Dù đã làm rất nhiều việc nhưng Zimba vẫn rất nghèo. Thu nhập bằng tiền mặt của anh trong năm 2000 chỉ khoảng 40 đôla. Nhưng anh không phải là người duy nhất rơi vào hoàn cảnh này. GDP bình quân đầu người của Malawi chưa đến 200 đôla. Sản lượng kinh tế hàng năm của cả nước là 2 tỷ đôla (xấp xỉ 1/8 sản lượng của nền kinh tế Vermont). Hầu như chẳng có người dân nào nơi đây lại ngây thơ tin rằng sinh tồn đơn giản đến dễ dàng. Ba mươi phần trăm trẻ em ở Malawi bị suy dinh dưỡng và hơn 20% trẻ em chết trước khi bước sang sinh nhật lần thứ năm.
Tại sao trái đất của chúng ta vẫn còn quá nhiều người chết đói mỗi ngày? Theo Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực của Liên Hợp Quốc (FAO), trên thế giới, có trên 800 triệu người không có đủ lương thực để ăn. Những người này tập trung chủ yếu ở những nước đang phát triển, trong đó, Ấn Độ và Trung Quốc chiếm một nửa. Tại sao lại như vậy? Tại sao vào thời điểm, chúng ta có thể chia nhỏ nguyên tử, đặt chân lên mặt trăng và giải mã bộ gen người, vẫn có 2,8 tỷ người (khoảng một nửa dân số thế giới) phải sống nhờ vào khoản thu nhập chưa đến 2 đôla một ngày?
Nguyên nhân chính là các nền kinh tế. Về bản chất, của cải được tạo ra qua quá trình sử dụng các đầu vào, bao gồm cả nguồn lực con người, để sản xuất ra những thứ có giá trị. Nhưng những nền kinh tế nghèo có cơ cấu tổ chức lỏng lẻo rất khó làm được việc đó. Trong cuốn sách thú vị The Elusive Quest for Growth, William Easterly đã mô tả một cảnh tượng trên đường phố ở Lahore, Pakistan:
Mọi người tụ tập ở các khu chợ cũ của thành phố. Đường phố ở đây chật hẹp đến mức dường như mọi thứ đều bị nuốt chửng trong những đám đông người mua, người bán, người ăn, người nấu. Các cửa hàng san sát chen nhau trong mọi ngóc ngách, cửa hàng nào cũng chật cứng người. Đây quả là một nền kinh tế tư nhân rất năng động.
Ông còn cho biết thêm, Pakistan là một đất nước có tỷ lệ mù chữ cao, chất lượng nhà ở thấp và thiếu lương thực trầm trọng. Chính phủ Pakistan đã xây dựng rất nhiều chương trình vũ khí hạt nhân nhưng vẫn không thể tiến hành một chương trình phòng chống bệnh sởi. Easterly viết: “Chính phủ ở đây thật thối nát!” Mỗi nước đều có những nguồn lực, ít nhất là trí tuệ và sự làm việc chăm chỉ của người dân ở đó. Hầu hết các nước, trong đó có cả những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, đều có nhiều nguồn lực hơn thế.
Hãy để tôi loại bỏ tin tức không tốt lành: Các nhà kinh tế học không có giải pháp nào để làm cho những nước nghèo trở nên giàu có. Thật sự đã có những câu chuyện thành công kỳ diệu, như “những con hổ” châu Á đầu tiên - Hong Kong, Singapore, Hàn Quốc và Đài Loan - những nền kinh tế này đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế hơn 8% mỗi năm trong gần ba thập kỷ. Nhưng chúng ta không có một công thức tăng trưởng có thể áp dụng ở hết nước này đến nước khác như một loại hình nhượng quyền kinh doanh nào đó.
Ngay cả những con mãnh hổ này cũng gặp khó khăn trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Mặt khác, chúng ta vẫn chưa hiểu rõ nguyên nhân khiến các nước trở nên giàu có. Nếu có thể lên danh sách những loại hình chính sách mà các nền kinh tế chức năng áp dụng phổ biến, thì chúng ta có thể chuyển sự chú ý sang câu hỏi đúc rút từ thực tế của một chuyên gia kinh tế từng giành giải Nobel tên Douglas: “Tại sao các nước nghèo không áp dụng những chính sách có thể làm cho họ giàu có?”
Dưới đây là ví dụ tiêu biểu về các loại hình chính sách và trong một số trường hợp là những món quà tuyệt vời mà vị trí địa lý ban tặng được các nhà kinh tế học cho là nguyên nhân tạo nên sự khác biệt giữa sự giàu có và nghèo đói của các quốc gia.
