
Ngay cạnh màn hình, Samsung trang bị cho chiếc máy ảnh này một phím điều hướng lớn hình tròn, có 4 chiều. Ở tâm hình tròn có thêm phím OK. Ngoài ra, xung quanh phím điều hướng còn có 4 phím nhỏ khác, dùng để điều chỉnh hầu hết các cài đặt cho máy. Tuy nhiên, các phím này cùng với cần chỉnh zoom có kích thước hơi nhỏ và dẹt, khiến cho những người có ngón tay to sẽ cảm thấy không thoải mái khi vận hành máy. Bù lại, chúng được đặt ở những vị trí hết sức hợp lý, nên người dùng có thể truy xuất một cách rất nhanh chóng và dễ dàng đến những chức năng cần thiết.

Bên cạnh một loạt các hiệu ứng màu sắc mặc định, Samsung L830 còn cho phép người dùng tự tạo ra chế độ màu sắc của riêng mình, bằng cách pha các gam màu đỏ, xanh lá và xanh dương với nhau. Ngoài ra, nếu chưa biết nhiều về máy ảnh, người dùng vẫn có thể chụp được những bức ảnh đẹp, nhờ một chế độ tự động và các chế độ cảnh mặc định khác. Samsung L830 cũng có khả năng quay video ở độ phân giải 800 x 592 pixel, với tốc độ 20 khung hình/giây, hoặc ở độ phân giải VGA (640 x 480 pixel) với tốc độ 30 khung hình/giây.

Ảnh: Samsungcamera. Tốc độ hoạt động của Samsung L830 không thật sự ấn tượng. Phải mất 2,7 giây, máy mới khởi động xong và chụp được bức ảnh đầu tiên. Tốc độ chụp trung bình của L830 ở mức ISO 200 hoặc thấp hơn là 2,8 giây một ảnh, với điều kiện không bật flash. Nếu bật flash, thời gian chờ giữa hai lần chụp tăng lên mức 3,7 giây. Từ ISO 400 trở lên, tốc độ chụp trung bình của máy giảm xuống mức 4,5 giây một ảnh.
Thường thì ở những mẫu máy ảnh point-and-shoot, từ mức ISO 400 trở lên, máy sẽ tự động kích hoạt các thuật toán giảm nhiễu, do đó sẽ phải mất thêm thời gian xử lý, khiến cho tốc độ chụp của máy giảm xuống. Tuy nhiên, nếu chỉ sử dụng máy ở chế độ tự động, thì người dùng không cần phải bận tâm về điều này, bởi ở chế độ tự động, mức ISO tối đa thường chỉ là 200.
Tốc độ trập của chiếc máy ảnh thời trang này là 0,5 giây trong điều kiện độ tương phản cao, nhiều ánh sáng, và 1 giây trong điều kiện độ tương phản thấp, ít ánh sáng. Ngoài ra, Samsung L830 cũng có khả năng chụp liên tiếp 9 bức ảnh ở độ phân giải tối đa trong vòng 7,8 giây, đạt tốc độ 1,2 khung hình/giây.

Nhìn chung, nếu chụp ở tầm ISO 200 trở xuống, người dùng có thể in ra những bức ảnh cỡ 20 x 25 cm với chất lượng khá ổn. Tuy nhiên, nếu chụp ở mức ISO 400 hoặc cao hơn, thì chỉ có thể in được những bức ảnh cỡ 10 x 15 cm. Ngoài các chi tiết nhiễu và mờ, những bức ảnh chụp bởi L830 còn gặp phải hiện tượng méo hình, đặc biệt là khi chụp ở độ mở lớn. Chỉ có một điều an ủi đối với những người sử dụng chiếc máy ảnh này, đó là khả năng tái tạo màu sắc khá chuẩn.

Nếu không nề hà về độ dày của máy, bạn cũng có thể tham khảo thêm Canon PowerShot A570 IS, với mức giá tương đương, trong khi ống kính có zoom quang cao hơn (4x) và được trang bị nhiều tính năng chỉnh tay hơn. Sony Cyber-shot DSC-W55 cũng là một gợi ý, với kích cỡ và giá tiền tương đương, nhưng có tốc độ chụp nhanh hơn và được trang bị kính ngắm, trong khi L830 thì không.
Anh Linh (theo Cnet)