Hiện nay, có một bộ phận lớn teen có tính cách, lối sống không thể hoà hợp được với phụ huynh. Điều đó khiến mối quan hệ giữa teen và phụ huynh trở nên căng thẳng.
Nhìn từ khía cạnh của teen mình, đó là vì trong nhiều việc, bố mẹ không chịu hiểu chúng mình đấy.
Chuyện học hành
N là một học sinh tiên tiến suốt nhiều năm liền. Từ hồi đi học tới nay, bố mẹ lúc nào cũng mong mỏi N được học sinh giỏi. Tất nhiên, điều mong mỏi của bố mẹ N là hoàn toàn chính đáng. Nhưng cha mẹ N thường xuyên đem cái “ngày xưa” ra áp đặt với N. Đây là nguyên nhân của những trận cãi vã nảy lửa trong nhà. Theo quan điểm của N, chương trình học bây giờ nặng, sức học của N chỉ có vậy, N cố hết sức mà vẫn chỉ được tiên tiến thì cũng không có gì đáng xấu hổ. Nhưng bố mẹ N thì khác.”Mày chỉ lý sự! Hồi trước bom đạn đói rách mà bố vẫn học giỏi, vẫn đại học đàng hoàng đấy thôi.” –“Đó là câu cửa miệng của bố mình” – N tâm sự.
Khác với N, T- một học sinh lớp 12, lại không hợp mẹ mình ở một điểm khác. Cũng là vấn đề học hành, nhưng T thì cho rằng, học phải học cái gì mình thích, say mê. Chỉ cần như vậy là sẽ thành công. Nhưng mẹ T thì khác. Mẹ T lúc nào cũng mơ một ngày nào đó con gái làm bác sĩ, rạng danh cả nhà. T quyết tâm thi kinh tế. Nhưng mẹ thì bắt T thi trường Y. Trường hợp của T là điển hình của việc nhiều gia đình bây giờ ép con theo học thứ phụ huynh muốn chứ không phải thứ con cái mơ ước.
Một dạng khác của sự áp đặt này là kiểu “cái gì cũng phải chính quy”. Ví dụ như trường hợp của bạn M.T. M.T mê tin học từ nhỏ. Lớn lên, M.T không muốn theo học đại học vì theo bạn thì “ĐH không phải nơi hợp với mình. Học bên ngoài mình học được nhiều hơn.” Và M.T đã được bố tặng nguyên một… cái tát sau khi nói câu này. Với bố mẹ M.T, chuyện con không học lên đại học là điều không thể chấp nhận. Tương tự như M.T, X- một cô gái 17 tuổi muốn theo con đường nghệ thuật đã suýt bị bố đuổi ra khỏi nhà. Với gia đình X, đã học là phải học cái chính quy, ổn định.
Chuyện ăn mặc
H - học sinh trường L, tâm sự: “Cứ mỗi lần đi ăn cơm là mình đau cả tim. Không hiểu thế nào chứ mình từ xưa đến nay chỉ ăn được vài món mà mẹ nấu. Còn đâu thì phải ăn chứ không sao hợp nổi. Mẹ mình chuyên gia có món rau luộc với thịt rang. Hết rau này đến rau khác, hết thịt này đến thịt khác. Mấy món khác của mẹ mình cũng theo công thức “đơn giản dễ làm”. Hồi bé ăn sao cũng được chứ sau này thì không hợp nổi. Mấy lần mình góp ý thì mẹ lại bảo “Ngày trước đến cơm chả có mà ăn ý con ạ. Bây giờ bọn mày sướng quá cứ kén chọn”.
