Trưng bày đủ loại đồ chơi
Dự án trên được ấp ủ từ nhiều năm qua bởi CENFORCHIL - Trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ trẻ em Việt Nam (thuộc Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam). Và cho tới thời điểm này, sau một thời gian dài vận động, dự án gần như đã được thông qua về cơ bản.
Mang tính chất một bảo tàng tư nhân, có quỹ đất được trao tặng bởi Công ty TNHH Bình Minh, Bảo tàng Đồ chơi Việt Nam sẽ được xây dựng tại đồi Chóc thuộc xã Đồng Xuân (Lương Sơn, Hòa Bình), cách trung tâm Hà Nội khoảng 30km. Dự kiến, bảo tàng sẽ được khởi công vào đầu năm 2010 và hoàn thành sau 2 năm xây dựng.
Phối cảnh Bảo tàng Đồ chơi Việt Nam
Đúng như tên gọi, Bảo tàng Đồ chơi là nơi trưng bày các loại hình… đồ chơi trong nước và quốc tế, nhằm phục vụ trẻ em. Nét riêng của mô hình này nằm ở việc “tạo không gian động” cho trẻ em tham quan: ngoài những hiện vật được cố định bằng keo trên khay trưng bày, tại mỗi phòng chuyên đề đều có sàn rộng khoảng 300m2 với các loại đồ chơi tương tự mẫu vật, được thay mới thường xuyên để trẻ em sử dụng và chơi đùa.
Theo dự án, Bảo tàng Đồ chơi Việt Nam gồm 18 nhà trưng bày như vậy, được xây dựng theo mô hình nhà sàn có 2 tầng với cột bê tông, sàn gỗ, tường bằng tre chống cháy. Các khu nhà này được chia theo từng chức năng: khu đồ chơi trong nhà, khu khám phá (dành cho các loại đồ chơi đòi hỏi tính sáng tạo), khu đồ chơi nước ngoài, khu không gian bảo tồn nghề sản xuất đồ chơi truyền thống. Kèm thêm vào đó là khu trưng bày đồ chơi ngoài trời và các khu nhà dịch vụ…
“Bảo tàng hoạt động theo hình thức phi lợi nhuận, tự trang trải. Khách tham quan là trẻ em, các em mua vé dịch vụ để vào phòng đồ chơi, trong khi phụ huynh có thể sử dụng các dịch vụ giải khát hoặc Internet nếu có nhu cầu” - TS Nguyễn Thị Hường, Giám đốc CENFORCHIL, cho biết. Cũng theo bà Hường, trong tương lai, có thể có phòng trưng bày đồ chơi cũ của những nghệ sĩ nổi tiếng và chính khách. Những gia đình có nhu cầu cũng có thể gửi các bộ đồ chơi cũ của mình vào bảo tàng, để hàng chục năm sau vẫn có thể quay lại chiêm ngưỡng.
Khó sưu tầm đồ chơi hiện đại!
“Bảo tàng Đồ chơi Việt Nam được xây dựng bằng nguồn vốn xã hội hóa. Theo kế hoạch, chi phí vận hành bảo tàng không nhiều và có thể tiết kiệm tối đa. Cái chúng tôi lo lắng nhất là việc đi tìm nguồn đồ chơi cho hệ thống đồ chơi Việt Nam hiện đại và đồ chơi nước ngoài” - bà Hường cho biết.
Triển lãm về đồ chơi truyền thống do CENFORCHIL tổ chức vào cuối tháng 5/2009
140 nước có bảo tàng đồ chơi Việc xây dựng Bảo tàng Đồ chơi là nhu cầu tất yếu ở những nước phát triển. Cụ thể, khoảng 140 nước đã có sự xuất hiện của loại hình bảo tàng này, đặc biệt Nhật Bản đã đầu tư xây dựng bảo tàng đồ chơi từ những năm 70 của thế kỷ trước và hiện có khoảng 130 bảo tàng. Ngoài việc cung cấp một không gian riêng cho trẻ em, bảo tàng đồ chơi còn có vai trò bảo tồn những trò chơi dân gian truyền thống, làm công tác nghiên cứu và định hướng về xu thế phát triển tâm lý của trẻ trong những giai đoạn khác nhau của xã hội. |
Cụ thể, theo các khảo sát của CENFORCHIL, có tới 80% số đồ chơi nước ngoài đang lưu hành trên thị trường hiện nay có xuất xứ từ Trung Quốc. Số đồ chơi của các quốc gia khác bán tại Việt Nam thường ít và có giá rất đắt. Đặc biệt, dù có mẫu mã đẹp và phong phú, rất nhiều đồ chơi Trung Quốc tại Việt Nam không đạt tiêu chuẩn an toàn đối với trẻ em vì sử dụng hóa chất quá nhiều. Trong khi đó, một số doanh nghiệp đồ chơi Việt Nam - chủ yếu là đồ chơi bằng gỗ - có thiên hướng xuất khẩu mặt hàng của mình sang thị trường quốc tế là chính. Nếu nhìn vào giá bán, thì rõ ràng những mặt hàng này bị đẩy giá lên quá cao so với chi phí sản xuất. Chẳng hạn, chỉ một mẫu đồ chơi bằng gỗ như bao diêm cũng có thể mang giá 200.000 đồng.
Hiện, trung tâm này sở hữu khoảng 5.000 mẫu đồ chơi, trong đó có 1.250 hiện vật đã được đăng ký. (Theo quy định, muốn thành lập bảo tàng tư nhân, người đăng ký phải có ít nhất từ 500 hiện vật trở lên). Đa phần, các đồ chơi do trung tâm sưu tầm được đều thuộc về những mẫu đồ chơi truyền thống như diều, chuồn chuồn tre, quân rối, tàu thủy sắt, đồ đất nung, các đồ làm bằng mây tre đan… Đặc biệt, trong bộ sưu tập này cũng xuất hiện mẫu đồ chơi của một số dân tộc ít người phía Bắc như Mường, Tày, Dao…
Cúc Đường