Ở các thành phố lớn, không ít người đàn ông chấp nhận “tuyệt tự” bởi cảm thấy không đủ sức cáng đáng một gia đình, không mang đến nổi cho vợ con cuộc sống "có thể chấp nhận được".
Đặt giường cưới trong… toilet?
Căn hộ tập thể cũ của ông Hoan (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vốn cũng được 35 m2, ngoài công trình phụ thì có hai phòng. Thế nhưng cách đây 12 năm, một phòng đã bị bán đi để trả nợ cho cú thua đề của vợ ông. Từ đó, cả nhà 5 người ăn chung, ngủ chung trong căn phòng còn lại, rộng chừng 14 m2, còn nhà vệ sinh và bếp thì phải dùng chung với chủ mới của căn phòng kia. Thật “may” là từ mấy năm trước, số nhân khẩu trong gia đình ông Hoan chỉ còn ba, vì cô con gái đã xuất giá, còn mẹ già của ông thì đã qua đời.
Con trai ông Hoan tên là Kế, hành nghề xe ôm sau khi mất việc ở công ty vật liệu xây dựng. Anh đã 31 tuổi nhưng dù bố mẹ giục thế nào cũng không chịu tìm hiểu để lấy vợ. Kế chỉ đi làm và ngủ vùi, thỉnh thoảng nhậu một bữa túy lúy rồi lại ngủ vùi. Đóng tiền ăn cho mẹ xong, còn bao nhiêu anh tiêu hết vào lô đề và cá độ bóng đá. Bố mẹ có kêu ca thì Kế nhấm nhẳng: “Có để dành cũng chả bao giờ đủ tiền mua nhà, cưới vợ. Một mình tôi thì đủ ăn ngày ba bữa là được rồi, không tiêu hết thì để làm gì? Chơi đề còn hy vọng có ngày đổi đời”.
Một đêm Kế đi ăn giỗ về lúc 12h đêm, say mèm, chẳng biết giận gì ai mà đập phá, chửi bới ầm ĩ. Ông Hoan chép miệng than: “Chừng ấy tuổi đầu không chịu vợ con gì, chỉ biết ăn chơi, phá phách”. Kế nổi khùng, ném choang cái ấm nước trên bàn xuống đất: “Vợ vợ cái gì? Định đặt giường cưới trong toilet à? Đặt cái bô còn không đủ chỗ. Mà muốn đặt thì cũng phải xin phép nhà người ta nhé, toilet có phải của riêng nhà mình đâu!”.
Mặc cảm vì sự nghèo, nhiều anh chàng "chạy trốn tình yêu". Những lúc không say, không cáu, nếu ai nhắc đến chuyện vợ con, Kế buồn bã tâm sự: “Ai dám lấy cháu hả bác? Mà nếu có cô nào dở hơi đòi lấy, cháu cũng chả dám. Nghèo khổ một mình còn đỡ, chứ phải nhìn cả vợ cả con khổ cực thì chịu không nổi”.
Có nhu cầu sinh lý thì “đi mua"!
Vinh từng yêu hai lần. Lần đầu là thời sinh viên, ra trường được một năm thì chia tay vì bố mẹ cô gái nghĩ con mình đã đến tuổi cưới xin, không thể đợi đến khi Vinh có đủ “điều kiện” lấy vợ. Một thời gian sau, Vinh có người mới. Mối tình này kéo dài 5 năm, cô gái không chê Vinh nghèo, muốn kết hôn nhưng anh khất mãi, bảo đợi khi sự nghiệp khởi sắc, có chút tiền giúp bố mẹ ở quê sửa được căn nhà xập xệ thì mới lo việc riêng. Thời gian trôi qua, Vinh nghèo vẫn hoàn nghèo. Anh chủ động chia tay để người yêu khỏi lỡ tuổi xuân “vì không biết khi nào anh mới đủ tiền cưới em”. Đến nay ở tuổi 36, tiền đồ của Vinh vẫn chưa có dấu hiệu le lói nào. Ai cũng khuyên: “Cần gì phải thế, đã yêu thương nhau thì có thể chia sẻ khó khăn. Chả lẽ nếu nghèo mãi thì cả đời không lấy vợ hay sao?”. Vinh gật: “Thì cả đời không lấy. Con gái bây giờ thực dụng lắm, ai dám lấy kẻ không xu dính túi như mình? Còn nếu vơ đại một cô nào đó cho gọi là có vợ thì thà ở không còn hơn”.
