[justify]Theo lẽ thường, ít có bộ phim Việt nào lại không bị đem ra săm soi, so sánh, nhất là các tác phẩm được chuyển thể từ kịch bản nước ngoài và phim cổ trang. Thiên mệnh anh hùng không phải ngoại lệ. Ngay sau khi tung trailer hoành tráng thu hút kha khá sự quan tâm của khán giả nước nhà thì bộ phim này đã bị đem ra phân tích, mổ xẻ. Cùng xem khán giả “kết tội” gì Thiên mệnh anh hùng nhé.
Kịch bản không tôn trọng lịch sử
Thiên mệnh anh hùng là bộ phim võ hiệp được sản xuất dựa trên tiểu thuyết Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn. Tác phẩm kể lại vụ án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Gia đình ông chỉ còn đứa cháu nội sống sót. 20 năm sau, anh ta tìm cách minh oan cho gia đình. Bức huyết thư dựa trên một phần lịch sử, đồng thời sử dụng phương pháp hư cấu văn học tạo nên cốt truyện hấp dẫn.
Bối cảnh phim cực đẹp
Chính yếu tố hư cấu này đã khiến nhiều khán giả thất vọng vì Thiên mệnh anh hùng làm sai sử. Thứ nhất, trong phim sau khi thoát chết lúc tròn 5 tuổi, 16 năm sau (tức lúc này anh ta 21 tuổi) Trần Nguyên Vũ (cháu nội Nguyễn Trãi) đã xuống núi, tìm cách minh oan cho gia tộc. Khán giả cho rằng trên thực tế, dựa vào thảm án Lệ Chi Viên (1442) và thời điểm Nguyên Vũ đi trả thù (khoảng 1470 – 1475), anh ta phải tầm 28 – 33 tuổi.
Thứ hai, việc phóng tác hậu duệ của Nguyễn Trãi đi trả thù cho gia tộc khiến hình ảnh kiên trung của ông và sự công minh của vua Lê Thánh Tông bị ảnh hưởng. Phim lịch sử thì phải giữ đúng lịch sử, không cho phép sự hư cấu, tưởng tượng.
Trần Nguyên Vũ
Nhưng Thiên mệnh anh hùng không phải là phim tài liệu lịch sử. Ngay từ đầu, nhà sản xuất đã khai thác một hướng đi hoàn toàn khác với câu chuyện có thật. Đạo diễn Victor Vũ cho biết: Thiên mệnh anh hùng đi theo phong cách võ hiệp – hành động – trinh thám. Thế nên, phim có những yếu tố hư cấu để làm tăng tính hấp dẫn, không thể vì vậy mà quy kết là không tôn trọng lịch sử.
Mặt khác, văn học Việt Nam từ xưa đến nay vốn không thiếu những truyện võ hiệp – kỳ tình. Bức huyết thư chỉ là một trong số đó. Hơn nữa, Bức huyết thư chỉ kể lại quá trình Nguyên Vũ minh oan cho dòng tộc chứ thực chất không kể chuyện anh ta báo thù.
Nguyên Vũ và nữ hiệp Hoa Xuân
Khán giả Việt có cái hay ở chỗ: Nếu là phim hiện đại, kịch bản lãng mạn một chút thì đem so sánh với Hàn Quốc, còn phim cổ trang thì lấy ngay Trung Quốc ra làm thước đo. Đã đem so sánh với Trung Quốc thì chúng ta cũng cần phải nhớ, rất nhiều phim dã sử của họ không hề bị khán giả quay lưng vì hư cấu (các phim nổi tiếng Hoàng Kim Giáp, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, Thủy Hử, Bao Thanh Thiên…). Nếu chỉ làm một bộ phim lịch sử thuần túy, chắc chắn sẽ không được cả khán giả Trung Quốc và Việt Nam yêu thích như vậy.
Trang phục “bắt chước” Trung Quốc
Trang phục trong phim bị cho là giống với trang phục của Trung Quốc cổ xưa. Bị đem ra so sánh nhiều nhất chính là phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Nhiều khán giả cho rằng: nó rất giống trang phục của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc như Võ Tắc Thiên, Phượng Ớt (Hồng Lâu Mộng)… Hoàng thái hậu của họ vấn tóc chim công, chim phượng thì Thái hậu Nguyễn Thị Anh cũng y chang.
