[justify]Chế tạo một tàu không gian để ghé thăm các hành tinh khác đã khó, nhưng làm thế nào để con người sống được trên đó còn khó hơn nhiều lần.[/justify]
[justify]Một chuyến du hành dù là tới những ngôi sao gần nhất cũng phải mất cả thập kỷ, thậm chí là hàng trăm năm, do đó việc các thế hệ “sinh sôi nảy nở” ngay trên tàu không gian là chuyện có thể xảy ra. Tuy nhiên, các nhà khoa học thậm chí còn không biết chắc con người có thể sinh đẻ an toàn trên môi trường phi trọng lực hay không.[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Các đại biểu tham dự Hội thảo “Tàu vũ trụ 100 năm” do Mỹ tài trợ đã thảo luận rất nhiều về những công nghệ cũng như chiến lược cần thiết để lên kế hoạch cho một chuyến du hành liên hành tinh. Song như chuyên gia Dan Buckland của MIT chia sẻ trên Space.com, mối liên hệ giữa việc có em bé với trọng lực vẫn là một ẩn số mà các nhà khoa học chưa thể giải đáp.[/justify]
[justify]Cho tới thời điểm này, loài người thậm chí còn chưa thể đưa người tới đâu ngoài mặt trăng (mà bản thân thành tích này vẫn đang bị hoài nghi) trong thái dương hệ, chứ đừng nói đến những ngôi sao cách Trái đất 4 năm ánh sáng. Mỗi năm ánh sáng tương đương với khoảng 10 nghìn tỷ km.[/justify]
[justify]“Với khoảng cách xa như vậy, các con tàu phải có kích thước rất lớn và khả năng tự phòng vệ rất cao. Nhưng hiện giờ chúng ta chưa sở hữu những công nghệ như vậy”, nhà sinh học Athena Andreadis của Đại học Y tế Massachusetts chia sẻ với Space. Trừ phi các nhà khoa học phát minh ra cách khả thi để tái tạo trọng lực trên tàu không gian, nếu không một hành trình như vậy sẽ cực kỳ khó khăn và mệt mỏi, thậm chí nguy hiểm. Việc sống phi trọng lực quá lâu sẽ khiến cơ thể bị tổn thương, lượng máu giảm sút, các cơ teo đi, vi khoáng trong xương tan biến và thị lực suy yếu.[/justify]
[justify]“Chuyện ấy” trong không gian[/justify]
[justify][/justify]
[justify]Những ảnh hưởng của tình trạng phi trọng lực lên bào thai còn nặng nề hơn. Quá trình phát triển của bào thai, thậm chí là các chức năng thần kinh có thể bị hủy hoại. Cơ thể và hệ xương của em bé có thể phát triển hoàn toàn khác ở môi trường không trọng lực.[/justify]
[justify]Rồi công đoạn “lâm bồn” cũng là cả một vấn đề. “Sinh nở khi trọng lực = 0 đồng nghĩa với thảm họa, vì trọng lực giúp bạn rất nhiều. Bạn hoàn toàn dựa vào cân nặng của em bé”, bà Andreadis cho biết.[/justify]
[justify]Ngay cả việc làm thế nào để có em bé cũng không hề dễ dàng. “Sex là chuyện vô cùng khó vì bạn không có lực kéo. Bạn sẽ liên tục va phải tường. Hơn nữa, nếu không có sự tiếp xúc, cọ xát, cảm xúc của bạn sẽ bị thui chột đáng kể. Cuối cùng, kể cả khi con người có thể thụ thai và sinh nở thành công trong không gian, một chuyến du hành nhiều thế hệ cũng chất chứa vô số thách thức khác. Tạm gác sang bên những tác dụng phụ của việc thiếu trọng lực lên cơ thể, các phi hành gia còn rất dễ mắc bệnh trong khi điều kiện chạy chữa là hết sức tối thiểu. Họ cũng sẽ cần đến liệu pháp điều trị tâm lý do bị mắc kẹt quá lâu bên trong con tàu chật hẹp.[/justify]
[justify]Viễn cảnh khi đáp xuống “đích” – một hành tinh khác (với giả định là sống được như trên trái đất) không đồng nghĩa với việc thách thức đã hết. Không một hành tinh nào giống hệt với Trái đất, vì thế chúng ta sẽ phải xây dựng một nhà vòm với môi trường giống như Trái đất để trú ngụ trong thời gian đầu, hoặc là biến đổi hành tinh đó hoàn toàn thành một Trái đất thứ 2. Phương án này bị nhiều người chỉ trích vì bất khả thi là mang tính “cưỡng đoạt”, thiếu bền vững.[/justify]
[justify]Phương án khả thi hơn là biến đổi gene những nhà du hành để họ có thể chịu được môi trường mới. Tất nhiên, quá trình này sẽ rất phức tạp và kéo dài, có thể tạo ra thế hệ người thứ hai khá khác với loài người ở Trái đất.[/justify]