Những thể chế chính phủ hiệu quả. Để tăng trưởng và thịnh vượng, một nước cần có luật pháp, sự cưỡng chế, tòa án, cơ sở hạ tầng cơ bản, một chính phủ đủ khả năng thu thuế và sự tôn trọng của người dân đối với những hình thức này. Những loại thể chế này là phương châm hoạt động của chủ nghĩa tư bản. Tham nhũng không chỉ gây ra sự bất lợi cho hoạt động phát triển của một quốc gia, mà còn là căn bệnh ung thư gây ra sự phân bổ không cân đối các nguồn lực, cản trở sự tiến bộ, và hạn chế đầu tư từ nước ngoài. Trong khi quan điểm của người Mỹ về chính phủ thay đổi từ sự thờ ơ đến thù địch, thì người dân ở hầu hết các nước khác đều đề cao chính phủ. Thực trạng này đã được Tom Friedman kể lại trên tờ New York Times như sau:
Cách đây hai tuần, khi tham dự một hội thảo ở Đại học Nam Kinh, Trung Quốc, tôi đã nghe một sinh viên Trung Quốc trẻ, vừa tốt nghiệp trả lời câu hỏi: “Làm thế nào để xóa bỏ nạn tham nhũng?” Bạn có biết, một người Trung Quốc bình thường sẽ mong muốn có một thủ đô như Washington ngày nay, với bộ máy hành chính hiệu quả và ngay thẳng hợp lý không? Bạn có biết chúng ta sẽ cảm thấy cuộc sống khác đến thế nào khi được sống trong một thế giới không phải hối lộ các quan chức để xin những giấy phép đơn giản nhất không?
Mối quan hệ giữa thể chế chính phủ và tăng trưởng kinh tế đã trở thành đề tài cho một nghiên cứu thông minh và thú vị. Daron Acemoglu, Simon Johnson - hai nhà kinh tế học của Viện Công nghệ Massachusetts - và James Robinson, nhà kinh tế của Đại học California, đã đề ra giả thuyết, thành công kinh tế của các nước đang phát triển trước kia từng là các nước thuộc địa phụ thuộc vào chất lượng của các thể chế mà những nước thực dân để lại. Các cường quốc châu Âu đã áp đặt những chính sách thuộc địa khác nhau cho mỗi đất nước, phụ thuộc vào mức độ phục tùng của từng nước đối với chế độ thực dân. Ở những nơi có thể dễ dàng cai trị như Mỹ, những kẻ xâm chiếm đã tạo ra những thể chế có ảnh hưởng tích cực và lâu dài đến tăng trưởng kinh tế. Ngược lại, ở những nơi quá trình cai trị gặp nhiều khó khăn, như Congo, những kẻ xâm chiếm chỉ tập trung vào việc mang của cải về nước càng nhanh càng tốt, mà không quan tâm đến các vấn đề khác.
Nghiên cứu tiến hành điều tra trên 64 thuộc địa cũ và phát hiện ra rằng sự chênh lệch về của cải hiện tại của họ có thể là do sự khác biệt về chất lượng của các thể chế chính phủ cai trị trước đó. Ngược lại, chất lượng của những thể chế chính phủ này lại phụ thuộc vào mô hình xâm chiếm thuộc địa sơ khai. Nguồn gốc hợp pháp của các nước thực dân như Anh, Pháp, Bỉ không có ảnh hưởng đáng kể (mặc dù chất lượng thể chế do người Anh đặt ra có vẻ như tốt hơn bởi thuộc địa của họ là những vùng đất dễ cai trị hơn).
Về cơ bản, phương thức quản lý hiệu quả có ý nghĩa rất quan trọng. Ngân hàng Thế giới đã xếp hạng 150 đất nước theo sáu thước đo chủ yếu về quản lý, như trách nhiệm giải trình, gánh nặng quản lý, quy định luật pháp, tham nhũng… Có một mối quan hệ nhân quả rõ ràng giữa phương thức quản lý hiệu quả và những thành tựu phát triển cao, như thu nhập bình quân đầu người cao hơn, tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm… Chúng ta không nhất thiết phải nhiệt tình ủng hộ hệ thống thuế, nhưng ít nhất cũng nên tôn trọng nó dù là miễn cưỡng.
Quyền sở hữu: Quyền sở hữu tài sản có ảnh hưởng rất lớn đến người nghèo. Các nước phát triển có rất nhiều ví dụ về quyền sở hữu không chính thức: nhà xưởng, khu dân cư xây dựng trên những mảnh đất công, do chính phủ sở hữu và bị bỏ quên, v.v… Các gia đình và doanh nghiệp đã đầu tư đáng kể vào “những tài sản” của họ. Nhưng mối quan hệ giữa họ và những tài sản đó rất khác so với những người cùng cấp ở các nước phát triển: Họ không có tư cách pháp nhân đối với tài sản. Họ không thể cho thuê, chia nhỏ, bán, hay chuyển nhượng hợp pháp những tài sản này cho người khác. Và quan trọng nhất là, họ không thể sử dụng chúng làm vật ký quỹ để huy động vốn.
