Khi SGK sửa truyện cổ tích
Sự trả thù của Tấm đã được giản lược đi mức độ dã man: Tấm không muối mắm Cám và gửi về cho dì ghẻ ăn nữa. Việc trả thù dừng lại ở việc Tấm lừa Cám dùng nước sôi dội lên người để làm đẹp.
“Tấm sai quân hầu đào một cái hố sâu và đun một nồi nước sôi. Tấm bảo Cám xuống hố rồi sai quân hầu dội nước sôi vào hố. Cám chết. Mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết".
Trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 10, trang 65-72 in truyện Tấm Cám, các nhà biên soạn sách đã rất mở và không gò học sinh vào một ý kiến nào. Câu hỏi “Anh/chị suy nghĩ gì về hành động trả thù của Tấm đối với Cám?” để học sinh được tự do bày tỏ chính kiến.
Phần ghi nhớ trong SGK cũng không dám đụng đến cái kết này, mà chỉ tập trung bàn sự biến hóa của Tấm, coi đó là “sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây là sức mạnh của thiện thắng ác".
Con người Tấm được nhận xét: “từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình”.
Nhưng không phải vì thế, truyện cổ tích “Tấm Cám” chịu nằm yên với những ghi nhớ trong SGK là đã đủ. Cái kết nguyên vẹn ở văn bản dân gian (Tấm muối mắm Cám) trở thành truyền miệng trong dân gian và cái kết đã được các tác giả SGK sửa đổi vẫn còn mang tính tàn nhẫn luôn làm suy nghĩ các em dậy sóng với những đúng, sai, nên thế nào, vì sao lại hành xử như thế. Nhận xét tích cực về sự chuyển biến của cô Tấm như SGK liệu đã thỏa đáng?
Bình luận về cách trả thù của Tấm trong tinh thần thời đại mới đang hoàn toàn bỏ ngỏ.