Thời đại công nghệ thông tin, ngồi một chỗ có thể mở ra cả thế giới, bất cứ thứ gì cũng có thể tìm thấy qua những cú click chuột, thì chuyện tìm bạn trọ, người ở cùng qua mạng của sinh viên cũng không hề hiếm gặp.
(Ảnh minh họa) |
Tại box “Tìm người ở ghép” của một trang web, hang ngày vẫn nườm nượp xuất hiện những topic mới với không ít lượt truy cập, trao đổi, phản hồi. Mỗi người lại có những lý do rất khác nhau để chọn cách “tìm bạn” này.
Bích Thủy (sinh viên năm 1 trường ĐH LĐXH), trúng tuyển nguyện vọng 2 nên khi lên nhập học thì bạn bè quen thân hầu như đã “có nơi có chốn”. Thuê được phòng, nhưng ở một mình trong hoàn cảnh giá cả đắt đỏ như hiện nay thì không kham nổi, Thủy loay hoay không biết làm thế nào cho ổn thỏa. Nghe một người chị họ “mách nước”, Thủy vào trang web K, ghi đầy đủ thông tin về mình rồi chờ đợi những người cùng “hoàn cảnh” của mình hiện tại liên lạc tới.
Không “bí” người ở cùng như Thủy, Thanh (sinh viên năm 3, ĐH HN) lại lên mạng tìm bạn trọ vì lý do: “Thích ở cùng… người lạ”. Nghe thì có vẻ buồn cười, nhưng Thanh chia sẻ: “hồi mới lên, mình trọ cùng cô bạn thân nhất. Hai đứa chơi với nhau suốt 7 năm, thế mà chỉ vì những chuyện lặt vặt, sinh ra cãi cọ, rồi thì không thèm nhìn mặt nhau luôn. Sau đó mình ở với một người cùng bàn, cùng lớp đại học. Khổ nỗi hai đứa ở lớp có chuyện gì cũng đã “buôn bán” hết rồi, về nhà lắm hôm chẳng nói với nhau câu gì, không khí cứ nặng nề thế nào ấy. Cộng thêm cái tính thích nói sau lưng, chuyện gì của mình cũng đi kể cho người này, người kia trong lớp, nên lại phải chuyển đi. Vậy nên, tốt nhất là cứ ở với một người xa lạ hoàn toàn, chẳng biết gì về nhau, việc ai người ấy làm, không can thiệp vào chuyện của người khác”. Và mạng là nơi Thanh chọn để tìm “người xa lạ hoàn toàn” như cô nói.
Vốn là một cô tiểu thư quen “ăn sẵn”, nên khi biết tin sắp phải chuyển khỏi căn phòng do bố tìm cho, Phương Thảo (trường KHXH&NV) lo ngay ngáy. Lang thang tìm nhà trọ là công việc Thảo cho là “không có trong từ điển” của mình, ra trung tâm nhà đất thì sợ bị “cò” lừa, Thảo tặc lưỡi: “Thôi thì online, tìm ai có phòng sẵn rồi, mà thiếu người ở, xin đến ở cùng, thế là tiện nhất, đỡ mất công tìm cho mệt”.
Những rắc rối khó tránh
Vốn là một thế giới “ảo”, thông tin về những người bạn mới tìm được hầu như không có hoặc vô cùng ít, nên những rắc rối gặp phải cũng là chuyện dễ hiểu.
Vừa mới đăng tin hôm trước, thì ngay hôm sau đã có một người xưng là sinh viên trường Y gọi điện đến ngỏ ý muốn ở cùng Thủy. Hẹn đến xem phòng, nói chuyện, thấy cô bạn cũng có vẻ hiền lành, Thủy đồng ý. Cô bạn mừng quá xin… ở lại luôn, mai về lấy đồ sau. Chưa vui mừng được bao lâu vì có người ở cùng, Thủy tá hỏa khi sáng hôm sau ngủ dậy, người bạn mới cùng với túi xách có hơn 1 triệu đồng mẹ cho, cộng thêm chiếc điện thoại để trên bàn đã “không cánh mà bay” hết cả. Tất tần tật thông tin mà Thủy biết về “người bạn mới” là cái tên Hương tự giới thiệu, chẳng biết đúng sai, và số điện thoại, nhưng là… sim rác.
Thanh cũng gặp phải những rắc rối không kém. Vì để lại số điện thoại, địa chỉ nên cô nàng bị nháy máy liên tục, kể cả lúc 1-2 giờ đêm. Thỉnh thoảng lại nhận được những tin nhắn như: “Cho anh ở cùng với em nhé”, thậm chí là cả những cuộc điện thoại mà hầu hết toàn là giọng… đàn ông, trêu ghẹo, lắm kẻ còn ăn nói vô cùng tục tĩu. Chưa hết, có tối Thanh đang ở nhà, thấy có người gọi cửa, tưởng bạn quen, hóa ra có hai tên con trai đèo nhau đến í ới: “Em cho anh vào ở cùng với, bao nhiêu anh cũng ok”, Thanh sợ quá phải chuyển nhà, đổi cả số điện thoại.
Còn Thảo, lúc đầu vô cùng sung sướng khi nghĩ rằng mình “số hên”, vớ được người tử tế, phòng trọ lại đẹp lung linh, đầy đủ tiện nghi mà: “Chị đi làm rồi, dư dả kinh tế, muốn tìm người ở cùng cho vui thôi. Mỗi tháng em đưa chị bao nhiêu tiền nhà cũng được, không có cũng không sao”. Hóa ra, “người ở cùng cho vui” với chị ta, là đêm đến, tay chị không biết vô tình hay cố ý mà cứ “chạy” lung tung trên người Thảo. Hôm đầu tiên Thảo còn tưởng chị ta ngủ mơ, nhưng đến đêm thứ hai thì… hoảng thực sự.
Thảo bỏ đi ngay lập tức và “cạch đến già”, mãi một thời gian sau vẫn còn thấy “hú hồn, hú vía”.
Hải Yến