Hôm qua, cộng đồng mạng rộ lên thông tin một người đàn ông cầm kéo đánh một phụ nữ trung niên ở giữa phố. Ngay lập tức, các bạn trẻ đã gần như… "điên cuồng" đòi "xử" người đàn ông nọ, và lên tiếng chửi bới những người xung quanh là chỉ biết khoanh tay đứng nhìn. Điều các bạn nói, về đạo lý là đúng. Nhưng từ bao giờ, chúng ta chỉ làm việc nghĩa bằng sức của người khác vậy?
Trước hết, người viết phải xin nhấn mạnh một điều rằng, nếu có một ai đó dũng cảm đứng ra can ngăn nam thanh niên đó ngày hôm qua, chắc chắn đó là một người dũng cảm và họ xứng đáng nhận được sự tôn trọng của người khác. Nhưng cũng không nên suy luận theo kiểu ngược lại, rằng những người còn lại - những người không dám can ngăn - là những kẻ vô tâm, mất nhân tính như lời của nhiều bạn anh hùng bàn phím. Họ đơn giản là những người bình thường, với những nỗi lo sợ bình thường, và điều đó, không phải là một điều đáng trách, đáng kinh tởm.
Từ câu chuyện về lòng dũng cảm… ảo
Thời đại Internet phát triển, chúng ta thường nói về các giá trị ảo xuất hiện đầy rẫy trong cuộc sống. Tình thương ảo, tình yêu ảo, nhân đạo ảo, bây giờ lại có thêm khái niệm mới: Lòng dũng cảm ảo… Và đây cũng lại là một sản phẩm do các anh hùng bàn phím mới "update" cách đây không lâu.
Người viết tin rằng các bạn không quá xa lạ với khái niệm về lòng dũng cảm ảo này. Đó là những người thường xuyên lên mạng xã hội, thể hiện sự phẫn nộ tột độ về một sự việc nào đó, sau đó tuyên bố chắc nịch là: Tôi mà ở đấy là kẻ đó không xong đâu. Thế rồi, họ lên án tất cả những người có mặt trong sự việc đó rằng tại sao họ lại không được can đảm như mình?
Vâng, tất nhiên, không được can đảm như bạn là vì lúc đó, những người dân chất phác vốn chỉ quen với cuộc sống bình yên quá hoảng sợ trước một gã đàn ông đang lên cơn phẫn nộ đến mất cả lý trí. (Xin đừng biện hộ, hành động cầm kéo dồn một người phụ nữ già hơn mình ra giữa đường đòi đâm không phải là hành động của một người tỉnh táo). Không được can đảm như bạn là vì, lúc đó, bạn đang ở trong căn nhà kiên cố, xung quanh là những con người hiền hậu chứ không phải mặt đối mặt trước những mũi kéo sắc nhọn của một kẻ đáng sợ. Và ngay cả khi họ có đủ sức khỏe và sự can đảm như bạn, lý trí cũng sẽ mách bảo họ về một sự trả thù không mấy dễ chịu đến từ gã đàn ông kia, và điều đó cũng đủ để khiến họ chùn bước.
Đừng lấy "sự can đảm" của mình để phán xét người khác
Từ bao giờ, chúng ta cứ dựa vào sự dũng cảm ảo của bản thân mình và khăng khăng rằng mọi người xung quanh cũng phải như vậy? Dũng cảm là tốt, nhưng ở thời hiện đại, chúng ta còn nhiều thứ phải lo lắng trong cuộc sống của mình hơn, chúng ta có quyền sợ hãi.
Có lẽ cũng cần nhắc lại một chút rằng, bạn đang ở trong một hoàn cảnh khác với những người có mặt tại đó. Bạn đang sống và được nuôi dạy khác với họ cũng như có cách nghĩ và cách hành động khác họ. Bạn không cảm thấy sợ mũi kéo của một gã đàn ông, nhưng những người ở đó có quyền sợ. Xin đừng lấy sự can đảm của mình ra làm thước đo để phán xét những người khác. Bởi sợ hãi là bản năng của mỗi người, và sẽ là không công bằng nếu đánh đồng sợ hãi và sự vô cảm.
Cứu giúp người khác khi gặp nguy hiểm đúng là một hành động cao đẹp và đáng được tôn vinh, đáng được ủng hộ. Nhưng có lẽ, trong mọi hoàn cảnh, muốn xả thân cứu người hay làm bất cứ việc gì khác, mình cũng cần có kỹ năng để vừa bảo vệ người kia, nhưng cũng phải vừa bảo vệ được tính mạng của mình. Cứu người gấp gáp nhưng cũng cần phải có sự sáng suốt nhất định để biết đâu là giới hạn sức mình, để cả hai không cùng bị tổn thương vô ích.
Câu chuyện ngày hôm qua có nhiều điểm tương đồng với câu chuyện "có tiền sao không đi làm từ thiện" vốn gây tranh cãi trong cộng đồng mạng suốt một thời gian dài. Cũng là những kẻ chỉ ngồi một chỗ, trong căn phòng nhỏ của mình và phán xét những thứ lớn lao. Cũng là những kẻ chưa chắc đã làm được gì có ý nghĩa cho cuộc sống nhưng đòi hỏi những người xung quanh phải bỏ tiền, bỏ sức, bỏ máu và nước mắt ra làm.
Tạm kết
Dường như, một bộ phận lớn trong số chúng ta đã mất lòng tin quá nhiều vào cuộc sống xung quanh, đến mức để sự bi quan đấy làm mờ lý trí. Họ không từ bỏ một cơ hội nào để lên án những con người, những câu chuyện quanh mình, lên án mà không cần đặt bản thân mình vào vị trí của họ. Họ phán xét người khác, đẩy cho người ta những trách nhiệm lớn lao mà ngay cả chính họ cũng chưa chắc đã làm nổi. Họ không đổ một chút sức lực để cứu ai cả, nhưng sẵn sàng bắt người khác phải lăn xả sinh mạng. Chúng ta đã có một đội quân từ thiện bằng tiền của người khác, các bạn thân mến, xin đừng khai sinh thêm một đội quân làm việc nghĩa bằng sức của người khác.