Tin tức - pháp luật 2012-11-26 03:23:32

Tác giả phạt xe không chính chủ: Dân phản ứng là...đáng mừng!


"Trong việc mua đi bán lại cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý, cho đúng với tinh thần phí và lệ phí trước bạ. Mức điều chỉnh như thế nào thì là trách nhiệm của Bộ tài chính". - Ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ Trưởng, Vụ An toàn giao thông (Đơn vị chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định 71) bày tỏ quan điểm trước quy định xử phạt xe không chính chủ.

Đưa ra 10 năm rồi thì sai làm sao được?

PV: Quy định phạt 6-10 triệu đối với ô tô và 1 triệu với xe máy với lỗi không sang tên đổi chủ, theo nghị định 71 (luật sửa đổi và bổ sung Nghị định 34 của Chính phủ) đã được áp dụng bắt đầu từ ngày 10/11. Là cơ quan nghiên cứu, chủ trì soạn thảo Nghị định 71, ông có ý kiến gì trước thông tin cho rằng: Quy định xử phạt không có cơ sở pháp lý, không thể thực hiện được?

Ông Nguyễn Văn Thuấn - Vụ Trưởng, Vụ An toàn giao thông: Quy định xử phạt xe không chính chủ đã có từ cách đây khoảng 10 năm, trong Luật giao thông đường bộ năm 2001, NĐ 15/2003/ ngày 19/2/2003, quy định xử phạt hành chính về giao thông đường bộ. Các văn bản trên đã quy định xử phạt rõ.




Biên bản xử phạt anh Mai Thành Nam về lỗi chưa sang tên, đổi chủ



Theo đó xử phạt không chuyển quyền sở hữu xe theo quy định. Mức phạt là 50.000-100.000 đối với xe mô tô, xe gắn máy 1-2 triệu đối với ô tô.

Luật giao thông đường bộ có 3 nghị định đều quy định xử phạt hành vi vi phạm chủ sở hữu không chuyển quyền sở hữu. Tại nghị định 34/2010 vẫn quy định là xử phạt hành vi không sang tên đổi chủ với mức phạt giữ nguyên.

Luật dân sự cũng quy định các phương tiện ô tô, xe máy phải đăng ký quyền sở hữu. Luật hành chính về thuế, lệ phí cũng quy định người mua xe đăng ký quyền sở hữu phải nộp thuế, phí trước bạ (sau 30 ngày).

Nghị định 34/2010, quy định xử phạt hành chính với xe không chính chủ phù hợp với các quyền các luật liên quan (quyền và nghĩa vụ công dân, quy định của nhà nước về thuế, phí lệ phí, quy định đăng ký xe).

Đến nghị định 71 vẫn quy định xử phạt hành vi này đối với chủ sở hữu xe chỉ thay đổi là nâng mức phạt cao hơn (6-10 triệu với ô tô, 1 triệu với xe máy)

PV: Nghị định 34/2010, quy định xử phạt hành chính với xe không chính chủ phù hợp với các quyền các luật liên quan. Tuy nhiên, theo Bộ Luật Dân sự về Quyền sở hữu, Luật Hành chính 176/1999/NĐ-CP về lệ phí trước bạ không có một điều khoản nào quy định rõ ràng về hình thức xử phạt đối với chủ sở hữu không làm thủ tục sang tên đổi chủ. Vậy, chỉ dựa vào Luật giao thông đường bộ mà đưa ra quy định xử phạt hành chính với phương tiện không sang tên đổi chủ thì có thuyết phục không, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Tôi khẳng định, không có một luật nào quy định chi tiết việc xử phạt. Quy định xử phạt phải là của Chính phủ ban hành ở mức dưới luật.

Chính phủ quy định xử phạt là đúng thẩm quyền, hơn nữa quy định này đã được đưa ra cả 10 năm nay rồi thì làm sao mà sai được.

Có chừa ai đâu?

PV: Ông nghĩ sao, trước ý kiến cho rằng: Quy định phạt thật cao, thật nặng thực chất là nhắm vào người nghèo, xe cũ, xe rẻ (40% số lượng đang lưu hành)… Vậy, khi soạn thảo văn bản này, ông có nghĩ đến những tình huống khó và có lẽ không thực hiện được đối với nhóm đối tượng này không?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Tôi cho rằng, nói phạt để nhắm vào người nghèo là không đúng. Pháp luật xử lý những hành vi vi phạm thì có chừa ai đâu. Kể cả cán bộ cao cấp, công dân bình thường có thu nhập cao hay thấp khi bị vi phạm đều bị xử phạt như nhau.

Điều này đã được quy định từ nhiều năm trước và trong quy định điều này cũng đã được các cơ quan chính sách nghiên cứu đến tất cả những khía cạnh về tính hợp pháp cũng như phù hợp với những quy định liên quan.

Cũng chính vì quy định mức phạt cao cho nên người dân mới thực sự quan tâm đến quy định này. Phạt cao mới đủ sức để bắt buộc mọi người phải thực hiện theo quy định.

