Nhạc 2009-02-21 02:30:12

Sức hấp dẫn khó cưỡng của Làn sóng Hàn Quốc


Hallyu có đóng góp đặc biệt vào việc khám phá chủ nghĩa hiện đại đương đại mới của châu Á: làm thế nào để được coi là một người hiện đại, cũng như là một phụ nữ châu Á hiện đại.
Bước sang thế kỷ 21, không ai không nhận thấy sự tác động của văn hoá Hàn Quốc - gồm phim truyền hình, phim điện ảnh và âm nhạc - tới khu vực Đông và Đông Nam Á. Ở các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong hay Nhật Bản, các ngôi sao xứ kim chi thường được đón nhận rất nồng nhiệt. Ngay ở Việt Nam, kể từ thời những phim như Cảm xúc (Feelings-1994), Mối tình đầu (First love-1996) cho đến Trái tim mùa thu (Autumn in my heart -2000) hay Boys over flowers (2009), cũng đã trải qua khá nhiều những cơn sốt phim truyền hình Hàn. Sự hâm mộ cuồng nhiệt đối với văn hoá hiện đại Hàn Quốc ở Châu Á được gọi chung là “làn sóng Hàn” (Hallyu hoặc Hanryu).

1. Nhìn lại lịch sử “làn sóng Hàn”.

Những năm 1990, thành công của điện ảnh Nhật Bản đã cho thấy tầm quan trọng của chiến lược trong việc phổ biến văn hoá vượt biên giới. Đặc điểm nổi bật của phim truyền hình Nhật nằm ở phần âm nhạc tinh tế, cốt truyện nhiều tầng và có cái nhìn đồng cảm với cuộc sống giới trẻ thành thị. Sự miêu tả phong cách sống hiện đại mang hơi hướng quốc tế trong đã nhận được sự cộng hưởng từ khán giả (nhất là giới trẻ thành phố) của rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á có tốc độ đô thị hoá nhanh.

Chịu ảnh hưởng của phong cách sản xuất phim của Nhật, nhưng điện ảnh Hàn Quốc và Đài Loan đã xây dựng một thể loại phim truyền hình dành cho giới trẻ mang bản sắc riêng, thậm chí vượt phim ảnh Nhật. Văn hoá truyền hình Hàn bắt đầu phát triển từ những năm 60 thế kỉ 20, khi chính phủ nước này tiến hành dự án hiện đại hoá toàn diện. Cơn sốt phim nội lần đầu bùng nổ ở Hàn Quốc vào đầu những năm 70. Đầu thập kỉ 90, một thể loại phim truyền hình mới gọi là “phim truyền hình hợp thời trang” (trendy drama) trỗi dậy, trở thành nhân tố quan trọng giúp tạo ra cơn sốt văn hoá trẻ Hàn Quốc ở châu Á kể từ cuối thập kỉ 90.

Sau đó, “Hallyu”, nói cách khác là sự hiện diện và tiêu thụ xuyên quốc gia các sản phẩm văn hoá/truyền thông của Hàn (nhất là những gì được chị em phụ nữ yêu thích như phim truyền hình thể loại melo đẫm nước mắt), trở thành một làn sóng quét qua châu Á. Những quốc gia có chung nền tảng văn hoá, xã hội và gia đình ảnh hưởng từ Nho giáo như Trung Quốc, Singapore hay Việt Nam thường chịu tác động lớn của “làn sóng Hàn”.

2. Phim Hàn - chuyện cổ tích thời hiện đại

Trong rất nhiều chủ đề của phim ảnh, lãng mạn là một trong số những yếu tố phổ biến nhất có tác động mạnh lên tình cảm của số đông khán giả. Hầu hết các phim truyền hình Hàn Quốc xuất khẩu ra nước ngoài trong thế kỉ 20 đều rơi vào chủ đề này, cho phép người xem cảm thấy họ có thể tận hưởng niềm vui sướng khi yêu mà không cần lo lắng đến hậu quả hay tính toán thực tế khi xem những phim như Lãng mạn (Romance) - nội dung về một tình yêu giữa cô giáo (Kim Ha Neul) và học trò (Kim Jea Won).

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến khác về nguyên nhân của “làn sóng Hàn”, nhất là tác động của phim Hàn đối với phụ nữ. Phần lớn khán giả chuộng phim Hàn là nữ giới trong độ tuổi 25 - 30, hoặc 37 - 42. Một nghiên cứu cho thấy những fan nữ thuộc tầng lớp trung lưu và thượng lưu ở Madison (Mỹ) ưa chuộng phim Hàn hơn phim Mỹ, vì họ thích những giá trị văn hoá Nho giáo trong đó, đặc biệt là cách các nhà làm phim Hàn xử lý vấn đề tình dục - gần như chỉ giới hạn ở nắm tay, ôm và hôn nhẹ đối với những phim thời kì đầu của Hallyu.



