Ngày 31/1, PGS-TS Hà Đình Đức đã đề nghị với lãnh đạo TP.Hà Nội cần khẩn trương xem xét trình lên Chính phủ để nghiên cứu, phê duyệt việc công nhận cá thể rùa Hồ Gươm (còn sống), tiêu bản rùa Hồ Gươm còn lưu tại đền Ngọc Sơn và bộ xương rùa Hồ Gươm còn lưu trong bảo tàng Hà Nội làm báu vật quốc gia.
Phó giáo sư Đức cho rằng, những năm qua đã có nhiều hiện vật lưu giữ trong các bảo tàng ở nhiều địa phương cả nước đã được cấp thẩm quyền của Trung ương công nhận là báu vật quốc gia, do vậy việc đưa rùa Hồ Gươm vào danh sách báu vật quốc gia là cần thiết.
Rùa trong Hồ Gươm gắn liền với truyền thuyết Lê Lợi trả gươm thần Thuận Thiên cho thần rùa Kim Quy. Ngay địa danh của hồ cũng căn cứ trên truyền tích đó vào đầu thời nhà Hậu Lê. Truyền thuyết thần Kim Quy còn đi ngược dòng lịch sử của người Việt xa hơn nữa với chuyện thần Kim Quy giúp An Dương Vương xây thành Cổ Loa và tặng nhà vua cái móng để làm lẫy nỏ chống quân của Triệu Đà.
Vào thế kỷ 20 một số tác phẩm văn học Việt Nam lấy rùa của Hồ Gươm Hà Nội làm đề tài. Trong đó có truyện Thần Tháp Rùa của Vũ Khắc Khoan và Rùa Hồ Gươm của Nguyễn Dậu (Trương Mẫn Song).
Người Việt Nam vẫn thường gọi rùa khổng lồ sống ở Hồ Gươm là "Cụ" với hàm ý tôn kính, và đây cũng là biểu tượng gắn liền với truyền thuyết Gươm thần và lịch sử giữ nước, là phần tâm linh đáng trân trọng.
Rùa Hồ Gươm chậm chạp, hiền lành, thường sống ở những sông hồ sâu, nước chảy yếu. Khi trời nóng thường hay ngóc cổ lên khỏi mặt nước để thở. Mùa đông thỉnh thoảng phơi nắng. Theo PGS-TS Hà Đình Đức, rùa Hồ Gươm từng có 4 cá thể tuy nhiên đến nay chỉ còn 1 cá thể duy nhất còn sống.
Sau khi hình ảnh những vết thương lở loét trên mình của cụ Rùa liên tục xuất hiện trên cả báo chí trong ngoài nước, kế hoạch giải cứu cụ Rùa đã được tiến hành vào tháng 4/2011 và đưa đi chữa trị.
Tròn 100 ngày được đưa lên cứu chữa, cụ Rùa đã được bí mật thả xuống hồ Gươm chiều 12/7.
Tiêu bản cụ rùa Hồ Gươm trong đền Ngọc Sơn.
Hình ảnh mới nhất của Cụ rùa Hồ Gươm dạo chơi trong giá lạnh vào ngày 13/12.
Nguồn : Phunutoday