Ví dụ: trước đây xử phạt đội mũ bảo hiểm: 10.000-20.000 đồng không ai quan tâm. Nhưng khi nâng lên 100.000-200.000 đồng thì 80% người dân đã ý thức chấp hành đội mũ bảo hiểm.




Phạt nặng dân mới chú ý



PV: Khi quyết tâm xử phạt với mức cao như hiện hành, thì có thể khiến người đã nghèo lại nghèo hơn, khó khăn mưu sinh hơn bởi chính phương tiện kiếm sống của họ đang có?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Theo tôi, người nghèo hay giàu, cán bộ hay dân điều đầu tiên phải thượng tôn pháp luật. Mọi chính sách của nhà nước đối với xóa đói giảm nghèo cũng không vì xóa đói giảm nghèo mà để họ làm trái pháp luật. Đó là nguyên tắc pháp lý.

PV: Các quy phạm pháp luật nghiêm sẽ giúp giữ gìn an ninh xã hội là đúng. Nhưng nghị định áp dụng mức phạt cao với tinh thần muốn cho cho dân sợ mà không vi phạm thì theo ông, điều đó có đúng không? Đây có phải là tinh thần luật pháp của nhà nước pháp quyền (giúp dân hiểu luật, chủ động áp dụng pháp luật chứ không phải sợ hãi luật pháp theo lối pháp trị)?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Riêng về lĩnh vực giao thông đường bộ hàng năm đã xử lý hàng triệu lượt các hành vi vi phạm giao thông đường bộ. Làm chết và thương rất nhiều người, gây thiệt hại về tài sản, hậu quả di chứng của những người bị tai nạn, thân nhân của gia đình, xã hội là không thể tính toán hết được.

Một trong những tồn tại có nhiều nguyên nhân trong đó còn do, mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ chưa tương xứng với những hành vi vi phạm, chưa đủ mức răn đe đối với hành vi vi phạm đó.

Dân sốc, phản ứng là đáng mừng

PV: Theo ông, nguyên nhân tại sao một quy định đã được đưa ra từ cách đây 10 năm, nhưng khi áp dụng nó lại khiến dân "sốc" và có phản ứng gay gắt như vậy? Là người soạn thảo văn bản, ông có cho rằng cần phải xem xét lại quy định xử phạt xe không chính chủ cũng như cần phải có giải pháp mang tính thực tiễn hơn?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Tôi cho rằng dân phản ứng là một dấu hiệu đáng mừng. Dân phản ứng chứng tỏ dân đã quan tâm đến pháp luật.

Dự thảo nghị định 71 trước đó đã được thông tin rộng rãi để lấy ý kiến góp ý, phản hồi nhưng không có một ý kiến nào phản đối. Bởi vì nó đúng, hoàn toàn đúng với mọi quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, phải xem xét hai vấn đề: Phải xem xét lại mức phí, lệ phí thậm chí là mức thuế liên quan đến vấn đề đăng ký quyền sở hữu xe cơ giới. Đặc biệt là sở hữu từ lần thứ 2 trở đi.

Trong việc mua đi bán lại (mua đồ cũ) cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý cho đúng với tinh thần phí và lệ phí trước bạ. Mức điều chỉnh như nào thì là trách nhiệm của bộ tài chính.

- Về thủ tục đăng ký xe: Phải có hướng dẫn rà soát lại thủ tục đó, nếu cần thiết thì phải bổ sung, hướng dẫn cụ thể đảm bảo, quyền lợi và các quy định của pháp luật.

Trong tình huống, xe cũ, rách, qua nhiều đời chủ mà không làm thủ tục sang tên đổi chủ thì phải có cơ chế thuận lợi cho người làm thủ tục sang tên đổi chủ. Cái đó sẽ xử lý trong hệ thống pháp luật khác, Bộ GTVT không có quyền xử lý cái đó.

Có chăng một lời khuyên là những người đã mua xe chưa sang tên đổi chủ thì nhanh chóng đi làm thủ tục sang tên đổi chủ. Đó là cái quyền và là nghĩa vụ trước pháp luật.

PV: Khi soạn thảo nghị định yêu cầu xe phải chính chủ, chúng ta có nhìn rộng ra để thấy rằng nhà đất cũng phải đòi chính chủ, không cho mua, bán, thuê, mượn… hay không? Trên thực tế, ông nghĩ sao về những tài sản tương tự, liệu chúng ta có đòi tất cả tài sản cá nhân đều phải chính chủ hay không?

Ông Nguyễn Văn Thuấn: Tôi không bình luận về nhà đất, tài sản cá nhân khác vì nó không thuộc lĩnh vực Bộ GTVT quản lý.

Tuy nhiên, tôi cũng cho rằng: các cơ quan chức năng cũng nên nhìn nhận lại tổng thể về thuế, lệ phí trước bạ theo quy định đăng ký quyền sở hữu tài sản đúng quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!

    Nguyễn Vũ (Thực hiện)


Nguồn : Phunutoday
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)