ chỉ tiếp nối một triều đại đã suy tàn của vua Lê, còn Napoleon lại tái lập đế chế sau khi nền Cộng hòa còn non trẻ mới lật đổ ngai vàng của vua Louis XVI.
Triều đại họ lập nên đều ngắn ngủi: - Nguyễn Huệ làm vua được 4 năm, từ lúc xưng Quang Trung Hoàng Ðế tháng 12/ 1788, trước khi khởi binh diệt Thanh, đến khi đột ngột băng hà năm 1792. - Napoleon tại vị được 11 năm, từ lúc xưng L' Empereur de la France, cũng vào tháng 12/ 1804, trước khi đối đầu với liên quân Anh-Nga-Áo, đến khi bị buộc phải lưu đày lần thứ hai tại đảo St. Helena năm 1815 (và chết tại đây 6 năm sau).
Thế nhưng, Chiến công hiển hách và những cải cách về kinh tế, văn hóa & luật học của họ còn có ảnh hưởng đến ngày nay.
Nguyễn Huệ đã 2 lần đánh đuổi ngoại xâm: năm 1784, tiêu diệt 20 ngàn liên quân Nguyễn Ánh - Xiêm la tại trận Rạch Gầm - Xoài Mút (gần Mỹ Tho ngày nay) và năm 1789, đánh đuổi hơn 200 ngàn quân Thanh ra khỏi bờ cõi sau 1 chiến dịch dài vỏn vẹn 42 ngày (gồm 35 ngày chuẩn bị và 7 ngày tác chiến). Ngoài ra, ông đã từng ra Bắc "diệt Trịnh phò Lê", vào Nam đẩy lui chúa Nguyễn đến tận Phú quốc.
Napoleon năm 1793, lúc đó mới là Thiếu tá, đã phá hủy 10 tàu chiến Anh tại hải cảng Toulon. Những năm sau đó, vó ngựa viễn chinh của ông đã vẽ lại bản đồ Âu châu và đặt hơn 70 triệu người dưới ách thống trị. Những trận thư hùng nổi tiếng như Austerlitz, Waterloo … đã được quay thành phim và đưa vào chương trình giảng dạy tại những trường đại học quân sự trên thế giới.
Khi tại vị, nếu Napoleon nổi tiếng với bộ Dân luật mang tên của ông (Code Napoleon) và những cải cách về hành chánh, giáo dục thì Nguyễn Huệ đã có công quy hoạch lại ruộng đất, thống nhất việc sử dụng chữ Nôm, phiên dịch nhiều tác phẩm bằng chữ Hán, đặc biệt chú ý đến thương mại và khôn khéo ngoại giao với nước ngoài…
Sau lưng họ là những người đàn bà lừng danh trong lịch-sử và tạo nên nhiều huyền thoại:
Ngọc Hân công chúa (1770-1799) làu thông kinh sử, thạo âm luật và sành văn thơ với hai bài "Ai Tư Vãn" và "Văn Tế vua Quang Trung". Trong khi đó, hoàng hậu Josephine (1763-1814) lại nổi tiếng với cuộc đời tình ái ly-kỳ của bà.
Ta hãy nghe hai trích đoạn thơ của Bắc Cung hoàng hậu, tước vị của Ngọc Hân như sau:
"Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước biết bao công trình"
oOo
"Gót lân chỉ mấy hàng lấm chấm
Ðầu mũ mao, mình tấm áo gai
U ơ ra trước hường đài
Tưởng quang cảnh ấy chua cay lòng này"
Ta cũng nghe trích đoạn một bức thư tình lừng danh trong lịch sử của Napoleon viết cho Josephine khi ông đang chinh chiến tại Ai cập. Người ta đồn, Napoleon có biệt tài vừa dictate thơ tình vừa đọc thư tuyên chiến cho thư ký viết cùng một lúc:
"Nếu chiến thắng không chỉ để làm em vui thì anh đã về phủ phục dưới chân em rồi…"
Huyền thoại về cành hoa anh đào mà Nguyễn Huệ mang từ Hà nội về Phú Xuân để tặng nàng Ngọc Hân Công chúa sau chiến thắng Ðống Ða đã nói lên tính cách lãng mạn của mối tình vương giả. Cũng tương tợ, sở thích yêu hoa violet của Josephine và sự kiện Napoleon hái violet từ vườn nhà nàng để mang theo bên mình suốt bước đường lưu đày cho đến khi ông nhắm mắt tại đảo St. Helena, đã nói lên nỗi niềm thơ mộng và cay đắng của một cuộc tình …
Còn về ngoại hình và cá tính của họ thì sao?
Tương truyền, Nguyễn Huệ có thân hình cân đối, tóc quăn, nước da bánh mật và có đôi mắt cực kỳ sáng (nhìn trong bóng đêm như hai ngọn nến!). Tiếng nói cũa ông như lệnh vỡ và thu hút người nghe. Trong số ba anh em, Nguyễn Huệ là người dũng mãnh, can đảm và có tài chỉ huy nhất.
Ông đặc biệt biết dùng người, kể cả nữ tướng (Bùi thị Xuân) và các văn nhân (La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiệp, Phan huy Ích…). Cách hành quân của Ông hết sức thần tốc, tập trung và liên tục, không để kẻ thù có thì giờ tái phối trí… Ông cũng sở trường dùng tượng binh và các loài cầm thú khác trong chiến đấu, gây khiếp đảm tinh thần đối phương.
Napoleon thường bị xem là thấp. Thật ra, Ông cao 5'6.5" (= 1m72) nghĩa là trung bình đối với khổ người Âu châu. Có lẽ vì ông thường xuất hiện với đám xích hầu cao lớn nên trông ông nhỏ thó đi chăng?! (Người ta thuật lại, đã có lần ông nói với một vị tướng cao hơn ông một cái đầu: "Nếu khanh không tuân lệnh, thì Trẫm sẽ cho khanh cao bằng Trẫm").
Ông có tài nhớ tên thuộc cấp và luôn sát cánh cùng binh sĩ khi đi thị sát hoặc trên chiến địa. Ông thiện nghệ về pháo binh và là người đã dùng hiệu kỳ một cách hữu hiệu trong việc phối hợp các binh chủng. Ông cũng là bậc thày về tâm lý chiến, một lãnh vực khá mới mẻ vào thế kỷ thứ 19.
nói túm lại hai vị vua này ai cũng là anh hùng dân tộc của quê hương mình nhưng theo nhận xét khách quan thì quang trung là người được đánh giá cao hơn:
- thứ nhất Quang Trung xuất thân từ một địa vị khó khăn hơn Napoleon và quang trung là người đứng về nhân dân.
- thứ hai Quang Trung phải đối đầu với đội quân mạnh hơn mình.
- thứ ba quang trung có lòng nhân đức hơn Napoleon, ông chỉ tự vệ chứ không có tham vọng xâm chiếm các nước khác như Napoleon.
- thứ tư Quang Trung dựa vào nền học thức để xây dựng quốc gia còn Napoleon thì dựa vào quân sự.
- cuối cùng Quang Trung chưa thua trận nào trong suốt cuộc dời mình còn Napoleon thì có trện thua tủi hổ ở oa-tét-lô.