(TT&VH)
- Đêm 28/2 tại Nhà hát TP.HCM, nhóm nhạc Synthesis đã có buổi biểu diễn cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch; đông đảo khán giả đến tham dự và đêm diễn đã thành công tốt đẹp. Sự kết hợp dàn nhạc giao hưởng với nhạc cụ dân tộc từng quốc gia cũng là điều bình thường. Tuy nhiên sự kết hợp dàn nhạc giao hưởng với một ban nhạc được mệnh danh là ban nhạc theo phong cách world music như Synthesis là điều lạ và đáng quan tâm…
Âm nhạc lạ và… buồn
Cảm xúc chung khi nghe những giai điệu dân gian Macedonia là… buồn, dù cả những bài sáng tác dựa trên tiết tấu của điệu nhảy miền Tây Macedonia hay cả những giai điệu được giới thiệu là “tươi vui” của của những cô gái đi tìm người bạn đời, âm điệu vẫn buồn man mác. Tuy nhiên trong âm điệu buồn có khi da diết đó vẫn toát lên sự “cứng rắn” qua cách hát chủ yếu với giọng cổ và giọng óc. Âm nhạc không đa dạng , chỉ chủ yếu một màu sắc của nhạc dân gian vùng bán đảo Balcan. Một cảm giác khác đối với người nghe là chu kỳ nhịp phách khá “khó chịu”, nó không vuông vắn với những con số 2, 4, 8… như chu kỳ nhịp phách của các tiết tấu nhạc nhẹ thường gặp, bởi rất nhiều giai điệu âm nhạc được hình thành với nhịp 7/8, 11/8…
Nhóm nhạc Synthesis trong đêm diễn
Ở đêm nhạc này khán giả có dịp làm quen với một số nhạc cụ dân tộc Macedonia như kèn gaida (kèn túi da), sáo kaval (một loại sáo dọc), các loại trống… Chỉ có cây kèn zurla, kèn này thổi dăm kép, hình dạng và âm sắc tương tự như kèn sona mà ở Việt Nam có nơi gọi là kèn bầu hoặc kèn… đám ma. Nhìn chung về đêm diễn, các nghệ sĩ Macedonia đã diễn khá thành công, đã giới thiệu đến công chúng âm nhạc Việt Nam loại âm nhạc dân gian đặc thù của vùng Balcan. Cái đặc sắc của đêm diễn là màu sắc âm nhạc và cách hát khá lạ lẫm của các nghệ sĩ, nhưng đã gây được nhiều cuốn hút bởi sự nhuần nhuyễn trong kết hợp của các nghệ sĩ. Bài dân ca Việt nam Cây trúc xinh do Systhesis trình diễn tuy được nhiều khán giả vỗ tay, thật ra đó vẫn là tiếng vỗ tay của tinh thần hữu nghị, còn về cách phát âm (cả ngôn ngữ và âm nhạc) vẫn còn mang hơi hướng của Macedonia nhất là khi các trống dân tộc của họ cùng hòa nhịp.
World music của Synthesis…
Trong buổi họp báo tại Nhạc viện TP.HCM, một thành viên của nhóm nói rằng âm nhạc của họ là một loại world music. Thế thì world musis là gì và Synthesis đã “world music” như thế nào?
Có thể nói rằng world music là sự kết hợp dân nhạc với tiết tấu, hòa thanh hiện đại của các ban nhạc pop, jazz… đang phổ biến. Tuy nhiên sự kết hợp đó phải dựa trên những nguyên tắc cơ bản: không dùng chất liệu để phát triển mà dùng nguyên xi các giai điệu dân gian, có sự xen kẽ những đoạn nhạc dân gian nguyên xi và các đoạn nhạc “hiện đại” như một sự so sánh để làm nổi bật vẻ đẹp của nhạc dân gian. Một nguyên tắc rất thực tế và khá quan trọng là world music dùng tiết tấu, hòa thanh và ban nhạc pop, rock, jazz mà đại chúng phương Tây quen thuộc để chuyên chở những yếu tố dân gian giúp người nghe không quá lạ lẫm với loại âm nhạc họ chưa từng nghe (vì sẽ rất khó cảm thụ đối với người chưa từng nghe nhạc dân gian lạ, nếu dùng cả ban nhạc dân tộc của quốc gia đó để biểu diễn).
Trong nhóm nhạc Synthesis có đàn keyboards và bộ trống jazz là những nhạc cụ được xem là quen thuộc với các ban nhạc nhẹ. Trong đêm diễn bộ trống jazz đã tạo nhiều hứng khởi và hiệu quả với những phách nhịp “khó chịu” như đã nói trên. Tuy nhiên cũng chính phách nhịp “khó chịu” này mà nó không thể áp dụng những tiết tấu thông thường của nhạc nhẹ. Những đoạn diễn tấu “hiện đại” của ban nhạc nhẹ để tạo nên sự so sánh hầu như không có. Đó cũng là điều hạn chế về world music của Synthesis.
Với việc chọn lựa kết hợp với dàn nhạc giao hưởng, không phải sự kết hợp này là dở, nhưng xét theo “tiêu chí” của world music là dùng một phương tiện âm nhạc quen thuộc, phổ biến nhằm tạo sự dễ dàng trong tiếp nhận của công chúng khi giới thiệu đến họ một loại dân nhạc tuy rất hay nhưng họ chưa từng nghe. Chọn sự kết hợp với dàn nhạc giao hưởng (một phương tiện biểu hiện âm nhạc được xem là “khó nghe”), điều đó gần như đi ngược lại tinh thần của world music.
Hữu Trịnh