Các diễn viên trong "Coffee Prince Shop". Ảnh: MBC.
Một điều đáng ngạc nhiên là nam giới xem phim Hàn rất thích cách bộ phim đặt phụ nữ vào trung tâm của câu chuyện, và kể chuyện từ cái nhìn của nữ giới. Phụ nữ lại chuộng cách thể hiện sự lãng mạn và tình yêu theo kiểu rất Á Đông trong phim Hàn. Mặc cho sự khác biệt về văn hoá - xã hội, khán giả Hong Kong, Nhật Bản hay Việt Nam đều say mê mô típ kịch bản “câu chuyện thần tiên” trong dòng phim Hàn xuất khẩu ra nước ngoài. Mẫu số chung là một chàng hoàng tử hoàn hảo luôn có mặt bên cạnh che chở cho nàng Lọ Lem xuất thân nghèo hèn; nhân vật nữ điển hình nắm trong tay cả sự nghiệp lẫn hạnh phúc gia đình và luôn có được tình yêu của chồng bên cạnh. Ước mơ vươn tới một ngôi sao (A wish upon a star), Cafe hoàng tử (Coffee prince)… đều là những chuyện cổ tích thời hiện đại mang lại mơ mộng cho chị em phụ nữ.

Nhưng điện ảnh Hollywood cũng không thiếu những mối tình “hoàng tử - lọ lem”, kinh điển như Pretty woman (Người đàn bà đẹp), hay gần đây là cổ tích teen The Cinderella story (Hillary Duff). Một điểm mấu chốt làm nên sức hấp dẫn của phim Hàn là ở chỗ có xu hướng “kịch hoá” xung đột, căng thẳng giữa các giá trị văn hoá xã hội của Nho giáo với lối sống hiện đại. Phần đông phụ nữ châu Á hiện đại đều nhận thức và phải đương đầu với những xung đột này. Hơn nữa, theo dõi một câu chuyện có bối cảnh ở một thành phố khác, một nước khác khiến khán giả có thể để trí tưởng tượng bay xa hơn khỏi những gì hiện thực trước mắt.

3. Truyền thống và hiện đại trong phim Hàn

Phụ nữ chuộng phim Hàn hơn do cách xử lý phim rất tinh tế, nhấn mạnh vào cảm xúc và các mối quan hệ tình cảm như quan hệ gia đình, bạn bè, người yêu, đồng nghiệp, đi cùng với các giá trị đạo đức. Những vấn đề này thường ít được quan tâm một cách nghiêm túc trong các bộ phim châu Á như phim Hong Kong. “Tình yêu” ở đây không chỉ là tình yêu nam nữ, mà còn là tình yêu nhiều chiều, nhiều góc cạnh trong cuộc sống. Một ví dụ điển hình chính là Dae Jang Geum, một phim mà tình yêu nam nữ chỉ là một nhân tố rất phụ so với tình chị em, tình thầy trò, nghĩa vua tôi, hay tình yêu nước.

Có thể khán giả không thể tự mình phân tích rõ ràng như các chuyên gia nghiên cứu tại sao mình lại bị phim truyền hình Hàn Quốc lôi cuốn. Một cách vô hình, phim Hàn thu hút người xem bởi cách khắc hoạ sống động, tinh tế, rất “châu Á” những mối quan hệ trong cuộc sống cùng với sự gắn kết tình cảm giữa các nhân vật. Cách xử sự của người Hàn Quốc thường thẳng thắn, đôi lúc còn hơi “thô” nên gần hơn với văn hoá các nước như Trung Hoa hơn Nhật Bản. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do giúp “làn sóng Hàn” nhanh chóng thâm nhập được vào Trung Quốc hay Hong Kong. Phim Hàn thể hiện sự đoàn kết của cả gia đình khi gặp khó khăn, lễ nghi phép tắc hàng ngày như cúi đầu chào người lớn tuổi hơn, tôn trọng các vị tiền bối trong công việc…Tất cả đều là các giá trị truyền thống và là lối sống Nho giáo đang ngày càng được trân trọng trong cuộc sống hiện đại.

Nhờ vậy nên cốt truyện, chủ đề của phim Hàn thường được đánh giá là “rất châu Á”. Bên cạnh đó, cách các nhà làm phim xử lý kịch bản, các tuyến nhân vật, kĩ thuật quay phim hay cách gợi mở chủ đề… đều như một món ăn mới lạ đối với một châu Á trước đó chỉ quen với điện ảnh Mỹ, Pháp hay Nhật. Trong số đó, kịch bản được xem là một nhân tố tạo nên sức hấp dẫn hiện đại cho phim truyền hình Hàn Quốc - tính mỹ học mang hơi thở đô thị toàn cầu.