Thái hậu Nguyễn Thị Anh…
…bị so sánh với một nhân vật trong phim Trung Quốc
Theo lịch sử ghi chép, Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh là người đàn bà xinh đẹp, đầy mưu mô và xảo trá, bị nghi ngờ là chủ mưu sát hại vua Lê Thái Tông trong vụ án Lệ Chi Viên. Là người đàn bà nham hiểm và quyền lực - bậc mẫu nghi thiên hạ, Tuyên từ Thái hậu không thể ăn mặc xuề xòa, áo yếm, váy nâu, trùm khăn mỏ quạ được.
Hơn nữa không thể phủ nhận văn hóa Việt Nam có ảnh hưởng rất nhiều từ văn hóa Trung Hoa do bị Bắc thuộc nhiều năm, Thái hậu vấn tóc phượng có gì là lạ. Thiên mệnh anh hùng dựng lại giai đoạn lịch sử thời Lê sơ – Mạc. Đây là thời kỳ Việt Nam bị ảnh hưởng Nho giáo sâu sắc cho nên một bà hoàng hậu mặc trang phục “gần giống” Trung Quốc không phải điều đáng lên án.
Ai nói giống Trung Hoa?
Nói trang phục không “thuần Việt” thì hơi oan cho Thiên mệnh anh hùng. Bởi trang phục của nữ hiệp Hoa Xuân (Midu đóng) đúng chất Việt Nam, khi luyện võ hay trong cuộc sống đời thường đều rất giản dị. Nguyên Vũ – người duy nhất trong gia đình Nguyễn Trãi thoát nạn tru di cũng diện quần áo nâu, đầu chít khăn nâu. Hoa Hạ (Kim Hiền đóng) để mái giữa, tóc dài buộc chẳng có một chút Trung Hoa nào trong đó.
Đừng nên quá khắt khe với điện ảnh nước nhà
Những phim cổ trang ngày trước như Lục Vân Tiên bối cảnh sơ sài, phục trang đơn giản, võ nghệ ngô nghê đến tức cười. Khán giả chê và lại đem ra so sánh với Trung Quốc, rằng phim của họ hoành tráng, có đầu tư, xem phim biết nhiều về lịch sử đất nước Trung Hoa. Đến khi nước mình làm một bộ phim kiếm hiệp, xem trailer đã thấy thích mắt với những cảnh quay ấn tượng thì ngay lập tức, khán giả đã săm soi xem tác phẩm ấy giống… phim Trung Quốc đến bao nhiêu phần trăm.
Cảnh thiên nhiên Việt Nam hùng vĩ chẳng kém nước ngoài.
Trước đây, cứ nói đến phim cổ trang Việt Nam là nhiều khán giả lại e ngại, đơn giản bởi vì những bộ phim đó nội dung quá sơ sài, cách thể hiện cũ mèm. Thiên mệnh anh hùng là bộ phim hiếm hoi mà khi vừa tung trailer đã khiến nhiều khán giả trầm trồ vì… đẹp quá. Thiên nhiên Việt Nam lên phim cực đẹp và ấn tượng, nhiều khán giả lầm tưởng là phim cổ trang Trung Quốc.
Nhưng thực tế điều này có gì sai khi chúng ta học hỏi cách làm của một nền điện ảnh xuất sắc trên thế giới? Đừng nói đó là copy bởi các cảnh quay hoàn toàn được thực hiện ở Việt Nam. Đoàn làm phim đã phải đi khắp nơi trên Tổ quốc để tìm được những bối cảnh đẹp như vậy.
Kết
Với một tác phẩm điện ảnh cổ trang hoành tráng như Thiên mệnh anh hùng, hy vọng khán giả đừng quá khắt khe. Đây là bộ phim hoàn toàn "made in Việt Nam" vì thế rất mong người xem hãy mở lòng đón nhận. Phải như thế, các nhà làm phim mới có động lực để làm nhiều bộ phim chất lượng tiếp theo. Chúng mình hãy cùng ủng hộ Thiên mệnh anh hùng và cùng tự hào về phim cổ trang kiếm hiệp không hề thua kém nước ngoài của Việt Nam nhé.
[/justify]
Chia sẻ