Nhà kinh tế học người Peru, Hernando de Soto, đưa ra một quan điểm rất thuyết phục, đó là không nên thờ ơ với những phương thức sở hữu tài sản không chính thức. Ông cho biết tổng giá trị tài sản của người nghèo sống ở các nước đang phát triển nhưng không có quyền sở hữu hợp pháp có giá trị trên 9 triệu đôla. Nguồn vốn phụ trợ rất lớn này đang bị lãng phí, hay là “tư bản chết” theo cách gọi của ông. Để hiểu đầy đủ tầm quan trọng của con số trên, chúng ta cần so sánh nó với số tiền hỗ trợ mà các nước giàu cung cấp cho các nước đang phát triển trong suốt ba thập kỷ qua.
Tờ The Economist đã đăng một câu chuyện về một cặp vợ chồng người Malawi kiếm sống bằng việc giết thịt dê. Vì công việc khá thuận lợi, nên họ muốn mở rộng quy mô kinh doanh. Tuy nhiên, để làm được điều đó, họ phải đầu tư một khoản tiền lớn là 250 đôla trong khi thu nhập trung bình hàng năm của người Malawi là 200 đôla/người. Cặp vợ chồng này có một ngôi nhà có giá trị lớn hơn số tiền trên. Tuy nhiên, họ không thể thế chấp mảnh đất và ngôi nhà gỗ mà họ đã xây dựng trên mảnh đất đó để xây nhà. Ngôi nhà được xây dựng trên đất “công”. Cặp vợ chồng có một bản hợp đồng do trưởng thôn ký, nhưng không đủ năng lực pháp lý để thế chấp vay tiền. Bài báo đã thuật lại sự việc như sau:
Khoảng hai phần ba đất đai ở Malawi được sở hữu dưới hình thức này. Người dân ở đây thường canh tác trên mảnh đất mà cha mẹ họ trước đó từng canh tác. Nếu có tranh chấp, trưởng thôn sẽ đứng ra giải quyết. Nếu một gia đình vi phạm nghiêm trọng những quy định của bộ tộc, thì tộc trưởng có thể lấy lại đất đai và trao quyền sử dụng cho người khác.
Giống như trao đổi hàng hóa, những quyền sở hữu không chính thức này tỏ ra rất hiệu quả trong một xã hội trồng trọt giản đơn, nhưng lại hoàn toàn không phù hợp trong một nền kinh tế phức tạp. Nó có thể khiến những nước nghèo giậm chân tại chỗ; tồi tệ hơn là những tài sản có giá trị nhất của họ được hoàn lại ít hơn so với ban đầu.
Vốn nhân lực là yếu tố quyết định năng suất của người lao động và năng suất lại là yếu tố quyết định mức sống của chúng ta. Như Gary Becker đã chỉ ra, tất cả những nước có mức tăng trưởng thu nhập ổn định đều có những cải thiện đáng kể trong giáo dục và đào tạo vốn con người. Ông viết: “Những nước được mệnh danh là những con hổ châu Á tăng trưởng nhanh chóng nhờ dựa vào một lực lượng lao động được đào tạo tốt, có học vấn, chăm chỉ, và tận tụy.
Ở những nước nghèo, giáo dục đã làm được rất nhiều điều tốt đẹp. Nó có thể nâng cao sức khỏe cộng đồng (ngược lại, sức khỏe cộng đồng cũng là một dạng vốn nhân lực). Một số vấn đề nguy hại nhất về sức khỏe cộng đồng ở các nước đang phát triển có thể khắc phục tương đối đơn giản (đun nước sôi, xây cầu tiêu, sử dụng bao cao su…). Trình độ dân trí cao hơn của phụ nữ ở các nước đang phát triển là một trong những nguyên nhân làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh. Vốn nhân lực cũng tạo điều kiện để các nước nghèo dễ dàng tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các nước phát triển. Chúng ta có thể lạc quan về sự phát triển của các quốc gia trên thế giới, vì xét trên lý thuyết, các nước nghèo có thể thu hẹp khoảng cách với các quốc gia giàu khi vay mượn các tiến bộ của họ. Khi một công nghệ được phát minh, nó có thể được san sẻ với các nước nghèo với chi phí gần như bằng không. Do đó, người dân Ghana không cần phát minh ra máy tính cá nhân mới được hưởng lợi từ sự ra đời của nó, họ chỉ cần biết cách sử dụng nó mà thôi.
(Trích cuốn "Đôla hay lá do" do Công ty Alpha Books phát hành)
Theo VnExpress