Hàn Quốc có rất nhiều bộ phim nói về sự lãng mạn của tuổi trẻ và tình yêu, với bối cảnh là các thành phố lớn đương đại, chẳng hạn như Sorry, I love you, All in, Full house…Thời trang, âm nhạc, cảnh đẹp cùng với sự sung sướng và nỗi tuyệt vọng của cuộc sống nơi thành thị đã tạo nên một thế giới hiện thực hoàn hảo cho câu chuyện. Cốt truyện không chỉ thể hiện lối sống thực tế hiện đại mà còn có những khía cạnh mang tính lý tưởng hoá. Nhắc đến phim Hàn thì có thể gói gọn trong một chữ: “Đẹp”. Người đẹp, quần áo đẹp, cảnh đẹp…

Cảnh nền đẹp thường được xem là nhân tố chủ chốt mang lại thành công cho phim Hàn. Trong một chừng mực nào đó, nhà sản xuất phim thậm chí có thể không đánh giá cốt truyện cao bằng việc chọn cảnh đẹp. Chẳng có gì ngạc nhiên khi nhiều nơi quay phim sau đó sẽ trở thành địa điểm du lịch như con đường có hàng cây tuyệt đẹp trong Trái tim mùa thu (Autumn in my heart), Bản tình ca mùa đông (Winter sonata), hay trường quay cung điện của Được làm hoàng hậu (Palace/Goong). Hầu hết các khung cảnh đẹp ngoài trời đó - công viên, nền tuyết, cảnh hồ tuyệt đẹp - đều là kết quả của nghệ thuật quay phim được thiết kế rất cầu kỳ.



Bae Yong Jun và Choi Ji Woo trong "Bản tình ca mùa đông". Ảnh: Soompi.
Khi phim thành công, các ngôi sao kimchi cũng tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ lên văn hoá tiêu dùng, bao gồm ẩm thực, thời trang, xu hướng trang điểm và cả xu hướng phẫu thuật thẩm mỹ. Kiểu thời trang mùa đông với áo màu sáng nhạt và quàng khăn lụa mỏng dài của nhân vật Lee Min Hyung (Bae Yong Jun đóng) trong Winter sonata (2003) được coi là rất quyến rũ và không bao giờ lỗi thời. Phong cách này sau đó được nhắc lại trong nhiều phim, tiêu biểu là nhân vật Ji Hoo - Rui (Kim Huyn Joong) trong Boys over flowers đình đám năm 2009. Thế hệ thanh niên mới của Hàn Quốc được đánh giá là thế hệ hưởng thụ và thực tế hơn, cho nên kiểu phim “trendy drama” chủ đích nhắm vào đối tượng này bằng cách phá bỏ những gì thuộc về quy tắc phim truyền hình cổ điển. Bối cảnh trong phim là hiện thân cho những nền văn hoá tiêu dùng toàn cầu đã “châu Á hoá”. Phim Hàn xây dựng và thúc đẩy cho phong cách tiêu dùng đó, một điều hoàn toàn phù hợp với sự lan rộng của chủ nghĩa tiêu dùng toàn cầu và sự tăng lên của tầng lớp trung lưu ở nhiều thành phố châu Á hiện đại.

Phim truyền hình của nước này thường nhấn mạnh vào lựa chọn mang tính cá nhân (như lựa chọn giữa tình yêu và sự nghiệp), công bằng xã hội, nỗ lực bản thân và thành quả - những khía cạnh hình thành nên các khái niệm quan trọng trong xã hội hiện đại. Khán giả thường bị thu hút và khâm phục cách nhân vật cố gắng phá vỡ các quy tắc truyền thống để vươn tới hạnh phúc như tự lựa chọn người yêu và hôn nhân (Boys over flowers). Những khía cạnh hiện đại đó có thể vượt qua biên giới quốc gia, thu hút khán giả ở nhiều nước và tạo ra một niềm khát khao chung. Nó lý giải cho sự cộng hưởng về văn hoá, khi chị em phụ nữ từ Nhật, Đài Loan cho đến Việt Nam cá nhân hoá những ý tưởng hiện đại của lối sống Hàn Quốc, tiếp nhận cả truyền thống và hiện đại khi xem phim. Sự xung đột giữa việc vâng lời người lớn và khát vọng tìm kiếm tình yêu là mâu thuẫn tình cảm phổ biến nhất trong phim Hàn, nhưng phim thường có kết thúc “vui vẻ cả đôi”. Cha mẹ cuối cùng cũng nhượng bộ tình yêu của con cái, tượng trưng cho sự hoà hợp (trong thế giới phim ảnh giả tưởng) của xung đột giữa giá trị cũ - mới ở nhiều xã hội toàn cầu hoá của châu Á.

(Còn tiếp)

Phương Hoàng

Lược dịch theo cuốn “East Asia Pop Culture” của Beng Huat Chua và Koichi Iwabuchi

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)