Sao chổi ISON sẽ rực sáng vào tháng 11 năm tới |
Sao chổi ISON được nhận dạng lần đầu trong loạt ảnh do hai nhà thiên văn học Vitali Nevski và Artyom Novichonok của Nga chụp được từ kính viễn vọng Mạng quang họcKhoa họcQuốc tế.
Theo tính toán của các nhà khoa học, ISON sẽ trở nên chói sáng vào tháng 11/2013 và có thể dễ dàng quan sát được ban ngày bằng mắt thường khi nó bay quanh mặt trời.
Hiện tại ISON còn rất mờ bởi nó đang bay gần quỹ đạo của sao Thủy. Tuy nhiên nó sẽ sáng dần lên vào những tháng tới cho tới khi bay gần mặt trời ở khoảng cách chưa đến 2 triệu km vào ngày 28/11/2013.
Việc lại gần mặt trời khiến ISON có nguy cơ bị vỡ tung do sức nóng và bức xạ mặt trời tỏa ra. Nhưng đồng thời, nó cũng giúp ISON trở thành sao chổi sáng nhất trong vòng 1 thế kỷ trở lại đây, hơn cả sao chổi Ikeya-Seki từng khiến giới thiên văn xôn xao năm 1965.
Các nhà khoa học tin rằng đây là chuyến “du ngoạn” đầu tiên của ISON vào Thái dương hệ. Về cơ bản, đây là một quả cầu đá và băng khổng lồ, nhiều khả năng chứa đầy các dung dịch lỏng như nước băng.
Nếu sống sót qua thời điểm lại gần mặt trời, sao chổi này sẽ còn chói sáng cho đến hết tháng 11, đầu tháng 12.
Một sao chổi khác cũng được dự đoán sẽ tạo ra quang cảnh ấn tượng trong trời đêm tháng Ba năm tới là Pan-SRARRS, được phát hiện hồi tháng 6 năm ngoái. Pan-STARRS sẽ xuất hiện ngay sau khi mặt trời lặn và có độ sáng tương đương với những ngôi sao sáng nhất, Telegraph cho hay.