Đó là quan điểm của các nhà khoa học tại Hà Lan, những người đã tạo nên một loại thịt nhân tạo với đặc điểm ưu việt là vừa cung cấp năng lượng cần thiết cho con người như thịt thông thường, vừa giúp bảo vệ môi trường và xử lý nhiều vấn đề khác.
Trong lịch sử tiến hóa của nhân loại, chúng ta săn bắn động vật để có thịt ăn. Rồi chúng ta phát triển cách thức chăn nuôi chúng để đảm bảo nguồn thịt. Giờ nhân loại đang đứng trên một ngưỡng đột phá mới, khi chuẩn bị sản xuất ra thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm.
Thịt-không-đau ra đời
Tuần qua, các nhà khoa học đã tụ họp tại Gothenburg, Thuỵ Điển, để vạch ra kế hoạch cho ra đời loại thịt phục vụ cho nhân loại mà không cần tới quy trình giết mổ. Ý tưởng về một loại thịt-không-đau đã xuất hiện và được bàn nhiều trong vòng một thập kỷ qua. Nhưng rốt cục thì chưa có ai có thể cho ra đời một loại thịt từ ống nghiệm đúng nghĩa.
Song tình hình hiện đã đổi khác và theo Mark Post, một giáo sư thuộc Đại học Maastricht của Hà Lan, những chiếc xúc xích làm từ thịt lợn nhân tạo đầu tiên sẽ ra đời sau 6 tháng nữa và hamburger làm từ thịt bò nhân tạo sẽ trình làng sau 1 năm.
Những chiếc xúc xích làm từ thịt nhân tạo đầu tiên được dự báo sẽ ra đời sau 6 tháng nữa |
Kết quả là các tế bào gốc đã phát triển thành những sợi giống với phần cơ có trong thịt nạc của lợn, mỗi sợi dài 2,5cm và rộng 0,7cm. Mỗi ngày Post lại tự mình giúp những miếng thịt nhân tạo này vận động để nó có các đặc tính giống cơ bắp thực. Tuy nhiên chúng hiện vẫn chỉ có màu trắng nhợt, không được ngon lành như các miếng thịt “chính hiệu” thông thường. “Thịt nhân tạo có màu trắng vì trong nó không có máu và rất ít sắc tố. Chúng tôi sẽ tìm ra cách tăng cường lượng sắc tố để thịt có màu tươi đẹp hơn trong tương lai gần” - Post nói với tờ New Scientist.
Hamburger giá 300.000 USD
Giáo sư Post nói rằng công nghệ mới vẫn còn xa mới có thể đi vào sản xuất hàng loạt theo quy trình công nghiệp và chi phí hiện nay để tạo nên một chiếc hamburger nhân tạo đầu tiên có thể lên tới 300.000 USD. Nhưng một khi thịt đã sẵn sàng để sản xuất công nghiệp, giá thành nó sẽ giảm rất mạnh.
Một trở ngại lớn nhóm nghiên cứu gặp phải hiện nay là các tế bào gốc của con lợn dùng trong nghiên cứu mới chỉ phân chia được từ 20-30 lần trước khi chúng ngừng lớn lên tiếp. Song các nhà khoa học tới từ Đại học Utrecht của Hà Lan đã có hướng xử lý vấn đề này, bằng cách trích ra một loại tế bào gốc khác cùng từ cơ lợn, còn được gọi là tế bào gốc cơ bắp (MDPC). Với khởi điểm chừng 1.000 tế bào gốc MDPC, chúng có khả năng phân chia lên thành vài tỉ tế bào khác nhau chỉ trong quãng thời gian kéo dài chừng 3 tháng.
Một mẫu thịt nhân tạo sinh ra từ phòng thí nghiệm của Post |
Sự lựa chọn duy nhất cho tương lai?
Các nhà khoa học cho rằng việc quy mô dân số không ngừng tăng lên có nghĩa rằng các nông trại của chúng ta sẽ sớm lâm vào cảnh không sản xuất đủ thịt cho tất cả mọi người. Ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới cũng đã dự báo rằng việc tiêu thụ thịt sẽ tăng gấp đôi vào năm 2050 và chi phí ngày càng tăng cao trong việc chăn nuôi động vật sẽ khiến giá thịt tăng phi mã. Vì thế việc sử dụng thịt bò, thịt lợn, cừu và gà nhân tạo sẽ là hướng đi của tương lai.
Chuyển việc sản xuất thịt từ các trang trại tới phòng thí nghiệm cũng sẽ giúp cắt giảm hàng tỉ tấn khí nhà kính do việc nuôi gia súc thải ra, trong khi cần ít hơn 99% lượng đất so với hoạt động chăn nuôi.
Ngoài ra nếu các nhà khoa học thành công, kỹ thuật của họ thậm chí có thể tạo ra thịt của các loại động vật hiếm và bị đe dọa, qua đó mở đường cho các sản phẩm như hamburger thịt gấu trúc hoặc các sản phẩm hiếm tương tự ra đời.
Bất chấp những tranh cãi về đạo đức quanh việc nghiên cứu tế bào gốc, các nhà khoa học tin rằng chúng ta sẽ không tránh khỏi việc phải dùng tới nó để tạo ra một loại thịt nhân tạo cho tương lai. “Tôi không thấy có bất kỳ cách nào bạn có thể dựa vào cách chăn nuôi truyền thống trong những thập kỷ tới để đáp ứng cho nhu cầu của nhân loại. Thịt nhân tạo nuôi cấy trong phòng thí nghiệm sẽ là sự lựa chọn duy nhất còn lại” - ông nói.