Bạn bè có người khích: “Ông cao to đẹp trai vậy mà để không nó phí đi. Đứa nào chịu được cảnh nghèo thì cưới quách để còn có người cơm nước giặt giũ với cả ôm ấp cho đỡ buồn chứ”. Vinh gạt phắt: “Rách việc, ăn có cơm bụi, giặt thì chục ngày một lần cũng chả chết ai. Còn chuyện kia hả? Có nhu cầu thì đi ‘bóc bánh trả tiền’. Các ông đừng có xui dại tôi”.
Bình Minh, một anh chàng 32 tuổi cũng đang “găm” chuyện vợ con chờ “xóa đói giảm nghèo”, tâm sự: “Nhiều người bảo tôi coi trọng vật chất quá. Người ở quê nghèo thế vẫn lấy vợ đẻ con, vẫn hạnh phúc đấy thôi. Nhưng ở quê dẫu không tiền thì có gì ăn nấy, không nhà cao cửa rộng thì cũng được cái rộng rãi thoáng mát, mà bà con ai cũng nghèo cả. Chứ ở đây, ra đường đã chen chúc chật chội, làm việc điên cuồng, về nhà cũng chẳng có chỗ chui, căng thẳng lắm; trong khi đó xung quanh người ta giàu ức vạn, tiêu tiền như nước, nhìn vợ con mình túng thiếu kham khổ thì tủi cực vô cùng”.
Nghèo và cô độc, đằng nào khổ hơn?
Không muốn vợ con phải chịu khổ là lý cho được phần lớn những anh chàng quyết duy trì cuộc sống độc thân cho đến khi thoát nghèo đưa ra. Vì coi nghèo là thảm cảnh, nhiều chàng không nhận ra một điều: quyết định đó của họ cũng làm khổ không ít người: cha mẹ già khắc khoải chờ đợi và thất vọng, người yêu họ đau khổ vì tình yêu không đơm hoa kết trái. Ông Bản, bố Vinh, tâm sự: “Đôi già chúng tôi đều gần 70 cả rồi, đến lúc về với các cụ mà vẫn chưa có chút cháu nội thì chúng tôi chết cũng không nhắm được mắt”.
Còn Vân Anh, cô gái từng phải chia tay người yêu vì anh mặc cảm nghèo túng không muốn kết hôn, kể: “Anh ấy nói là giải thoát cho em, anh ấy nghĩ thế là cao thượng, nhưng lại làm em khổ nhiều. Em từng rất hận anh ấy, nhưng giờ chỉ thấy thương, vì em đã có một gia đình rồi. Ông xã em cũng nghèo, nhưng dù sao em cũng có chồng, có con”.
Còn Nguyễn Xuân, một anh chàng từng kiên quyết sống đời độc thân để khỏi “đày vợ con vào cảnh khổ”, cuối cùng vẫn phải cưới cô bạn gái lâu năm dưới sức ép quá lớn của hai gia đình. Giờ sau 5 năm, họ có một con gái 3 tuổi và kinh tế không khá lên là mấy. Nhưng Xuân không thấy cực thân như anh vẫn tưởng mà vỡ lẽ rằng, hóa ra người ta vẫn có thể sống vui trong cảnh nghèo, ngay cả ở giữa thành thị phồn hoa, khi xung quanh hàng xóm sống xa xỉ.
“Mỗi lần nhìn vẻ mặt rạng rỡ của vợ và điệu bộ nhí nhảnh đáng yêu của con gái, mình thấy hú vía. Hồi trước cứ nghĩ tay trắng thì đừng lấy vợ, nhưng nếu đến giờ vẫn một thân một mình thì mới thật là trắng tay. Đã nghèo mà lại không có chút hơi ấm gia đình thì cuộc sống kinh khủng đến nhường nào”, Xuân nói