Chiêu ăn cắp nick YM rồi chat để lừa tiền, card điện thoại hoặc đồ vật giá trị, sau một thời gian im ắng trên mạng, đã quay lại "tung hoành" để lừa vô số teen cả tin.
Lừa tràn lan trên mạng
Trò lừa đảo này đã từng xuất hiện tràn lan trên mạng, và người ta cũng đã ra sức cảnh báo. Nhưng do cả tin và cũng một phần không ngờ là nick người quen đã bị ăn cắp, nhiều teen vẫn ngây thơ đưa tiền, nạp thẻ hoặc chuyển đồ vật giá trị cho kẻ lừa đảo.
Minh Hoàng, một teen sinh năm 1992 đang online thì nick của chị gái vào chat, yêu cầu đưa cho chị 500k luôn, tối về nhà chị sẽ đưa tiền. Hoàng giật mình, vì chị gái Hoàng đang đi công tác ở Sài Gòn, và chị ấy chưa bao giờ vay tiền của em trai cả.
Ngạc nhiên, Hoàng gọi cho chị thì biết tối qua, chị Hoàng đã bị hack nick, do không nhớ được câu hỏi bí mật nên chị ấy đành chấp nhận mất luôn nick. Tới thời điểm Hoàng báo tin thì chị ấy vẫn chưa hề biết, kẻ mượn nick của chị đã vay tiền gần hết bạn bè ở các Group trong list, và với mỗi người, kẻ lừa đảo đều lựa lời rất khôn khéo, khiến ai cũng tưởng chị Hoàng đang cần tiền gấp, và ngay tối nay sẽ trả.
Hiện tượng ăn cắp nick để lừa tiền không còn quá mới mẻ. Kẻ lừa đảo chắc chắn biết có biết mang máng về nạn nhân, về một số mối quan hệ thân thiêt của họ, và rất khéo léo trong cách xưng hô rồi gài gắm hoàn cảnh đang cần gấp tiền, cần nạp thẻ. Sau đó kèm theo lời hứa chắc nịch rằng sẽ trả tiền rất sớm, chỉ tối nay hoặc ngày mai là sẽ có tiền, vì thế mà nếu không cảnh giác hoặc biết trước về loại lừa đảo này, teen dễ dàng "thí mạng" ngay.
Chiều nay, điện thoại của H.Lâm (17 tuổi, Trần Phú) cứ reo inh ỏi vì tin nhắn "Gửi rùi nhá!" của một số bạn bè thân. Giật mình, Lâm gọi lại mới biết, trong lúc cậu đang miệt mài ở lớp học thêm thì một kẻ đã hack nick Lâm, vào hầu hết nick trong Group Friends để nhờ mua thẻ Võ Lâm và thẻ điện thoại. Với mỗi nick, kẻ lừa đảo đều sử dụng giọng lưỡi khác nhau.
Lâm bức xúc kể lại "Nó còn biết rõ nick đứa bạn thân của tớ ở Sài Gòn nên vào à ơi bảo gửi thẻ điện thoại. Khổ thân đứa bạn tớ, cứ tưởng thật vì nó cũng xưng hô mày, tao thân thiết. Bạn tớ chạy ra mua thẻ rồi gửi mã số ngay sau đó 5p, đến lúc nhắn tin hỏi tớ thì mới ớ người ra biết mình bị lừa!".
Nick của Lâm đã bị hack để lừa thẻ Võ Lâm và điện thoại
L.P, một teen lớp 12 cũng mới trở thành nạn nhân, khi cầm 300k đưa cho một kẻ lạ hoắc, tự xưng là đồng nghiệp của "anh rể" đến lấy tiền hộ "anh rể" đang cần gấp để lo việc cho chị gái. Nick anh rể P bị hack nhưng chẳng ai trong list biết, ngoài L.P, còn có 3 người bạn của nạn nhân lần lượt đưa tiền cho "anh đồng nghiệp" số tiền từ 300-700k.
Bị mang tiếng nhất từ trò cướp nick này có lẽ là B.Thanh (cựu học sinh trường Lương Thế Vinh). Kẻ lừa đảo sau khi hack nick, đã chọn nick của cậu bạn rồi yêu cầu đưa máy ảnh để Thanh chụp ảnh cho trường. Cậu bạn thân cả tin không chút nghi ngờ, đưa máy ảnh cho "chị gái của Thanh" mà không biết rằng đó chính là kẻ lừa đảo hoặc đồng phạm. Bạn thân bị mất máy ảnh, Thanh phải chạy vạy khắp nơi để đền cho bạn để không bị mang tiếng lừa đảo, mặc dù cậu cũng chỉ là nạn nhân bị hack nick.
Cẩn thận là trên hết
Kẻ lừa đảo có rất nhiều cách để hack nick của bạn. Đặt keylog, gửi file qua YM, sau khi click vào file thì keylog sẽ tự động cài đặt, gửi mail trúng thưởng nhưng thực chất là câu thông tin cá nhân. Một số trường hợp, thủ phạm chính là bạn bè quen biết với nạn nhân, dù chỉ quen biết trên mạng cũng đủ để chúng xin xỏ, mượn nick "có việc gấp lắm, mượn chút rồi trả ngay". Nhiều bạn bị mất nick khi ngồi hàng net, thủ phạm ngồi cạnh, "tinh mắt" đến mức soi được tay bạn đánh pass gì rồi cứ thế ung dung đợi bạn out là "hành động" ngay.
Vì vậy, tốt nhất là không nên tò mò click chuột vào bất cứ file lạ hoặc bất cứ mail yêu cầu khai báo thông tin cá nhân nào. Nên có một mail phụ để biết nick bạn có bị ăn cắp và thay pass hay không, Yahoo sẽ gửi mail thông báo khi có sự thay đổi pass từ nick của bạn, và nhất định phải nhớ câu hỏi bí mật nữa.
Sau những quả lừa "ngọt nước" qua nick, mới thấy teen mình còn quá cả tin và dễ bị lừa. Chỉ vay tiền qua nick mà nhiều bạn cũng sẵn sàng rút ví, kể cả số tiền lên tới vài trăm ngàn. Cũng không trách được teen vì kẻ lừa đảo toàn chọn những Group thân quen như Best fri, anh chị, family…, tâm lý thấy anh/chị hoặc em mình, bạn thân có việc cần tiền thì ai mà chẳng muốn giúp đỡ, chẳng lẽ người thân, người nhà mà còn gọi lại để xác minh. Nắm được tâm lý ấy, kẻ lừa đảo cứ ung dung mà nhận tiền, nhận thẻ và đồ vật giá trị.
Đây không phải là lần đầu tiên, trò cướp nick lừa tiền tung hoành trên mạng. Có rất nhiều lời cảnh báo được đưa ra, nhưng do cả tin, vẫn có teen bị lừa thảm hại. Một lần nữa, lòng tin của teen mình cần được đặt đúng chỗ, đừng để đến lúc phát hiện ra thì tiền đã kịp mất và thủ phạm đã cao chạy xa bay.