Ngày 2/7, một tên lửa Proton-M không người lái của Nga đã bay chệch khỏi quỹ đạo và nổ tung thành một quả cầu lửa ngay sau khi được phóng lên khỏi sân bay vũ trụ Baikonur ở Kazakhstan.
Ngay sau khi được phóng lên, tên lửa này bị lệch sang một bên và tìm cách tự điều chỉnh hướng bay, tuy nhiên nó lại bị lệch sang hướng ngược lại. Sau đó nó bay ngang và bắt đầu rơi xuống với động cơ tên lửa hoạt động ở mức cực đại.
Quả tên lửa này lượn một vòng cung lớn trên bầu trời rồi lao thẳng xuống đất và phát nổ sau khi va chạm với một bãi phóng khác dùng cho tên lửa Proton thương mại.
Vụ nổ này được truyền hình trực tiếp trên toàn nước Nga và đang làm dấy lên nỗi quan ngại về khả năng rò rỉ nhiên liệu độc hại sau tai nạn này. Tên lửa này mang theo hơn 600 tấn nhiên liệu đẩy độc hại, tuy nhiên chưa có hiện tượng rò rỉ nào như vậy được xác nhận.
Theo thông tin ban đầu, vụ nổ này không gây ra thiệt hại gì cho các cơ sở xung quanh và thị trấn Baikonur không bị ảnh hưởng.
Theo hãng tin RIA Novosti, tên lửa Proton-M này mang theo 3 vệ tinh phục vụ cho Hệ thống Vệ tinh Định vị Toàn cầu của Nga, hay còn gọi là Glonass. Glonass là sản phẩm của Nga đối trọng với hệ thống định vị toàn cầu GPS của Mỹ. Vụ tai nạn này đã “nướng” của ngành hàng không vũ trụ Nga khoản chi phí khoảng 200 triệu USD.
Năm 2010, một tên lửa Proton-M khác mang theo 3 vệ tinh của Nga cũng đã đâm xuống Thái Bình Dương. Nhà chức trách Nga đã đình chỉ các vụ phóng tên lửa này trong tương lai cho đến khi điều tra được nguyên nhân gây ra vụ nổ.