Nhiều phụ huynh và teen không tìm được tiếng nói chung
Hay như L năm nay học lớp 12 thì lại gặp vấn đề khác. L rất mê đồ ăn ngoại, đặc biệt là đồ Nhật và Trung Quốc. Cô bạn mỗi khi có dịp hay ăn ngoài với bạn bè. Không nói đến chuyện tiêu pha. Nhưng việc L ăn đồ ăn ngoại mà bố mẹ vô cùng khó chịu. “Ăn uống gì mấy thứ linh tinh vớ vẩn. Ăn có ra cái gì đâu.”- Mẹ L hay nói thế mỗi khi L đi ăn ngoài. Với một số gia đình bây giờ, chuyện teen rủ nhau đi ăn KFC, sushi, kimbap, pizza…chỉ toàn là đồ “linh tinh”. Sự đối lập giữa bố mẹ với khẩu vị của con cái làm không khí gia đình đôi khi căng thẳng.
Một trong những nguyên nhân của “tình hình bất ổn định” là sự khác biệt quá lớn về quan điểm thẩm mỹ của cha mẹ và con cái. Chuyện quần áo của teen bây giờ chắc chả phải nói ai cũng biết. Nào là đồ hiệu này đồ hiệu kia, shop này shop kia, phong cách tây phong cách tàu. X là một cô bạn có đam mê đi shopping. Mua quần áo thì bố mẹ X không cấm nhưng hầu hết bộ nào X đem về cũng bị bố mẹ kêu. “Sao lại lòe loẹt thế!”, “Trông chả ra cái kiểu gì”, hay “Hở hang thế hả con! Con gái con đứa ai lại thế”- là những comment mà X thường được nhận từ hai phụ huynh. Nhiều trường hợp teen còn có những bộ quần áo không bao giờ dám mặc trước mặt phụ huynh. H, lớp 12 trường L, chia sẻ: “Hai cụ mà nhìn thấy cái váy ngắn này thì chỉ có xác định!”.
Chuyện tiêu tiền
Cha mẹ H cho H tiền tiêu vặt, nhưng lại không cho H quyền tiêu (một cách chủ động). H cầm tiền. Cứ tầm 2-3 ngày là mẹ lại kiểm tra xem còn tiền không (!?). Nếu thiếu thì hỏi đã tiêu gì. Và phần kết của câu chuyện còn phụ thuộc vào “trí tưởng tượng bay xa” của H. Nếu H tìm ra một lý do rất là “chính quy” như “tiền quỹ, tiền đoàn, tiền sách” thì còn đỡ. Chứ nếu H khai thật là “Con đi uống trà sữa với bạn” thì thôi rồi. Câu chuyện sẽ kết thúc là “Sao mà mày hoang thế hả con. Mỗi cốc trà sữa của mày 10k bạc đấy, sao không về nhà mà uống nước (lọc). Hồi trước mẹ đến nước sạch còn chả có mà uống. Toàn nước mưa”.
Khác với H, N tự kiếm được tiền tiêu do đi làm thêm. Nhưng đừng tưởng tự kiếm ra tiền là xong với hai bác. Bằng số tiền tự kiếm được, N dùng để mua sắm các nhu cầu của bản thân, một phần tiết kiệm. Thế mà mỗi khi mua một chiếc áo mới hay đôi giày mới về, N đều bị “mặt nặng mày nhẹ cả ngày là ít”.
Nhiều bậc phụ huynh có xu hướng tiết kiệm, đôi khi tằn tiện do quãng thời gian khó khăn đã từng trải qua. Teen rất thông cảm và hiểu điều này. Nhưng dù sao thì cách cư xử của cha mẹ vẫn khiến teen đôi khi thấy khó sống quá. Một nguyên nhân nữa là cha mẹ luôn coi thường teen, lúc nào cũng cho rằng những thứ con cái mình mua, mình thích toàn là “những thứ đua đòi vớ vẩn”. Chính vì vậy mà phụ huynh thường xuyên áp đặt cách nghĩ của mình lên con trẻ.
Còn rất nhiều nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa teen và phụ huynh đôi khi trở nên căng thẳng chỉ vì không hiểu nhau. Dù sao, đã làm con thì teen cũng nên để ý một chút, cố gắng hài hoà mối quan hệ này bằng sự khéo léo của mình để cả 2 bên cùng vui vẻ. Đúng không teen?