Mối liên hệ giữa loãng xương và thoái hóa cột sống lưng

Quá trình loãng xương kéo dài trong nhiều năm, sau 30 tuổi xương bắt đầu thoái hóa, mất dần khoáng xương. Thường ở tuổi từ 40 đến 70 thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Đau xảy ra sớm hơn ở những người làm công việc nặng nhọc hoặc phụ nữ. Loãng xương làm các đốt sống giòn, dễ gãy, thoái hóa, dễ lún gây đau cột sống kéo dài và thường xuyên, đau sẽ nhiều hơn khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và đỡ đau khi nằm nghỉ. Đôi khi cũng xuất hiện những cơn cấp tính dữ dội.
Dự phòng loãng xương
Việc dự phòng loãng xương cần được đặt ra ở tất cả các lứa tuổi, bao gồm tăng cường dinh dưỡng, đảm bảo đủ chất calci, vitamin D và các yếu tố vi lượng. Rèn luyện thể lực thường xuyên đều đặn sẽ giúp xương chắc khoẻ, làm tăng mật độ xương và làm giảm sự mất xương. Cần bỏ các thói quen xấu có thể làm tăng nguy cơ gẫy xương như hút thuốc lá, uống rượu (nhiều nghiên cứu đã chứng tỏ sử dụng các chất này nhiều làm tăng nguy cơ gẫy cổ xương đùi).
Với người già cần chú ý tới phòng nguy cơ ngã do mắt kém, hệ xương khớp không còn hoạt động tốt như người trẻ. Dự phòng loãng xương cần được chú ý đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh khớp mạn tính, bệnh bộ máy vận động gây cản trở các hoạt động, sinh hoạt bình thường hoặc các bệnh có sử dụng các thuốc glucocorticoid kéo dài như viêm khớp dạng thấp, viêm cột sống dính khớp,… Ở phụ nữ mãn kinh do có nguy cơ mất xương cao, ngoài bổ sung calci, vitamin D thì cần lưu ý đến liệu pháp thay thế hormon dự phòng.
Nguồn: http://nhathuocnghiahung.com/thoai-hoa-cot-song-lung-do-loang-xuong-detail.htm