Một cặp kính 3D trên bìa cuốn tạp chí Playboy số ra tháng 6. Ảnh: AP. |
“Thứ mà con người thích xem nhất với kính 3D là gì? Tôi nghĩ có lẽ đó là một phụ nữ hở hang”, Hugh Hefner, ông chủ của tạp chí Playboy, phát biểu.
Rõ ràng Playboy phải làm tất cả những việc cần thiết để thu hút thêm độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Bởi năm 2006 họ bán được 3,5 triệu cuốn, nhưng năm nay con số đó chỉ còn 1,5 triệu.
Jimmy Jellinek, tổng biên tập của Playboy, hy vọng cặp kính 3D sẽ khiến tạp chí của ông trở nên hấp dẫn hơn đối với mọi đối tượng, kể cả những người chỉ thích xem báo miễn phí trên mạng Internet.
“Đương nhiên con người muốn những thứ có thể tồn tại lâu dài và có ý nghĩa”, Jellinek nói.
Hefner đồng ý với quan điểm của Jellinek. Ông nói: “Bức ảnh 3D là một minh chứng cho thấy các cuốn sách và tạp chí hoàn toàn khác biệt so với những bức ảnh trên máy tính. Bạn có thể cầm ảnh trong tay, cất giữ chúng hay để chúng dưới đệm”.
Trên thực tế Hefner từng nghĩ tới việc sử dụng công nghệ 3D ngay khi ông sáng lập tạp chí Playboy vào thập niên 50.
“Tôi đã thuê một nhiếp ảnh gia chụp hình hai phụ nữ khỏa thân để làm ảnh 3D tại thành phố Chicago. Nhưng sau đó tôi từ bỏ ý định đó sau khi phát hiện ra rằng tôi sẽ phải chi một khoản tiền cực lớn để có thêm kính 3D”, ông kể.
Nhưng lần này Hefner nhận được sự trợ giúp của kênh HBO. Để quảng bá bộ phim “True Blood”, HBO quyết định tài trợ kính 3D cho Playboy. Tên của bộ phim được in trên tất cả những cặp kính đó. Khi đeo kính, người xem có cảm giác như cô người mẫu gợi cảm trong cuốn tạp chí đang đưa cho họ ly rượu vang mà nàng đang cầm. Ngoài ra mọi thứ mà người xem nhìn thấy có vẻ to hơn so với khi họ không đeo kính.