Vừa xuống Sài Gòn đi làm được vài ngày nhưng Phạm Triều Chính (25 tuổi, cựu sinh viên ĐH Đà Lạt) đã thuyết phục công ty cho nghỉ một ngày. Một ngày nghỉ để Triều Chính tìm kiếm lá dừa, kết lại thành một chiếc váy. Cô mặc bộ váy và tự tin bước ra ngoài đường trong tối hôm đó. Cô đi đến những nơi nhiều người nước ngoài như chợ Bến Thành, phố Bùi Viện, phố Phạm Ngũ Lão…
Triều Chính gây chú ý với thông điệp khách du lịch hãy sử dụng sản phẩm của Việt Nam. |
Tối 26/2, khi Triều Chính mặc chiếc váy từ lá dừa, những con đường cô đi qua càng thêm nhộn nhịp. Khu trung tâm Sài Gòn thường ngày đông đúc, nay xuất hiện cô gái vai trần, với chiếc váy bằng lá dừa càng gây sự chú ý, nhất là với du khách Tây. Thu hút không chỉ với bộ trang phục mà còn là thông điệp chủ nhân bộ váy mang đến “Du khách nước ngoài, hãy sử dụng sản phẩm Việt Nam khi du lịch tại đây”.
Truyền tải thông điệp là mục đích cho việc làm này của Phạm Triều Chính. Cô cho biết: “Vì lá dừa mềm mại, dễ kết thành trang phục. Hơn nữa, cây dừa rất phổ biến ở Việt Nam, làm được rất nhiều sản phẩm từ dừa. Vì thế nên mình chọn lá dừa làm trang phục, làm điểm nhấn cho thông điệp tôi gửi đến”.
Triều Chính với trang phục lá dừa cùng thông điệp cô mang đến vào tối 26/2. |
Triều Chính với chiếc váy rau xà lách tại Đà Lạt. |
Triều Chính kể: “Mình thức trắng nguyên đêm may váy, sáng dậy sớm ra khu Hòa Bình đứng. Đà Lạt hôm đó lạnh, mình thì mặc vậy nên càng lạnh hơn. Nghĩ cũng ngại nhưng đã làm thì tự nhủ dẹp hết ngại ngùng. Mình được mọi người ủng hộ cho hành động ý nghĩa đó nên lấy đó làm vui”. Từ đó, cô có thêm những biệt danh như “nàng tiên rau”, “cô gái xà lách”… Một thời gian sau, từ hiệu ứng của Triều Chính, tại Hà Nội cũng xuất hiện một cô gái mặc váy rau đứng bên Hồ Gươm kêu gọi mọi người bảo vệ môi trường.
Sở trường là may vá, lúc rảnh Triều Chính thường tự may váy, đầm… cho mình làm trang phục mặc. Từ may bằng vải đến may bằng nhiều chất liệu khác như lá cây, giấy báo hay nắp chai. Ngoài chiếc váy từ rau xà lách, lá dừa thì trước đó “cô gái xà lách” còn diện lên mình trang phục làm từ giấy báo với mục đích kêu gọi mọi người tận dụng những phế liệu bỏ đi. Bên cạnh đó, cô còn lấy nắp chai bia để làm váy cho một người bạn.
Một hình ảnh khác của "cô gái xà lách". |
Phạm Triều Chính vừa tốt nghiệp ngành văn hóa học, ĐH Đà Lạt, hiện đang làm đại diện hình ảnh cho một công ty ở TP.HCM. Đây là lần thứ 2, Triều Chính quay trở lại TP.HCM làm việc. 6 năm trước, cô rời Gia Lai vào Sài Gòn làm đủ việc như lễ tân, công nhân, phục vụ… để vừa làm vừa ôn thi. Sau hai năm thì đậu vào ĐH Đà Lạt. 4 năm học ở Đà Lạt đủ để Triều Chính thấy yêu vùng đất này.
“Mình luôn mong có đủ điều kiện mua nhà Đà Lạt, làm việc rồi đón gia đình lên đây sinh sống. Cha mẹ mình cũng thích ở đây, nhưng chưa biết đến khi nào, còn xa lắm”, Triều Chính chia sẻ. Nhưng gần hơn, thiết thực hơn thì cô đang là quản lý của trang fanpage “Tôi yêu Đà Lạt”. Cô tập hợp những thành viên trong trang, tổ chức quyên góp để làm từ thiện nơi các mái ấm, nhà mở ở Đà Lạt vào các dịp Trung thu, Noel…
Cô gái trẻ tích cực hoạt động vì môi trường. |
Đó là những ý tưởng mang tính cộng đồng mà cô vẫn ôm ấp. Không chỉ là các chương trình vận động như trước đó. “Mình đang thực hiện một dự án vận động tích cực cho thương hiệu rau Đà Lạt, qua đó giúp mọi người sử dụng rau, quả Đà Lạt nhiều hơn thay vì các loại rau, trái cây có xuất xứ như từ Trung Quốc chẳng hạn”, Triều Chính chia sẻ.